Đánh giá chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay

Nguyễn Đăng Thành GS, TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
23:44, ngày 14-12-2018

TCCS - Phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước là xu hướng tất yếu trong quản trị nhà nước trên thế giới và ở Việt Nam. Kể từ năm 2001 đến nay, chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước đã có những đổi mới quan trọng, song vẫn còn những bất cập cần tiếp tục giải quyết. Trên cơ sở khái quát về chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước từ năm 2001 đến nay, bài viết tập trung đánh giá trên giác độ quá trình hoàn thiện chính sách, đồng thời nêu lên một số vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện chính sách trong giai đoạn tới.

Khái quát về chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước ở Việt Nam

Hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước theo nhiều tầng nấc đòi hỏi có sự phân định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cấp. Việc phân chia quyền lực nhà nước cho các cơ quan nhà nước khác nhau là cách thức để quyền lực nhà nước được sử dụng hiệu quả nhất, tránh lạm dụng quyền lực nhà nước để phục vụ cho lợi ích riêng của cá nhân, “nhóm lợi ích”. Xu hướng chung trong các nhà nước dân chủ hiện đại là khi xã hội phát triển cao thì việc phân cấp diễn ra nhiều hơn, chính quyền các địa phương được trao cho nhiều nhiệm vụ, quyền hạn hơn.

Chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước được thể hiện thông qua các quy định pháp luật về phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp nhằm phát huy tính tự chủ, sáng tạo của các cấp trong thực thi quyền lực nhà nước, bảo đảm cho các cơ quan hành chính nhà nước các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công một cách hiệu lực và hiệu quả.

Chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước ở Việt Nam được Nhà nước đề xuất từ khi đất nước giành được độc lập và có sự hoàn thiện qua các giai đoạn phát triển của đất nước. Thông qua hệ thống văn bản pháp luật về chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước ở Việt Nam được hình thành và từng bước hoàn thiện.

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vấn đề phân cấp, phân quyền đã được Chính phủ lâm thời đặt ra. Điều này được thể hiện trong những văn bản đầu tiên (cụ thể là Sắc lệnh số 63, ngày 22-11-1945 và Sắc lệnh số 76, ngày 21-12-1945, quy định về tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính nhà nước ở các địa phương). Chính sách phân cấp, phân quyền được điều chỉnh, bổ sung theo từng thời kỳ, phụ thuộc vào bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, năng lực của các cấp chính quyền trong bộ máy hành chính nhà nước và yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, thể hiện rõ nét trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và các luật tổ chức bộ máy của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay đã diễn ra những thay đổi đáng kể trong phân cấp, phân quyền hành chính, với việc ban hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2003. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa IX đề ra yêu cầu “Khẩn trương hoàn thành việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trên từng ngành, từng lĩnh vực một cách đồng bộ, bảo đảm hiệu lực quản lý thống nhất, xuyên suốt của Trung ương đối với địa phương và khuyến khích tính sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các địa phương”(1). Ngày 20-6-2004, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP “Về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, tập trung vào phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh trên các lĩnh vực chủ yếu: quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển; ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp nhà nước, hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức.

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28-11-2013 với những quy định mới quan trọng ở Chương IX - “Chính quyền địa phương”. Tiếp theo đó, năm 2015, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành, thể hiện những đổi mới quan trọng trong phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước. Ngày 21-3-2016, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 21/2016/NQ-CP về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung vào 5 lĩnh vực: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý doanh nghiệp nhà nước; quản lý đầu tư công; quản lý công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; quản lý đất đai. Bên cạnh những văn bản quy định những vấn đề cơ bản về quan điểm, mục tiêu và định hướng phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực cũng phản ánh chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước trong mỗi lĩnh vực cụ thể.

Chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước qua các văn bản pháp luật nói trên thể hiện quan điểm, mục tiêu, nội dung và các giải pháp về phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước. Các văn bản pháp luật này tạo nên chính sách khung về phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước. Tinh thần của chế định chính quyền địa phương trong các văn bản nói trên là đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, tạo điều kiện hơn cho việc phân cấp (đi cùng với đó là phân quyền) quản lý của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Các thay đổi theo hướng hoàn thiện chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước từ năm 2001 đến nay

Khái quát về những thay đổi trong chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước từ năm 2001 đến nay, có thể nêu lên hai dấu mốc quan trọng sau:

1- Chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 và Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2003.

Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 giao cho Chính phủ quyền quyết định và chỉ đạo thực hiện phân công, phân cấp quản lý ngành và lĩnh vực trong hệ thống hành chính nhà nước (Điều 16). Đây là một thẩm quyền rất lớn của Chính phủ. Để thực hiện thẩm quyền này, Chính phủ thực hiện chức năng lập quy để tạo khung pháp lý cho hoạt động phân công, phân cấp.

Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2003 có những quy định khá chi tiết, cụ thể về thẩm quyền của mỗi cấp hành chính, gồm cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Những quy định cụ thể này tạo cơ sở pháp lý căn bản cho hoạt động của các cấp hành chính ở địa phương, tránh tình trạng chồng chéo, lấn sân trong quản lý.

Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP, của Chính phủ, “Về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” với mục tiêu “Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh, giữa chính quyền địa phương các cấp” đã quy định những định hướng phân cấp cụ thể trên các lĩnh vực: quản lý quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển; quản lý ngân sách nhà nước; quản lý đất đai, tài nguyên, tài sản nhà nước; quản lý doanh nghiệp nhà nước; quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức.

Chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước trong giai đoạn này đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động của chính quyền địa phương cũng như của các bộ, ngành ở Trung ương. Thực hiện phân cấp gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính đã giảm phiền hà, giải quyết nhanh gọn thủ tục cho công dân và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, nhất là về đất đai, đầu tư và xây dựng, thành lập doanh nghiệp. Việc phân cấp mạnh thẩm quyền, trách nhiệm giữa Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, làm cho cơ cấu Chính phủ tinh gọn hơn.

Tuy nhiên, chính sách phân cấp, phân quyền trong giai đoạn này vẫn bộc lộ những bất cập đáng kể: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 quy định thẩm quyền của Chính phủ về phân công, phân cấp trong hệ thống quản lý hành chính, nhưng công tác lập quy của Chính phủ về phân công, phân cấp hành chính nhà nước thời kỳ này vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ, chính vì thế việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương cũng còn không ít vấn đề đặt ra. Các giải pháp phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa phân định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp chính quyền. Nhiều địa phương cho rằng việc phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa đủ mạnh, các bộ, ngành ở Trung ương vẫn còn ôm đồm việc. Chính quyền địa phương vẫn chưa đủ thẩm quyền và các điều kiện cần thiết để chủ động thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mà địa phương có khả năng làm được.

2- Chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Hiến pháp năm 2013 đã đặt nền tảng cho cơ chế phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, thông qua quy định: “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên” (Điều 112).

Trên tinh thần đó, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã có bước tiến quan trọng trong phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước, thể hiện ở những điểm sau:

Một là, lần đầu tiên, trong văn bản pháp luật, Nhà nước ta khẳng định thẩm quyền của Chính phủ trong thực hiện phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương (các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 chỉ dừng lại ở thẩm quyền phân công, phân cấp mà chưa đề cập đến vấn đề phân quyền). Việc bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong phân quyền cho chính quyền địa phương là một bước tiến mới trong chính sách phân cấp, phân quyền ở nước ta.

Hai là, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định rõ thẩm quyền phân cấp, phân quyền của Chính phủ phải trên cơ sở các quy định của Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Điều 25). Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 khi quy định về phân quyền cho chính quyền địa phương cũng khẳng định: “Việc phân quyền cho mỗi cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong các luật”. Điều đó có nghĩa là việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương phải dựa trên khung pháp lý căn bản, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Việc phân cấp, phân quyền phải bảo đảm các nguyên tắc và phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới, trách nhiệm của cơ quan nhà nước phân cấp và cơ quan nhà nước được phân cấp.

Ba là, các luật nói trên đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn yêu cầu và điều kiện thực hiện phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương. Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 khi quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương đã khẳng định: “Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Đồng thời, cơ quan nhà nước cấp trên khi phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới phải bảo đảm các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.

Bốn là, các luật nói trên xác định rõ cơ quan nhà nước được phân cấp chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước đã phân cấp về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Căn cứ vào tình hình cụ thể ở địa phương, cơ quan nhà nước ở địa phương có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước đã phân cấp.

Cơ quan nhà nước cấp trên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương.

Triển khai thực hiện các quy định về phân cấp quản lý trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP, ngày 21-3-2016, “Về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên cơ sở thực hiện phân cấp hợp lý, rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy tính chủ động, trách nhiệm, tinh thần sáng tạo của chính quyền địa phương”. Nghị quyết còn đề ra một số định hướng cụ thể về phân cấp trong 5 lĩnh vực: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý doanh nghiệp nhà nước; quản lý đầu tư công; quản lý công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; quản lý đất đai.

Như vậy, đến Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, chính sách về phân cấp, phân quyền trong hành chính nhà nước đã có những bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và chính quyền địa phương nói riêng.

Đánh giá chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước

Có thể nói, việc xây dựng và thực hiện chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước đã có những chuyển biến căn bản từ năm 2001 đến nay. Những thành công đó được thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau:

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật từng bước hoàn thiện với các quy định về phân công, phân cấp, phân quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương. Vấn đề phân công, phân cấp lúc đầu chỉ dừng lại ở những quy định về nguyên tắc trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, sau đó được quy định đầy đủ hơn và ở mức độ cao hơn về phân cấp, phân quyền trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Thứ hai, chính sách phân cấp, phân quyền giữa các cấp hành chính đã thể hiện rõ về nguyên tắc, yêu cầu trong các quy định của các luật nói trên, cũng như được cụ thể hóa trên một số lĩnh vực quan trọng của quản lý nhà nước.

Thứ ba, về cơ bản, đã có những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền trung ương và địa phương, trong đó có phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền cấp dưới trên cơ sở điều kiện, khả năng của mỗi cấp hành chính.

Thứ tư, vai trò của các cấp hành chính ở địa phương ngày càng được khẳng định trong chính sách phân cấp, phân quyền. Chính vì vậy, sự phát triển đi lên của mỗi địa phương phụ thuộc không nhỏ vào sự năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương.

Có thể thấy, trong giai đoạn này, chính sách phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương đã khá rõ và toàn diện. Về cơ bản, chính sách phân cấp, phân quyền hành chính trong giai đoạn này đã được các địa phương thực hiện tương đối thống nhất, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương trong quản lý, sử dụng các nguồn lực ở địa phương, đưa nền hành chính sát hơn với những đặc điểm kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương, góp phần phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng nói trên, chính sách phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương hiện nay cũng đang đặt ra một số vấn đề như sau:

Một là, hệ thống chính sách về phân cấp, phân quyền trong hành chính nhà nước còn chưa đồng bộ, thậm chí mới chỉ dừng lại ở những nguyên tắc, yêu cầu mà chưa có những cơ chế cụ thể. Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 khẳng định việc phân cấp, phân quyền phải theo quy định của Luật và nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoặc Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định về các nguyên tắc phân cấp, phân quyền. Tuy nhiên, tất cả những nội dung này mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, nằm rải rác trong hai luật này.

Chính sách phân cấp, phân quyền trong hành chính nhà nước sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu không có khung pháp lý đồng bộ, hoàn chỉnh, thống nhất. Phân cấp, phân quyền nếu chỉ dừng lại ở nguyên tắc mà không được quy định rõ về cơ chế, phương thức thực hiện, chế tài xử lý... thì sẽ khó có thể đưa chính sách này vào thực tiễn. Nghiên cứu về chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy đây là “lỗ hổng” lớn nhất cần phải được lấp đầy.

Hai là, sự phân định trách nhiệm, quyền hạn của Trung ương và địa phương, cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương trong một số lĩnh vực chưa hợp lý hoặc thiếu rõ ràng, dẫn đến những bất cập theo các chiều hướng khác nhau. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, thẩm quyền quyết định số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân các cấp thuộc về Chính phủ. Trên lĩnh vực quản lý nhân sự hành chính nhà nước, sự tự chủ thực sự của các cơ quan trực tiếp sử dụng công chức vẫn chưa được bảo đảm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có quyền tuyển dụng thêm người mới dựa trên nhu cầu công việc nếu không được phân bổ thêm chỉ tiêu biên chế; không có quyền xác định tiêu chuẩn tuyển dụng; không có quyền lựa chọn hình thức thi tuyển... Trong phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, do quyền phân bổ nguồn thu, nhiệm vụ chi tập trung ở cấp tỉnh mà không quy định cụ thể trong luật về việc phân cấp cho cấp huyện và cấp xã, nên có tình trạng nguồn lực tập trung ở cấp tỉnh, không tạo được sự chủ động về ngân sách của chính quyền cấp dưới để thực thi các nhiệm vụ được giao.

Mặt khác, có lĩnh vực lại phân cấp quá rộng cho nhiều cấp, trong khi các cấp chính quyền bên dưới chưa có đủ năng lực, dẫn đến chỗ không kiểm soát nổi và để xảy ra không ít tiêu cực, điển hình là trong phân cấp, phân quyền quản lý đất đai. Việc cho phép các huyện ban hành quy hoạch sử dụng đất, cũng như cấp giấy chứng nhận đăng ký đất làm cho số lượng quy hoạch đất quá lớn và dẫn đến nhiều quy hoạch “treo”; việc cấp giấy chứng nhận đất đai sai quy định, vì lợi ích cá nhân dẫn đến hiện tượng tham nhũng đất đai diễn ra khá phổ biến.

Ba là, trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các cấp, các địa phương gần giống nhau, trong khi lại áp dụng cho các đơn vị hành chính - lãnh thổ rất khác nhau (miền núi, hải đảo...) nên rất khó hoạt động, chưa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, hạn chế tính đa dạng trong sự phát triển của các địa phương. Về nguyên tắc, không thể có một mô hình thống nhất cho tất cả các địa phương. Tương tự như vậy, không phải địa phương nào, tỉnh nào cũng được phân cấp, phân quyền giống nhau, bởi điều này còn phải phụ thuộc vào điều kiện, khả năng thực hiện ở mỗi địa phương. Khác với nông thôn, đô thị là một cộng đồng lãnh thổ có dân cư tập trung cao, là một chỉnh thể kinh tế - xã hội thống nhất, ràng buộc chặt chẽ và phụ thuộc trực tiếp vào nhau, nên bộ máy chính quyền đô thị phải mang tính tập trung, thống nhất, vận hành thông suốt, nhanh nhạy, không thể chia cắt như ở nông thôn. Do đó, phân cấp, phân quyền cho chính quyền đô thị phải phù hợp với đặc điểm nói trên, bảo đảm cho nó có được các quyền hạn, trách nhiệm thích hợp để quản lý đô thị một cách thiết thực, hiệu quả.

Bốn là, chính quyền địa phương vẫn chưa đủ thẩm quyền và các điều kiện cần thiết để chủ động thực hiện các nhiệm vụ mà địa phương có khả năng giải quyết được. Do chưa mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương nên có nhiều công việc mà cơ quan chính quyền địa phương có khả năng giải quyết nhưng không có quyền giải quyết, các cơ quan cấp trên không có khả năng giải quyết nhưng lại có quyền giải quyết, dẫn đến tình trạng nhiều công việc ùn tắc, chậm trễ, kém hiệu quả. Các cơ quan chính quyền địa phương, nhất là hội đồng nhân dân ở một số địa phương hoạt động mang nặng tính hình thức, hiệu quả thấp. Nhiều cơ quan chính quyền địa phương thiếu năng động, chủ động, sáng tạo trong công việc. Các điều kiện về tổ chức cán bộ, tài chính, ngân sách, cơ sở vật chất để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền của chính quyền địa phương cũng chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp. Mâu thuẫn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.

Năm là, chính sách phân cấp, phân quyền trong hành chính nhà nước gắn rất chặt với yêu cầu kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, vẫn chưa có những hành lang pháp lý cụ thể về vấn đề này, nhất là những chế tài xử lý đối với các vi phạm về phân cấp, phân quyền. Chẳng hạn, việc buông lỏng trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước ở Trung ương và cấp trên đối với cấp dưới trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng “phình to” bộ máy tổ chức và biên chế ở cấp dưới. Việc kiểm soát, thanh tra, kiểm tra của chính quyền trung ương đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương trong quá trình phân cấp, phân quyền chưa tốt dẫn đến nhiều địa phương lợi dụng việc phân cấp, phân quyền để đưa ra các quyết sách vì lợi ích cục bộ, hoặc thực hiện quyết sách theo hướng có lợi cho địa phương, thậm chí sẵn sàng vi phạm các quy định mà cơ quan trung ương ban hành.

Có thể thấy, chính sách phân cấp, phân quyền hành chính nhà nước trong thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng, tạo khung pháp lý cơ bản về phân định quyền hạn, trách nhiệm giữa chính quyền trung ương và các cấp chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh sự chủ động của chính quyền địa phương trong quản trị địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách này đòi hỏi Nhà nước cần quan tâm hoàn thiện để bảo đảm việc phân cấp, phân quyền thực sự phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, hướng đến phát huy năng lực của các cấp chính quyền, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính nhà nước tại Việt Nam./.

---------------------------------------------------

(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 99