An ninh - chính trị thế giới năm 2009: Bức tranh đầy biến động
TCCSĐT - Năm 2009 đã khép lại, đánh dấu một năm cả thế giới phải gồng mình chống chọi với cơn bão khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu. Thế giới một năm qua cũng chứng kiến nhiều cuộc chính biến, những thay đổi trong chính sách của các quốc gia và sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cường quốc.
Vai trò của các nền kinh tế mới nổi gia tăng rõ rệt
Năm 2009, thế giới chứng kiến 3 sự kiện "lần đầu tiên" chứng tỏ vai trò, vị thế ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi trong việc quyết định các vấn đề mang tính toàn cầu. Đó là:
- Hội nghị cấp cao lần đầu tiên của nhóm BRIC, gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, được tổ chức vào tháng 6-2009 tại thành phố Ê-ca-tê-rin-bua (Nga). Các nguyên thủ của 4 quốc gia này đã quyết định phối hợp hành động nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và thúc đẩy hồi phục kinh tế.
- Tại Hội nghị cấp cao nhóm G8 diễn ra tại La-ki-la (I-ta-li-a), tháng 7-2009, lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển và Nga lần đầu tiên ra tuyên bố chung với 6 nước đang phát triển chủ chốt là Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Mê-hi-cô, Nam Phi và Ai Cập, khẳng định nỗ lực chung nhằm đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu.
- Tại Hội nghị cấp cao tổ chức ở Pít-xbớc (Mỹ) tháng 9-2009, nhóm G20 (gồm các nền kinh phát triển nhất thế giới và các nền kinh tế mới nổi) lần đầu tiên được công nhận là cơ chế ra quyết định trong điều hành kinh tế toàn cầu.
Cả 3 sự kiện này là dấu hiệu cho thấy các nước đang phát triển đã tham gia tích cực hơn, thể hiện vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu, qua đó giảm bớt sự áp đặt của các nước phát triển phương Tây. Theo Giáo sư Giô-dép Nai (Joseph Nye) thuộc Đại học Ha-vớt (Mỹ), việc để G20 đóng vai trò chủ chốt trong giải quyết các vấn đề liên quan đến khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể được coi là "bước quan trọng nhất" trong tiến trình điều hành thế giới năm 2009. Còn theo ông Trịnh Vĩnh Niên, Giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Xin-ga-po, trong hoạt động điều hành thế giới hiện nay, không thể giải quyết bất cứ vấn đề nào mà không có sự tham gia của các nền kinh tế mới nổi.
Sự thay đổi về khung điều hành thế giới trong mọi trường hợp thường xuất phát từ những biến đổi về phân chia quyền lực. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, các nước phương Tây không thể tự mình đối phó với những thách thức to lớn, buộc phải thúc đẩy hợp tác với các đối tác đang phát triển, như lời ông Xten-li Cro-xích (Stanley Crossick), cựu Chủ tịch Trung tâm Chính sách châu Âu, đã nhấn mạnh: "Rõ ràng là cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế đã làm tăng tốc độ chuyển đổi sức mạnh từ phương Tây sang phương Đông". Giáo sư và nhà chiến lược người Ô-xtrây-li-a Hu Oai-tơ (Hugh White) khẳng định niềm tin rằng, châu Á sẽ trở thành một trung tâm mới của chiến lược và kinh tế toàn cầu trong thế kỷ mới.
Tuy nhiên, những thách thức trước mắt vẫn chưa đủ để dẫn đến một cuộc thay đổi sâu sắc trong cấu trúc thế giới. Rất nhiều người nhận thức rõ rằng, các thể chế kinh tế và chính trị của thế giới cần được cải tổ, nhưng câu hỏi phải cải tổ ra sao, theo hướng nào thì cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo ông Y-u-ri Ta-vrốp-xki (Yuri Tavrovsky), Giáo sư Đại học Tổng hợp Hữu nghị của Nga, cơ cấu kinh tế - chính trị của thế giới hiện nay vẫn là nền kinh tế do đồng đô-la Mỹ thống trị, vốn đã hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai; vai trò nổi lên của G20 phản ánh thực tế rằng, cả thế giới đã công nhận một trật tự quyền lực mới; cơ cấu chính trị mới vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, và để nó có thể phát triển thành một kết cấu chính trị toàn cầu, có ảnh hưởng mạnh thì còn cần thử thách qua thời gian.
Các nước lớn đẩy mạnh hợp tác dù còn tồn tại bất đồng
Quan hệ giữa các nước lớn trong năm 2009 nhìn chung là ổn định và đã có những bước tiến triển rõ rệt, bất chấp nhiều bất đồng còn tồn tại. Điển hình là mối quan hệ tay ba giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc đã diễn tiến tích cực, mặc dù các bên vẫn còn những va chạm liên quan đến các lợi ích chiến lược của từng nước.
Tại cuộc gặp ở Luân-đôn (Anh), tháng 4-2009, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã nhất trí thiết lập mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện trong thế kỷ XXI. Hai bên cũng thỏa thuận xây dựng một cơ chế đối thoại chiến lược song phương. Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống B. Ô-ba-ma tháng 11-2009, hai bên đã ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết thực thi các hành động cụ thể nhằm thiết lập mối quan hệ đối tác, cùng nỗ lực đối phó với các thách thức chung. Theo Giáo sư G. Nai, việc Mỹ và Trung Quốc duy trì mối quan hệ tốt đẹp có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế thế giới.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga cũng được cải thiện rõ ràng trong năm 2009. Tháng 4-2009, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và người đồng nhiệm Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép đã đạt được thỏa thuận quan trọng về vấn đề giải giáp vũ khí hạt nhân. Đến tháng 7-2009, hai nước đã ký các văn kiện khung về việc tiến tới Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START 2), thay thế START 1 hết hiệu lực vào ngày 5-12-2009. Tháng 9-2009, chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã hủy bỏ kế hoạch mà chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống G. Bu-sơ đã dốc nhiều công sức theo đuổi, đó là triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hoà Séc. Đáp lại, Nga cũng đã tuyên bố gác lại kế hoạch triển khai tên lửa Iskander. Tất cả những động thái tích cực này cho thấy cả Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn đều có sự cải thiện trong quan hệ song phương.
Đối với quan hệ Nga - Trung Quốc, lòng tin chiến lược giữa hai bên đã được đẩy mạnh đáng kể trong năm 2009, năm kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Tháng 6-2009, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đến Mát-xcơ-va dự lễ kỷ niệm. Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên đã tái khẳng định chủ trương ưu tiên thúc đẩy các chính sách ngoại giao theo hướng đẩy mạnh phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Các xu hướng mới cũng được thể hiện trong các chính sách đối ngoại của Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Sau khi lên cầm quyền hồi tháng 9-2009, Thủ tướng Nhật Bản Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma đã áp dụng chính sách ngoại giao hướng tới châu Á nhiều hơn, trong khi theo đuổi mối quan hệ cân bằng hơn với đồng minh truyền thống là Mỹ.
Tuy nhiên, về mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, các chuyên gia quốc tế cho rằng, mặc dù châu Âu hiện vẫn là đối tác quan trọng nhất của Oa-sinh-tơn trong các vấn đề toàn cầu, nhưng sự hợp tác giữa hai bên đã ít mật thiết hơn, đặc biệt là so với thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai và trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Những nguy cơ về an ninh thử thách sức mạnh toàn cầu
Trong năm 2009 không bùng phát cuộc chiến tranh hay xung đột lớn nào, song những bước leo thang mới hay tình trạng trầm trọng hơn ở một số “điểm nóng” đã làm gia tăng lo ngại về tình hình an ninh quốc tế.
Tháng 1-2009, quân đội I-xra-en đã mở chiến dịch quân sự chống Phong trào kháng chiến Hồi giáo Ha-mát của Pa-le-xtin, lực lượng hiện kiểm soát dải Ga-da, khiến hơn 1.400 dân thường bị chết và khoảng 5.500 người bị thương. Sau đó hai tháng, lực lượng cánh hữu của ông Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu lên nắm quyền, thể hiện những lập trường cứng rắn trong vấn đề hoà bình Trung Đông. Với tình hình hiện nay, hy vọng về một bước đột phá trong hoà đàm giữa I-xra-en và Pa-le-xtin càng mờ mịt hơn. Theo giới phân tích, cho dù cộng đồng quốc tế có tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy hoà bình ở Trung Đông, thì khả năng đạt được tiến triển thực sự trong một thời gian ngắn vẫn là rất khó khăn.
Năm 2009, thế giới chứng kiến sự bành trướng đáng lo ngại của Ta-li-ban. Lực lượng này đã mở rộng phạm vi kiểm soát ở Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan, gia tăng đáng kể các vụ tấn công khủng bố, gây thương vong nhiều hơn cho binh sĩ Mỹ và NATO cũng như cho lực lượng an ninh của hai nước Nam Á này. Nhằm đương đầu với những thách thức gia tăng, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma vào đầu tháng 12-2009 đã công bố chiến lược mới đối với Áp-ga-ni-xtan, mà mấu chốt là việc tăng thêm 30.000 quân đến chiến trường này. Tuy nhiên, nỗ lực này của ông B. Ô-ba-ma đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái ngược, trong đó, những người phản đối cho rằng chiến lược này lặp lại sai lầm của cựu Tổng thống G. Bu-sơ.
Một “điểm nóng” khác, đó là I-rắc. Hầu như không có tuần nào trong năm ở đây không xảy ra các vụ bạo lực, tấn công đẫm máu. Điều đáng chú ý là số vụ tấn công khủng bố nhằm vào các mục tiêu của Chính phủ và các lực lượng an ninh của I-rắc gia tăng mạnh nhằm mục đích phá hoại các tiến bộ chính trị đạt được tại quốc gia giàu dầu mỏ này.
Một số hành động và cam kết của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế trong năm nay. Ngoài thoả thuận đạt được với Nga về việc ký một hiệp ước START mới, ông B. Ô-ba-ma trong bài phát biểu ở Pra-ha (Séc) hồi tháng 4-2009, cũng đã thể hiện tham vọng của Mỹ về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, theo giới phân tích, tất cả những điều đó mới chỉ dừng lại ở mức "bày tỏ thiện chí"; cắt giảm vũ khí hạt nhân là cả một tiến trình và còn cả một chặng đường dài trước khi kho vũ khí của Mỹ được cắt giảm thực sự.
Tại Đông Bắc Á, những nỗ lực nhằm giải quyết bất đồng liên quan trực tiếp đến chương trình hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên đã gặp nhiều khó khăn. Phản ứng trước vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng hồi tháng 4-2009, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết số 1718 chỉ trích hành động này. Đáp lại, CHDCND Triều Tiên đã rút khỏi tiến trình đàm phán sáu bên về giải giáp hạt nhân và cho khởi động lại các cơ sở hạt nhân của nước này. Bình Nhưỡng tỏ rõ mong muốn tìm kiếm các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ bên ngoài khuôn khổ thương lượng sáu bên. Tuy nhiên, Giáo sư G. Nai cho rằng "Mỹ không tin một vấn đề như vậy có thể giải quyết trong khuôn khổ song phương, mà cần được tiếp tục giải quyết ở bàn đàm phán sáu bên".
Vấn đề hạt nhân của I-ran cũng diễn biến theo chiều hướng ít lạc quan. Hồi tháng 9-2009, Tê-hê-ran đã thừa nhận bí mật xây dựng một cơ sở làm giàu urani mới. Tháng 11-2009, I-ran cũng đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc ngừng ngay hoạt động xây dựng cơ sở này cũng như làm sáng tỏ mọi điều nghi vấn liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Tiến trình giải quyết bất đồng về chương trình hạt nhân của I-ran lâm vào bế tắc, nhưng giới phân tích cho rằng, nguy cơ về một cuộc chiến mới ở Trung Đông sẽ không xảy ra.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng trở thành đề tài “nóng” trên nhiều diễn đàn quốc tế trong năm 2009. Nhưng một bước ngoặt như mong đợi của dư luận thế giới về những cam kết và hành động mạnh mẽ nhằm cứu Trái đất đã không xảy ra. Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu diễn ra tại Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch) vào những ngày cuối tháng 12 đã kết thúc chỉ với một tuyên bố không có tính ràng buộc về pháp lý. Những mối bất đồng sâu sắc giữa một bên là các nước phát triển và một bên là các nước đang phát triển đã khiến nguy cơ về những thảm hoạ thiên nhiên do biến đổi khí hậu càng trở nên đáng lo ngại hơn.
Một năm đầy biến động với cả hợp tác và xung đột đan xen đã khép lại. Một trong những ấn tượng nổi bật mà 365 ngày qua để lại, có thể nói, là sự xuất hiện liên tiếp hình ảnh những cái bắt tay, những nụ cười của các nhà lãnh đạo trên thế giới trong các cuộc thương lượng, đối thoại về chính trị, an ninh, kinh tế... Dẫu chưa biết hiệu quả thực sự đằng sau những hành động xã giao đó đến đâu, nhưng nó cũng cho thấy xu thế cần thiết và tất yếu khi thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt nguy cơ, thách thức mang tính toàn cầu. Đặc biệt, nó trở thành tiền đề cần thiết khi năm 2010 được dự báo là còn nhiều khó khăn, khi đà phục hồi kinh tế còn bấp bênh, sóng gió của hậu khủng hoảng có thể dồn dập và những nguy cơ rủi ro chính trị trên thế giới còn "treo lơ lửng"./.
Kinh tế Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới  (09/01/2010)
Kinh tế Mỹ La-tinh sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2010  (09/01/2010)
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phục vụ Đại hội Đảng các cấp khu vực trung du và miền núi Bắc bộ  (09/01/2010)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự cuộc họp báo đầu năm  (08/01/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên