TCCSĐT - Hội nghị thượng đỉnh thường niên nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 - gồm Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ, Ca-na-đa và Nga sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10-7 tại thành phố L’Aquila thuộc I-ta-li-a. Sự ổn định của nền kinh tế thế giới, quy tắc tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu, vấn đề tên lửa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, thương mại, an ninh lương thực và viện trợ…sẽ là những chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh G8 lần này.

Tại Hội nghị năm nay, các nhà lãnh đạo G8 sẽ có các cuộc thảo luận về tình hình khủng hoảng tài chính và những chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế nhằm mang lại triển vọng cho nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, khối G8 sẽ cùng tìm hướng giải quyết cho các chủ đề chính mà Hội nghị họp bàn.

Về việc biến đổi khí hậu, các nước G8 sẽ cắt giảm một nửa lượng khí khải CO2 gây hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn cầu, các thành viên trong G8 sẽ tự nguyện cắt giảm 80% lượng khí thải CO2 để cùng đi đến một thỏa thuận mới tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu được tổ chức tại thủ đô Cô-pen-ha-ghen của Đan Mạch vào tháng 12 năm nay.

Về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, các nhà lãnh đạo G8 nhất trí phối hợp chặt chẽ để vận động LHQ ban hành một Nghị quyết cứng rắn cùng những biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn các vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Đồng thời sẽ lên án những vụ phóng tên lửa trên, thảo luận biện pháp thuyết phục CHDCND Triều Tiên thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

Đối với kế hoạch tăng cường viện trợ cho các nước đang phát triển, Hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ thảo luận kế hoạch thành lập lực lượng đặc nhiệm để giám sát khả năng quản lý quỹ đảm bảo an ninh lương thực. Trước Hội nghị, Ngoại trưởng nước chủ nhà Phran-cô Phrát-ti-ni (Franco Frattini) cam kết G8 sẽ lập nguồn quỹ ít nhất 15 tỉ USD để đảm bảo an ninh lương thực cho châu Phi. Cùng với sự đóng góp của quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Nhật Bản đã đưa ra mục tiêu trong vòng năm năm tới sẽ viện trợ 20 tỉ USD vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại châu Á, viện trợ 5 tỉ USD cho các dự án cải thiện môi trường tại các quốc gia đang phát triển.

Về những nỗ lực đưa nền kinh tế toàn cầu thoát ra khỏi suy thoái, một số nhà phân tích cho rằng, giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng kinh tế tại các nước công nghiệp hóa có thể đã qua và đã có những tín hiệu phục hồi. Tại hội nghị năm nay, các nhà lãnh đạo G8 sẽ đưa ra một Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh nền kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu hồi phục.
 
Tuy nhiên, chưa thể hoàn toàn lạc quan với triển vọng phát triển của nền kinh tế thế giới trong thời gian trước mắt, bởi số liệu thống kê cho thấy kinh tế nước Mỹ giảm 5,5% trong quý I năm nay và GDP của các nước sử dụng đồng ơ-rô đã giảm 2,5% trong cùng kỳ, mức thấp nhất trong lịch sử. Còn kinh tế Nhật Bản thậm chí giảm tới 14,2% trong 3 tháng đầu năm nay.

Về mục tiêu của G8 trong giai đoạn trung kỳ, Hội nghị sẽ thảo luận sáng kiến đầu tư ngành nông nghiệp quốc tế, đối phó tình trạng chiếm dụng đất nông nghiệp tại các quốc gia đang phát triển, kế hoạch viện trợ cho châu Phi, châu Á, giải quyết các vấn đề dịch bệnh và bảo vệ đa dạng hóa sinh vật quí hiếm.

Ngoài ra, G8 sẽ tiếp tục thực hiện cải cách một số cơ quan tài chính quốc tế, tăng cường giám sát cơ chế tài chinh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế là cơ quan đi đầu trong sự nghiệp cải cách này./.