Ngày 2/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, với mục tiêu đến năm 2010 giá trị vốn hóa trị trường chứng khoán đạt 50% GDP và đến năm 2020 đạt 70% GDP.

Mục tiêu cụ thể của Đề án là phát triển thị trường vốn đa dạng để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và đầu tư của mọi đối tượng trong nền kinh tế, phấn đấu đến năm 2020 phát triển tương đương thị trường vốn của các nước trong khu vực.

Đề án đã vạch ra 4 giải pháp dài hạn nhằm phát triển vốn theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc, vận hành theo các thông lệ quốc tế, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế.

Việt Nam sẽ phát triển mạnh các kênh cung cấp vốn cả trong và ngoài nước, đồng thời mở rộng hệ thống các nhà đầu tư, kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tăng cường quản lý nhà nước, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên thị trường.

Một giải pháp lớn khác cũng sẽ sớm được thực hiện là mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại trái phiếu, các phương thức phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường. Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp gắn niêm yết trên thị trường chứng khoán, mở rộng việc phát hành cổ phiếu mới và phát triển các loại chứng khoán phái sinh.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ từng bước hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường vốn đảm bảo khả năng quản lý, giám sát của Nhà nước, theo hướng hình thành thị trường trái phiếu chuyên biệt; phát triển thị trường cổ phiếu theo nhiều cấp độ để đáp ứng nhu cầu của nhiều loại hình doanh nghiệp.

Cùng với việc phát triển các định chế trung gian và dịch vụ thị trường, nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực tài chính cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, Việt Nam cũng sẽ từng bước hình thành thị trường định mức tín nhiệm.