Gói kích cầu nên vào đâu là trúng?

Lê Xuân Đình
10:09, ngày 03-02-2009

Ngày 15-01-2009, Chính phủ đã thông qua phương án sử dụng khoản kích cầu đầu tiên với số tiền lên đến 17.000 tỉ đồng trong năm 2009 (trong dự kiến thực hiện gói kích cầu trị giá 6% GDP) để bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh; bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 20 tỉ đồng với mức tối đa bằng 100% số nợ gốc và lãi phát sinh; hỗ trợ người nghèo đón Tết Nguyên đán. Các nhà kinh tế và hoạch định chính sách đang bàn luận sôi nổi về nhiều vấn chung quanh việc làm thế nào để kích cầu có hiệu quả, nhất là để kinh tế tăng trưởng bền vững.

Thứ nhất, kích cầu hướng vào hỗ trợ lãi suất ngân hàng là 4% cho các khoản vay vốn lưu động theo tiêu chí hướng mạnh vào nền kinh tế thực, nghĩa là những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, ngoại trừ nhập khẩu hàng tiêu dùng chưa thiết yếu, vay kinh doanh chứng khoán, tài chính, ngân hàng, vay vốn để trả nợ các hợp đồng tín dụng khác... Đây là một sựa lựa chọn tối ưu vì Chính phủ đã bỏ ra một lượng tiền khá lớn, nhưng lại quá nhỏ bé so với nhu cầu chung của nền kinh tế, nên “điểm vào huyệt” lãi suất là để bỏ ra một lượng tiền nhỏ mà có thể đạt được mục tiêu lớn. Cụ thể, để chi được 4 triệu đồng, thì doanh nghiệp phải tung vốn ra 100 triệu đồng (thông qua vay vốn ngân hàng thương mại). Từ đó, suy ra nếu lượng tài chính dự trù 17.000 tỉ đồng được giải ngân hết trong 12 tháng tới, thì nền kinh tế huy động được một lượng vốn lưu động khá lớn vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những tính toán ban đầu. Mục tiêu sẽ khó thành hiện thực nếu thiếu khâu tiếp theo là tiêu thụ hàng hóa. Doanh nghiệp nào cũng phải tính toán thị trường đầu ra trước khi quyết định đầu tư sản xuất. Trong khi đó, cả thế giới, nhất là những nước có thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa của Việt Nam (xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới 70% GDP nên những doanh nghiệp dựa chủ yếu vào thị trường xuất khẩu sẽ rất khó khăn) cũng đang rơi vào trạng thái suy thoái kinh tế, sức mua giảm... Tuy vậy, chúng ta có thể dựa vào những “ẩn số” có tính lạc quan, như: các nước cũng đang thực hiện các gói kích cầu, cao nhất đã lên đến 30% GDP; Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng giá rẻ, lại chủ yếu trong các lĩnh vực lương thực, thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu nên có thể tranh thủ được khối đông người tiêu dùng nghèo trong lúc kinh tế chung khó khăn.

Theo một số đánh giá, sau gần 4 tháng đóng băng, gần đây, tại Mỹ, tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và tiêu dùng cá nhân tuy còn yếu ớt, nhưng đã có dấu hiệu phục hồi, cho thấy mọi sự khó khăn đều có giới hạn, mọi cuộc khủng hoảng rồi cũng sẽ có hồi kết. Chu kỳ khủng hoảng, tiêu điều, phục hồi, hưng thịnh cứ lặp đi, lặp lại và trở thành câu chuyện của kinh tế thị trường “xưa như trái đất”.

Thứ hai, chúng ta vừa mới thực hiện cú “phanh gấp” (các biện pháp kiềm chế lạm phát), nay lại phải kích “tốc độ” lên (các biện pháp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế), nên theo quy luật chung, không thể nóng vội mà phải từng bước, phối hợp nhịp nhàng giữa “cài số” và “tăng ga” để cỗ xe kinh tế tiến lên, nếu không sẽ tốn nhiều nhiên liệu mà cỗ xe vẫn ỳ ạch không tiến nhanh được. Điều đó nói lên rằng, nên đặt các mục tiêu kích cầu vào chiến lược phát triển tổng thể của đất nước là đúng, nhưng có lẽ trước mắt nên tập trung giải quyết tốt những vấn đề mang tính căn bản, giúp nền kinh tế cân bằng lại tổng cung, tổng cầu trước sự biến động của thị trường thế giới trên cơ sở những tiêu chí bảo đảm phát triển bền vững.

Có thể so sánh thời điểm này như là một “khoảnh khắc” quý giá để chúng ta “căn chỉnh” lại cỗ máy của nền kinh tế, chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào một giai đoạn “tấn công” mới trên thương trường quốc tế. Câu chuyện đó liên quan tới nhiều vấn đề, từ cải cách cơ cấu kinh tế vì nhiều khuyết tật trong lĩnh vực này đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng chậm được khắc phục.

Câu chuyện đó cũng liên quan đến thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện, vì những “điểm nghẽn” của sự tăng trưởng vẫn đang còn tồn tại, tệ nạn “xin - cho” chưa hết... Tất cả các khuyết tật đó đang làm giảm nghiêm trọng hiệu quả đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư trong GDP của nền kinh tế (từ 40 - 43%) còn ở mức quá cao so với các nước trong cùng giai đoạn phát triển. Câu chuyện đó cũng liên quan đến cải cách mạnh các thủ tục hành chính làm xấu đi môi trường kinh doanh chung của nền kinh tế. Có như thế mới nhanh chóng.

Với cách tiếp cận phát huy tối đa hiệu quả của gói kích cầu, theo chúng tôi có một số khía cạnh rất cần được tiếp tục bàn luận, như sau:

a. Theo nguyên lý “lợi về lực thì thiệt về đường đi”, muốn kinh tế tăng trưởng nhanh thì tập trung kích cầu tiêu dùng, nhưng như thế tăng trưởng có thể chỉ đạt được trong ngắn hạn, khó bảo đảm bền vững, thậm chí có nguy cơ gây mất cân đối và kích tăng lạm phát trở lại.
 
Để có sự tăng trưởng ổn định, tạo đà cho những năm sau thì cần tập trung kích cầu đầu tư. Tuy nhiên, không thể đầu tư tràn lan, dàn trải vì nguồn vốn có hạn, mà nhu cầu đầu tư lại rất lớn. Vì thế, chọn đúng trọng điểm đầu tư vẫn là “chìa khóa” của sự thành công trong gói kích cầu lần này. Cần cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng những lĩnh vực nào là trọng điểm, tuy nhiên, những lĩnh vực có tác dụng điều chỉnh lại những cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như tái cơ cấu nền kinh tế theo chiến lược hội nhập sâu và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần được ưu tiên xem xét.

Bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng cung cho nền kinh tế, góp phần bảo đảm việc làm, cần rất thận trọng với những doanh nghiệp mà đáng ra đã bị thị trường đào thải do công nghệ lạc hậu. Tránh tình trạng doanh nghiệp đáng cứu không được cứu mà lại hỗ trợ những doanh nghiệp bị thị trường đào thải là hợp lý. Công ty Orion Hanel là một trường hợp điển hình. Công ty đã hoạt động 11 năm và dẫn đầu trong số các FDI tại Hà Nội, vào năm 2004, Công ty còn khánh thành nhà máy sản xuất đèn hình màu thứ hai tại Khu công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội), tạo thêm 1.200 việc làm mới cho người lao động và đưa số cán bộ công nhân viên của công ty lên đến 2.500 người, nay đang hoàn chỉnh đơn xin phá sản lên Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Bài học đắt giá từ sự phá sản của doanh nghiệp này chính là dây chuyền mà công ty nhập về đã quá lạc hậu.

b. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nền kinh tế đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là các cân đối lớn.

Nền kinh tề nước ta chưa hề rơi vào trạng thái tăng trưởng quá nóng như ở Trung Quốc, nhưng đã bộc lộ những mất cân đối lớn. Vấn đề năng lượng điện là một mối nguy. Lịch trình cắt điện luân phiên không phải là sự thể hiện “tầm quan trọng” của ngành điện, mà nó nói lên những khía cạnh sâu xa hơn. Mỗi nhà máy, doanh nghiệp hay cơ quan tổ chức đều phải sắm một cỗ máy phát điện dự phòng, mỗi hộ gia đình kinh doanh cũng phải sắm máy phát điện phòng khi bị cắt điện đã dẫn đến những tốn kém, lãng phí không nhỏ. Một trong những giải pháp căn bản cần được đưa ra để tăng cung nguồn điện là tránh tình trạng độc quyền của ngành điện. Cần huy động tổng lực các nguồn vốn, các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực tạo nguồn, sớm chuyển sang cơ chế chào giá cạnh tranh với việc Nhà nước đứng ra độc quyền về mạng lưới phân phối (mạng lưới tải điện, các trạm biến thế, điều hòa phân phối…). Ngoài điện là một thí dụ, còn nhiều những cân đối lớn khác cần được chú trọng, như lao động đã qua đào tạo, kết cấu hạ tầng…

c. Những cơn sốt ảo về gạo và một số mặt hàng thiết yếu vừa qua thể hiện sự bất cập trong hệ thống phân phối của đất nước.

Trong lúc xuất khẩu gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính thế giới mà bản chất là khủng hoảng thừa, thì thị trường trong nước là một cái “van an toàn”, hay chỗ “trú chân” an toàn cho nền kinh tế trong việc tiêu thụ hàng hóa trong nước. Chúng ta chưa đến mức phải huy động toàn dân quyên góp vàng, đá quý để cứu nền kinh tế như Hàn Quốc đã thực hiện năm 1997, nhưng việc phát động phong trào “người Việt dùng hàng Việt” với tinh thần yêu nước lúc này là rất hữu ích. Tuy nhiên, kích cầu tiêu dùng cũng phải cảnh giác với hệ lụy của nó là dẫn đến việc dùng tiền hỗ trợ của Chính phủ để tiêu thụ hàng tiêu dùng nhập khẩu giá rẻ. Vì do khủng hoảng tài chính, nhiều thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU bị khủng hoảng, nên nhiều nước gặp khóa khăn trong xuất khẩu, và Việt Nam là một thị trường khá hấp dẫn để họ đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng giá rẻ.

d. Chú trọng những ngành hàng có sức lan tỏa trong toàn hệ thống kinh tế.

Chẳng hạn, xăng dầu là mặt hàng có tác động đến đầu vào của tất cả những ngành hàng sử dụng nó. Khi đầu vào hạ thì sức cạnh tranh của sản phẩm đầu ra cũng tăng theo. Ngoài những ngành hàng đầu nguồn của chuỗi tái sản xuất, thì một số lĩnh vực có tính chất hỗ trợ cho sản xuất phát triển cũng cần được chú ý, như cải cách mạnh những thủ tục hành chính còn rườm rà, đặc biệt là xóa bỏ tình trạng “xin - cho” trong việc xử lý, xét duyệt các doanh nghiệp được lọt vào gói kích cầu của Chính phủ. Đó là chưa nói đến tính tổng thể của sự phát triển nền kinh tế quốc dân đang rất dễ bị tổn thương do lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, địa phương trong quá trình thực hiện.

e. Kích cầu tiêu dùng phải đúng đối tượng. Bản chất của các cuộc khủng hoảng xảy ra mang tính chu kỳ trong kinh tế thị trường đều có nét chung là khủng hoảng thừa.

Thực chất là thừa hàng hóa, sức cầu yếu do thiếu tiền. Thế nhưng đứng từ góc độ mà C.Mác đã phân tích trong cuốn Tư bản, thì còn có một nguyên nhân sâu xa khác dẫn đến những cơn khủng hoảng chu kỳ, triền miên không thể thoát ra được. Đó là quan hệ phân phối - một trong ba khía cạnh tạo nên quan hệ sản xuất, trong chủ nghĩa tư bản đã dồn hết sự giàu có về một nhóm ít người, còn số đông những người lao động thì rơi vào cực kia của xã hội - vào cảnh bần cùng.

Cho đến ngày nay, những phân tích nàycủa C.Mác vẫn còn hoàn toàn đúng. Đó cũng là câu trả lời cho vấn đề “tiền ở đâu”, hàng loạt các hãng lớn đều rơi vào cảnh ế thừa hàng hóa, từ hãng Ford đến Toyota (lần đầu tiên bị lỗ sau 70 năm có lãi và đang triển khai các chiến dịch khuyến khích tiêu dùng lớn. Chẳng hạn. Ở Việt Nam, có thể vay tới 70% giá mua…).

Nói tới đây, chúng ta lại không thể xem nhẹ vai trò của kích cầu tiêu dùng, nhất là vấn đề hỗ trợ người nghèo trong việc an sinh và ổn định xã hội, phát triển thị trường trong nước. Mục tiêu của phát triển kinh tế nước ta là làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Mục tiêu đó chính là nhằm cho mọi người đều được thụ hưởng tốt nhất những thành quả do tăng trưởng kinh tế mang lại.

Dù thu nhập bình quân đầu người là một tiêu chí phản ánh mức độ phát triển của nền kinh tế, tuy nhiên con số không thể phản ảnh đầy đủ sức mua còn thấp của một bộ phận dân cư nghèo ở mọi miền đất nước. Chính vì thế, Chính phủ đã chủ trương sử dụng 17.000 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD) để hỗ trợ lãi suất trong năm 2009 qua hệ thống các ngân hàng, mà trọng điểm của nguồn vốn này là ưu tiên hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để giải quyết những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và hạn chế thất nghiệp; để xây dựng nhà ở chính sách xã hội, hỗ trợ cho sinh viên vay vốn...

f. Kích cầu đầu tư phải hiệu quả, chú trọng đến thời gian hoàn vốn nhanh và tỷ suất đầu tư thấp.

Đầu tư dài hạn nghĩa là chưa có sản phẩm ngay để cân đối lại tiền - hàng, trong lúc nguyên vật liệu phải mua, tiền công phải trả cũng là một trong số nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát (đưa tiền vào lưu thông mà thiếu nguồn hàng cân đối lại), và đây chính là lạm phát đặc trưng của những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh như nước ta (không thể so sánh tỷ lệ lạm phát Việt Nam với các nền kinh tế công nghiệp phát triển là như vậy).

Hiện nay, chúng ta đang có không ít các hạng mục đầu tư “chết”, nghĩa là “chôn” vốn cả chục năm do thiếu vốn, nên hàng chục, hàng trăm tỉ đồng đã đầu tư dở dang, nhưng công trình không được hoàn thiện, không đưa vào sử dụng được. Vậy nên chăng cần xem xét để lựa chọn những công trình thuộc lĩnh vực then chốt, có ý nghĩa lan tỏa, có tác dụng cân đối lớn, mà đang thiếu một ít vốn nữa thì có thể hoàn thành, đi vào sử dụng trong thời gian ngắn nhất. Đầu tư để có sản phẩm sớm không những giảm số lượng vốn đầu tư không hoạt động trong cơ cấu đầu tư chung hiện nay, mà còn giúp cân đối lại tiền - hàng để giảm lạm phát.

Cuối cùng, cần theo dõi sát sao nhiều kinh nghiệm của các nước, nhưng ít tốn kém nhất, hiệu nghiệm nhất, có lẽ là học từ những thất bại và thành công của chính mình. Cách đây khoảng 10 năm (bắt đầu từ năm 1998 và cao trào là năm 2001 – 2002), trước sự tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, nền kinh tế Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 4,8% trong năm 1999, Chính phủ cũng đã thực hiện kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lúc đó nền kinh tế nước ta chưa mở cửa rộng như bây giờ, xuất khẩu chưa chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của cả nền kinh tế, nên tuy có chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, nhưng mức độ không nặng. Thế mà khi các nước trong khu vực bị suy thoái, thì xuất khẩu khó khăn, kích cầu tiêu dùng lúc đó đã điểm trúng “huyệt” của nền kinh tế.

Đơn cử là hàng loạt các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là thủy lợi, giao thông nông thôn… được đầu tư với chính sách hỗ trợ mua xi-măng (trong lúc hàng loạt các nhà máy xi-măng lò đứng đang khó tiêu thụ sản phẩm). Như vậy, nhà máy được kích cầu cũng phấn khởi, và nông dân được mua xi-măng cũng hồ hởi… Nhưng sau một thời gian nhìn lại, bên cạnh cái được rất lớn thì cái tồn tại cũng không thể bỏ qua. Đó là nợ của chính quyền nhiều địa phương với nhà máy xi-măng vẫn chưa được giải quyết xong.

Việc thực hiện chính sách kích cầu một thời gian khá dài, nhưng sau đó không có sơ kết, tổng kết cụ thể để đúc rút kinh nghiệm đã thành một là một trong những nguyên nhân tích tụ để dần dẫn đến lạm phát cao vào đầu năm 2008, với tăng trưởng tín dụng quá nóng, lên trên 50%, buộc Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng các biện pháp mạnh để kiềm chế lạm phát./.