Đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược trong tình hình mới
TCCS - Từ trước đến nay việc đánh giá cán bộ là một trong những khâu hết sức quan trọng trong công tác cán bộ. Văn kiện Đại hội XII của Đảng ghi rõ phương hướng về công tác cán bộ: “Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp....”(1).
Đánh giá cán bộ là vấn đề rất hệ trọng
Trong thể chế chính trị nước ta hiện nay, đánh giá cán bộ được coi là khâu đầu tiên, mắt xích khởi động của toàn bộ công tác cán bộ của Đảng. Trong công tác cán bộ có 4 khâu rất quan trọng, có quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau, trong đó đánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Đánh giá cán bộ được coi là khâu đầu tiên trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng hay sai điều đó có ảnh hưởng đến các khâu sau:
Đánh giá đúng thì bố trí, đề bạt đúng. Như thế sẽ tốt cho công việc chung; làm cho người cán bộ hồ hởi, phấn chấn, hăng say phấn đấu tiến bộ; kích thích sự phấn khởi của tập thể, tăng cường đoàn kết nội bộ. Đánh giá sai, dù đối với một người, thì hậu quả có thể rất lớn. Từ đánh giá sai dẫn đến sử dụng sai, đề bạt sai sẽ hỏng cả việc chung; bản thân người cán bộ được đánh giá không đúng thực chất có thể hoặc sinh ra chủ quan, tự cao, tự đại, hoặc trái lại trở nên tự ti, nhụt chí phấn đấu, làm hại cho họ và cũng thiệt cho Đảng; đối với cả tập thể có thể ảnh hưởng đến niềm tin chung và có thể gây ra những phức tạp trong quan hệ nội bộ.
Đánh giá cán bộ phải gắn với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho cán bộ. Đánh giá không phải chỉ để đánh giá mà để sử dụng. Sử dụng vào nhiệm vụ mới, cương vị mới hoặc để giúp cán bộ đó làm tốt hơn công việc đang làm. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, trường hoạt động của họ rộng, do vậy ngoài những tố chất và năng lực chính trị cần thiết, họ phải am hiểu cả về quan điểm chính trị và có tầm nhìn chiến lược, những hoạt động chuyên môn ở ngành hay lĩnh vực đó, để có cơ sở đánh giá, sắp xếp cán bộ phù hợp.
Tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích của việc đánh giá cán bộ được Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định và yêu cầu các cấp ủy đảng thực hiện tốt, đặc biệt là đánh giá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược. Đánh giá đúng, khách quan đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là cơ sở quan trọng để quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, thực hiện chính sách cán bộ, đồng thời góp phần khắc phục một số thiếu sót trong công tác cán bộ vừa qua.
Thực trạng việc đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược thời gian qua
Từ trước đến nay, Đảng ta rất quan tâm lãnh đạo công tác đánh giá cán bộ, xác định lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm căn cứ chủ yếu để đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế nội dung và phương pháp đánh giá cán bộ còn chậm được đổi mới. Cụ thể, khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược chưa được ban hành. Từng năm, từng nhiệm kỳ việc đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược đều không được làm tốt. Tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong phê bình cán bộ còn khá phổ biến. Việc nhận xét, đánh giá cán bộ chủ yếu dựa vào kết quả kiểm điểm, phân loại đảng viên của các đảng bộ, chi bộ. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược đều được phân loại hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Gần đây đã bổ sung và thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm nhưng vẫn khó đánh giá thực chất kết quả, hiệu quả việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ chính trị được giao.
Công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược chưa được thực hiện nền nếp, với những hạn chế nói trên do nhiều nguyên nhân. Trước hết, đây là công việc khó vì cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược nói riêng đều chịu sự tác động biện chứng giữa ba yếu tố: di truyền; môi trường, điều kiện công tác và sự phấn đấu, rèn luyện của từng cán bộ. Hơn nữa, cơ quan chức năng chưa tham mưu kịp thời cho Bộ Chính trị ban hành quy chế, quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ, tiêu chí đánh giá cán bộ, nhất là cơ sở đánh giá kết quả, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ chính trị được giao.
Sau Đại hội XII của Đảng, ngày 04-8-2017 Bộ Chính trị đã ban hành hai quy định: Quy định số 89-QĐ/TW, “Quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, Quy định số 90-QĐ/TW, “Quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”. Đây là hai văn bản quan trọng làm cơ sở cho việc đánh giá cán bộ trong thời gian tới tốt hơn.
Một số đề xuất góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là đội ngũ trực tiếp quyết định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển đất nước, vì thế có vị trí đặc biệt quan trọng. Đội ngũ cán bộ này chủ yếu là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trưởng các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương, bí thư các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương.
Để góp phần đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược trong tình hình mới xin có một số đề xuất sau đây:
Thứ nhất, cần bổ sung tiêu chí đánh giá quá trình công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là những người đều kinh qua một số chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Vì thế, ngoài tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo Quy định số 89-QĐ/TW và tiêu chí đánh giá cán bộ diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý theo Quyết định số 90-QĐ/TW, cần bổ sung tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả, mức độ hoàn thành các chức danh, chức vụ được Đảng, Nhà nước giao trước đó, nhất là trước khi đề bạt, bổ nhiệm vị trí cao hơn hay đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý cấp chiến lược. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”, “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ mà phải xem xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta như thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem công việc của họ từ trước đến nay”(2).
Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh giá cán bộ cần toàn diện, lâu dài, trên nhiều khía cạnh, từ nhiều góc nhìn nhận, với cách đánh giá biện chứng, mang tính lịch sử cụ thể… Nếu nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược mà quán triệt và thực hiện được như lời Bác Hồ dạy thì việc bố trí cán bộ sẽ đúng đắn hơn nhiều, hiệu quả bố trí, sử dụng cán bộ sẽ được nâng cao.
Thứ hai, đánh giá cán bộ cấp chiến lược cần gắn với cơ chế “đánh giá hai chiều”: cấp trên đánh giá cấp dưới, cấp dưới góp ý đánh giá cấp trên.
Để việc nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược hằng năm, từng nhiệm kỳ thực hiện được trong thực tế và bảo đảm tính khách quan cần xây dựng quy chế thực hiện cơ chế này. Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận xét, đánh giá cán bộ diện mình quản lý thì cũng nên để cán bộ diện mình quản lý được góp ý đánh giá từng thành viên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thường trực Chính phủ nhận xét, đánh giá các thành viên Chính phủ thì cũng để các thành viên Chính phủ được góp ý đánh giá các đồng chí Thường trực Chính phủ. Thường vụ Quốc hội đánh giá lãnh đạo các ủy ban thì cũng để cán bộ lãnh đạo các ủy ban, ban của Quốc hội được góp ý đánh giá các đồng chí Thường vụ Quốc hội. Trưởng các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương đánh giá lãnh đạo các cục, vụ, viện, trường thì cũng để họ góp ý, đánh giá mình. Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương đánh giá cán bộ diện mình quản lý (tỉnh, thành ủy viên, cấp trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, bí thư các huyện, thành, thị ủy,...) thì cùng để họ góp ý đánh giá từng đồng chí ủy viên của mình. Để lấy được ý kiến, nhận xét đánh giá cán bộ theo cơ chế “đánh giá hai chiều” một cách khách quan, cơ quan chức năng cần tham mưu trình Bộ Chính trị bổ sung quy chế và phải thiết kế được mẫu phiếu nhận xét phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ một cách khoa học, hiệu quả.
Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý hằng năm cần được kết hợp với hội nghị sơ kết, tổng kết và bằng hình thức bỏ phiếu kín. Đây là một kênh thông tin quan trọng góp phần nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược khách quan và dần khắc phục tình trạng nể nang trong phê bình góp ý xây dựng, phân loại cán bộ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là những người có điều kiện tiếp cận thông tin, đều có ý thức, trách nhiệm xây dựng Đảng vì thế họ sẽ góp ý, nhận xét, đánh giá cán bộ khách quan. Điều quan trọng nhất của việc lấy được nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý theo cơ chế “đánh giá hai chiều” là tạo được động lực để mỗi cán bộ cấp chiến lược phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao tốt hơn.
Thứ ba, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược cần gắn kết với cơ chế “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong công tác cán bộ của Đảng.
Mục tiêu quan trọng nhất của việc đánh giá cán bộ là để cho mỗi cán bộ luôn luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, làm cơ sở đưa vào quy hoạch hoặc đề bạt, bổ nhiệm đúng cán bộ, đồng thời kịp thời biểu dương khen thưởng cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và phê bình cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Trên thực tế, trừ số cán bộ bị thi hành kỷ luật cách chức hoặc phải xử lý hình sự còn thực tế phổ biến là “lên không xuống, vào không ra”. Điều đó làm giảm sự phấn đấu của cán bộ, tạo sức ỳ, cản trở việc bố trí kịp thời cán bộ có đức, có tài cho đất nước. Các khóa trước đây, có một số trường hợp bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, nên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trên cương vị, chức trách còn thấp kém, có thể do đánh giá cán bộ không chính xác hoặc do chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm” hoặc do cơ chế “xin - cho” gây ra.
Để đất nước phát triển, hội nhập quốc tế có hiệu quả, Đảng cần xây dựng mới hoặc bổ sung “Quy định về việc cho thôi chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ” đã được ban hành từ năm 2009, để cơ chế “có lên, có xuống, có vào, có ra” được tổ chức thực hiện trong thực tế. Lâu nay cơ chế, quy định trên khó thực hiện do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vì việc đánh giá cán bộ chưa được thực hiện một cách thường xuyên, khách quan và công khai rộng rãi. Công tác cán bộ sẽ có sự đổi mới thực chất nếu cơ chế, quy định trên được tổ chức thực hiện có hiệu quả trong cuộc sống.
Thứ tư, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược phải gắn bó chặt chẽ với công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ có đức, có tài cho đất nước.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ghi rõ: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ ”(3). Rõ ràng, để xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải làm tốt việc đánh giá khách quan nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch. Cán bộ đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phải được chuẩn bị sớm, chuẩn bị tích cực từ nguồn do nhân dân giới thiệu, tiến cử, từ số học sinh, sinh viên thi đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, trong nước, thủ khoa các trường đại học có chất lượng, nguồn qua thi tuyển và nguồn được các cấp ủy đảng lựa chọn, đề xuất đưa vào quy hoạch. Cơ quan chức năng tổ chức, tổng hợp, xác minh, đánh giá các nguồn cán bộ đó để tham mưu cho cấp ủy đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược.
Nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược, ngoài tiêu chuẩn chức danh như Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị, đòi hỏi phải có tố chất thông minh và sức khỏe tốt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược đều có vị trí, vai trò rất quan trọng, trong đó các chức danh lãnh đạo chủ chốt (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), các bộ trưởng đều có trọng trách cả đối nội và đối ngoại, vì thế từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIV trở đi cần phải thành thạo tiếng Anh, công nghệ thông tin và am hiểu luật pháp quốc tế.
Để có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nhân sự cho các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cần phải đảm nhận bí thư tỉnh ủy một tỉnh giàu, một tỉnh nghèo và cấp trưởng một ngành quản lý nhà nước cấp Trung ương. Quy hoạch chức danh bộ trưởng nên chọn trong nguồn cán bộ được đào tạo cơ bản, am hiểu sâu lĩnh vực sẽ đảm nhận, có uy tín, kinh qua quản lý nhà nước từ cấp sở, ngành cấp tỉnh, thành trở lên. Nếu các chức danh quản lý nhà nước từ dưới lên, kể cả một số năm tập sự làm thứ trưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ thì lựa chọn bổ nhiệm làm bộ trưởng. Lâu nay một số đồng chí bộ trưởng chưa được bồi dưỡng thực tế quản lý nhà nước ở các cấp nên những năm đầu hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo chưa tốt.
Nếu công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược được làm tốt, làm nền nếp, dân chủ, công khai gắn với việc quy hoạch và bố trí cán bộ đúng năng lực, sở trường thì đội ngũ cán bộ sẽ trưởng thành, có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. /.
--------------------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 48
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 5, tr. 278, 281 - 282
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 207
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-4 đến 06-5-2018)  (08/05/2018)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 30-4 đến ngày 06-5-2018)  (07/05/2018)
Cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống người lao động  (07/05/2018)
Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị Trung ương 7  (07/05/2018)
Thủ tướng làm việc với 6 tỉnh miền núi phía Bắc  (07/05/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên