Hợp tác xã: Vấn đề cũ, cách nhìn mới
Quá coi trọng phát triển kinh tế thị trường trong lúc chưa chú ý đúng mức việc phát triển nền kinh tế mang tính xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến những khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt: chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn chậm, giải quyết đầu ra cho nông sản khó khăn, giá cả tăng cao dẫn đến lạm phát... Vì vậy, phải nhận thức rằng, xây dựng nền kinh tế mang tính xã hội mà nòng cốt là mô hình hợp tác xã, chính là thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa trong đường lối phát triển kinh tế của nước ta hiện nay.
Nền kinh tế mang tính xã hội
Vào những năm 80 của thế kỷ XX, một số tổ chức kinh tế quốc tế đóng ở Oa-sinh-tơn như: Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới cùng Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra một chương trình cải cách kinh tế trọn gói, gọi là "Sự đồng thuận Oa-sinh-tơn" (Washington consensus), kêu gọi sẽ cho các nước vay tiền nếu chấp nhận mô hình tự do chủ nghĩa mới với mở cửa thị trường và tư nhân hóa.
Chương trình "điều chỉnh cơ cấu" này, bao gồm các biện pháp góp phần giúp cho thị trường định giá, ổn định vĩ mô để chấm dứt lạm phát, xóa bỏ các hạn chế buôn bán và mở cửa thị trường cho hàng hóa và vốn nước ngoài, được các nước châu Mỹ La-tinh, châu Á, châu Phi và một số nước xã hội chủ nghĩa cũ hưởng ứng.
Cuộc cải cách này đã thành công ở Chi-lê, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, và một số nước Đông Á, nhưng lại thất bại ở nhiều nước Mỹ La-tinh và châu Phi cũng như Đông Âu. Một số nơi đã phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng tài chính rất nghiêm trọng như Mê-xi-cô (1994), Đông Á và Đông - Nam Á (1997), Nga (1998 ) Ác-hen-ti-na (2001).
Trước tình trạng này, các sáng kiến về một nền kinh tế mang tính xã hội và tương trợ nẩy sinh khắp nơi.
Kinh tế mang tính xã hội dùng để chỉ các nhóm người (chứ không phải là vốn) giữ một vai trò kinh tế như các hợp tác xã, các hội tương trợ và hội quản lý. Các tổ chức này mang tính tự nguyện và hợp tác, độc lập đối với nhà nước, tự chủ trong quản lý. Một đặc điểm quan trọng là, tổ chức kinh tế mang tính xã hội hoạt động nhằm cung cấp dịch vụ cho hội viên hay tập thể chứ không vì lợi nhuận của một số cá nhân.
Chính các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội ở châu Âu trong thế kỷ XIX như Xanh Xi-mông, Rô-bớt Ô-oen, là những người đầu tiên thực nghiệm các hình thức tổ chức của nền kinh tế này. Phong trào đấu tranh để thực hiện nền kinh tế này đã đạt được cơ sở pháp lý trong các bộ luật về hợp tác xã (1867), về công đoàn (1884), về hội tương trợ (1898) và về các hội (1901) của Nghị viện Pháp. Kinh tế mang tính xã hội còn được gọi là kinh tế tương trợ.
Trong công cuộc đổi mới ở nước ta, chúng ta đã nghe không ít lời khuyên của các tổ chức quốc tế và nhận viện trợ của họ. Nước ta là một trong những nước ít sai lầm trong cải cách kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Rô-đơ-rích (D. Rodrik), giáo sư của Trường đại học Ha-vớt (Harvard) là các nước này đã không áp dụng máy móc lời khuyên của các tổ chức quốc tế, mà biết điều tiết theo tình hình cụ thể của địa phương.
Tuy vậy, hiện nay ở nước ta, xu hướng tôn sùng kinh tế thị trường ngày càng trở nên mạnh mẽ. Các thể chế của nền kinh tế mang tính xã hội và tương trợ không được coi trọng, khuyến khích và hỗ trợ. Tình trạng này sẽ dẫn đến những mâu thuẫn không thể giải quyết, gây cản trở sự phát triển chung.
Trong xã hội truyền thống, nước ta đã có nhiều thể chế kinh tế mang tính xã hội và tương trợ, mà hiện nay ta có thể tiếp tục sử dụng hay lấy các tố chất cơ bản để đưa vào các thể chế mới, như:
- Thể chế ruộng công: Đã tồn tại rất lâu dài ở nước ta trong lịch sử, khác với Trung Quốc và Nhật Bản đã bị xóa bỏ từ lâu. Song song với việc tư hữu hóa ruộng đất, cộng đồng làng xã vẫn giữ chế độ này để có thể giảm sự phân hóa giai cấp quá mạnh trong nông thôn, với sự ủng hộ của Nhà nước. Rất đáng tiếc là chúng ta không biết bảo vệ thể chế này, để cho đất đai bị chiếm hữu và đầu cơ. Hiện nay, Nhà nước phải đền bù với giá rất cao khi cần lấy đất để xây dựng các công trình công cộng.
- Trong nền kinh tế thị trường, mỗi cá nhân hoạt động vì quyền lợi của mình, thị trường sẽ điều phối các lựa chọn cá nhân để tránh sự hỗn loạn. Thị trường do luật cung cầu sẽ điều phối tự động và tạo sự cân bằng của trao đổi. Động cơ của thị trường là sự cạnh tranh, để tránh lãng phí và hướng ưu tiên lao động và vốn vào các ngành có nhu cầu mạnh nhất. Tuy vậy, ở nước ta, theo truyền thống có một nền kinh tế không chỉ dựa trên sự cạnh tranh. Ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương trong cả nước, các hộ kinh doanh cùng một mặt hàng không phân tán ra mà tập trung ở một phố, một khu vực. Họ không sợ cạnh tranh mà coi trọng sự tương trợ, sự hợp tác. Ở nông thôn, các hộ cùng kinh doanh một nghề cũng tập trung trong một làng nghề. Hiện tượng này ở các nước gọi là cụm công nghiệp (industrial clusters) kết hợp cạnh tranh - thi đua – tương trợ. Mô hình này tỏ ra rất năng động và đang được phát triển trong các mô hình phát triển kinh tế mới. Mô hình cụm công nghiệp hiện nay đang được phát triển ở nông thôn nước ta một cách tự phát, như trong các làng nghề ở Bắc Ninh, để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế mà không chịu ảnh hưởng của một mô hình nước ngoài nào.
- Ở nước ta, từ lâu, dưới hình thức đổi công, phường hội, chơi họ... tinh thần hợp tác đã được phổ biến trong các cộng đồng làng xã. Mô hình hợp tác xã thời bao cấp mà thực chất là nông nghiệp tập thể đã làm cho nông dân sợ "hợp tác". Mặc dù đã có Luật Hợp tác xã, đã qua sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới, nhưng đến nay, khu vực kinh tế mang tính xã hội này vẫn chưa được hình thành trở lại.
Nguyên nhân chính là do người ta lẫn lộn hợp tác xã với công ty cổ phần (một hình thức của kinh tế thị trường). Ở các nước, người ta coi hợp tác xã là thành phần của nền kinh tế mang tính chất xã hội, nên hợp tác xã không phải đóng thuế mà còn được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Việc phát triển kinh tế thị trường là cần thiết, nhưng xã hội không chỉ có thị trường, mà còn có nhà nước và có cả nền kinh tế mang tính xã hội (hay còn gọi là xã hội dân sự). Theo lý thuyết phát triển hiện đại, đó là ba cột trụ của sự phát triển.
Phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới
Hiện nay, ở nước ta, nhiều nơi hợp tác xã đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã dịch vụ kiểu mới, nhưng vẫn không hiệu quả. Nguyên nhân rất đơn giản. Khó khăn của nông dân hiện nay là thiếu đầu ra cho sản phẩm, mà hợp tác xã lại chỉ lo giải quyết đầu vào, còn đầu ra để cho"con buôn" lo.
Thiếu đầu ra, sản phẩm không bán được hoặc phải bán rẻ. Nhiều người đòi Nhà nước phải can thiệp vào thị trường để giải quyết đầu ra cho nông dân. Họ quên rằng, sở dĩ trong quá trình đổi mới, nông nghiệp đã phát triển mạnh là nhờ Nhà nước đã rút lui, nhường cho thị trường điều tiết sản xuất. Muốn giải quyết đầu ra cho nông dân, vai trò của Nhà nước rất hạn chế và có khi còn gây tác động tiêu cực. Vậy chỉ có cách là, nông dân phải tự giải quyết lấy đầu ra cho mình.
Chính hợp tác xã là đơn vị có thể giúp cho nông dân làm việc này. Kinh nghiệm của các nước phương Tây cho thấy, nếu nông dân tổ chức hợp tác xã chế biến và bán nông sản thì sẽ hạn chế được sự độc quyền của các nhà buôn tư nhân (và của cả Nhà nước, nếu có), giành lấy quyền quyết định giá bán và chiếm lợi thế trên thị trường.
Chính ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, nông dân đã làm như vậy. Nhiều năm nay nông dân ở Nam Sách nuôi lợn hướng nạc để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Để sản xuất lợn nạc, họ phải nuôi lợn ba phần tư máu ngoại hay lợn ngoại thuần chủng. Thức ăn phải chứa nhiều đạm hơn thức ăn nuôi lợn thường. Việc phòng trừ dịch bệnh phải làm cẩn thận hơn. Để làm tốt các việc này, nông dân nuôi lợn hướng nạc ở xã Hợp Tiến (Nam Sách) đã tổ chức thành một nhóm để sản xuất lợn giống, sản xuất thức ăn gia súc chất lượng cao, ký hợp đồng với bác sĩ thú y..., do đó giảm được tương đối giá thành sản xuất.
Tuy vậy, lúc đầu họ không bán được giá cao hơn so với lợn nhiều mỡ. Nhóm đã tổ chức mổ lợn hướng nạc do mình sản xuất so với lợn thường và mời các người mổ lợn đến chứng kiến. Sau đấy nhóm ký hợp đồng với người mổ lợn và bảo đảm đúng chất lượng và đã bán được giá cao hơn. Sản phẩm của nhóm dần dần chiếm lĩnh được thị trường. Nông dân trong huyện đã theo gương của Hợp Tiến, lập thêm nhiều nhóm sản xuất kiểu này. Hiện nay, trong toàn huyện đã có 13 nhóm như vậy.
Tháng 7 vừa qua một số nhóm sản xuất ở huyện Nam Sách đã thành lập Hợp tác xã chăn nuôi Nam Sách. Hợp tác xã này là tổ chức tự nguyện của các hộ nông dân muốn phát triển chăn nuôi. Hợp tác xã cung cấp dịch vụ về giống, thức ăn gia súc và thú y cho xã viên, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm với giá cao nhất. Hợp tác xã không phải là công ty cổ phần, không kinh doanh, không trả lãi theo cổ phần mà chỉ chia dịch vụ phí thừa cho xã viên theo khối lượng đã phục vụ. Do đó, xã viên bỏ phiếu theo nguyên tắc một người một phiếu chứ không phải như công ty cổ phần. Đây là hợp tác xã kiểu mới giống như hợp tác xã ở các nước tiên tiến.
Hợp tác xã chăn nuôi Nam Sách dự kiến sẽ tự sản xuất lấy giống lợn ngoại, sản xuất lấy thức ăn gia súc chất lượng cao, phá bỏ thế độc quyền của các trại giống nhà nước, các công ty thức ăn gia súc trong nước và nước ngoài, lập tủ thuốc thú y để phục vụ bà con nông dân. Trong tương lai, hợp tác xã có thể tự tổ chức giết mổ và chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị, hạ thấp giá thành của sản phẩm. Các nhà khoa học đang giúp cho hợp tác xã làm các công việc này.
Với những nhận thức và bước đi đúng đắn, Hợp tác xã chăn nuôi Nam Sách chỉ mới thành lập nhưng đã có nhiều lò mổ ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đang tranh nhau đặt hàng, đã ký hợp đồng để mua sản phẩm. Thương hiệu của Hợp tác xã là "Con lợn cười" được nhiều người biết đến.
Bên cạnh thành công trong việc sản xuất thịt lợn siêu nạc, Hợp tác xã Nam Sách còn giúp các hộ nông dân xây dựng các nông trại gia đình trong điều kiện đất đai hạn chế. Hàng trăm hộ trung nông, sau một thời gian ngắn tham gia hợp tác xã đã trở thành các nông trại nuôi trên 100 đầu lợn, phát triển chăn nuôi công nghiệp, tham gia tích cực vào thị trường. Điều đáng tiếc là, hiện nay mô hình này đang được nhân rộng một cách tự phát, chưa có một sự hỗ trợ nào của Nhà nước.
Ngoài hợp tác xã chăn nuôi Nam Sách ở Hải Dương, các địa phương khác cũng đang phát triển các đặc sản của địa phương như vải Thanh Hà, gạo tám Hải Hậu, hồng không hạt Bắc Kạn, chuối ngự Đại Hoàng... bằng cách thành lập các hiệp hội, tập hợp cả người sản xuất lẫn người buôn bán. Đây là một hình thức hợp tác mới cần được phát triển...
Hiện nay, nhiều người còn chưa phân biệt rõ hợp tác xã với công ty cổ phần (mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là hội buôn), vì các xã viên hợp tác xã cũng phải đóng cổ phần. Để tránh sự nhầm lẫn này, ở các nước người ta không gọi số tiền do xã viên đóng góp cho hợp tác xã thực hiện dịch vụ là cổ phần mà gọi là phần vốn xã hội. Khác nhau giữa vốn xã hội và cổ phần là, vốn xã hội không được chia lãi. Mỗi xã viên thường chỉ đóng một phần vốn xã hội, và các xã viên chỉ được quyền bỏ mỗi người một phiếu chứ không phải bỏ phiếu theo số cổ phần.
Việc coi hợp tác xã giống như công ty cổ phần đã dẫn đến một tình trạng: Có hợp tác xã tồn tại do một số nông dân giàu đóng cổ phần, ai nhiều cổ phần thì người ấy kiểm soát hợp tác xã, khiến nông dân nghèo bị thua thiệt nên không muốn tham gia hợp tác xã. Sự lẫn lộn này đã tạo nên tình trạng rất phổ biến hiện nay là, có nhiều hợp tác xã mang tính trá hình, thực chất là các xí nghiệp tư nhân. Câu hỏi đặt ra là: Nếu hợp tác xã hoạt động như công ty cổ phần thì hợp tác xã có thể hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, cần gì phải có Luật Hợp tác xã?
Trong lịch sử, hợp tác xã được xây dựng trên tiền đề vốn là phục vụ cho doanh nghiệp tập thể chứ không phải là cho chủ tư nhân. Hoạt động của hợp tác xã được tổ chức để thỏa mãn nhu cầu của xã viên, chứ không phải để tích lũy vốn trong tay của người đầu tư. Trong quá khứ, nguyên tắc vốn là phục vụ dẫn đến việc nguồn lợi của các hợp tác xã có lãi phải giữ lại để phát triển hợp tác xã, hơn là tập trung vào tay của những người sở hữu vốn. Hậu quả là, hợp tác xã không đầu tư được vào các dự án có vốn lớn và không giữ được vốn vào thời gian lạm phát. Việc hạn chế trả lãi cho vốn được bỏ năm 1995, lúc quy định hợp tác xã trả lãi cho cả vốn lẫn lao động ngang nhau.
Tuyên truyền sâu rộng để nông dân nói riêng và người lao động nói chung hiểu rõ về hợp tác xã kiểu mới, sự khác nhau căn bản giữa hợp tác xã và công ty cổ phần, là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của việc phát triển mô hình hợp tác xã ở nước ta.
Tăng trưởng Kinh tế Đông Á  (20/11/2007)
Cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững trên thế giới  (20/11/2007)
Để góp phần thực hiện mục tiêu hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN  (20/11/2007)
Khuynh hướng xã hội chủ nghĩa bước đầu của cánh tả Mỹ La-tinh  (19/11/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên