Dấu mốc lịch sử trên chính trường Myanmar
TCCSĐT - Ngày 8-11-2015 đã diễn ra cuộc tổng tuyển cử có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước Myanmar. Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách của Myanmar, quyết định tương lai của quốc gia Đông Nam Á này.
Cuộc bầu cử lịch sử
Kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948, Myanmar liên tục chìm trong các biến cố chính trị và xung đột sắc tộc. Những giai đoạn ổn định để phát triển đất nước thường xuyên bị gián đoạn. Năm 2011 chứng kiến những chuyển biến sâu sắc trong đời sống chính trị, kinh tế của Myanmar. Đây là kết quả của một kế hoạch cải cách lâu dài của chính quyền Myanmar trong việc thực hiện “Lộ trình 7 bước” triển khai từ năm 2003, gồm: tổ chức Đại hội Dân tộc; từng bước thực hiện những thủ tục cần thiết cho sự ra đời một nhà nước dân chủ thực sự và có kỷ cương; soạn thảo hiến pháp mới phù hợp với các nguyên tắc cơ bản và các nguyên tắc này được Đại hội Dân tộc xây dựng; trưng cầu ý dân để thông qua hiến pháp; tổ chức các cuộc bầu cử Quốc hội tự do và công bằng theo hiến pháp mới năm 2008; họp Quốc hội theo quy định của hiến pháp; xây dựng một quốc gia hiện đại, phát triển và dân chủ với các lãnh đạo nhà nước do Quốc hội bầu ra và các cơ quan chính phủ do Quốc hội lập nên.
Cuộc bầu cử ngày 8-11 được coi là bước thứ 7 và cũng là bước cuối cùng trong lộ trình xây dựng đất nước. Sau cuộc bầu cử nhiều tranh cãi năm 2010, cuộc bầu cử lần này được tổ chức theo những quy trình nghiêm ngặt với sự tham gia của hơn 10.000 giám sát viên quốc tế và trong nước, và được kỳ vọng là một cuộc bầu cử tự do, công bằng. Đây cũng là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi nước này tiến hành cải cách mở cửa sau khi chính quyền dân sự thay thế chính quyền quân sự cách đây 4 năm.
Chỉ vài tháng trước bầu cử, đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang Myanmar (USDP) cầm quyền của Tổng thống U Thein Sein đã tiến hành cải tổ nhằm củng cố nội bộ, đẩy mạnh hợp tác với các chính đảng khác cũng như các nhóm sắc tộc vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Còn trong thông điệp mở màn chiến dịch tranh cử ngày 8-9, lãnh đạo đảng đối lập chính Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi cho rằng, cuộc tổng tuyển cử sắp tới là một bước ngoặt quan trọng đối với Myanmar, trong đó người dân sẽ có cơ hội thực sự để mang lại thay đổi chính trị thực sự.
Để cuộc bầu cử được diễn ra trong không khí dân chủ và thành công, Tổng thống Myanmar U Thein Sein khẳng định, kết quả bầu cử sẽ được tôn trọng và một chính phủ mới được thành lập theo hiến pháp. Tổng thống U Thein Sein cho biết, ông sẵn sàng gặp thủ lĩnh các lực lượng chính trị trong giai đoạn hậu bầu cử để bảo đảm một cuộc chuyển giao diễn ra suôn sẻ.
Cuộc tổng tuyển cử diễn ra với sự tham gia của 6.189 ứng cử viên ra tranh cử, bao gồm 5.866 ứng cử viên do 92 chính đảng chỉ định và 323 ứng cử viên độc lập. Riêng khu vực Yangon có hơn 4,9 triệu cử tri hợp lệ và 5.495 điểm bỏ phiếu. Trong số 1.163 đơn vị bầu cử, 330 đơn vị bầu vào Hạ viện liên bang, 168 đơn vị bầu vào Thượng viện liên bang, 636 đơn vị bầu vào nghị viện bang hoặc cấp vùng, và 29 đơn vị bầu vào nghị viện bang hoặc khu vực của các sắc tộc. Số cử tri đủ tư cách bỏ phiếu là 32 triệu người.
Còn nhiều thách thức
Cuộc tổng tuyển cử tại Myanmar đã kết thúc một cách yên bình với sự chứng kiến của các ứng cử viên tranh cử, các quan sát viên quốc tế và đại diện cử tri. Trưởng đoàn quan sát viên của Liên minh châu Âu, ông Alexander Graf Lambsdoff cho biết, đã không có sai phạm gì trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử. Theo kết quả bầu cử được Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar (UEC) thông báo ngày 12-11 (trước 3 ngày có kết quả cuối cùng), đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập nắm chắc thắng lợi trong tay với 196/243 ghế tại Hạ viện (hơn 80%), trong khi đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền được 23 ghế, và 24 ghế còn lại thuộc về các đảng khác. Tại Thượng viện, NLD giành được 95/116 ghế (tương đương gần 82%), USDP được 10 ghế, trong khi các đảng khác chia nhau 11 ghế. Tại nghị viện cấp bang và vùng, NLD cũng giành nhiều ghế nhất với 314 ghế, USDP được 39 ghế và các đảng khác được 27 ghế. Trước đó, ngày 11-11, UEC thông báo Thủ lĩnh đảng NLD đối lập, bà San Suu Kyi đã giành chiến thắng, được bầu lại làm Hạ nghị sĩ. Với kết quả này, bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD của bà đã tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong cán cân quyền lực trong tương quan giữa hai trung tâm quyền lực - một bên là phe dân chủ bén rễ trong Quốc hội, một bên quân đội len lỏi sâu trong các cơ quan nhà nước. Với những kỳ vọng của người dân về một đất nước bình ổn, ngay sau khi được bầu lại làm Hạ nghị sĩ, bà San Suu Kyi đã gửi thư riêng và đề nghị gặp Tổng thống U Thein Sein, Chủ tịch Hạ viện U Shwe Mann và Tư lệnh Lực lượng vũ trang, Tướng Min Aung Hlaing nhằm hối thúc đối thoại trên cơ sở hòa giải dân tộc.
Giới quan sát đưa ra nhận định khả quan hơn về chính trường Myanmar khi chính phủ và quân đội của nước này đã đưa ra những thông điệp tôn trọng sự lựa chọn và quyết định của người dân và sẽ tiến hành chuyển giao quyền lực một cách êm thấm cũng như cam kết phối hợp với tất cả các bên để bảo đảm ổn định và hòa bình sau bầu cử. Tổng thống U Thein Sein khẳng định, “trên cương vị lãnh đạo cầm quyền, chúng tôi sẽ tôn trọng và tuân thủ kết quả bầu cử cũng như sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình”. Tư lệnh Lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing cũng đã cam kết, các lực lượng vũ trang sẽ phối hợp với chính phủ mới và dù chính phủ nào nhậm chức, các lực lượng vũ trang sẽ cố gắng trở thành một quân đội chuẩn mực. Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện U Shwe Mann bày tỏ sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới xây dựng một đất nước ổn định về chính trị, hòa bình, thịnh vượng và phát triển.
Tuy nhiên, trong thời gian từ nay đến tháng 3-2016, chính trường nước này còn tiếp tục sôi động trước khi lựa chọn được một vị Tổng thống mới. Theo giới phân tích, chính quyền Myanmar sau cuộc bầu cử năm 2015 sẽ phải đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn. Mối quan hệ giữa các chính đảng và lực lượng vũ trang ở nước này sẽ là vấn đề được dư luận quan tâm. Đây sẽ là yếu tố quan trọng quyết định tương lai của Myanmar. Sau cuộc bầu cử sẽ là cuộc đấu tranh nghị trường, có thể là gay gắt giữa các đảng có thành viên tham gia quốc hội. Trong hệ thống chính trị của Myanmar theo quy định của Hiến pháp 2008, đảng chiếm đa số trong một viện quốc hội không có quyền thông qua các đạo luật. Nếu không có đảng nào giành đa số áp đảo, nhiều khả năng các đảng phải liên minh tạm thời với nhau để thông qua từng đạo luật. Mặt khác, sau cuộc bầu cử quốc hội, cuộc bầu chọn tổng thống tại quốc hội cũng có ý nghĩa quan trọng không kém. Sau cuộc bầu cử ngày 8-11, hai viện quốc hội vừa được bầu sẽ chọn ra đại diện để tranh cử tổng thống, đại diện còn lại được quân đội đề cử. Hai ứng cử viên thất bại sẽ trở thành phó tổng thống. Sau khi được quốc hội bầu lên, tổng thống sẽ đứng ra lập chính phủ. Theo hiến pháp Myanmar, tổng thống giữ toàn quyền hành pháp, trừ việc quản lý các bộ biên giới, nội vụ, quốc phòng và thông qua các thay đổi của hiến pháp thì phải có sự ủng hộ của quân đội. Không chỉ có vậy, các nhà phân tích chính trị cũng coi các chính đảng sắc tộc khác là thế lực thứ ba ngoài USDP và NLD. Hàng chục đảng sắc tộc lớn nhỏ tại nhiều khu vực của Myanmar tuy chưa đủ sức gây ảnh hưởng trên toàn quốc, nhưng lại có ưu thế nhất định tại các khu vực dân tộc của mình.
Như vậy, thách thức lớn của Myanmar là phải thành lập được một chính phủ thực sự phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây cũng chính là mong muốn và kỳ vọng của người dân Myanmar bởi, mặc dù đã đạt được những tiến bộ nhất định về kinh tế - xã hội, song mức sống của đại đa số người dân Myanmar vẫn chưa được cải thiện. Myanmar vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á với gần 1/3 trong tổng số 60 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói. Thành công của cuộc bầu cử lần này sẽ giúp Myanmar ổn định chính trị, từ đó tập trung phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển trong khu vực./.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi): mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi  (12/11/2015)
Chủ tịch nước tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 23  (12/11/2015)
Mặt trận Tổ quốc không tổ chức tiếp khách dịp kỷ niệm Ngày truyền thống  (12/11/2015)
Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ chuẩn bị đi vào hoạt động  (12/11/2015)
Nảy sinh bất đồng tại Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi về di cư  (12/11/2015)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay