Tích tụ, tập trung ruộng đất - từ thực tiễn tỉnh Lâm Đồng
TCCSĐT - Hiện nay, cùng với ngành nông nghiệp cả nước, ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng cũng đang trong quá trình hội nhập. Lâm Đồng xác định để nông sản của tỉnh có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì cần vai trò tiên phong đi đầu của các doanh nghiệp, các hợp tác xã trong tổ chức sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tiên tiến, hiện đại để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Một trong những chính sách cần quan tâm để tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế tổ chức sản xuất hàng hóa lớn tập trung là tạo điều kiện tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành các vùng chuyên canh lớn tập trung theo đúng định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã được đặt ra.
Tích tụ, tập trung ruộng đất: Một vấn đề cần được quan tâm hiện nay
Kể từ sau “Đổi mới” năm 1986, nhất là từ sau Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI năm 1988 (còn gọi là Khoán 10), nông nghiệp Việt Nam đã có một bước đột phá mới. Hộ nông dân được thừa nhận là một đơn vị kinh tế tự chủ, có quyền bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trước pháp luật, đất đai được giao ổn định và lâu dài. Cùng với nhiều chính sách tiếp theo, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từ một nước thiếu lương thực đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại và tăng trưởng của khu vực nông, lâm, thủy sản luôn thấp hơn tăng trưởng kinh tế chung. Mặt khác, nông nghiệp nước ta hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào nông hộ với diện tích sản xuất bình quân khá nhỏ, đây là một trong những rào cản cho sự phát triển(1).
Nông nghiệp là một lĩnh vực sản xuất mang tính chất đặc thù (tư liệu sản xuất quan trọng nhất và không thể thiếu là đất đai). Bất cứ một chính sách nào liên quan đến đất đai đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Do đó, động lực mới cho phát triển nông nghiệp sẽ liên quan đến đất đai, và vì thế tích tụ, tập trung ruộng đất là một vấn đề cần được quan tâm hiện nay.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI “khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng” và tinh thần này tiếp tục khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Để tích tụ, tập trung ruộng đất theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III năm 2017.
Thực trạng tích tụ, tập trung ruộng đất tại Lâm Đồng
Lâm Đồng là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế về tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại nông sản, có lợi thế cạnh tranh so với các vùng khác, như cây công nghiệp dài ngày (chè, cà-phê, dâu tằm...), bò sữa, cá nước lạnh, rau, hoa, quả có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8,4%/năm. Tổng diện tích đất gieo trồng toàn tỉnh hiện nay là 344.544ha; giá trị sản xuất đạt 145 triệu đồng/ha.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nông sản, như năng suất chất lượng và giá trị gia tăng thấp; khả năng cạnh tranh chưa cao; tăng trưởng trong ngành nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm, nông nghiệp phát triển kém bền vững.
Một trong những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp của chúng ta hiện nay chủ yếu vẫn dựa trên quy mô hộ gia đình là chủ yếu với đặc trưng là nhỏ lẻ, manh mún (có khoảng 31% số hộ có diện tích canh tác < 0,5ha; 31% số hộ có diện tích từ 0,5ha - 1ha; 28% số hộ có diện tích từ lha - 2ha; 9,5% số hộ có diện tích từ 2ha - 5ha; chỉ có 0,5% số hộ có diện tích trên 5ha). Điều này đã cản trở việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng đồng bộ về quy trình sản xuất, chủng loại sản phẩm,... gây khó khăn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giảm sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Chính vì vậy, tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp, từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Để khuyến khích, đẩy mạnh các hình thức tích tụ, tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất theo hướng canh tác tập trung, cụ thể:
Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất nông nghiệp
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành quy hoạch một số khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, tỉnh đã và đang triển khai quy hoạch 8 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung (với diện tích khoảng 1.911,8ha), tập trung trên địa bàn các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, trong đó có 3 khu quy hoạch đã đi vào hoạt động (Ấp Lát, Đa Đeum II và Vinaco với diện tích 695ha tại huyện Lạc Dương).
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có 108 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 3.208 tỷ đồng, diện tích đất 2.483ha.
Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Đề án đổi mới và phát triển kinh tế trang trại (giai đoạn 2012 - 2015) tại Quyết định số 2286/QĐ-UBND, ngày 01-11-2012. Đề án được triển khai thực hiện với các mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trang trại hiện có, đồng thời khuyến khích các hộ nông dân mở rộng sản xuất, tăng quy mô sản xuất để đáp ứng tiêu chí trang trại. Toàn tỉnh hiện có 763 trang trại với tổng số lao động làm việc thường xuyên là 3.113 người, bình quân 4 lao động/trang trại; diện tích đất bình quân là 8,15ha đối với trang trại trồng trọt và 1,85ha đối với trang trại chăn nuôi; doanh thu bình quân 2,5 tỷ đồng/trang trại/năm.
Thông qua việc phát triển mạnh các mô hình trang trại cũng góp phần chuyển dần hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất tập trung hơn, mức độ ứng dụng cơ giới hóa, khoa học - công nghệ trong sản xuất cao hơn, từ đó đem lại hiệu quả sản xuất cao hơn kinh tế hộ. Đây cũng là phương thức tích tụ, tập trung ruộng đất phù hợp với định hướng chung của Nhà nước và tình hình thực tiễn tại Lâm Đồng.
Khuyến khích phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất
Với các ưu điểm của hình thức liên kết sản xuất như đã nêu trên, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai một số giải pháp để đẩy mạnh phát triển các hình thức liên kết sản xuất, tạo quỹ đất tập trung, tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, cụ thể:
- Triển khai hỗ trợ, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất và thực hiện các dịch vụ cho các hộ nông dân (các hợp tác xã, tổ hợp tác là tổ chức đại diện của nông dân đứng ra ký kết các hợp đồng sản xuất và cung ứng nông sản theo các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp chế biến và phân phối nông sản).
- Xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản an toàn (hình thành các hợp đồng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trực tiếp giữa các doanh nghiệp với hộ nông dân theo hướng kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm).
- Xây dựng mô hình cánh đồng lớn và triển khai thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25-10-2013, của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Qua quá trình triển khai thực hiện, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khá thành công, đáp ứng được mục tiêu chuyển đổi mô hình sản xuất trong nông nghiệp, đem lại hiệu quả cho các bên tham gia. Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 chuỗi rau, hoa (tiêu thụ khoảng 53.660 tấn rau/năm; 151 triệu cành hoa/năm), 5 chuỗi chè trong đó điển hình, như các hợp tác xã Anh Đào, Xuân Hương, Phong Thúy,…
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất được thể hiện qua một số trường hợp phổ biến sau: - Thực hiện sang nhượng quyền sử dụng đất để tạo quỹ đất lớn tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung. - Thuê đất sản xuất: Một số hộ nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, làm ăn có hiệu quả muốn mở rộng sản xuất nhưng chưa đủ điều kiện để sang nhượng quyền sử dụng đất đã thực hiện các hợp đồng thuê đất trong một thời hạn nhất định để phát triển sản xuất. - Hình thành các liên kết sản xuất giữa các nhóm hộ nông dân: Ngoài hai hình thức nêu trên, trên địa bàn tỉnh cũng đang hình thành một hình thức liên kết trong sản xuất nhằm đạt được mục tiêu tạo quỹ đất lớn để tổ chức sản xuất theo hướng cùng sản xuất một loại nông sản, áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác, cùng tuân theo một quy trình kỹ thuật để tạo ra lượng hàng hóa lớn, có độ đồng đều cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hình thức này thường do các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại ký hợp đồng với một nhóm hộ nông dân hoặc tổ chức đại diện của nông dân. Đây là hình thức mới, vừa bảo đảm được các mục tiêu trong tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nhưng vẫn giữ được quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. |
Một số vấn đề đặt ra và giải pháp
Tuy nhiên, trong quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất tại đây cũng có một số vấn đề đặt ra, đó là:
Một là, xu hướng chia nhỏ diện tích canh tác tại các hộ nông dân đang ngày càng gia tăng: với đặc điểm tập quán, tư tưởng của người Việt Nam nói chung và người dân Lâm Đồng nói riêng, quyền sử dụng đất được coi là một tài sản có giá trị lâu dài nên thường được các hộ tách sổ, chia nhỏ diện tích cho con cái khi lập gia đình. Do vậy, diện tích canh tác bình quân/hộ ngày càng có xu hướng nhỏ dần, manh mún hơn trước. Điều này là một khó khăn lớn trong quá trình thực hiện chủ trương đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất.
Hai là, phần lớn các mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh như đã nêu trên đều mới hình thành và phát triển ở quy mô nhỏ, tỷ lệ các doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình có diện tích đất canh tác lớn, tập trung còn thấp. Diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh phần lớn vẫn do các hộ gia đình nông dân nắm giữ với quy mô nhỏ lẻ, manh mún là chủ yếu.
Ba là, chi phí cơ hội của đất thấp tương đối. Nông hộ nhỏ chưa có đủ điều kiện về tài chính, kỹ năng sản xuất và quản lý, thông tin và quan hệ xã hội để tập trung ruộng đất. Doanh nghiệp còn gặp khó khăn với thủ tục, quy trình. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài càng khó khăn trong tiếp cận đất đai (Hasfarm là một ví dụ. Công ty này phải hỗ trợ Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, sau đó mới ký thuê lại diện tích đó của Nhà nước).
Bốn là, chí phí đầu tư sau tích tụ khá cao, vượt khả năng của nhiều nông dân, mặt khác, chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân vì lãi suất từ sản xuất nông nghiệp thấp, độ rủi ro cao.
Năm là, vẫn còn tâm lý lo ngại tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ dẫn đến phân hóa xã hội sâu sắc. Nhiều người vẫn giữ quan điểm: người cày có ruộng, coi nông nghiệp là sinh kế duy nhất của nông dân.
Tích tụ, tập trung ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn và cần thiết cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng và hình thành nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại. Trên cơ sở thực tiễn tại tỉnh Lâm Đồng, có thể đề xuất một số giải pháp cơ bản trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quyền cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trên cơ sở đó để sử dụng đất một cách hiệu quả, mang lại lợi ích nhiều hơn cho người sử dụng đất, đồng thời, cũng tạo ra diện tích đất lớn để đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, để người nông dân thấy được sự cần thiết và lợi ích của tích tụ, tập trung ruộng đất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, tạo điều kiện và hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả qua tích tụ, tập trung ruộng đất, khắc phục tâm lý băn khoăn, e ngại tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ dẫn đến phân hóa, bất ổn về xã hội. Hằng năm, cần có chương trình tổng kết, đánh giá các mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất có hiệu quả, từ đó phổ biến và nhân rộng.
Thứ ba, Nhà nước nên xây dựng các chính sách phù hợp với thị trường chuyển nhượng, cho thuê ruộng đất. Tạo hành lang pháp lý về đất đai cho các đối tượng mua, bán thuận lợi, thủ tục đơn giản, chi phí thấp. Trường hợp người nông dân chuyển sang nghề khác hay không muốn canh tác, có thể sang nhượng hay Nhà nước đứng ra mua và cho thuê lại nhằm duy trì đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp.
Thứ tư, gắn quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, bố trí phân công lại lao động trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Thông qua đó, từng bước giải quyết việc làm cho số lao động dôi dư, không còn đất chuyển sang ngành, nghề khác. Hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho người nông dân, những trường hợp chuyển sang nghề khác hay không muốn canh tác. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển an sinh xã hội đối với nông dân.
Thứ năm, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích việc hình thành các hợp tác xã hoặc các trung tâm phát triển quỹ đất để nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sau đó cho các doanh nghiệp thuê để sản xuất. Nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình ngân hàng đất đai, trong đó các hộ gia đình, cá nhân gửi đất vào ngân hàng và được hưởng các lợi ích từ đất. Sau thời hạn gửi (tùy theo loại dự án) thì người dân được nhận lại đất./.
-------------------------------------------
(1) Nước ta hiện có 4.030 nghìn ha đất lúa với hơn 19 triệu thửa đất, diện tích đất trồng lúa phân tán và manh mún làm giảm hiệu quả sử dụng đất, khó khăn cho ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa đồng ruộng dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả sử dụng đất không cao, đặc biệt là làm giảm khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.
Bắc Giang: Những kết quả bước đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (16/05/2017)
Bắc Giang: Những kết quả bước đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (16/05/2017)
Bắc Giang: Những kết quả bước đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (16/05/2017)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 08-5 đến ngày 14-5-2017)  (16/05/2017)
Quan hệ Việt-Nhật: Hứa hẹn mở ra những khả năng hợp tác tiềm năng  (15/05/2017)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay