Phát triển Trung tâm năng lượng tái tạo tỉnh Ninh Thuận

TS. Đoàn Văn Bình - PGS, TS. Bùi Văn Huyền - Nhóm tác giả*
Viện Khoa học năng lượng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Ban Kinh tế Trung ương
23:09, ngày 14-03-2021

TCCS - Tỉnh Ninh Thuận có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo phong phú, có chất lượng cao; quỹ đất dành cho phát triển năng lượng tái tạo phù hợp và được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thời gian qua, Ninh Thuận đã xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch, hình thành trung tâm năng lượng tái tạo của tỉnh, bước đầu để lại nhiều kinh nghiệm quý cho các địa phương khác khi phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo ở những nơi có lợi thế.

Ninh Thuận đã xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, hình thành trung tâm năng lượng tái tạo của tỉnh_Ảnh: Tư liệu

1. Nghị quyết số 55/NQ-TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị, về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 55) đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo là tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% đến 20% vào năm 2030; 25% đến 30% vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết số 55 đã định hướng nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đồng bộ, trong đó sẽ “hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế”. Đây là giải pháp có tính đột phá để có thể khai thác triệt để và hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo ở những khu vực giàu tài nguyên năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) và có quỹ đất phù hợp để khai thác mà ít cạnh tranh với các nhu cầu sử dụng đất khác.

Thực tiễn phát triển trung tâm năng lượng tái tạo đầu tiên của cả nước ở tỉnh Ninh Thuận cho thấy các kết quả tích cực. Trong thời gian hai năm, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã lắp đặt và đưa vào vận hành 25 dự án điện gió, điện mặt trời, tổng công suất 1.561MW so với toàn quốc là 6.025MW, chiếm 25,9%. Đến cuối năm 2020, tỉnh Ninh Thuận sẽ có 37 dự án đi vào vận hành với tổng công suất 2.473,6MW, trong khi nhu cầu điện của tỉnh về công suất dao động từ 100MW đến 115MW, còn lại là đóng góp cho điện lực quốc gia. Hầu hết các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là đầu tư của các doanh nghiệp ngoài nhà nước, có đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh Ninh Thuận cũng là địa bàn đầu tiên thực hiện đầu tư tư nhân cho đường dây siêu cao áp 500kV để truyền tải điện tái tạo lên lưới điện quốc gia. Tỉnh Ninh Thuận đã kêu gọi đầu tư được 50 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 3.120MW trên diện tích đất 4.349ha, tổng vốn đầu tư 76.089 tỷ đồng và 20 dự án điện gió, tổng công suất 1.510MW trên diện tích đất 286,67ha, tổng vốn đầu tư 36.185 tỷ đồng. Theo Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 55 của Tỉnh ủy Ninh Thuận, đến năm 2030, tổng công suất của các nguồn điện đạt khoảng 13.717MW, sản lượng điện sản xuất có khả năng đạt khoảng 34,8 tỷ kWh. Riêng điện mặt trời, tỉnh dự kiến phát triển 8.442 MW, khi thực hiện thành công sẽ chiếm 42% trong tổng số 20.050 MW(1) tổng công suất lắp đặt điện mặt trời toàn quốc năm 2030 theo kịch bản cơ sở. Những con số trên khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng mang tính đột phá của giải pháp hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế trong Nghị quyết số 55.  

Tuy vậy, “Trung tâm năng lượng tái tạo” chưa được nghiên cứu và quy định đầy đủ tại Việt Nam. Thực tiễn quá trình hình thành và phát triển Trung tâm năng lượng tái tạo của tỉnh Ninh Thuận gặp không ít khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu đồng bộ giữa phát triển các dự án nguồn điện tái tạo (điện gió và điện mặt trời) với phát triển lưới điện truyền tải. Các nhà máy điện mặt trời được đầu tư trong thời gian ngắn (từ 6 tháng đến 12 tháng) trong khi thông thường, thời gian đầu tư các dự án lưới điện truyền tải theo quy định mất khoảng từ 2 năm đến 3 năm đối với đường dây và trạm 110kV, khoảng từ 5 năm đến 6 năm đối với đường dây và trạm 500kV. Lưới truyền tải điện không theo kịp sự phát triển của nguồn phát gây ra hiện tượng nghẽn mạch, khiến các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư thời gian vừa qua không có cơ hội phát hết công suất lắp đặt. Có hơn một nửa số dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhiều thời điểm trong năm 2019 phải giảm công suất phát điện đến hơn 60%, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư nói riêng và cho kinh tế - xã hội nói chung. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang nỗ lực đầu tư lưới truyền tải để đến cuối năm 2020 giải tỏa được hết công suất phát của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tuy vậy, đây mới chỉ là giải pháp tình thế đối với khoảng 2.000MW điện năng lượng tái tạo đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận. Đến nay, vẫn chưa có giải pháp tổng thể phù hợp để có thể giải phóng hết lượng công suất có thể sản xuất theo kế hoạch đến năm 2030. Thách thức trên đây không chỉ ở tỉnh Ninh Thuận mà là vấn đề phổ biến ở các địa phương khác của nước ta, cũng như của các quốc gia khi phát triển trung tâm năng lượng tái tạo. Vấn đề nghẽn mạch trên lưới truyền tải nói trên là một vấn đề kỹ thuật, liên quan đến kết cấu hạ tầng lưới điện truyền tải, nhưng để giải quyết thì lại liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có cơ chế, chính sách nhằm sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo.

Trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân tạo liên kết hệ thống truyền tải 220kV và 500kV, bảo đảm liên kết hệ thống lưới điện quốc gia, đồng thời góp phần quan trọng giải tỏa nguồn công suất từ các nhà máy năng lượng tái tạo đấu nối trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận_Ảnh: TTXVN 

2. Để hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế nhằm khai thác triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, từ thực tiễn triển khai tại tỉnh Ninh Thuận cho thấy, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, quy hoạch phát triển trung tâm năng lượng tái tạo.

Trung tâm năng lượng tái tạo là một vùng địa lý mà ở đó sẽ xây dựng các dự án phát điện năng lượng tái tạo và hệ thống lưới điện để thu gom và truyền tải điện đến lưới điện quốc gia. Theo Luật Quy hoạch hiện hành, các dự án phát điện và truyền tải điện được thực hiện theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Quy hoạch tỉnh sẽ có nội dung về phương án phát triển mạng lưới cấp điện, bao gồm các công trình cấp điện và mạng lưới truyền tải điện đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn, mạng lưới truyền tải và lưới điện phân phối. Ở địa phương được xác định là trung tâm năng lượng tái tạo (như tỉnh Ninh Thuận), năng lượng tái tạo là ngành kinh tế quan trọng trên địa bàn nên là nội dung được coi trọng trong quy hoạch tỉnh. Căn cứ vào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo có chất lượng vào loại tốt nhất cả nước, Tỉnh ủy Ninh Thuận xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 55 với tổng công suất của các nguồn phát điện đến năm 2030 đạt khoảng 13.717MW, sản lượng điện sản xuất có khả năng đạt khoảng 34,8 tỷ kWh trong khi nhu cầu công suất cực đại của tỉnh là 566,7MW; điện thương phẩm 3,2 tỷ triệu kWh. Như vậy, trên 90% sản lượng điện sản xuất tại tỉnh Ninh Thuận sẽ bán lên lưới truyền tải quốc gia. Trong khi đó, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sẽ cân đối cung - cầu điện trong từng giai đoạn, xác định cơ cấu nguồn điện để huy động các nguồn phát và xây dựng lưới truyền tải phù hợp. Việc đồng bộ giữa phát triển các dự án nguồn điện tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận với phát triển lưới truyền tải trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là yêu cầu cấp thiết để hiện thực hóa Nghị quyết số 55. Để giải quyết vấn đề này, cần có quy hoạch chi tiết có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để tích hợp vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, đó là “Quy hoạch phát triển trung tâm năng lượng tái tạo”.

Quy hoạch trung tâm năng lượng tái tạo sẽ đặt mục tiêu khai thác triệt để và hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận theo quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 55 và Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy Ninh Thuận. Đồng thời, sẽ tích hợp phương án phát triển lưới truyền tải thu gom công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo với nội dung về phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch của tỉnh để tạo thành kết cấu hạ tầng năng lượng có thể dùng chung. Tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các dự án phù hợp với yêu cầu huy động nguồn của điện lực quốc gia thông qua các đợt đấu thầu cạnh tranh. Về phía Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương chủ trì, cần thiết phải chỉ định các nút nhận công suất của Trung tâm năng lượng tái tạo tỉnh Ninh Thuận. Quy mô công suất và thời điểm vận hành phù hợp với yêu cầu phát triển điện lực quốc gia. Việc đồng bộ kết cấu hạ tầng lưới điện truyền tải với các dự án phát điện về quy mô công suất và thời điểm vận hành sẽ quyết định thành bại của trung tâm năng lượng tái tạo. 

Thứ hai, cần thúc đẩy việc thu hút nguồn lực cho phát triển hạ tầng lưới điện phục vụ các trung tâm năng lượng tái tạo.

Thực trạng phát triển Trung tâm năng lượng tái tạo tỉnh Ninh Thuận và kinh nghiệm phát triển lưới truyền tải của các trung tâm năng lượng tái tạo đã thành công ở các nước trên thế giới, như Mỹ, Ô-xtrây-li-a cho thấy cần phải có các cơ chế mới để đáp ứng đủ nguồn lực đầu tư hạ tầng lưới điện. Một trong những cơ chế tiềm năng có thể xem xét là huy động đầu tư tư nhân vào khu vực hạ tầng lưới điện truyền tải dựa trên việc phân định rõ phạm vi các công trình hạ tầng lưới điện do nhà nước, mà đại diện là các đơn vị quản lý, vận hành và các công trình do nhà phát triển dự án nguồn điện tự thực hiện đầu tư, xây dựng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nhà phát triển dự án nguồn điện có thể chia sẻ chi phí hạ tầng lưới điện bằng cách đệ trình, được phê duyệt và thiết lập khu vực hạ tầng lưới điện chung để cùng sử dụng phục vụ phát điện vào lưới. Về nguyên tắc, các nhà phát triển nguồn điện sẽ phụ trách đầu tư phần lưới điện từ khu vực nhà máy (hoặc từ khu vực có các cụm nhà máy điện) đến điểm đấu gần nhất của lưới điện quốc gia. Như vậy, sẽ giảm gánh nặng đầu tư của các công ty lưới điện nhà nước, đồng thời bảo đảm tiến độ huy động nguồn điện kịp thời.

Công nhân vận hành Nhà máy điện Phước Thái 1, tỉnh Ninh Thuận_Ảnh: TTXVN

Thứ ba, cần tạo hành lang pháp lý và cơ chế để bảo đảm thu hồi vốn đầu tư vào hạ tầng lưới truyền tải trong quá trình kêu gọi đầu tư tư nhân (xây dựng cơ chế dùng chung phù hợp với cơ chế thị trường).  

Để khu vực tư nhân, chủ yếu là các nhà phát triển nguồn điện, thu hồi chi phí đầu tư vào hạ tầng lưới điện dùng chung, cần tạo hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách mang tính khuyến khích để bảo đảm khả năng thu hồi chi phí và tính thanh khoản của tài sản - là các khoản đầu tư vào hạ tầng lưới điện. Nhà nước trực tiếp hoặc thông qua đơn vị quản lý, vận hành lưới điện truyền tải có thể cung cấp cho họ lựa chọn hình thức nhận thanh toán khoản đầu tư vào hạ tầng truyền tải theo khung giá Nhà nước quy định hoặc một hình thức thanh toán khác. Tuy nhiên, việc thanh toán khoản đầu tư phải được bảo đảm và trong trường hợp lý tưởng nhất, có tính thanh khoản cao, để các nhà đầu tư không gặp khó khăn khi muốn duy trì sự linh hoạt của tài sản với các thương vụ, tối thiểu là bảo toàn được vốn và các chỉ tiêu kinh tế - tài chính đối với hoạt động đầu tư, phát triển nguồn điện. Một lựa chọn thực tế là cho phép quyền nhận khoản thu hồi đầu tư của các nhà đầu tư hoặc nhà phát triển nguồn điện được giao dịch trên thị trường chứng khoán hoặc các nền tảng tài chính hợp pháp như một tài sản. Mặc dù sẽ phải có các quy định cụ thể, chi tiết để điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà đầu tư hạ tầng lưới điện và đơn vị tiếp nhận, quản lý vận hành, thì đây vẫn là một lựa chọn khả thi, có tiềm năng giúp ngành điện có thể thực hiện được các mục tiêu phát triển đã đề ra trong trung và dài hạn. Thực tế phát triển năng lượng tái tạo gần đây cho thấy, một số nhà đầu tư tư nhân đã chủ động nguồn lực để tự xây dựng và vận hành, quản lý các công trình trạm biến áp đến cấp điện áp 500kV. Mô hình này được nhân rộng với cơ sở pháp lý rõ ràng và đầy đủ sẽ tạo điều kiện và triển vọng phát triển lớn hơn đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Thứ tư, tạo động lực thu hút đầu tư vào trung tâm năng lượng tái tạo.

Cần luật hóa tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo đã nêu trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam và tạo điều kiện để các đơn vị có trách nhiệm thực hiện tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo được thuận lợi. Có thể xây dựng cơ chế cấp chứng chỉ phát điện năng lượng tái tạo cho các đơn vị phát điện tái tạo mới thành lập và hình thành thị trường giao dịch chứng chỉ này. Các đơn vị có trách nhiệm thực hiện tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo có thể mua chứng chỉ mà không nhất thiết phải là chủ sở hữu hoặc mua điện trực tiếp từ nhà máy điện năng lượng tái tạo. Thị trường giao dịch chứng chỉ về tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ tạo ra động cơ khuyến khích các nhà phát triển đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện tái tạo có tính khả thi về hiệu quả đầu tư thông qua việc sử dụng các nguồn lực trên thị trường và đầu tư vào trung tâm năng lượng tái tạo là nơi có tiềm năng năng lượng tái tạo tốt nhất. Đồng thời, cũng không khuyến khích xây dựng, phát triển các nhà máy điện năng lượng tái tạo kém hiệu quả kinh tế ở những nơi có tài nguyên năng lượng tái tạo không đủ tốt./.

---------------------------------

*  TS. Nguyễn Quang Ninh, TS. Nguyễn Hoài Nam, TS. Vũ Minh Pháp, ThS. Hoàng Thu Hường

1. Công văn số 2491/BCT-ĐL, ngày 9-4-2020, gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị, đề xuất kéo dài cơ chế giá điện gió cố định tại Quyết định số 39/2018/QA-TTg, ngày 10-9-2018, của Thủ tướng Chính phủ, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, ngày 29-6-2011, của Thủ tướng Chính phủ, về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.