Phát triển tính quy luật và quy luật chính trị với định vị chiến lược vị thế, nâng cao năng lực và trách nhiệm cầm quyền của Đảng hiện nay
TCCS - Tháng 5-1969, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”(1). Và, 42 năm sau đó, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội...”(2).
Đảng cầm quyền, đối với chúng ta, vẫn luôn là vấn đề cực kỳ hệ trọng, hết sức phong phú và mới mẻ. Năm 2011, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(3). Năm 2016, tại Đại hội XII, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần phải phòng ngừa đối với đảng cầm quyền”(4). Đó là những nội dung chủ yếu của hai trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng trong tầm nhìn 2016 - 2021(5).
Rõ ràng, trước yêu cầu mới đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước, chưa khi nào như hiện nay, vấn đề đảng cầm quyền càng trở nên cấp bách. Đây là việc rất cơ bản, mệnh hệ, xuyên suốt và quán xuyến các quyết sách chính trị và thực tiễn cầm quyền của Đảng ta không chỉ hơn 70 năm qua và hiện nay đang đặt ra những vấn đề rất mới cần giải quyết vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược. Qua thực tiễn, một trong những kinh nghiệm lớn ngày càng chứng tỏ trên phương diện này là, chúng ta khó có thể giải quyết thành công một vấn đề sai lầm nào đó bằng cái tư duy đã “đẻ” ra nó. Vì, chính trị không được đặt trên nền tảng chân lý chỉ là chính trị mù quáng, khi đó vô hình nó đã sỉ nhục chân lý, và nhất định chính trị sẽ tự diệt vong.
Do vậy, trong rất nhiều vấn đề quan trọng chung quanh việc nâng cao vị thế, năng lực và trách nhiệm cầm quyền của Đảng hiện nay, tối thiểu về phương diện đổi mới tư duy và tổ chức thực tiễn, nổi bật 10 loại vấn đề mang tính quy luật và quy luật chính trị mang ý nghĩa phương pháp luận có ý nghĩa cơ bản và cấp bách, cần giải quyết:
Quy luật cầm quyền với tính chính danh và chính pháp của Đảng
Lịch sử Việt Nam hơn 86 năm qua, nhìn bao quát, có thể nói là lịch sử đất nước lựa chọn, khẳng định và thực thi mục tiêu phát triển đất nước gắn với sự lựa chọn đảng chính trị lãnh đạo đất nước vì mục tiêu đó. Đảng Cộng sản Việt Nam được lịch sử dân tộc, nhân dân Việt Nam lựa chọn là người duy nhất cầm quyền, là người duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong “một rừng” đảng phái chính trị ở Việt Nam ngay từ lúc đương thời mới sinh ra và tới hiện nay, trải hơn 86 năm. Nói cụ thể, lịch sử đất nước những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX là lịch sử dân tộc Việt Nam lựa chọn và khẳng định mục tiêu phát triển gắn với sự lựa chọn đảng chính trị lãnh đạo đất nước bị rên xiết trong vòng nô lệ bởi xiềng xích thực dân, vì mục tiêu đó. Từ lịch sử dân tộc cho thấy, lúc bấy giờ, sự ra đời của các đảng chính trị đủ màu sắc và quy mô, là cuộc đấu tranh giữa các đảng chính trị trong việc giành vị thế cầm quyền đất nước... Và, tất cả được thử thách qua sự lựa chọn và đào thải của lịch sử, ở nước ta.
Năm 1930, qua hơn nửa thế kỷ, kể từ năm 1858, lúc bấy giờ, đất nước rên xiết trong vòng nô lệ của chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ phong kiến, tương lai dân tộc độc lập, nhân dân được thực thi và hưởng thụ quyền dân chủ, dường như bế tắc, không có lối thoát. Độc lập tự do hay là chết? Hàng loạt cuộc khởi nghĩa do giai cấp nông dân, các sĩ phu yêu nước Việt Nam ngõ hầu trả lời câu hỏi lịch sử đó, nhưng đều lần lượt thất bại. Các đảng chính trị đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội ở nước ta lúc bấy giờ nhảy ra tranh đoạt vũ đài lịch sử dân tộc, đông đúc chưa từng thấy: Từ đảng của giai cấp nông dân như Nghĩa hưng (năm 1907); đảng của giai cấp tư sản, địa chủ, như Lập hiến (năm 1923)... tới đảng của tầng lớp thanh niên, sinh viên, trí thức tiểu tư sản, như Việt Nam nghĩa đoàn, Đảng Thanh niên, Đảng An Nam độc lập (năm 1927), Việt Nam quốc dân đảng (năm 1927)... rồi đảng của bọn tay sai của đế quốc Pháp và phát - xít Nhật, như Đại Việt quốc gia xã hội đảng, Đại Việt quốc dân đảng (những năm 40 tới khi Việt Nam giành được độc lập bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945), các đảng phản động, như Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách)... Trong số ấy, chỉ một số đảng mong chấn hưng đất nước nhưng “lực bất tòng tâm”, số còn lại những mưu toan tính biến đất nước thành nơi thử nghiệm những mưu đồ chính trị của giai cấp, tầng lớp họ. Nhưng rốt cuộc, tất cả những đảng đó đã lùi vào dĩ vãng của lịch sử và bị dân tộc chôn vùi rất lặng lẽ trái với sự huyên náo đến hỗn loạn lúc các đảng này xuất hiện trên chính trường Việt Nam lúc bấy giờ. Các đảng này hoặc tự phải diệt vong hoặc bị giải tán. Theo đó, các giai cấp, tầng lớp đại diện cho các đảng đó cũng cáo chung vai trò lãnh đạo dân tộc: Từ giai cấp nông dân, giai cấp tư sản, địa chủ tới tầng lớp học sinh, sinh viên, trí thức tiểu tư sản... Câu hỏi thách thức của lịch sử về vị trí, vai trò của đảng chính trị đối với vận mệnh cứu đất nước khỏi vòng nô lệ, nhân dân khỏi xiềng xích vong quốc nô, lầm than... vẫn đang bỏ ngỏ.
Đồng thời trong thời gian ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trên phương diện chủ quan, không ồn ào như các đảng trên ra đời từ sớm, mà trái lại, do Đảng Cộng sản bị kẻ thù vây bủa, đàn áp đẫm máu, bị các đảng khác đương thời chèn ép, tranh đoạt, đã lặng lẽ hiện diện, thậm chí ở nước ngoài. Bởi, Đảng là “đứa con nòi” của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam (trong xích xiềng nô lệ thực dân), được hun đúc bởi truyền thống yêu nước thương nòi Việt Nam, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nguyện chiến đấu và hy sinh vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn chặt với chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước tự nhiên và tất yếu dẫn tới việc Đảng ra đời, làm nên bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về khách quan, lúc bấy giờ, xã hội Việt Nam “giấu một cái gì đang sục sôi, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến”; bởi ở Việt Nam “sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi”, cấp bách đòi hỏi “bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến” và “chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”(6). Đảng Cộng sản Việt Nam xuất hiện gánh vác trọng trách lịch sử sinh tử đó như một tất yếu không gì cưỡng và cản nổi. Và, ngày 3-2-1930, cuộc hội ngộ chín muồi giữa khát vọng độc lập tự do cháy bỏng của dân tộc với xu thế phát triển khách quan của thời đại toàn nhân loại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mà Đảng Cộng sản Việt Nam là người kết tinh, chung đúc những tố chất của một đảng vô sản kiểu mới và thực tế đủ bản lĩnh chính trị và năng lực trí tuệ lãnh nhiệm trọng trách ấy của đất nước đặt ra và được nhân dân tin theo Đảng, trong thời đại mới.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả sự vận động tất yếu của lịch sử dân tộc, của thời đại và phù hợp với nhu cầu của nhân dân, được nhân dân thừa nhận, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Điều đó làm nên địa vị lịch sử của Đảng một cách tất yếu. Sinh ra trong lòng dân tộc và đồng hành cùng dân tộc bẻ gãy gông xiềng nô lệ quàng lên cổ đất nước, giành lại độc lập cho Tổ quốc, lập nên chính quyền của nhân dân, và Đảng trở thành đảng cầm quyền. Vấn đề quan trọng hơn hết và quyết định tất thảy là, địa vị cầm quyền đó của Đảng đã được bảo đảm bởi thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam suốt hơn 86 năm qua; và, vị thế nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hơn 70 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và trọng thị. Vì, không có trọng trách gì nặng nề và vẻ vang hơn, dù trong hoàn cảnh nào, Đảng luôn là đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam - giai cấp đại biểu cho yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến; Đảng không có lợi ích nào cao hơn rằng, Đảng là đại biểu trung thành cho lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị” (7). Mục tiêu phấn đấu của Đảng không có gì khác ngoài “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong vị thế vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Cũng bởi vì, “quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một... cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(8). Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành “Đảng của chúng ta”, “Đảng của dân tộc chúng ta”... Đảng là đạo lý Việt Nam.
Và đi trên con đường xã hội chủ nghĩa tới cái đích cao quý ấy được Đảng Cộng sản Việt Nam vạch ra ngay lúc mới ra đời. Qua hơn 70 năm cầm quyền, Đảng cùng toàn dân tộc xây dựng nên một nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã và đang giữ một vị thế mới trên trường quốc tế mà bất cứ ai cũng thấy. Qua 30 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta càng trưởng thành toàn diện. Trước thềm Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016), dư luận quốc tế nhận định: “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là chính đảng duy nhất cầm quyền là một mô hình thành công đặc biệt và mô hình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là đối với các nước đang phát triển vì rất nhiều mô hình đã được thử nghiệm, nhưng chưa thấy mô hình nào thành công”; “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong một đất nước hòa bình và ổn định, với nền kinh tế không ngừng tăng trưởng khởi sắc. Thành công của Việt Nam cũng là thành công của toàn thế giới. Mô hình của Việt Nam đã đạt đến mô hình của chủ nghĩa xã hội”(9). Đó là trí tuệ Việt Nam mà Đảng là sự kết tinh và thể hiện tập trung, sinh động nhất như một lẽ tự nhiên, đáp lại sự khát bỏng về giải đáp nhu cầu lịch sử tất yếu.
Trọng trách cầm quyền của Đảng, vinh dự được cầm quyền của Đảng trước nhân dân là do lịch sử dân tộc giao phó và được nhân dân Việt Nam thừa nhận, ủy thác và tin theo, chứ tuyệt đối không phải “từ trên trời rơi xuống” hay sự sắp xếp chủ quan của bất cứ ai, sự ngộ nhận của bất cứ giai cấp, tầng lớp nào. Nhân đây, trước một số ý kiến lưỡng lự hoặc công kích về chuyện một đảng hay đa đảng ở Việt Nam, cũng xin được nói thêm. Từ những năm 40 tới những năm 90 của thế kỷ XX, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, ở nước ta, còn có hai đảng là Đảng Dân chủ Việt Nam (ra đời ngày 30-6-1944 và tự giải tán vào ngày 20-10-1988) và Đảng Xã hội Việt Nam (ra đời ngày 22-7-1946 và tự giải tán tròn 42 năm sau đó, ngày 22-7-1988) đều thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng dân tộc Việt Nam tranh đấu vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là, Việt Nam đã từng và có một thời kỳ lịch sử không ngắn, ngót nửa thế kỷ, sau khi dân tộc giành lại độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân được hưởng nền tự do, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từng có nhiều đảng chính trị khác hoạt động và tự giải tán, chứ đâu phải câu chuyện hão về “đảng toàn trị” hoặc đâu cần ai khuyến nghị “...muốn có dân chủ, phải đa đảng” (!).
Rõ ràng, từ năm 1930 tới nay, Đảng xuất hiện, “đứng mũi chịu sào” trước lịch sử và gánh vác trọng trách nhân dân giao phó là hợp quy luật, hợp lòng dân và hợp với xu thế phát triển của thời đại. Bởi, Đảng là “đứa con nòi” của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, được hun đúc bởi truyền thống yêu nước thương nòi Việt Nam, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quyết phấn đấu, hy sinh và trưởng thành trong lòng dân tộc, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, chủ nghĩa Mác - Lê-nin kết hợp với phong trào yêu nước Việt Nam và phong trào công nhân chung đúc nên tư chất mà Đảng là hiện thân. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, gánh vác trọng trách lịch sử là một tất yếu không gì cưỡng và cản nổi. Và, thực tế hoạt động hơn 86 năm qua, trong đó có 71 năm cầm quyền, càng khẳng định địa vị cầm quyền của Đảng một cách tất yếu, phù hợp với lịch sử dân tộc, khát vọng của nhân dân và xu thế thời đại.
Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, quy mô, tốc độ và chiều sâu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong thế giới diễn biến phức tạp, khôn lường, hơn bao giờ hết, đòi hỏi chúng ta tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đang đặt ra trước Đảng những trọng trách mới, với những thời cơ mới to lớn và những thách thức rất nặng nề.
Có thể nói gọn lại, lịch sử dân tộc Việt Nam sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam, đến lượt mình, Đảng đáp lại yêu cầu của lịch sử dân tộc, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quy mô, tốc độ, chiều sâu của công cuộc phát triển đất nước và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Đó là biện chứng phát triển tự nhiên và tất yếu của dân tộc Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là nhu cầu phát triển tất yếu của đất nước hiện nay, trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới ngọn cờ của Đảng.
Đó là tính tất yếu cầm quyền của Đảng, tính chính danh, chính pháp, chính tín bảo đảm tư cách pháp lý và đạo lý để Đảng cầm quyền; và, qua thực tiễn, Đảng nâng cao và phát triển tính chính năng, chính thực, chính uy để thực thi thành công trách nhiệm công việc cầm quyền của mình.
Vai trò lãnh đạo duy nhất, mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, trách nhiệm pháp lý và lịch sử cầm quyền của Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Đảng là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sự khẳng định đó có gì khác với luận đề: Đảng ta là một Đảng cầm quyền, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định?
Không.
Đó là sự thống nhất tự nhiên. Lãnh đạo là một khái niệm mang nội hàm rộng hơn khái niệm cầm quyền. Nó bao hàm khái niệm cầm quyền; đến lượt nó, khái niệm cầm quyền lại phong phú hơn, cụ thể hơn và thể hiện tập trung và sinh động khái niệm lãnh đạo. Diễn đạt cụ thể, đây là cặp khái niệm thể hiện cái chung và cái riêng. Nhưng trên thực tiễn từ khi giành được chính quyền, trong cầm quyền có sự lãnh đạo, nhưng trong lãnh đạo, chỉ thể hiện mức độ nào đó sự cầm quyền trên ý tưởng và tầm nhìn. Sở dĩ cần khu biệt tương đối như thế, để có thể thống nhất, hiểu đúng và tổ chức một cách hiệu quả những công việc cầm quyền của Đảng hết sức phức tạp, sinh động và cụ thể hiện nay. Diễn đạt cách khác, qua đó, để Đảng nhận chân những công việc cần làm một cách khoa học và tất yếu của một đảng cầm quyền, theo vị thế mà Đảng định vị do Hiến pháp hiến định, chức năng mà đảng nắm giữ theo vị thế xã hội và trách nhiệm mà đảng cần thực thi theo bổn phận một cách minh bạch và dân chủ, trong khuôn khổ của pháp luật. Đó là tính chính danh công việc cầm quyền của Đảng, với tư cách là duy nhất đảng cầm quyền, chứ tuyệt nhiên không phải là thứ “đảng toàn trị” như ai đó bôi nhọ hoặc xuyên tạc.
Nói khái quát, hiện nay, Đảng cầm quyền là sự tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong điều kiện có quyền lực nhà nước và Đảng lãnh đạo xã hội bằng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đồng thời lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội và dân tộc Việt Nam bằng phương thức và nghệ thuật phù hợp thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Như thế, Đảng cầm quyền chính là, không phải việc gì Đảng cũng trực tiếp tổ chức thực thi, nhưng cũng đồng thời có nghĩa rằng, bất cứ việc gì diễn ra trong xã hội cũng không nằm ngoài tầm quán xuyến và chi phối của Đảng. Đảng là hạt nhân, là trung tâm của hệ thống chính trị, nhưng theo nghĩa nào đó, Đảng không phải là toàn bộ hệ thống chính trị. Nói cụ thể, Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng Đảng tuyệt đối không “lấn quyền” Nhà nước, không phải là Nhà nước, càng không phải là “Đảng hóa Nhà nước”; đến lượt mình, Nhà nước không phải là “bản sao” của Đảng, “Nhà nước hóa Đảng”, làm những công việc của Đảng và “đóng dấu bản quyền” Nhà nước lên đó. Nghĩa là Đảng lãnh đạo Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất hành động, dưới sự dẫn dắt của Đảng, Nhà nước hoàn thành trọng trách theo vị thế và chức năng của mình thực hiện mục tiêu chung của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, tầm nhìn chính trị bao quát nhưng cụ thể của Đảng - người lãnh đạo trong vị thế là người cầm quyền - phải là năng lực chuyên biệt nổi bật trước hết về chính trị của một đảng chính trị. Đó là chính năng của Đảng.
Nguyên tắc cầm quyền và trọng tâm của việc cầm quyền trước hết và trực tiếp là, Đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nói riêng, lãnh đạo hệ thống chính trị - xã hội và toàn xã hội nói chung. Tất cả vì nhân dân là chủ, để nhân dân làm chủ và bảo đảm phục vụ vô điều kiện cho nhân dân thực thi vị thế và trách nhiệm của mình một cách toàn diện, triệt để và sâu sắc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trên con đường xã hội chủ nghĩa. Đảng lãnh đạo để nhân dân là chủ và làm chủ đất nước, làm chủ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, đó là mục tiêu tối thượng của sự nghiệp cầm quyền của Đảng. Nói cách khác, đó là yêu cầu về sự cân bằng và hài hòa giữa địa vị, vai trò cầm quyền và mục tiêu cầm quyền của Đảng đối với sự phát triển của đất nước hiện nay.
Đảng không phải là cơ quan quyền lực nhà nước nhưng Đảng giữ quyền lực về chính trị, quyền lực về tư tưởng chính trị, quyền lực về tổ chức bộ máy và nhân sự, quyền lực về kiểm tra... chi phối và dẫn dắt đối với toàn bộ hệ thống chính trị và sự vận động của chế độ, của đất nước. Đó là vai trò tiên phong chính trị và trách nhiệm chính trị xã hội của Đảng. Đảng tự nguyện và tất yếu hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật do Nhà nước xây dựng theo ý chí của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là bổn phận của Đảng hoạt động trong xã hội Việt Nam lấy thượng tôn pháp luật làm tối cao. Vai trò, các quyền năng và bổn phận đó của Đảng được nhân dân trao cho, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước, sự trường tồn của dân tộc. Điều đó cũng tự nhiên như nhân dân ủy thác cho Nhà nước quyền lực của mình, và khi Nhà nước phụ lòng và “làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(10), nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghĩa là, Đảng không phải, không thể, và trong thực tế phải giữ mình không được phép là cơ quan “siêu quyền lực”(!), “đứng trên quyền lực của Nhà nước và quyền lực của nhân dân”(!) “đứng ngoài, đứng trên Hiến pháp và pháp luật”... như có người ngộ nhận; và, khi dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân không được “đứng trên nhân dân”, “cai trị nhân dân”(!), như một số người vẫn lầm tưởng hoặc cố tình bôi nhọ. Những luận điệu vu cáo của một số người về điều ấy đã cho thấy, sự phủ nhận mà không thể phân biệt đúng sai thì chính lại là cái thiển lậu của những vị “thày bói xem voi”, cái thất bại của người kiêu ngạo tự cho mình nắm được chân lý, nhưng kỳ thực chỉ là thủ đoạn “đảo lộn khoa học”, như Ph. Ăng - ghen nói, hoặc như kiểu trò hề, như dân gian nói: “Mang thúng úp voi” mà thôi.
Theo đó, không thể “Đảng hóa Nhà nước” hay “Nhà nước hóa Đảng”...; càng không thể phạm vào quan liêu, mệnh lệnh, tham nhũng, lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích..., dù là Đảng hay Nhà nước. Vì, Đảng cầm quyền chứ không phải Đảng là Nhà nước, Đảng làm thay việc hay tiếm quyền Nhà nước. Vì, Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ và để dân làm chủ. Mọi “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(11). Trái nguyên tắc đó, Đảng sẽ biến chất, không xứng đáng là “đứa con nòi” của nhân dân. Nếu Đảng đứng trên, đứng ngoài pháp luật của Nhà nước thì nhất định Đảng không còn giữ vai trò là người lãnh đạo được nữa. Qua 71 năm cầm quyền, Đảng chưa bao giờ áp đặt với bất kỳ ai, bất cứ lực lượng nào “... phải thừa nhận quyền lãnh đạo của mình”, mà trái lại, Đảng không ngừng “phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(12), như lãnh tụ Hồ Chí Minh khẳng định. Một lần nữa, đặc biệt nhấn mạnh, đó là phương châm cầm quyền của Đảng.
Đó cũng chính là sự thách thức từ thực tiễn, là yêu cầu đổi mới trước hết trong nhận thức về sự cầm quyền được định vị, phân định đúng chức năng và định rõ trách nhiệm của Đảng. Con đường dân tộc đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do Đảng lãnh đạo, đã rõ ràng, không thể đảo ngược nhưng đang chất đầy những khó khăn, cản trở, chông gai và thậm chí cả cạm bẫy. Đó là công việc của toàn xã hội, của toàn hệ thống chính trị, dưới ngọn cờ của Đảng, phải giải quyết. Và cũng hợp lẽ tự nhiên, theo quy mô, tốc độ và chiều sâu của sự nghiệp đổi mới, vị thế, vai trò, năng lực cầm quyền và trách nhiệm lịch sử - pháp lý của Đảng, vì thế, càng phải được tiếp tục khẳng định và không ngừng phải được nâng cao, ngang tầm nhiệm vụ lịch sử mới ngày càng rộng lớn và sâu sắc.
Đó cũng chính là quy luật phát triển và trưởng thành của Đảng trong lòng dân tộc, cùng đất nước, nhịp bước với thế giới hiện nay.
Nguyên tắc cầm quyền toàn diện và duy nhất cầm quyền, phương châm cầm quyền của Đảng để nhân dân là chủ và làm chủ đất nước
Về nguyên tắc: Đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo cho bất kỳ ai hoặc buông lỏng quyền đó - quyền mà lịch sử và nhân dân giao phó cho Đảng là người “đứng mũi chịu sào” trước lịch sử. Làm trái đi là Đảng tự tước bỏ vị trí, vai trò cầm quyền của mình; là đi ngược với lịch sử, đi ngược với nguyện vọng của nhân dân và dân tộc mà Đảng là đại biểu trung thành, trái với đạo lý Việt Nam mà Đảng là sự chung đúc với tư cách “là đứa con nòi”; là thoái thác trách nhiệm lịch sử mà dân tộc giao phó trong vị thế “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Về phương hướng: Đảng cầm quyền để đưa nước Việt Nam độc lập tự do lên chủ nghĩa xã hội. Đó là mục tiêu bất di bất dịch, là xu hướng, là quy luật phát triển tất yếu của Đảng, của đất nước đồng thời là nguyện vọng của nhân dân lao động, trong thời đại ngày nay.
Về phương châm: Đảng cầm quyền để nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ, được thực thi và bảo đảm bởi Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, trong một xã hội Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh phát triển không ngừng, được bảo đảm bởi pháp luật giữ vị thế thượng tôn. Đó cũng chính là biểu hiện tập trung nhất, sinh động nhất toàn bộ mục tiêu cầm quyền của Đảng. Nói cách khác, mục tiêu đó phải chi phối và quán xuyến toàn bộ hoạt động của Đảng. Vì Đảng “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, Đảng “là đứa con nòi của giai cấp lao động” và Đảng “của cả dân tộc Việt Nam”.
Về chiến lược và sách lược cầm quyền: Trên phương diện này, cần thấu triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Cái bất biến là mục tiêu cầm quyền chiến lược của Đảng, là lý tưởng phấn đấu cao cả của Đảng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Theo đó, Đảng hoạch định cương lĩnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ, trên cơ sở đó hoạch định những quyết sách chính trị theo từng giai đoạn một cách phù hợp. Điều cần khắc sâu là, tính chiến lược, thống nhất, phù hợp và hiệu quả phải xuyên suốt toàn bộ công việc cầm quyền của Đảng.
Phát triển cơ sở cầm quyền căn bản, phong phú, bền vững và rộng rãi của Đảng
Sự cầm quyền của Đảng không phải từ “trên trời rơi xuống”, “tự nhiên mà có”, như ai đó tự huyễn hoặc, càng không phải sự mơ ước ảo tưởng của ai, sự cứu cánh của một lực lượng xã hội chung chung hay sự tất yếu kinh tế, chính trị, xã hội... mơ hồ nào đó. Như thế, Đảng ta không còn là một đảng chính trị nữa, càng không đủ khả năng làm nhiệm vụ của đảng cầm quyền. Trái lại, công việc cầm quyền của Đảng phải được bảo đảm bởi những cơ sở lý luận và cơ sở hiện thực.
Về cơ sở lý luận chính trị cầm quyền: Cái làm nền tảng để mọi hoạt động của Đảng diễn ra đúng quy luật và hợp lòng dân, hợp với thời đại là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Dù thế giới có đổi thay thế nào, cái bất biến về lý luận cầm quyền đó của Đảng không thể thay đổi. Điều đó không hề mâu thuẫn với việc Đảng chủ động không ngừng thâu thái những lý thuyết tinh hoa và tiến bộ khác trên thế giới một cách cầu thị lý luận và kinh nghiệm của các đảng cầm quyền trên thế giới; không kỳ thị và xa lánh những lý thuyết chính trị khác, thậm chí cả những lý thuyết chính trị không phù hợp với mình... để tự làm giàu một cách toàn diện lý thuyết và thực tiễn cầm quyền của Đảng. Đồng thời, tôn trọng và lắng nghe nhân dân, “học ở nơi dân chúng”, để tiếp thụ, thâu hóa thực tiễn, bổ sung và phát triển lý luận và kinh nghiệm cầm quyền của mình phục vụ nhân dân. Cần nhấn mạnh là, các tổ chức đảng hết sức xem trọng và nâng cao trình độ tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận nhằm phát triển lý luận cầm quyền hiện nay. Chỉ có như thế, Đảng mới thực sự có cơ hội, điều kiện và tự mở ra nhiều cơ hội và khả năng trong việc trung thành và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hợp với điều kiện cụ thể và xu thế phát triển của thời đại, không ngừng nâng cao tính cách mạng, khoa học của lý luận và thực tiễn cầm quyền.
Về cơ sở pháp lý cầm quyền: Bước lên vũ đài lịch sử với tư cách là Đảng lãnh đạo cách mạng trở thành Đảng cầm quyền, kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cùng với dân tộc, qua rèn luyện và tranh đấu, được lịch sử giao phó, nhân dân tin theo, Đảng là người duy nhất cầm quyền, được hiến định. Đảng ta không ngộ nhận càng không tự vơ vào mình trọng trách lịch sử đó, như bất cứ ai đều thấy. Đó là sự trưởng thành vượt bậc của Đảng trong lòng dân tộc và phát triển cùng đất nước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Qua đó, Đảng ngày càng vững mạnh và trưởng thành. Thực tiễn công cuộc cầm quyền của Đảng không chỉ được hiến định và pháp luật bảo vệ từ phương diện pháp lý trên vị thế “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” mà bền chặt và sâu sắc hơn là, uy tín chính trị trong nhân dân và bạn bè quốc tế và thực lực chính trị trong vị thế cầm quyền đã tôn vinh chỗ đứng về đạo lý và lương tâm “vừa là trí tuệ, vừa là danh dự” của dân tộc Việt Nam, với tư cách là “đứa con nòi của giai cấp lao động” nước ta.
Cả về bình diện pháp lý và phương diện đạo lý đã bảo đảm cho Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền một cách chính danh, quang minh chính đại chứ không “tự vơ lấy” quyền đó, không ảo tưởng về mình thực thi quyền đó, và càng không ai có thể bác bỏ được, tranh đoạt được quyền lực chính trị đó.
Về cơ sở kinh tế - xã hội cầm quyền: Tiếp tục xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng hiện đại, phát triển mạnh mẽ và bền vững, với xung lực là kinh tế tri thức; một xã hội có nền chính trị ổn định, văn minh và tiến bộ. Nói cách khác, không có sức mạnh của quyền năng kinh tế thật khó có sức mạnh bền vững của quyền lực lãnh đạo chính trị. Vì, hơn lúc nào hết, hiện nay, chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế, sức mạnh của nền kinh tế đất nước.
Do đó, ở góc độ khác, trên phương diện này, phải không ngừng tạo dựng cho được văn hóa của sự phát triển bền vững, trước hết là văn hóa chính trị của Đảng, dựa trên nền tảng một nền kinh tế vững mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa; và tới lượt nó, tiếp tục chỉ đạo, dẫn dắt, thấm sâu vào toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của đất nước, không ngừng chủ động hội nhập quốc tế đúng hướng và hiệu quả nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, trong bất cứ tình huống nào.
Về cơ sở xã hội - chính trị cầm quyền: Nhân dân muốn bảo đảm được quyền lực của mình, phải có sự lãnh đạo của Đảng; đến lượt Đảng, muốn giữ vững vị thế và vai trò cầm quyền của mình, cần củng cố cái nền nhân dân, phải coi trọng “dân là gốc”, “dân làm gốc”... Vì, Đảng ta là “đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”, bởi “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Không vì nhân dân, sự tồn tại của Đảng là vô nghĩa đối với lịch sử và đối với ngay cả cương lĩnh chính trị của Đảng. Trong điều kiện nước ta, việc xác định phải có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng của cách mạng, tập hợp dưới ngọn cờ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là một sáng tạo lớn của Đảng cầm quyền. Đó cũng chính là tư tưởng “dân vi bản” (dân làm gốc), “phúc chu thủy tín dân do thủy” (làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước) của ông cha ta hàng ngàn năm nay, từ thuở dựng nước, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chung đúc và phát triển trong xây dựng Đảng, mà Đảng ta - “đứa con nòi của giai cấp lao động” và dân tộc Việt Nam tiếp thụ, kết tinh và thể hiện, trong thời đại mới.
Nội dung cầm quyền toàn diện nhưng nắm chắc khâu cơ bản và then chốt
Nhận sứ mệnh lịch sử dân tộc giao phó, là người duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc, trước nhân dân Việt Nam về vận mệnh và sự phát triển của nước Việt Nam. Theo đó, nội dung cầm quyền của Đảng phải bao quát và chi phối một cách toàn diện, triệt để và sâu sắc toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ở đây, cần nhấn mạnh mấy vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan thiết nhất:
Trên bình diện chính trị: Việc hoạch định đường lối chính trị là trọng trách căn bản của Đảng. Nếu toàn bộ chiến lược phát triển của đất nước thuộc quyền hoạch định của Đảng trên cơ sở góp ý xây dựng của toàn dân; và Đảng chịu trách nhiệm trước toàn dân về việc tổ chức thực tiễn đường lối chiến lược đó thì chất lượng và hiệu quả thực hiện đường lối chính trị đó, đến lượt nó, quyết định vị thế chính trị, sự tồn tại và vai trò cầm quyền của Đảng. Do đó, nâng cao trình độ hoạch định đường lối chính trị, với tầm nhìn chiến lược nhưng cụ thể và hiệu quả, là trọng trách trước hết, quyết định sự sống còn của công việc cầm quyền.
Mặt khác, Đảng có trọng trách xác lập thể chế chính trị xã hội đất nước trên cơ sở đường lối chính trị của Đảng trên ba bình diện: cơ cấu tổ chức chính trị xã hội, cơ chế vận hành xã hội và những điều kiện cần và đủ bảo đảm cho hai vấn đề trên. Theo đó, việc lãnh đạo trực tiếp hệ thống chính trị là công việc mang tính tất yếu và được bảo đảm bằng pháp luật. Lãnh đạo xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân theo hướng một nhà nước kiến tạo và phát triển, trên nền móng thượng tôn pháp luật.
Trên bình diện kinh tế: Xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vấn đề mấu chốt là, phải tăng nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất bằng con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn chặt với việc không ngừng hoàn thiện quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp và hiện đại, nâng cao năng lực tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Việc phát triển kinh tế phải đồng thời với phát triển chính trị và văn hóa, thậm chí trong nhiều trường hợp tính chính trị và văn hóa của sự phát triển kinh tế phải được xem là quá trình đi trước sự phát triển kinh tế đơn thuần để tránh các quy luật “cá lớn nuốt cá bé”, “kinh tế vị kinh tế”, “tiền vì tiền”, “tăng trưởng bằng mọi giá”, bất chấp sự hủy hoại môi trường sinh thái... như đã từng diễn ra ở các nước khác cùng tiến hành kinh tế thị trường và đã, đang chỉ ra cho chúng ta nhiều bài học nhãn tiền nguy hại. Đó là lợi thế so sánh tuyệt đối của sự phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, với xung lực là kinh tế tri thức, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và điều quán xuyến đó phải được thể hiện cụ thể từ việc hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tới việc xây dựng hệ chính sách công cụ quản lý vĩ mô và hệ chính sách đòn bẩy nhằm quản lý và phát triển nền kinh tế - xã hội hài hòa và bền vững.
Trên phương diện văn hóa - xã hội: Đây là một trong những lĩnh vực cầm quyền chủ yếu của Đảng. Trên nền tảng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, dân tộc và hiện đại, việc trực tiếp và trọng tâm của Đảng tiếp tục là xây dựng văn hóa chính trị nói chung, trực tiếp là văn hóa cầm quyền của Đảng nói riêng. Nói cách khác, là xây dựng một nền văn hóa trong Đảng hiện đại, dân chủ và tiến bộ. Đó phải là một nhân tố rường cột, một bộ phận hữu cơ trong tổng thể chiến lược xây dựng một nền văn hóa của sự phát triển đất nước mạnh mẽ và bền vững, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế một cách hài hòa và hiệu quả.
Trên lĩnh vực đối ngoại, an ninh, quốc phòng: Chủ động hội nhập quốc tế, với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, luôn cầu thị, không kỳ thị, không xa lánh, không biệt phái, “không gây thù oán với một ai”, dù các đảng cầm quyền hoặc chưa cầm quyền trên thế giới, như Chủ tịch
Hồ Chí Minh mong muốn. Lấy độc lập dân tộc làm căn bản, gìn giữ hòa bình, hữu nghị làm trọng sự, coi hợp tác làm động lực, tôn trọng mọi đối tác, mọi đối trọng,... trên nền tảng bang giao hòa hiếu của dân tộc, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...
Có thể hình dung, nội dung cầm quyền xoay chung quanh việc xử lý hiệu quả các mối quan hệ lớn, mang tính cơ bản, mệnh hệ tới con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ;... theo tám phương hướng cơ bản do Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và 15 phương diện, 6 nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội XII của Đảng quyết sách. Cần khắc sâu, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, Đảng thực hiện 2 nhiệm vụ về xây dựng Đảng, đủ thấy tầm vóc và sự cần thiết về vấn đề cốt tử này.
Và, chủ động xử lý tốt hàng loạt những quan hệ chủ yếu, phát sinh khác xuất hiện trên lộ trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc nói chung và xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch nói riêng.
Phương thức cầm quyền dân chủ, linh hoạt nhưng tập trung, thống nhất và hiệu quả của Đảng
Nếu trước đây, khi Đảng ta chưa giành được chính quyền, phương thức lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo nhân dân lao động giành lấy quyền lực nhà nước, lập nên Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và Đảng trực tiếp lãnh đạo bộ máy nhà nước thì hiện nay, Đảng tiếp tục tìm tòi và phát triển các phương thức lãnh đạo dân chủ theo hướng ngày càng phát huy năng lực và hiệu lực quản lý xã hội, tổ chức, huy động lực lượng và sức mạnh nhân dân bằng tổng thể các biện pháp kinh tế, chính trị, xã hội, pháp lý thông qua bộ máy của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hệ thống chính trị - xã hội để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nói khái quát, mọi phương thức cầm quyền của Đảng phải bảo đảm Đảng thực thi mục tiêu để đất nước độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, để nhân dân thực sự là chủ và làm chủ, để dân tộc đại đoàn kết và hòa mục quốc tế bốn phương; qua đó, nâng vao vị thế, sức mạnh và uy tín cầm quyền của Đảng.
Mối quan hệ giữa mục tiêu cầm quyền và phương thức cầm quyền của Đảng là mối quan hệ giữa cái bất biến và cái khả biến, giữa mục tiêu và phương tiện. Phương thức cầm quyền cơ bản của Đảng hiện nay là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sử dụng và giám sát Nhà nước trong vị thế công cụ quyền lực pháp lý, một phương tiện có hiệu lực pháp lý để tổ chức và quản lý xã hội mới, phát triển mọi tiềm lực và sức mạnh của toàn dân tộc theo đường lối chính trị của Đảng, một cách dân chủ, pháp quyền và đạo đức. Theo đó, Đảng tập trung vào ba bình diện chủ yếu của việc cầm quyền theo pháp luật: một là, lãnh đạo lập pháp; hai là, đi đầu, nêu gương tuân thủ pháp luật; ba là, kiểm tra, giám sát, kỷ luật bảo đảm việc hành pháp thật sự hiệu lực và hiệu quả, công việc tư pháp công minh, công bằng, dân chủ và nghiêm ngặt.
Về nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước phải trực tiếp, toàn diện nhưng có trọng điểm, trên cơ sở phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước theo hướng chuyển mạnh từ Nhà nước quản lý bằng mệnh lệnh hành chính, bằng sắc lệnh sang Nhà nước kiến tạo phát triển và thượng tôn pháp quyền. Do đó, các cấp ủy nắm chắc tối thiểu 5 phương diện sau đây, gọi là 5 “cầm”, trong việc tăng cường vai trò cầm quyền đối với Nhà nước (và rộng lớn là các thành viên của hệ thống chính trị): Một là, cầm đạo; hai là, cầm cương; ba là, cầm tướng; bốn là, cầm tâm; năm là, cầm thời. Đảng cầm quyền một cách dân chủ trên nền tảng pháp quyền xã hội chủ nghĩa tự do và đạo đức, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về phương châm thực hiện, có thể trước hết là, nhất thể hóa chức danh lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, trước mắt là thực thi người đứng đầu các cấp, tức là Đảng “hóa thân” sự lãnh đạo của mình trong sự quản lý của Nhà nước, trên từng phương diện của đời sống kinh tế xã hội một cách phù hợp và thận trọng. Theo đó, Nhà nước đổi mới chức năng, nhiệm vụ của mình theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tinh thần thượng tôn pháp luật, làm tốt công việc kiến tạo và quản trị quốc gia, do Đảng lãnh đạo, trên nền tảng xây dựng một xã hội thật sự gắn dân chủ với pháp quyền; từng bước nhất nguyên chế về bộ máy, khi đủ điều kiện, bảo đảm công việc cầm quyền tập trung thống nhất và dân chủ.
Theo hướng đó, tất yếu không ngừng “phi hành chính hóa” các đoàn thể chính trị - xã hội, trên cơ sở đổi mới chức năng, nhiệm vụ, vị thế, vai trò và tổ chức bộ máy - cán bộ của các tổ chức này trong chỉnh thể hữu cơ hệ thống chính trị, theo hướng rõ ràng, tinh gọn, liên thông và thành thạo. Nói cụ thể, tiếp tục đổi mới và cấu trúc lại hệ thống chính trị nước ta theo lộ trình đổi mới sự cầm quyền của Đảng đối với toàn bộ đời sống đất nước phù hợp với sự vận động của đất nước trên lộ trình dân chủ hóa, được bảo đảm bằng pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nghĩa là, đã đến lúc phải gắn chặt việc nhất thể hóa chức danh với nhất nguyên chế các bộ máy chồng lấn, trùng lắp hoặc song trùng trong hệ thống chính trị, trước hết là Đảng với Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Không như thế, chúng ta không thể hy vọng đạt được việc kiến tạo một hệ thống chính trị tương dung với công cuộc đổi mới hiện nay; không thể gỡ bỏ tình trạng không rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi thành viên, hậu quả “lắm sãi không ai đóng cửa chùa” đang tồn tích; không thể tháo gỡ cấp bách gánh nặng về bộ máy cồng kềnh, cán bộ “đông mà không mạnh”, “vừa thừa, vừa thiếu” tồn tại suốt mấy thập niên qua. Ở đây, nổi bật một bài học về phương pháp luận, rằng nếu có cái gì đó đáng phải mất đi theo quy luật dù đang hiện tồn có vẻ như hợp lý, thì chúng ta nhất định phải đẩy nhanh cho nó mất đi; cái gì sẽ nảy sinh theo quy luật, dù manh nha, mới mẻ và thậm chí còn yếu ớt thì không thể không nuôi dưỡng nó, dù rất khó khăn. Đó chính là quan điểm đúng đắn về sự phát triển, trên phương diện này. Chúng ta nhất định phải thực thi.
Trong tiến trình đổi mới phương thức cầm quyền, các tổ chức đảng đi đầu trong thực thi dân chủ, trước hết tăng cường đối thoại rộng rãi trong Đảng, dựa hẳn vào nhân dân để xây dựng Đảng một cách toàn diện; cầu thị lắng nghe sự góp ý phê bình, phản biện từ các thành viên của hệ thống chính trị và nhân dân một cách công khai, minh bạch từ xây dựng đường lối, tổ chức thực tiễn và bố trí cán bộ, nhất là ở tầm chiến lược; mọi đảng viên phải sống trong lòng nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.
(Còn nữa)
------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 611
(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 88, 172 - 173
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr. 217
(5) Xem Nhị Lê: Nhận diện và đột phá các nguy cơ trong Đảng hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 877 (11-2015), tr. 29 - 38
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 40
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 275
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 9
(9) Báo điện tử Quốc phòng: Dư luận quốc tế đánh giá cao về Đại hội lần thứ XII của Đảng, số ra ngày 31-01-2016
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 75
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr.168
Thông tin khoa học chuyên đề: Nhà nước kiến tạo phát triển  (12/12/2016)
Chủ tịch Quốc hội kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Ấn Độ  (11/12/2016)
Thủ tướng muốn Hưng Yên tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp  (11/12/2016)
Các nước ngoài OPEC đồng ý giảm sản lượng 558.000 thùng dầu mỏ  (11/12/2016)
Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri lực lượng vũ trang TP. Hồ Chí Minh  (11/12/2016)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên