Bảo đảm an ninh môi trường, phục vụ nhiệm vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới
TCCSĐT - Ngày nay, suy thoái môi trường đã trở thành vấn đề toàn cầu, không chỉ đe dọa an toàn, an ninh cá nhân mỗi con người, mà còn là một trong những nguy cơ lớn đe dọa an ninh quốc gia và sự sống còn của cả xã hội loài người. Chưa bao giờ vấn đề bảo vệ môi trường lại được đặt ra cấp bách đối với xã hội loài người như hiện nay.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhận định: suy thoái và ô nhiễm môi trường và những hiểm họa môi trường có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh. An ninh môi trường là một thành tố quan trọng của an ninh quốc gia, một phạm trù thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Ở nước ta, bảo đảm an ninh môi trường được coi là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đảng ta khẳng định: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta”(1).
An ninh môi trường ở Việt Nam: Nhìn nhận từ các nguy cơ
An ninh môi trường Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ. Đặc biệt là các nguy cơ sau:
- Biến đổi khí hậu, nước biển dâng là một thách thức lớn, đe dọa nghiêm trọng mục tiêu phát triển bền vững và sinh kế của người dân. Quốc tế cảnh báo Việt Nam là một trong 5 quốc gia ở khu vực châu Á phải chịu nhiều hậu quả nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong gần 50 năm qua, thời tiết ở nước ta đã có nhiều biến đổi bất thường. Nhiệt độ trung bình năm giai đoạn 1961 - 2000 ở nước ta cao hơn trung bình năm của giai đoạn 1931 - 1960. Ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệt độ trung bình năm trong giai đoạn 1991 - 2007 đều cao hơn trung bình giai đoạn 1931 - 1940. Số đợt không khí lạnh đã giảm rõ rệt trong 20 năm qua nhưng lại có diễn biến bất thường. Số cơn bão trên Biển Đông trung bình đều có xu hướng tăng và cường độ ngày một mạnh hơn, quỹ đạo có dấu hiệu dịch chuyển dần về phía Nam và mùa bão cũng kết thúc muộn hơn. Bản đồ phân bố mưa ở nước ta có nhiều thay đổi, phân bố không đều và nhiều dị thường(2).
Biến đổi khí hậu đã và tiếp tục tác động mạnh hơn đến cuộc sống và kế sinh nhai của người dân, làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên, thay đổi cấu trúc xã hội, kết cấu hạ tầng của nền kinh tế và gây ra những bất ổn chính trị - xã hội. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang đẩy nhiều người dân vào tình trạng nguy hiểm, mất sinh kế hoặc buộc phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn đến khu vực khác sinh sống (quốc tế gọi hiện tượng này là “tỵ nạn môi trường”). Các chuyên gia môi trường quốc tế cảnh báo, trong tương lai, cứ 10 người Việt Nam lại có một người phải đối mặt với nguy cơ mất chỗ ở do suy thoái môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu. Tình trạng trên sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số vùng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Nếu nước biển dâng 1m thì 10,8% người dân Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tỷ lệ lớn nhất trong 84 nước đang phát triển; 40.000 km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập lụt hằng năm, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hầu như hoàn toàn(3).
Ngoài ra, tuy không nằm trong vùng nguy hiểm về động đất và sóng thần nghiêm trọng của thế giới nhưng nước ta cũng là nước có hiểm họa động đất khá cao (có 30 khu vực có thể động đất từ 5,5 đến 6,8 độ richter, từ năm 1114 đến 2003, đã xảy ra 1.600 trận động đất từ 3 độ richter trở lên, trong đó có 3 vụ trên 6,5 độ richter)(4).
- Tranh chấp tài nguyên nước trong khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột. An ninh nguồn nước đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của thế giới. Tháng 3-1997, Liên hợp quốc chính thức cảnh báo: Sau nguy cơ về dầu mỏ, loài người đang và sẽ phải đối mặt với nguy cơ phổ biến về thiếu các nguồn nước sạch cần thiết cho duy trì và phát triển đời sống kinh tế - xã hội của mình. Vấn đề cạn kiệt nguồn nước đã và tiếp tục là nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột quốc tế, thậm chí là xung đột chủ yếu trong thế kỷ XXI.
Do tính đặc thù về địa lý, hơn 60% nước mặt của Việt Nam bắt nguồn từ nước ngoài (lưu vực sông Cửu Long, 95% lượng nước chảy về từ thượng lưu sông Mê Kông; gần 40% lượng nước mặt sông Hồng - sông Thái Bình bắt nguồn từ Trung Quốc; 30% của sông Mã, 22% của sông Cả chảy về từ Lào; 17% của sông Đồng Nai chảy về từ Cam-pu-chia). Do phải phụ thuộc chủ yếu từ nguồn cấp từ bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của ta có thể bị đe dọa từ sự sử dụng của các nước láng giềng, đặc biệt là sông Mê Kông và sông Hồng. Và, trên thực tế, hai con sông này đang bị các quốc gia vùng thượng nguồn (đặc biệt là Trung Quốc và Thái Lan) sử dụng bất chấp hậu quả gây ra đối với Việt Nam. Nhiều đập và hồ chứa lớn, nhỏ được Trung Quốc, Thái Lan, Lào xây dựng trên sông Mê Kông đang đe dọa trực tiếp cuộc sống của hàng chục triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long. Sông Hồng cũng đang bị cạn kiệt và ô nhiễm, trong đó có sự xả nước thải độc hại từ các khu công nghiệp phía bên kia biên giới, nguy hiểm nhất là nguy cơ rò rỉ phóng xạ hạt nhân từ các nhà máy điện nguyên tử của Trung Quốc phía thượng nguồn.
Trong tương lai gần, nếu các quốc gia có quyền lợi gắn với các dòng sông chung với nước ta cố tình triển khai các dự án phát triển một cách thiếu trách nhiệm với các nước liên quan, thì tranh chấp tài nguyên nước giữa Việt Nam và các nước trong khu vực cũng trở nên căng thẳng, nghiêm trọng.
- “Xâm lược sinh thái” đe dọa mất cân bằng sinh thái và nguy cơ biến nước ta thành bãi rác công nghiệp ngày càng trở thành hiện thực. Trong cơn lốc của toàn cầu hóa, sự dịch chuyển ô nhiễm môi trường xuyên quốc gia được cảnh báo từ những năm cuối của thế kỷ trước, nay đã trở thành hiện thực. Quốc tế gọi đó là hành động “xâm lược sinh thái”.
Ở nước ta, các hành vi “xâm lược sinh thái” đang diễn biến rất phức tạp và rất khó kiểm soát. Các tổ chức tội phạm về môi trường trong nước móc nối với một số cán bộ, các ngành chức năng, lợi dụng sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật và yếu kém trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, thực hiện nhiều hành vi tiếp tay cho các cuộc “xâm lược sinh thái” của nước ngoài, như nhập khẩu phế liệu công nghiệp, biến nước ta thành bãi rác công nghiệp của thế giới; nhập nông sản có hóa chất độc hại gây hại sức khỏe cộng đồng; du nhập các loài sinh vật lạ làm mất cân bằng sinh thái và hủy hoại môi sinh. Tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải vào trong nước dưới hình thức phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu diễn ra công khai nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Hàng trăm sân gôn do các nhà đầu tư nước ngoài được xây dựng ở hầu hết các tỉnh, thành phố, chiếm hàng trăm nghìn héc-ta đất canh tác, đe dọa an ninh lương thực và hủy diệt môi sinh chưa được kiểm soát. Tình trạng nhập nông sản có chứa các hóa chất bảo quản độc hại, gây hại cho sức khỏe cộng đồng ngày càng có xu hướng gia tăng, chưa được ngăn chặn. Có khá nhiều loài con và cây lạ có nguồn gốc từ nước ngoài đã xuất hiện ở Việt Nam, phá hoại cây trồng, vật nuôi, gây mất cân bằng sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng(5).
- “Tự hủy diệt” luôn là nhân tố nội tại trực tiếp đe dọa an ninh môi trường quốc gia. Ngoài các nguy cơ từ bên ngoài và từ các yếu tố thiên nhiên, an ninh môi trường Việt Nam còn bị đe dọa chính từ các nguy cơ từ bên trong, hay gọi là nguy cơ “tự hủy diệt”. Sự yếu kém về nhận thức và trách nhiệm của mỗi con người, mỗi tổ chức, sự thúc bách về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, bất chấp hậu quả về môi trường làm cho mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển với mục tiêu bảo vệ môi trường ngày càng trầm trọng chính là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh môi trường quốc gia. Trong khi đó, tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp, xảy ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng hiệu quả đấu tranh, xử lý còn rất hạn chế. Nạn chặt phá rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ và tình trạng săn, bắt có tính chất hủy diệt động vật hoang dã, nguồn lợi thủy sản diễn ra công khai, trắng trợn nhưng chưa được ngăn chặn triệt để, xử lý lúng túng, thiếu kiên quyết. Tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, thiếu kế hoạch, bỏ qua trách nhiệm hoàn nguyên môi trường, sử dụng hóa chất độc hại bừa bãi vẫn tiếp diễn, chưa được kiểm soát.
Giải pháp bảo đảm an ninh môi trường quốc gia
Để chủ động làm giảm nhẹ các nguy cơ đe dọa an ninh môi trường, các cấp, các ngành cần tổ chức thực hiện có hiệu quả một số nội dung:
Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội, trước hết là của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, đoàn thể quần chúng, tổ chức kinh tế và đội ngũ cán bộ, đảng viên về an ninh môi trường và trách nhiệm bảo đảm an ninh môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; làm cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh môi trường phải trở thành ý thức và hành động tự giác của mỗi thành viên trong xã hội, trở thành nếp sống văn hóa của mỗi người; làm cho an ninh môi trường thực sự trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của an ninh quốc gia.
Quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, tránh tư tưởng chỉ coi trọng phát triển kinh tế, quên nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Chuẩn bị tốt các điều kiện sớm chấm dứt giai đoạn phát triển kinh tế theo bề rộng, chuyển nhanh sang phát triển kinh tế theo chiều sâu, dựa vào tri thức và công nghệ. Trong phát triển cần quan tâm giải quyết hài hòa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng pháp luật về an ninh môi trường; tăng cường năng lực của cơ quan chuyên trách bảo vệ môi trường, thành lập cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh môi trường quốc gia. Về công tác lập pháp, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi pháp luật về bảo vệ môi trường, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành pháp luật về an ninh môi trường. Nghiên cứu thành lập cơ quan an ninh môi trường quốc gia, theo hướng: đây là cơ quan của Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh môi trường, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh môi trường, là đầu mối quan hệ, hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh môi trường và có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm an ninh môi trường (không trùng với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tổng cục Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường), trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, một số chức năng của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an).
Ba là, tập trung đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động xây dựng, tổ chức diễn tập thành thục các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan, bão, lũ, lụt, động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân. Chuẩn bị tốt các phương án di dân, di dời các công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổ chức rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng của các dự án phát triển đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, hạn chế thấp nhất để xảy ra các xung đột môi trường, nhất là xung đột giữa công nghiệp (thủy điện, khu công nghiệp tập trung) với cộng đồng làm nông nghiệp, thủy sản, giữa người dân với chính quyền, doanh nghiệp, chủ đầu tư do doanh nghiệp xả ô nhiễm ra môi trường và chính quyền xử lý không nghiêm, để người dân nghi ngờ có sự tiếp tay của cán bộ chính quyền.
Bốn là, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là phòng, chống dịch chuyển ô nhiễm môi trường xuyên quốc gia; ngăn chặn nạn chặt phá rừng, săn bắt có tính hủy diệt động vật, nguồn lợi thủy sản; chống buôn lậu, nhập khẩu trái phép rác thải công nghiệp, nông sản, thực phẩm có chất bảo quản độc hại và các hành vi cố tình xả thẳng khí thải, rác thải độc hại ra môi trường.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh môi trường, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của quốc tế về bảo vệ an ninh môi trường. Đặc biệt quan tâm xử lý tốt các tranh chấp an ninh nguồn nước trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mê Kông, sông Hồng và khai thác nguồn lợi thủy sản khu vực Biển Đông với Trung Quốc và các nước có liên quan./.
------------------------------------------
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị khóa IX về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước
2, 3. Theo: Kịch bản “Biến đổi khí hậu, nước biển dâng” của Bộ Tài Nguyên và Môi trường
4. Theo: Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
5. Trong đó có những loài rất nguy hiểm, như cây mai dương, tôm thẻ chân trắng, ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ, cây bìm bôi, bọ cánh cứng hại dừa, vi-rút gây bệnh heo tai xanh, phẩy khuẩn tả biến tính, cá hoàng đế, cá hổ, hoa ngũ sắc và nhiều giống cây trồng biến đổi gen…
Hội thi Kể chuyện về những điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại huyện Ba Bể  (22/12/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên