Hội thảo tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tháng 3-2008 tại tỉnh Bac Liêu - Ảnh: TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long đang là điểm đến của các nhà đầu tư, nhưng nguồn nhân lực nơi đây chưa xứng tầm với quy mô phát triển. Việc tìm ra những hình thức và bước đi hợp lý trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một thách thức lớn của vùng.

Thực trạng nguồn nhân lực tại vùng đồng bằng sông Cửu Long

Với dân số trên 17 triệu người, lực lượng lao động chiếm 21,44% tổng số lực lượng lao động cả nước, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực đồng bằng sông Cửu Long còn thấp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm 83,25%, trong khi đó tỷ lệ chung cả nước là 74,6%. Với tỷ lệ này, đồng bằng sông Cửu Long xếp thứ 7/8 vùng của cả nước. Hiện tại, chỉ gần 20% lao động công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long có trình độ chuyên môn hóa và tay nghề cao, khoảng 17% lao động có tay nghề, kỹ thuật đang trực tiếp sản xuất; cơ cấu lao động chưa hợp lý, tỷ lệ giữa “thầy” và “thợ” chênh lệch nhiều. Các chỉ số về giáo dục – đào tạo, dạy nghề đều thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước.

Thực trạng trên đây đang tiếp tục diễn ra trong bối cảnh tình hình đầu tư phát triển nguồn lực cho giáo dục – đào tạo, dạy nghề ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa tương xứng với quy mô và vị trí của vùng. Ngân sách nhà nước đầu tư (cả về số lượng tuyệt đối và tỷ trọng) cho giáo dục - đào tạo, dạy nghề ở vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thấp hơn mức bình quân cả nước. Mạng lưới trường lớp thiếu; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý vừa thiếu, vừa yếu và chưa đồng bộ về cơ cấu; chất lượng giáo dục đại trà chưa cao; cơ sở vật chất nghèo, lạc hậu, đa số các trung tâm dạy nghề còn thiếu trang thiết bị; chất lượng đào tạo và cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa gắn với thị trường lao động và chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đào tạo nghề dài hạn còn quá ít, thời gian thực hành ngắn, nhất là thời gian đào tạo nghề cho lao động nông thôn; ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, chất lượng nguồn nhân lực hoàn toàn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Bước đi đáp ứng nguồn nhân lực

Đồng bằng sông Cửu Long có lực lượng lao động dồi dào nhưng đa số thiếu chuyên môn, nhân tài không thiếu nhưng sau khi đã thành đạt hiếm người trở về quê hương phục vụ. Sau nhiều năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một trong những vấn đề bức xúc, đồng thời là một thách thức, đó là vấn đề đào tạo và cơ chế sử dụng hợp lý nguồn nhân lực. Để đáp ứng yêu cầu trên cần tập trung làm tốt một số việc:

Một là, quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới giáo dục – đào tạo cả nước cần gắn chặt với quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phải quan tâm gắn mạng lưới các trường đào tạo với đặc thù của từng địa phương. Chú trọng đầu tư, nâng cấp mở rộng mạng lưới các trường, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đẩy mạnh đào tạo liên thông, tạo nhiều cơ hội học tập cho người dân đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện tốt phương châm “5 tại chỗ” (tuyển dụng tại chỗ, đào tạo tại chỗ, thực hành tại chỗ, sử dụng tại chỗ và phát triển tại chỗ). Trong đó, phân trách nhiệm cụ thể đối với từng nhóm trường để đào tạo nguồn nhân lực cho sát với yêu cầu phát triển của vùng.

- Các viện, trường đại học trong vùng phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn và trình độ quản lý phục vụ cho các doanh nghiệp; khẩn trương đào tạo các giảng viên cho trường dạy nghề của các tỉnh...

- Các trường cao đẳng cộng đồng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có chuyên môn phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo hướng mở rộng, liên thông và liên kết đào tạo các lĩnh vực đang có nhu cầu thiết thực tại địa phương.

- Các trường dạy nghề của tỉnh tập trung đào tạo lao động thủ công có tay nghề đối với nhóm lao động có trình độ thấp, cung ứng công nhân lao động cho các doanh nghiệp không đòi hỏi trình độ cao mà chỉ cần lao động có kỹ năng tay nghề tốt.

Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay cần chú trọng đào tạo ngắn hạn với tạo nguồn phát triển lâu dài, cân đối phát triển giáo dục đào tạo với tăng cường dạy nghề. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống trường dạy nghề, cần xây dựng và mở rộng hệ thống trường cao đẳng cộng đồng ở tất cả các tỉnh, thành trong vùng. Loại hình này sẽ phục vụ cho nhu cầu học tập của cộng đồng, bằng những hình thức đào tạo theo từng học phần khác nhau, cũng như thiết kế chương trình học và thời gian học theo nhu cầu, phù hợp đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Chương trình học có thể bắt đầu bằng đào tạo “thợ”, sau đó liên thông từng cấp và sau cùng nâng lên trình độ đại học. Cộng đồng cần học gì thì nhà trường thiết kế chương trình đúng theo yêu cầu đó, khi kết thúc học phần, học viên có thể ra trường đi làm, ứng dụng ngay những kiến thức đã học, sau này nếu có điều kiện thì học viên có thể quay lại học tiếp để lấy bằng cử nhân, liên thông lên đại học.

Tạo điều kiện và khuyến khích mở các trường cao đẳng cộng đồng ở các tỉnh có sự hỗ trợ của các đại học ngoài vùng, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, để mở các phân hiệu đào tạo cho đồng bằng sông Cửu Long.

Xây dựng một trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng tại thành phố Cần Thơ. Với mục tiêu đào tạo kiến thức sư phạm, phương pháp giảng dạy mới, kỹ năng thực hành, nâng cao kiến thức chuyên môn... cho đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường. Trong đó, tập trung đào tạo bậc đại học ở những ngành kỹ thuật, công nghệ cao, để phục vụ cho nông nghiệp, nhằm làm tăng giá trị hàng hóa nông sản, phục vụ cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng từ căn bản là nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ công nghệ thông tin... cho nhu cầu của các cơ quan, các doanh nghiệp.

Hai là, Nhà nước tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long cả về số lượng tuyệt đối và tỷ trọng ngang với mặt bằng chung của cả nước. Khai thác tối đa các nguồn đầu tư khác bằng phương thức “xã hội hóa và thị trường hóa giáo dục”, nhằm đẩy mạnh xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia, mở rộng quy mô trường lớp, nhất là cấp trung học phổ thông để huy động học sinh đúng độ tuổi vào lớp.

Đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị, bảo đảm cho các trường, trung tâm dạy nghề cơ bản có trường lớp dạy, nhà xưởng và trang thiết bị cho học viên thực hành. Tập trung đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phòng học, giảng đường; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ cho sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng.

Ba là, phát triển nhiều hình thức dạy nghề.

Tập trung xây dựng hệ thống trường dạy nghề của vùng để đào tạo “thợ”, giải quyết trước mắt số lượng “thợ” đang thiếu hiện nay, bảo đảm cơ cấu lao động hợp lý (1 đại học, cao đẳng/4 trung học chuyên nghiệp/20 công nhân kỹ thuật), dần hình thành chuỗi liên kết các trường theo vùng sinh thái đặc trưng, có kế hoạch đầu tư hợp lý vào các ngành học trọng tâm trong vùng.

Phát triển đa dạng các loại hình dạy nghề, mở rộng mạng lưới đào tạo sau phổ thông phải được khẳng định là giải pháp tích cực, chủ động và linh hoạt trong việc tuyển sinh học nghề, nhất là dạy nghề trình độ trung cấp cho các đối tượng đã tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng không có điều kiện học tiếp trung học phổ thông; chú trọng việc dạy nghề để cung ứng nguồn lao động cho các khu, cụm công nghiệp tại địa phương và kể cả cho các tỉnh và các vùng khác.

Tiếp tục tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, dạy nghề cho lao động nông thôn, nhằm giải quyết kịp thời công ăn việc làm cho nông dân trong thời gian nhàn rỗi; đặc biệt phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo theo nhu cầu của đơn vị, khi ra trường có việc làm ngay.

Kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp liên kết với các trường để đào tạo lực lượng lao động có tay nghề sát với thực tiễn yêu cầu, đào tạo gắn với thực hành, đáp ứng ngay nhu cầu của các doanh nghiệp.

Trước những yêu cầu và thách thức đối với chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long, cần sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các ban, ngành Trung ương, sự nỗ lực đầu tư của chính quyền các tỉnh, trong đó cần sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề để đẩy nhanh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực đào tạo, nhằm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, hòa chung vào công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế cùng cả nước./.