TCCSĐT - Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Là 1 trong 12 quốc gia tham gia TPP, Việt Nam đã cùng các nước tham gia hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định này. Đây có thể được xem là một trong những hoạt động đối ngoại nổi bật trong tuần qua.
Hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định TPP

Ngày 05-10, tại thành phố Atlanta (Hoa Kỳ), Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này. Sau 6 ngày đàm phán liên tục, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này, bao gồm vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ôtô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada; Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.

Sau hơn 5 năm đàm phán sâu rộng, TPP đã đạt được thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng cường phát triển hòa nhập và khuyến khích sáng tạo trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan trọng hơn, đây được xem như một hiệp định tham vọng, toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, có lợi cho người dân các nước tham gia. Hiệp định TPP ban đầu có tên là nhóm P-4 do bốn nước thành lập là Chile, New Zealand, Singapore và Mexico. Tháng 9-2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP và đến đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11-2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán TPP. Cho tới nay đã có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Mỹ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản.

Tác động của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam

Theo nhận định của các chuyên gia nước ngoài, với việc là 1 trong 12 quốc gia tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng với mức thuế bằng không tới thị trường rộng lớn gồm các quốc gia trong khối hiện chiếm tới 2/5 thương mại toàn cầu. Theo dự báo của Viện kinh tế quốc tế Peterson, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Khi TPP có hiệu lực, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chứng kiến sự bùng nổ xuất khẩu về các sản phẩm may mặc và giày dép. Hiện Việt Nam đang hoàn thiện các quy định về thuế và đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, theo đuổi các thỏa thuận thương mại khác để tạo lợi thế thu hút đầu tư. Ngân hàng đầu tư Goldsman Sachs dự báo nền kinh tế Việt Nam hiện đứng thứ 55 trên thế giới và sẽ vươn lên vị trí 17 vào năm 2025 với GDP tăng từ 186 tỉ USD (hiện tại) lên 450 tỉ USD.

Năm 2014, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 6%, dự báo sẽ vẫn duy trì được mức tăng trưởng trên trong năm nay. Kể từ khi Việt Nam mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài, tỉ lệ tăng trưởng luôn đạt mức từ 5-10% mỗi năm. Chuyên gia về kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) Sandeep Mahajan đánh giá, Việt Nam là một trong những điểm đến đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút được nhiều nhất các nhà đầu tư. Các chuyên gia cũng cho rằng bên cạnh việc tham gia các hiệp định thương mại, Việt Nam tiến tới sẽ ký Hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu, điều đó sẽ giúp giảm đáng kể các loại thuế vốn đang áp dụng đối với những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam tại thị trường các nước này.

Theo nhìn nhận từ phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, việc hoàn tất Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích song cũng đặt ra một số thách thức nhất định đối với Việt Nam.

Về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu. Các ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này. Ngoài ra, các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Thêm vào đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Về mặt thể chế, việc tham gia TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định. Việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng tri thức cao, thí dụ như sản xuất dược phẩm, trong đó có thuốc sinh học (đặc biệt là với vắc-xin và một số sản phẩm Việt Nam có bước phát triển mạnh trong những năm qua). Thêm vào đó, Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp Việt Nam nâng cao tốc độ tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp nước ta có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, do Hiệp định TPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững hơn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc tham gia TPP cũng đặt ra một số thách thức nhất định đối với Việt Nam. Thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Tiếp theo đó là những thách thức lớn cho bộ máy quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, thể chế, các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước. Cùng với đó, khi môi trường cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP, các doanh nghiệp trước đây vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu sẽ rơi vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra nhưng những tác động này chỉ mang tính cục bộ, với quy mô không đáng kể và xảy ra trong thời gian ngắn.

Như vậy, TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại khác. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân. Đàm phán TPP hiện là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất của Việt Nam.

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng văn hóa - xã hội (ASCC) lần thứ 14


Ngày 07-10-2015, tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng văn hóa - xã hội (ASCC) lần thứ 14 đã diễn ra với sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, các bộ trưởng/trưởng đoàn phụ trách trụ cột Văn hóa - xã hội của 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan làm trưởng đoàn. Trọng tâm của Hội nghị ASCC lần này là kết nối nhân dân thông qua các hoạt động cốt lõi và cơ bản, bằng trái tim và khối óc của người dân ASEAN.

Tại hội nghị, các bộ trưởng đã xem xét, thông qua những văn kiện quan trọng về các lĩnh vực ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa - xã hội, bao gồm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên, vấn đề người cao tuổi, tăng cường an sinh xã hội, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em tăng cường giáo dục sau đại học và an toàn thực phẩm. Hội nghị cũng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của ASCC, vai trò của Hội nghị Điều phối Cộng đồng ASEAN (SOC-COM); hoan nghênh việc cử cán bộ của ASCC làm việc tại Ủy ban đại diện Thường trực ASEAN (CPR) nhằm tăng cường kết nối với các đầu mối tại các quốc gia thành viên.

Cộng đồng Văn hóa - xã hội là một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN. Lĩnh vực của cộng đồng này rất rộng, như phát triển con người, phúc lợi xã hội, quyền con người, môi trường, văn hóa, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo... Vì vậy, việc thực hiện tốt các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa - xã hội sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của ASEAN. Là một trong những thành viên tích cực của Cộng đồng, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, tích cực nghĩa vụ của mình, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển của Cộng đồng Văn hóa-xã hội nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung.

Bên cạnh việc tham gia xây dựng và thúc đẩy hoàn thiện các văn kiện định hướng của khu vực, Việt Nam luôn chủ động triển khai thực hiện các sáng kiến khu vực và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - xã hội, cũng như lồng ghép những ưu tiên và định hướng của hoạt động khu vực vào việc thực hiện các chương trình và dự án ở cấp quốc gia. Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng đã thông qua Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - xã hội 2025, cam kết hợp tác hướng tới người dân, thân thiện môi trường, và hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững.

Campuchia phổ biến công khai bản đồ phân giới với Việt Nam


Tại Phnôm Pênh, trong cuộc họp chính phủ ngày 09-10-2015, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ thị các ngành hữu quan phổ biến công khai đến mọi người dân về bản đồ phân giới với Việt Nam. Người phát ngôn Chính phủ Campuchia, Phay Siphan cho biết Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh các tài liệu liên quan đến bản đồ phân giới với Việt Nam không chỉ là những căn cứ xác thực được Quốc vương và Quốc hội Campuchia phê chuẩn mà còn là một bằng chứng lịch sử trong nghiên cứu khoa học về lãnh thổ quốc gia. Theo nhà lãnh đạo Campuchia, tài liệu này cũng chứng minh sự minh bạch, nghiêm túc và trách nhiệm cao của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Campuchia, đập tan những cáo buộc phi lý và sai trái rằng CPP và Thủ tướng Hun Sen bán đất cho Việt Nam.

Quyết định của Thủ tướng Hun Sen được đưa ra sau khi nghị sỹ Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) đối lập Um Sam An ngày 07-10 tuyên bố trên phương tiện truyền thông rằng đã tìm thấy tấm bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 được Campuchia nộp lưu chiểu vào Liên hợp quốc ngày 04-10-1954. Ông Um Sam An cho rằng đây chính là bản đồ Campuchia được quy định trong Hiến pháp và vì thế cần xem xét lại các cột mốc biên giới giữa Campuchia - Việt Nam vì Chính phủ Campuchia sử dụng bản đồ không hợp hiến trong quá trình phân giới. Cùng ngày, Chính phủ Campuchia tuyên bố xem xét áp dụng biện pháp pháp lý chặt chẽ với nghị sỹ Um Sam An về những tuyên bố nói trên.

Báo chí Campuchia dẫn thông cáo của Cơ quan Báo chí và phản ứng nhanh thuộc Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia nêu rõ hành động và lời nói của nghị sỹ Um Sam An từ trước đến nay nhằm kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa cực đoan, gây hiểu lầm trong dư luận trong và ngoài nước về vấn đề chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia. Hành động ngoan cố của ông Um Sam An đã kích động gây mất an ninh, ổn định xã hội, phá hoại đoàn kết dân tộc, vì thế chính phủ có nghĩa vụ phải xem xét áp dụng các biện pháp pháp luật nghiêm ngặt để bảo vệ Hiến pháp cũng như sự thống nhất của dân tộc và nhân dân Campuchia. Thông cáo khẳng định, bản đồ chính thức được công nhận theo Hiến pháp Campuchia là bản đồ được nộp lưu chiểu tại Liên hợp quốc vào năm 1964, không phải vào năm 1954 như lời ông Um Sam An. Ông Um Sam An có hai quốc tịch Mỹ và Campuchia, đã rời Campuchia sang Mỹ từ hồi tháng 8 vừa qua và dự kiến sẽ trở về Campuchia vào đầu năm 2016./.