Bàn thêm về kế hoạch tiếp tục kích thích kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
TCCS - Để chống đỡ sức tàn phá khủng khiếp của “cơn bão” khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo theo suy thoái kinh tế thế giới thời gian qua, một trong những giải pháp được hầu hết các nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam) áp dụng là gói kích cầu, hay nói chính xác hơn phải là kích thích kinh tế. Nhờ vậy, cho đến nay, kinh tế thế giới đã xuất hiện những tín hiệu tích cực trên nhiều lĩnh vực, kinh tế Việt Nam cũng đã qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trong quá trình hồi phục. Một bài toán đang được đặt ra: Có nên dừng lại, hay duy trì các gói kích thích kinh tế đang thực hiện, hoặc tiếp tục bổ sung thêm các gói kích thích mới? Điều này thu hút sự quan tâm không chỉ các nhà hoạch định chính sách mà còn cả các doanh nghiệp và người dân. Tham gia đóng góp ý kiến vào vấn đề này, bài viết xin gợi mở một số suy ngẫm.
1 - Nhìn nhận đánh giá của các nước trong bối cảnh hiện nay
Ngay khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra và kinh tế thế giới bước vào suy thoái, lần đầu tiên trong lịch sử, hầu hết các quốc gia từ các nước phát triển cho đến các nước đang phát triển đều nhanh chóng thông qua các gói kích cầu, tức là bơm tiền vào lưu thông để tăng sức mua. Có thể nói đây là cách khắc phục mang lại hiệu quả nhất trong thời gian qua. Cho đến nay, chưa một nước nào có kế hoạch rõ ràng trong việc ngừng thực hiện các gói kích cầu này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước phát triển và mới nổi (G20) diễn ra từ ngày 24 đến 25-9-2009 tại Pittsburgh (Mỹ), các nguyên thủ quốc gia đã thống nhất khẳng định, kinh tế thế giới đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên khả năng phục hồi chưa chắc chắn, do đó, cần tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích kinh tế để bảo đảm kinh thế thế giới phục hồi ổn định và phát triển.
Hiện nay, cách tiếp cận vấn đề này của các nước căn cứ vào thực tế khách quan, yêu cầu kinh tế - chính trị và trạng thái kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tựu trung, có các hướng như sau: (1) Quan điểm của đa số các nước đều cho rằng không nên chấm dứt quá sớm các chương trình kích thích kinh tế và tài chính hiện tại. Các biện pháp hỗ trợ cần được tiếp tục (ít nhất là đến giữa năm 2010 trong trường hợp kinh tế thế giới hồi phục nhanh chóng); (2) Nhiều nước (Mỹ, Anh...) khẳng định không loại trừ khả năng đưa ra gói kích thích kinh tế mới trên cơ sở xem xét đánh giá hiệu quả của gói kích thích kinh tế hiện tại (thông qua kết quả kinh tế vĩ mô và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý III-2009). Chính quyền Ô-ba-ma đang cân nhắc về một số chương trình chi tiêu và giảm thuế tiếp theo để hỗ trợ cho nền kinh tế (chính sách tài khoá); (3) Một số nước có chủ trương cơ cấu lại gói kích cầu hiện tại (Chính phủ mới ở Nhật Bản dự định sẽ phân bổ lại gói kích cầu hiện tại theo hướng ưu tiên cho chính sách tài khóa và hướng vào các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội như chăm sóc trẻ em, giáo dục, hỗ trợ người lao động); (4) Có nước đã quyết định tung ra gói kích thích mới với kỳ vọng phục hồi kinh tế theo hình chữ V (Thái Lan đã khởi động kế hoạch kích thích kinh tế mới mang tên "Nước Thái mạnh hơn" trị giá trên 42 tỉ USD vào đầu tháng 9 vừa qua tập trung vào đầu tư công nhằm nâng cấp kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch, giáo dục, tạo việc làm).
2 - Những điểm tích cực và hạn chế của gói kích thích kinh tế mà Việt Nam đang thực hiện
Các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Việt Nam chia thành các nhóm giải pháp chính như nhóm giải pháp thông qua chính sách tiền tệ (hỗ trợ lãi suất trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn); nhóm giải pháp thông qua chính sách tài khóa (giảm, giãn và miễn một số loại thuế, tăng đầu tư công...) và gói giải pháp bảo đảm an sinh xã hội (chương trình hỗ trợ giảm nghèo cho 61 huyện nghèo, nâng lương cho cán bộ, công nhân viên chức, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp...). Các biện pháp này đang phát huy hiệu quả và đem lại nhiều tác động tích cực, có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước trên các mặt chủ yếu như: (1) Góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm (GDP quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đầu năm đạt 4,56% và hoàn toàn có thể vượt chỉ tiêu 5% Quốc hội đề ra cho cả năm 2009); (2) Đi kèm với mức tăng trưởng ngày càng cao hơn thì lạm phát lại được kiềm chế trong thời gian ngắn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,1% so với cuối năm 2008 và có thể tăng 7% cho đến hết năm (trong khi hạn mức Quốc hội đề ra là 10%); (3) Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là hệ thống ngân hàng - tài chính trong điều kiện hệ thống ngân hàng trên thế giới bị khủng hoảng dẫn đến sự đổ vỡ, điển hình là Mỹ; các doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và từng bước hồi phục; lòng tin của người dân, của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào sự điều hành của Chính phủ và triển vọng kinh tế Việt Nam được củng cố và nâng lên; (4) Bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với khu vực dân cư có thu nhập thấp, đồng bào nghèo, vùng sâu, vùng xa; (5) Giữ vững ổn định chính trị và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cho đến nay, có thể hình dung nền kinh tế nhận được gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng như người "có bệnh" được tiêm thuốc thẳng vào “ven” nên có tác dụng nhanh chóng, hiệu quả và qua cơn hiểm nghèo trong thời gian ngắn. Mặt khác, cách làm này cũng khiến cho vai trò của các chủ thể trong nền kinh tế được phân định rạch ròi, Chính phủ chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước về mặt vĩ mô, ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng và chịu trách nhiệm trước quyết định cho vay của mình, trong khi doanh nghiệp tiếp nhận vốn có điều kiện của ngân hàng và chủ động thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, dư luận nước ngoài và nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính đã đánh giá cao hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ thông qua hệ thống ngân hàng, cho đây là một sáng kiến của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách kích cầu thời gian qua cũng bộc lộ một số mặt hạn chế. Do quá trình triển khai hỗ trợ lãi suất phải kịp thời trong bối cảnh kinh tế suy giảm nhanh chóng vào quý I năm nay nên hỗ trợ ít nhiều còn dàn trải, chưa tập trung cao độ cho các đối tượng thực sự khó khăn (nhất là khu vực nông thôn). Tình trạng cho vay trùng lặp đối tượng hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 5.800 tỉ đồng (Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 29-9) và có hiện tượng doanh nghiệp sử dụng sai mục đích gói kích cầu. Thời hạn vay và mức vay chưa phù hợp nên chưa hỗ trợ nhiều cho phát triển sản xuất và thúc đẩy tiêu dùng (như quy định mức vay hỗ trợ sản xuất nông nghiệp không vượt quá 7 triệu đồng/ha là thấp so với thực tế chi phí về giống, phân bón, nhân công, công cụ sản xuất...; thời hạn vay 12 tháng chưa phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh và khả năng thu hồi vốn). Bên cạnh đó, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cũng làm giảm vai trò của thị trường trong việc điều tiết, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp, nhất là thanh loại các doanh nghiệp yếu kém hoạt động không hiệu quả.
Gói kích cầu của Chính phủ là một quyết sách nhạy bén, sáng tạo, kịp thời, đúng hướng, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Cho đến thời điểm này, có thể nói gói kích cầu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy giảm kinh tế thế giới, được thể hiện trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, đây là một chính sách mới được xây dựng và tổ chức thực hiện khẩn trương nên khó có thể tránh khỏi những vấp váp, hạn chế, do vậy cần được nghiên cứu khắc phục, nhất là đối với khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
3 - Khả năng duy trì hoặc bổ sung kế hoạch kích thích kinh tế mới
Việc tiếp tục duy trì tốc độ giải ngân của gói kích thích kinh tế (nhất là gói kích cầu bù lãi suất) như trong thời gian qua hoặc bổ sung trong thời gian tới sẽ gặp một số khó khăn và có thể nảy sinh những tác dụng phụ như: (1) Hoạt động cho vay của các ngân hàng bắt đầu trở nên khó khăn do tăng trưởng tín dụng (cuối quý III-2009 ở mức 28%) gần tiệm cận hạn mức trong cả năm (30%), dẫn đến nhu cầu vay của nhiều doanh nghiệp không được đáp ứng; (2) Mức tăng trưởng cao của tổng phương tiện thanh toán (cuối quý III-2009 tăng trên 21%) và tín dụng do áp lực của chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất đang gây sức ép tăng lãi suất thị trường và lạm phát trong thời gian tới (chỉ số CPI tháng 9 có mức tăng cao nhất trong 7 tháng gần đây), nhất là khi chu kỳ tín dụng và thanh toán những tháng cuối năm thường tăng mạnh hơn đầu năm và được cộng hưởng cùng đà tăng trưởng cao hơn của kinh tế Việt Nam; (3) Việc bổ sung thêm gói kích thích sẽ làm gia tăng thêm thâm hụt ngân sách và nợ công (tỷ lệ nợ công trong năm 2009 ước tính chiếm 40% GDP - ủy ban Kinh tế Quốc hội). Đồng thời, cung tiền VND lớn ra thị trường sẽ gây áp lực đối với tỷ giá VND/USD; (4) Nếu việc sử dụng vốn hỗ trợ lãi suất sai mục đích sẽ gây ra tình trạng phát triển "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nếu không thực hiện các kế hoạch kích thích kinh tế, mà trước hết là quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm và có thể còn tốn kém nhiều nguồn lực hơn nữa trong việc khắc phục sự chậm trễ: (1) Kinh tế thế giới phục hồi chậm và chưa vững chắc (không loại trừ khả năng phục hồi theo hình chữ W) sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam; (2) Kinh tế Việt Nam ổn định nhưng chưa bền vững. Hoạt động xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang trong chiều hướng suy giảm (cho đến nay xuất khẩu giảm 14,2%, thu hút FDI giảm hơn 79% so với cùng kỳ năm 2008) và phụ thuộc nhiều vào khả năng phục hồi của các thị trường lớn (tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ và châu Âu đang đứng ở mức rất cao khiến sức tiêu thụ hàng hóa khó cải thiện trong thời gian ngắn); (3) Một số cân đối lớn của nền kinh tế đã bộc lộ yếu điểm trong thời gian tăng trưởng nhanh trước đây, như năng lượng, điện, giao thông, nguồn nhân lực... Nhiều công trình chậm tiến độ gây tình trạng "ngâm vốn", "vốn chết" do đầu tư dàn trải... Nếu không sớm khắc phục vào thời điểm này thì đó sẽ tiếp tục là một áp lực lớn cho nền kinh tế trong thời gian tới, khi bước vào giai đoạn phục hồi và tăng tốc. Bởi vậy, nay là cơ hội tốt nhất để khắc phục; (4) Các doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng vẫn cần hỗ trợ vốn để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, cơ cấu lại sản phẩm thông qua đầu tư công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực; (5) Một số đối tượng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh tế gia đình ở nông thôn còn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của gói kích cầu thứ nhất nên vẫn cần được hỗ trợ.
Tóm lại, mặc dù việc tiếp tục duy trì gói kích thích kinh tế hoặc bổ sung trong thời gian tới sẽ gặp một số khó khăn, nhưng nếu không có kế hoạch kích thích kinh tế tiếp theo, hoặc ít nhất là duy trì các kế hoạch đang thực hiện (trên cơ sở có sự điều chỉnh hợp lý) thì kinh tế Việt Nam sẽ không thể có đà tăng trưởng vững chắc cho những năm tiếp theo, do đây chỉ là giai đoạn đầu của sự phục hồi. Mặt khác, hiện lạm phát chưa tới mức đáng lo ngại nên chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tiếp tục tiến hành kích cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bài học từ khủng hoảng tài chính khu vực châu á năm 1997 - 1998 cho thấy, nước ta đã phải mất gần 8 năm để lấy lại mức tăng trưởng như trước năm 1997 do không có kế hoạch kích thích kinh tế phù hợp. Lúc xảy ra khủng hoảng kinh tế và suy thoái toàn cầu đã có dự báo rằng phải mất 3 - 4 năm để phục hồi, nhưng thực tế chưa đầy 1 năm sau, quý III-2009, dấu hiệu phục hồi đã khá rõ.
4 - Giải pháp
Trên cơ sở bối cảnh tình hình kinh tế trong, ngoài nước hiện nay và thực tiễn thực hiện gói kích cầu thời gian qua, tác giả bài viết xin nêu lên một vài suy nghĩ nhằm làm rõ hơn một số vấn đề trong quá trình thực hiện thời gian tới.
Thứ nhất, về nhận thức tình hình: Nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực là kết quả triển khai quyết liệt và đồng bộ 5 nhóm giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11-12-2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội mà tâm điểm là gói kích cầu của Chính phủ. Gói kích cầu này mang tính chất đối phó tình thế trong thời gian ngắn, giúp đưa nền kinh tế Việt Nam ra khỏi khó khăn và bắt đầu phục hồi. Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước thời gian tới vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức, để có thể bứt phá và tạo đà tăng trưởng mạnh, bền vững trong dài hạn đòi hỏi, một mặt, phải tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả gói kích thích kinh tế thứ nhất; mặt khác, cần bổ sung gói kích thích thứ hai tập trung cho các mục tiêu trung và dài hạn, tái cấu trúc nền kinh tế.
Thứ hai, đối với gói kích thích kinh tế đang thực hiện: Các cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá tổng thể những kết quả, hiệu quả mà gói kích cầu mang lại cũng như những tồn tại, vướng mắc và kịp thời có biện pháp chấn chỉnh để tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nghiên cứu điều chỉnh liều lượng của gói kích thích cho phù hợp với những diễn biến mới của tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Theo đó có thể:
(a) Giảm dần hỗ trợ lãi suất ngắn hạn từ 4% hiện nay xuống mức 1% - 2% và kết thúc đúng thời hạn là 31-12-2009, nhưng vẫn tiếp tục gói hỗ trợ lãi suất trung, dài hạn; đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính quá cứng nhắc trong hoạt động cho vay, nhất là đối với khu vực nông thôn và đối tượng là các hộ nông dân đầu tư máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp (theo đánh giá của các ngân hàng, dư nợ cho vay đối với khu vực này tuy thấp, nhưng tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, trong hỗ trợ lãi suất lại thường thiếu các thủ tục theo quy định nên khó tiếp cận vốn);
(b) Tiếp tục duy trì kế hoạch thực hiện nhóm giải pháp thông qua chính sách tài khóa (giảm, giãn và miễn một số loại thuế...) và gói giải pháp bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng gói kích thích kinh tế mới phù hợp với điều kiện, khả năng và các cân đối vĩ mô của nền kinh tế; tập trung cho các mục tiêu trung và dài hạn, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ trong GDP; cấu trúc lại các ngành, các lĩnh vực kinh tế của nước ta trên cơ sở lợi thế cạnh tranh trong hội nhập; hình thành các vùng kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế vùng gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; trên cơ sở đó điều chỉnh phân bổ nguồn lực để tập trung phát triển những ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có năng lực cạnh tranh cao, có tiềm năng phát triển và những lĩnh vực nền tảng như kết cấu hạ tầng, giáo dục và khoa học - công nghệ.
Nội dung của gói kích thích kinh tế mới:
(1) Sử dụng công cụ tài khóa và tiền tệ kết hợp với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhưng thiên về chính sách tài khóa hơn;
(2) Quy mô nhỏ hơn gói kích thích kinh tế đang thực hiện trên cơ sở cân đối vĩ mô (tăng trưởng kinh tế, lạm phát, khả năng ngân sách...);
(3) Đối với kích cầu qua chính sách tài khoá: (a) Đẩy mạnh đầu tư công trong các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia, hạ tầng khu vực nông thôn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (b) Cắt giảm thuế (như thuế VAT) cho nhiều mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng hằng ngày để vừa có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm an sinh xã hội cho người có thu nhập thấp; Giãn thời gian nộp thuế (thu nhập doanh nghiệp, nhập khẩu...) để hỗ trợ doanh nghiệp;
(4) Đối với kích cầu qua chính sách tiền tệ: (i) Nghiên cứu riêng một gói kích cầu quy mô hạn chế và có điều kiện, dành riêng cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là khu vực đặc biệt cần vốn, hiện chưa được tiếp cận thông thoáng với nguồn vốn kích cầu lần thứ nhất, trong khi đó lại tạo ra phần lớn việc làm, và là "đệm" an sinh xã hội quan trọng cho kinh tế Việt Nam hiện nay; (ii) Mức lãi suất hỗ trợ thấp hơn so với hiện nay, thời gian từ 12 tới 18 tháng và có thể gia hạn thêm từ 3 đến 6 tháng; (iii) Phương pháp cho vay cần kết hợp giữa "tài trợ dự án" (không đòi hỏi tài sản thế chấp, mà dựa vào năng lực khả thi thương mại) và hỗ trợ kỹ thuật dự án (đưa nguồn lực chuyên gia kỹ thuật, tài chính, pháp lý tới các doanh nghiệp có tiềm năng, cần vốn, nhưng chưa đủ điều kiện kỹ thuật để tiếp cận vốn).
Thứ tư, tiến hành các chính sách hỗ trợ khác để khắc phục những hạn chế đã xuất hiện trong quá trình thực hiện gói kích cầu thời gian qua; đồng thời bảo đảm cân đối kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững:
(1) Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đối với nhóm giải pháp tiền tệ nhằm giám sát hoạt động cho vay, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích; các đoàn kiểm tra đối với nhóm giải pháp tài chính đi kiểm tra các địa phương, công trình đầu tư cụ thể để chống lãng phí, tham nhũng và đầu tư sai mục đích;
(2) Tiếp tục điều tiết linh hoạt, cẩn trọng thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là tăng trưởng tín dụng; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu và những dấu hiệu tiêu cực, dòng vốn nóng vào, ra nền kinh tế một cách bất thường; điều hành lãi suất và tỷ giá VND/USD linh hoạt theo tín hiệu thị trường;
(3) Áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập siêu, nhất là đối với các mặt hàng xa xỉ như ô-tô, điện thoại di động...;
(4) Tiến hành nhiều đợt phát hành trái phiếu và đẩy mạnh cổ phần hóa (IPO) các công ty, tập đoàn lớn của Nhà nước để thu hút tiền mặt trong lưu thông, tập trung vốn sử dụng có trọng tâm, trọng điểm theo các kế hoạch kích thích kinh tế;
(5) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là thông tin đầy đủ, kịp thời về các kế hoạch, chính sách kích thích kinh tế để người dân hiểu, ủng hộ và thực hiện đúng, hiệu quả, tránh hiện tượng đầu cơ thông tin để trục lợi cá nhân./.
Khởi công dự án đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại Lào  (04/01/2010)
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2009 đạt gần 220 nghìn tỉ đồng  (04/01/2010)
Việt Nam đã làm rất tốt công tác chuẩn bị chức Chủ tịch ASEAN  (04/01/2010)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên