Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở khu vực đồng bằng sông Hồng hiện nay

NGÔ VĂN HÙNG
Khoa Khoa học chính trị, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
22:41, ngày 10-04-2021

TCCS - Thực hiện chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công việc huấn luyện cán bộ là “công việc gốc của Đảng”, quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, các tỉnh ủy, thành ủy ở khu vực đồng bằng sông Hồng luôn coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt là một trong những khâu quan trọng của công tác cán bộ. Tuy nhiên, hiện nay công tác này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở khu vực đồng bằng sông Hồng thời gian qua

Thực hiện các chủ trương của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ, nghị quyết đại hội đại biểu đảng bộ các tỉnh, thành phố, tiêu chuẩn cán bộ, công chức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và kết quả công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy ở khu vực đồng bằng sông Hồng đã có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao giấy khen cho các học viên lớp cao cấp lý luận chính trị không tập trung đạt danh hiệu “học tập giỏi, rèn luyện tốt” tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh_Nguồn: hcma.vn

Các loại hình bồi dưỡng phong phú, ngày càng đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn đang đặt ra. Bước đầu đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, như tập trung dài ngày, ngắn ngày, trong giờ hành chính, ngoài giờ hành chính, bồi dưỡng lồng ghép vào chương trình đào tạo, phối hợp để thực hiện chương trình bồi dưỡng. Đã chú ý kết hợp giữa cập nhật, bổ sung, hiện đại hoá kiến thức với trang bị phương pháp mới; giữa học tập lý luận với tham quan, khảo sát thực tế. Bước đầu đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, hướng phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên. Đẩy mạnh phương pháp giảng dạy nêu vấn đề, tăng cường thời gian thảo luận, đối thoại, nêu tình huống, thực hành công việc. Nhiều cơ sở đào tạo đã áp dụng các công cụ hỗ trợ như đèn chiếu, powerpoint. Thực hiện phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, lý thuyết gắn với thực hành công việc, liên hệ, vận dụng lý luận với thực tiễn lãnh đạo, quản lý địa phương, đơn vị. Các bộ, ngành, địa phương tích cực mở rộng hợp tác hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ở trong nước và nước ngoài để nâng cao chất lượng bồi dưỡng. Hình thức bồi dưỡng qua từng năm ở các địa phương cũng có những thay đổi, ngày càng phù hợp hơn, từ chỗ học viên chỉ nghe giảng trên lớp, thảo luận, những năm qua đã bố trí kết hợp giữa học lý thuyết với trao đổi kinh nghiệm và đi nghiên cứu thực tế, khơi dậy được tính tích cực, sáng tạo của học viên, giúp học viên nắm vững hơn kiến thức được trang bị. Nhờ tăng cường công tác quản lý, đổi mới phương pháp, nội dung bồi dưỡng, cũng như cách thức kiểm tra nên chất lượng giảng dạy từng bước được nâng lên. Nhìn chung, các lớp bồi dưỡng cho đối tượng cán bộ diện ban thường vụ tỉnh, thành ủy quản lý mở tại các địa phương đều được tổ chức, quản lý chặt chẽ, dạy và học nghiêm túc, bảo đảm chất lượng hơn trước đây. Kết thúc mỗi khóa học đều có kiểm tra, đánh giá xếp loại và cấp giấy chứng nhận theo hướng dẫn, quy định của Trung ương.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng bám sát mục tiêu của chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Theo đó, nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, như tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo; cập nhật kiến thức mới và kiến thức quốc phòng - an ninh. Đã xây dựng được một số chương trình bồi dưỡng mới góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, như khung chương trình bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực; bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu kinh điển Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; bồi dưỡng tin học; bồi dưỡng ngoại ngữ; bồi dưỡng cập nhật kiến thức theo chuyên ngành, bồi dưỡng nghiệp vụ tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo, dân vận.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ sở đào tạo trực thuộc đã xây dựng được đội ngũ giảng viên tương đối ổn định, có chất lượng chuyên môn cao. Nhiều người là cán bộ khoa học chủ chốt, chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm và uy tín trong giảng dạy lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, Học viện còn mời các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học có uy tín ở các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học, tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng của Học viện.

Các bộ, ngành đã xây dựng đội ngũ giảng viên và giảng viên kiêm nhiệm tương đối ổn định, thường xuyên nâng cao trình độ, cập nhật các thông tin khoa học, quản lý, kỹ năng, phương pháp giảng dạy,... cho đội ngũ giảng viên.

Đội ngũ giảng viên của các trường chính trị ở các tỉnh, thành phố được đào tạo cơ bản, tăng cả về số lượng và chất lượng; số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ, thạc sĩ ngày càng tăng so với trước đây và thường xuyên được bồi dưỡng về nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy. Đã xây dựng được một đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, phần lớn là các đồng chí ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, nên chất lượng đào tạo, bồi dưỡng từng bước được nâng lên.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khai giảng lớp đào tạo giảng viên lý luận chính trị_Ảnh: TTXVN

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở khu vực đồng bằng sông Hồng còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế sau:

Thứ nhất, về tổ chức chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố ở  khu vực đồng bằng sông Hồng.

Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa đồng bộ, vừa cồng kềnh, nặng nề, vừa phân tán; công tác quản lý đào tạo thiếu thống nhất, thiếu sự liên thông, gắn kết giữa hệ thống giáo dục, đào tạo chung với hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ thiếu cân đối, lệch giữa các lĩnh vực, ngành nghề. Hình thức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm được đổi mới; thời gian học tập còn dài, nặng về trang bị những vấn đề lý luận, thiếu thực tiễn; chưa chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, khả năng thực hành, xử lý tình huống và yếu về đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh.

Chất lượng giảng viên ở các trường chính trị tăng không tương xứng với việc tăng lên về số lượng, nhất là về kiến thức thực tiễn. Việc học tập, khảo sát, nghiên cứu ở nước ngoài chưa thiết thực, hiệu quả chưa cao, nặng về tham quan, thực hiện chính sách, gây tốn kém, lãng phí. Chưa mở rộng việc đào tạo lý luận chính trị cho các đối tượng ngoài Đảng.

Nhiều người đi học có tư tưởng “nặng” về bằng cấp, coi “nhẹ” về kiến thức; học chỉ để thực hiện “chuẩn hoá cán bộ” mà không thiết thực phục vụ cho công việc đang làm, dẫn đến mâu thuẫn giữa bằng cấp với trình độ, năng lực thực tế. Có tình trạng trong nhiều cơ quan, đơn vị là người làm được việc thì không được hoặc không có thời gian đi học, người “nhàn” thì học hết lớp này đến lớp khác, dẫn đến tình trạng người làm được việc thì ít bằng cấp, người làm việc kém hiệu quả lại có đủ các văn bằng, khi không được bố trí tương xứng với “bằng cấp” thì nảy sinh tâm tư, thắc mắc.

Thứ hai, về nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng tuy có bước đổi mới nhưng còn chậm so với yêu cầu phát triển của thực tiễn, thiếu nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết đối với từng chức danh cán bộ; chưa kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn; giữa tiếp thu kiến thức với việc vận dụng vào hoạt động thực tiễn và tổng kết thực tiễn đổi mới của đất nước. Việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chưa được coi trọng đúng mức; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học còn nhiều hạn chế.

Hệ thống chương trình tài liệu còn chồng chéo, trùng lặp, dàn trải, chưa quan tâm kết hợp đào tạo, bồi dưỡng về tâm lý học, xã hội học và kỹ năng xử lý công việc thực tiễn ở cơ sở. Nội dung của một số chương trình có chất lượng chưa cao, chưa bám sát thực tiễn, chưa phù hợp với đối tượng cán bộ từng vùng, miền, địa phương, cơ sở, chưa thiết thực cho người học, chưa quán triệt sâu sắc quan điểm đào tạo cơ bản, bồi dưỡng theo chức danh.

Nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nặng về lý thuyết, phần kỹ năng xử lý các tình huống điển hình còn hạn chế, một số chương trình bồi dưỡng chưa thống nhất, chưa phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, ngạch, bậc cán bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra; nhiều nơi chưa chú trọng bồi dưỡng cán bộ công tác ở các đoàn thể chính trị - xã hội; một số chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ chưa có giáo trình thống nhất, cập nhật thông tin còn chậm. Số lượng các lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học, cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng theo chức danh còn hạn chế.

Thứ ba, về đội ngũ giảng viên.

Ở nhiều nơi, cơ cấu đội ngũ giảng viên, viên chức chưa hợp lý, số cán bộ làm công tác quản lý, hành chính chiếm tỷ lệ cao. Đội ngũ giảng viên còn thiếu, nhất là giảng viên có chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tế. Một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sử dụng giảng viên kiêm nhiệm, chất lượng chưa cao, còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp sư phạm. Một số giảng viên, báo cáo viên còn hạn chế về phương pháp, kỹ năng chuyên môn, kiến thức thực tiễn và tri thức khoa học mới, nên chất lượng giảng dạy còn thấp, học viên còn bị thụ động. Chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng nói chung và chính sách thu hút cán bộ, giảng viên giỏi còn nhiều bất cập.

Các tỉnh ủy, thành ủy ở khu vực đồng bằng sông Hồng luôn coi công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt là một trong những khâu quan trọng của công tác cán bộ_Ảnh: Tư liệu

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở khu vực đồng bằng sông Hồng

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở khu vực đồng bằng sông Hồng, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, đổi mới nội dung, chương trình và tài liệu bồi dưỡng.

Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng là vấn đề cốt lõi. Suy cho cùng, điều này có cơ sở từ chính yêu cầu của thực tiễn, trong đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cán bộ nói chung cũng như đội ngũ cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng cần gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành, bảo đảm hiệu quả thiết thực. Đó là bồi dưỡng phải phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có lộ trình thích hợp với tiến trình cải cách hành chính ở nước ta hiện nay. Nội dung, chương trình, bài giảng, tài liệu bồi dưỡng phải khuyến khích các cán bộ độc lập suy nghĩ, tìm tòi nhằm nâng cao năng lực tư duy và bản lĩnh cán bộ.

Về nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần trả lời được câu hỏi là: Trang bị kiến thức gì? Dung lượng như thế nào để đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người học theo từng loại đối tượng cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở khu vực đồng bằng sông Hồng? Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng được coi là có chất lượng nếu có khả năng đáp ứng được mục tiêu bồi dưỡng phù hợp với trình độ, sự tiếp thu và thoả mãn nhu cầu của người học, cần trang bị những kiến thức để đáp ứng được nhiệm vụ thực tiễn đòi hỏi; đồng thời, thích ứng với các điều kiện và nguồn lực, khả năng xây dựng, đổi mới nội dung, chương trình của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong điều kiện thực tế cho phép. Thực tế cho thấy, đây là vấn đề hết sức quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu vì nội dung, chương trình liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Hai là, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng.

Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng bao gồm việc kết hợp phương pháp truyền thống với phương pháp hiện đại và việc áp dụng các phương pháp đối thoại, đàm thoại..., chuyển dần từ phương pháp thông tin một chiều sang thông tin hai chiều bằng trao đổi, đối thoại giữa giảng viên với học viên và tổ chức các bài tập tình huống. Đa số cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở khu vực đồng bằng sông Hồng là những người nhiều tuổi có kiến thức và kinh nghiệm quản lý. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, phương pháp tình huống nên được áp dụng nhằm trang bị cho họ những tình huống xử lý, qua đó để họ hiểu sâu hơn về lý thuyết, cơ sở khoa học, củng cố, bồi dưỡng kỹ năng, cách thức quản lý và họ sẽ tự thay đổi bản thân mình trong hoạt động công vụ. Tình huống bắt buộc học viên phải đi tìm dữ liệu trong quản lý gắn với thực tiễn, bởi vì các dữ kiện không có sẵn, từ đó, học viên có thể lựa chọn được cho mình những giải pháp giải quyết thích hợp.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng phương pháp tình huống sẽ giảm bớt khối lượng giảng dạy về lý thuyết và nâng cao khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn giúp cho người học rút ra những kinh nghiệm từ các phương pháp giải quyết vấn đề của những người trước, giảm bớt lối học thụ động; nâng cao khả năng suy luận tổng hợp, nhìn nhận và phân tích vấn đề một cách toàn diện.

Ba là, xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên đủ về số lượng và có chất lượng tốt.

Chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng tùy thuộc rất lớn vào đội ngũ giảng viên, báo cáo viên. Đây là những người vừa tham gia vào quá trình biên soạn nội dung, chương trình, tài liệu, bài giảng, vừa trực tiếp truyền thụ kiến thức cho người học. Do đó, cần kiện toàn tổ chức, bảo đảm cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên trong hệ thống các cơ sở đào tạo, nhất là các trường chính trị có số lượng đủ, cơ cấu hợp lý; thực hiện tiêu chuẩn hóa về phẩm chất chính trị, đạo đức, nghề nghiệp, về trình độ kiến thức và năng lực chuyên môn, về phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên; bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên; đổi mới và thực hiện tốt các chính sách đối với giảng viên, báo cáo viên thực hiện công tác bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý ở khu vực đồng bằng sông Hồng./.