Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 28-12-2009 đến ngày 3-1-2010)
1. Tình hình tại I-ran
Ngày 28-12-2009, Ðài truyền hình Nhà nước I-ran đưa tin cho biết, các cuộc biểu tình biến thành bạo lực xảy ra tại Thủ đô Tê-hê-ran trong hai ngày qua đã làm tám người chết, nhiều người bị thương và hơn 300 người bị bắt giữ. Đụng độ xảy ra giữa những người biểu tình ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập H. Mu-xta-vi khiến cảnh sát phải dùng đến đạn hơi cay để giải tán đám đông khi những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu chống Chính phủ. Dư luận thế giới rất lo ngại về các cuộc biểu tình này và kêu gọi các bên ở I-ran “tìm kiếm thỏa thuận dựa trên cơ sở pháp luật và thực hiện những nỗ lực chính trị để tránh leo thang đối đầu nội bộ”. Trong khi đó, Quốc hội I-ran lên án những bình luận xấu của chính phủ các nước phương Tây về vụ bạo động ở I-ran và yêu cầu khung hình phạt cao nhất đối với những người biểu tình bạo loạn.
2. Nga phát triển các hệ thống vũ khí tiến công
Ngày 29-12-2009, tuyên bố tại Thành phố Vla-đi-vô-xtốc trong chuyến công tác tại khu vực Viễn Ðông, Thủ tướng Nga V. Pu-tin khẳng định, nước Nga cần có hệ thống vũ khí tiến công tiên tiến nhằm đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ. Thủ tướng Nga V.Pu-tin nêu rõ, kế hoạch của Mỹ nhằm xây dựng hệ thống NMD sẽ gây mất cân bằng chiến lược giữa Nga và Mỹ. Vì vậy, Nga cần tiếp tục phát triển các hệ thống vũ khí tiến công nhằm duy trì sự cân bằng chiến lược. Tuy nhiên, Thủ tướng V. Pu-tin nêu rõ, trong khuôn khổ của quá trình chuẩn bị văn kiện mới để thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I), Nga sẵn sàng chuyển cho Mỹ những thông tin liên quan vũ khí tiến công của mình để đổi lấy những thông tin về các kế hoạch của Mỹ trong lĩnh vực NMD.
3. Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với khung thép Trung Quốc
Ngày 29-12-2009, Bộ Thương mại Mỹ thông báo áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với khung thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại Mỹ, thép Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ có giá thấp hơn giá trị thường từ 14,36 đến 145,18%. Vì vậy, Mỹ sẽ áp mức thuế 14,36% đối với khung thép nhập khẩu từ bốn nhà sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ sẽ thu tiền đặt cọc hay hợp đồng giao dịch dựa trên những tỷ lệ đó. Theo Bộ Thương mại Mỹ, từ năm 2006 đến 2008, khung thép từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ tăng 538,44% về khối lượng, đạt 90,7 triệu USD năm 2008.Trung Quốc bày tỏ "rất bất bình" trước quyết định của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) áp thuế chống phá giá ở mức cao đối với sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc "phản đối mạnh mẽ" quyết định của ITC.
4. Cải thiện quan hệ liên Triều
Ngày 30-12-2009, các đường dây nóng quân sự giữa Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc đã được khôi phục trở lại sau một thời gian được nâng cấp, nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại qua biên giới. Ðây là dấu hiệu mới nhất về sự cải thiện quan hệ liên Triều. Ðường dây nóng quân sự chạy xuyên giới tuyến giữa hai miền này đã được lắp đặt xong từ cuối tuần trước bằng loại cáp quang do Hàn Quốc cung cấp. Ðường dây này sẽ thay thế các đường dây cáp cũ bằng đồng thường xảy ra mất tín hiệu do lỗi kỹ thuật. Mới đây, Hàn Quốc đã viện trợ nhân đạo giúp Triều Tiên 500.000 liều vắc-xin ngăn chặn vi-rút cúm A (H1N1), trị giá khoảng 15 triệu USD. Ngày 28-12, Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định viện trợ nhân đạo giúp Triều Tiên khoảng 22 triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế và dân sự.
5. Việt Nam hoàn thành tốt trọng trách tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Ngày 31-12-2009, Việt Nam đã hoàn thành vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Hội đồng Bảo an là một trong sáu cơ quan của Liên hợp quốc được giao trách nhiệm hàng đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trong hai năm qua, Hội đồng Bảo an đã tiến hành 1.500 cuộc họp ở các cấp, xử lý nhiều vấn đề phức tạp, thông qua 113 nghị quyết, 165 tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an và tuyên bố báo chí thuộc hơn 50 đề mục. Là thành viên Hội đồng Bảo an vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm và thách thức to lớn. Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách, tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các hoạt động của cơ quan, như thương lượng, đóng góp xây dựng nghị quyết và văn kiện, hai lần làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an, làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số tiểu ban..., được lãnh đạo Liên hợp quốc và nhiều nước đánh giá cao. Quá trình tham gia Hội đồng Bảo an đã đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu về chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức, phối hợp liên ngành... đối với Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tại các diễn đàn đa phương, nhất là chuẩn bị đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội ASEAN từ ngày 1-1-2010.
6. Tây Ban Nha trở thành Chủ tịch luân phiên EU
Ngày 1-1-2010, Tây Ban Nha tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu (EU) từ Thụy Ðiển với những ưu tiên trong nhiệm kỳ 6 tháng là thực hiện suôn sẻ Hiệp ước Li-xbon và giải quyết những khó khăn kinh tế của EU. Để đạt được mục tiêu đề ra, EU trong nhiệm kỳ chủ tịch của Tây Ban Nha sẽ phải nhất trí thay đổi chiến lược phát triển dài hạn hiện nay mang tên "Chương trình nghị sự Li-xbon" về biến EU thành nền kinh tế có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới vào năm 2010. Tây Ban Nha đảm nhiệm chức Chủ tịch EU khi tổ chức này bắt đầu áp dụng cơ cấu lãnh đạo mới với một chức Chủ tịch luân phiên, một chức Chủ tịch Hội đồng EU và Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại. Một trong những mục đích thành lập cơ cấu quyền lực mới của EU là mang lại cho tổ chức này tiếng nói có trọng lượng hơn trên vũ đài quốc tế. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 6 tháng của mình, Tây Ban Nha vẫn chủ trì các cuộc họp cấp bộ trưởng về những vấn đề quan trọng như kinh tế, môi trường và năng lượng; cũng như một số cuộc họp thượng đỉnh, công việc trên nguyên tắc dành cho Chủ tịch Hội đồng EU, trong đó có cuộc họp EU - Mỹ, dự kiến vào tháng 5-2010.
7. Pa-ki-xtan và Ấn Ðộ trao đổi danh sách các cơ sở hạt nhân
Ngày 1-1-2010, Bộ Ngoại giao Pa-ki-xtan cho biết, Pa-ki-xtan và Ấn Ðộ đã trao đổi danh sách các căn cứ và cơ sở hạt nhân của hai nước bất chấp giữa hai bên vẫn tồn tại những căng thẳng sau vụ tiến công khủng bố tại thành phố Mum-bai của Ấn Ðộ hồi cuối năm 2008. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pa-ki-xtan, I-xla-ma-bát và Niu Đê-hi đã trao đổi danh sách nói trên vào đúng ngày đầu năm mới theo "Hiệp định về việc cấm tiến công các căn cứ và cơ sở hạt nhân" của nhau được hai bên ký ngày 31-12-1988 và có hiệu lực từ tháng 1-1991. Pa-ki-xtan và Ấn Ðộ đã thực hiện các vụ thử hạt nhân đáp trả lẫn nhau hồi năm 1998, gây nên những lo ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân ở khu vực. Mới đây, hai nước này đều tuyên bố tạm ngừng các vụ thử hạt nhân, tuy nhiên, cả hai nước đều chưa có ý định ký Hiệp ước quốc tế về cấm các vụ thử hạt nhân.
8. Thế giới đón chào năm mới 2010
Ðúng giao thừa, pháo hoa nổ tung trên bầu trời thành phố Ốc-klen của Niu Di-lan. Tại Ô-xtrây-li-a, khoảng 1,5 triệu người đổ về cầu cảng Xít-ni chứng kiến những màn pháo hoa nổi tiếng chào đón năm mới. Tại Nhật Bản, người dân đón năm mới theo truyền thống với những hồi chuông vang lên từ các ngôi chùa. Tại Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào đọc diễn văn chúc mừng năm mới, kêu gọi duy trì ổn định và phát triển kinh tế nhanh... Tai Nga, dù nhiệt độ âm 10oC, hàng trăm nghìn người vẫn tập trung tại Quảng trường Ðỏ để chúc mừng nhau, xem pháo hoa và nghe Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép phát biểu. Tại Ðức, hơn một triệu người tham gia lễ hội đón giao thừa, khiêu vũ trước Cổng Bren-đơ-búc (Béc-lin), biểu tượng của nước Ðức thống nhất. Tại Va-ti-can, Ðức Giáo hoàng Be-ne-đíc XVI cử hành lễ cuối năm ở thánh đường Xanh Pi-tơ. Tại Pháp, tháp Ép-phen ở Thủ đô Pa-ri được biến thành cây Giáng sinh khổng lồ và là trung tâm thu hút hàng trăm nghìn người dân đến đón chào năm mới. Tại Anh, khi chuông đồng hồ Big Ben báo hiệu năm 2010 đã đến, pháo hoa tỏa sáng rực rỡ trên dòng sông Thêm ở Thủ đô Luân Ðôn. Tại Nam Phi, lễ hội hóa trang truyền thống được tổ chức tại thành phố Giô-han-nét-bớt với sự tham gia của các ban nhạc, vũ đoàn và hoa hậu, người mẫu nổi tiếng của nhiều nước trên thế giới. Người dân các nước ở tây bán cầu cũng hân hoan đón chào năm mới 2010. Tại Mỹ, có tới một triệu người kéo đến Quảng trường Thời đại ở Niu Oóc để dự lễ đón năm mới...
9. Cu-ba kỷ niệm 51 năm Cách mạng thành công
Ngày 1-1-2010, Cu-ba long trọng kỷ niệm 51 năm Cách mạng thành công. Ðúng 12 giờ đêm 31-12-2009, hai mươi mốt loạt đại bác đã được bắn tại Thủ đô La Ha-ba-na trong không khí náo nhiệt của Ngày hội cách mạng thành công và của năm mới. Khác với mọi năm, năm nay Chính phủ Cu-ba không tổ chức mít-tinh. Trên trang nhất báo Granma số ra ngày 1-1-2010, đã đăng bức ảnh lớn lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô cùng dòng chữ mầu đỏ nổi bật: "Cách mạng muôn năm". Gần như toàn bộ các trang của báo đã điểm lại hoàn cảnh của đất nước trước thời điểm cách mạng thành công, cùng chặng đường cách mạng vẻ vang với những thắng lợi to lớn của nhân dân Cu-ba trong suốt 51 năm qua. Các bài báo nêu rõ vai trò lãnh đạo của lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô và ý nghĩa quan trọng của cuộc cách mạng đối với người dân Cu-ba. Nhân dịp này, Tổng thống các nước: Vê-nê-du-ê-la, Bô-li-vi-a và Ni-ca-ra-goa đã gửi điện chúc mừng Cu-ba. Trong những ngày này, trên khắp đất nước Cu-ba, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đã được tổ chức trọng thể chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước và nhân dân Cu-ba.
10. Hơn 12.220 người trên thế giới thiệt mạng vì cúm A (H1N1)
Ngày 3-1-2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số nạn nhân thiệt mạng vì cúm A (H1N1) trên toàn thế giới đã lên tới hơn 12.220 người. Tại Trung Quốc, Bộ Y tế nước này cho biết, đã có hơn 120 nghìn người bị nhiễm cúm A (H1N1), trong đó có 648 người tử vong. Hiện Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ bệnh cúm A (H1N1) sẽ lan rộng khắp cả nước khi hàng triệu người ở các thành phố lớn đổ về quê vào dịp đón Tết Nguyên đán sắp tới. Tại Ai Cập, đã có hơn 10.777 ca bị nhiễm cúm A (H1N1), trong đó có thêm bốn người tử vong, đưa tổng số người chết vì căn bệnh này lên 145 người. Tại An-giê-ri, có thêm năm ca tử vong, đưa tổng số người chết vì cúm A (H1N1) lên 47. Tại Mỹ, có hơn 6.670 người chết và tại châu Âu có ít nhất 2.422 người chết vì nhiễm cúm A (H1N1). Tổng Giám đốc WHO M. Chan kêu gọi toàn thế giới cần tiếp tục theo dõi sát dịch bệnh này trong vòng 6 đến 12 tháng tới, đồng thời lưu ý, vi-rút cúm A (H1N1) liên tục biến đổi và dịch bệnh này sẽ có thể trở nên nguy hiểm hơn. Các nhà sản xuất thuốc và các nước cam kết sẽ tặng gần 190 triệu liều vắc-xin cho WHO, với những lô vắc-xin đầu tiên sẽ được phân phát cho A-déc-bai-gian, Mông Cổ và Áp-ga-ni-xtan vào tháng tới./.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21-12-2009 đến ngày 27-12-2009)
Ban đối ngoại Trung ương - Phấn đấu, cống hiến và trưởng thành  (05/01/2010)
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 28-12-2009 đến ngày 3-1-2010)  (05/01/2010)
Thêm 3 văn bản cổ liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa  (04/01/2010)
Bàn thêm về kế hoạch tiếp tục kích thích kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay  (04/01/2010)
Khởi công dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại Lào  (04/01/2010)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên