Nâng cao hiệu quả phối hợp quản lý và thực thi công vụ của các cơ quan, cấp hành chính
Sự phối hợp của các cơ quan, cấp hành chính trong hoạt động quản lý và thực thi công vụ là một nhu cầu tất yếu khách quan, vì không có bất cứ cơ quan, cấp hành chính nào thực hiện được chức năng quản lý, hoàn thành được nhiệm vụ của mình một cách biệt lập. Bởi vậy, việc nâng cao hiệu quả phối hợp trong hoạt động quản lý và thực thi công vụ của các cơ quan, cấp hành chính cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công cuộc cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.
Trong hoạt động quản lý và thực thi công vụ của bất cứ cơ quan, cấp hành chính nào cũng đều có sự phối hợp giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cơ quan chủ quản với các cơ quan hữu quan, giữa các đơn vị, bộ phận và giữa các cán bộ, công chức trong cùng cơ quan, cấp hành chính với nhau. Hình thức và nội dung của sự phối hợp quản lý và thực thi công vụ bao gồm các hoạt động cung cấp thông tin, trợ giúp vật chất, phương tiện kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực, tài chính, xác định nội dung công việc và phạm vi trách nhiệm chotổ chức, cá nhân được phân công thực hiện những nhiệm vụ chung, v.v..
Trước và trong những năm tiến hành cải cách nền hành chính nhà nước giai đoạn 1 (2001- 2005), những vấn đề về trình độ, năng lực quản lý, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ..., trong đó có vấn đề về phối hợp quản lý của các cơ quan, các cấp hành chính đã bộc lộ sự hạn chế, yếu kém, sơ hở, lỏng lẻo, hiệu quả thấp, đặc biệt rõ hơn cả là sự phối hợp quản lý giữa các cơ quan chuyên môn cấp sở, cấp quận, huyện với cấp hành chính xã, phường, thị trấn. Trên thực tế, có rất nhiều ví dụ chứng minh sự phối hợp thiếu bài bản, chặt chẽ, đồng bộ, theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Chẳng hạn, ngành giao thông làm đường xong thì ngành điện, nước, thông tin lại đào đường lên để lắp đặt, sửa chữa, làm cho con đường bị vá víu, nham nhở, gây trở ngại, thậm chí tai nạn cho người tham gia giao thông; hoặc việc thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ đời sống dân sinh, giải quyết các công việc của các tổ chức và công dân cũng thường ở tình trạng chậm trễ, ách tắc, chất lượng thấp, v.v.. Trong phạm vi cả nước, những vụ việc tương tự như vậy diễn ra trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, v.v. cũng đều có nguyên nhân là do sự phối hợp trong hoạt động quản lý và thực thi công vụ của các cơ quan, cấp hành chính lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm. Thực trạng phổ biến đó đã làm cho hoạt động quản lý nhà nước lâm vào tình thế bị động, đối phó, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý thấp kém; việc khắc phục hậu quả thường kéo dài, gây lãng phí, tốn kém ngân sách, thậm chí gây cho người dân tâm trạng bức xúc, nảy sinh khiếu nại, khiếu kiện phức tạp.
Để nâng cao hiệu quả của sự phối hợp trong hoạt động quản lý và thực thi công vụ của các cơ quan, cấp hành chính nhà nước, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của cải cách hành chính, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, thông suốt của hệ thống pháp luật nhà nước. Vì văn bản pháp luật là công cụ quản lý nhà nước, cho nên sự quy định trong các văn bản pháp luật còn tồn tại những mâu thuẫn, những nội dung trái ngược nhau thì sự phối hợp trong hoạt động quản lý và thực thi công vụ của các cơ quan, cấp hành chính tất sẽ gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Đi đôi với việc đó là tiếp tục rà soát, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc hệ thống hành chính, nhằm khắc phục triệt để tình trạng trùng lặp, chồng chéo, ôm đồm về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong cùng hệ thống. Trên cơ sở đó, sắp xếp lại về tổ chức bộ máy cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng và xây dựng nhà nước pháp quyền, quản lý bằng phápluật.
Thứ hai, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định về lề lối, mối quan hệ làm việc trong từng cơ quan, cấp hành chính, gắn liền với yêu cầu chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ; thực hiện sự công khai, minh bạch các chế độ, chính sách, các quy định về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, xây dựng nếp sống văn hóa công sở. Đặc biệt, cần đề cao trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của những công chức giữ vị trí quản lý, lãnh đạo, bởi chính họ là hạt nhân của việc xây dựng, duy trì văn hóa công sở và tạo ra chất lượng, hiệu quả trong phối hợp quản lý, thực thi công vụ. Phẩm chất đạo đức và năng lực quản lý, chuyên môn của người lãnh đạo trong mỗi cơ quan, cấp hành chính không chỉ có giá trị động viên, khích lệ, lôi cuốn, làm gương cho các cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ, mà còn có giá trị tạo dựng niềm tin cho các tổ chức và công dân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật.
Trong bối cảnh mới, một trong những yêu cầu có tính tất yếu khách quan đặt ra đối với hết thảy cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính là: cán bộ, công chức phải tự mình chủ động không ngừng nỗ lực phấn đấu tu dưỡng đạo đức, nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng phong cách làm việc khoa học, giờ giấc chuẩn xác. Chỉ có như vậy, họ mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và thực hiện tốt các hoạt động phối hợp thực thi công vụ trong phạm vi cơ quan và với các cơ quan hữu quan, kể cả với các tổ chức quốc tế trên một số lĩnh vực như phòng, chống khủng bố, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, vũ khí, ma túy, rửa tiền, phá hoại môi trường sinh thái,v.v..
Cải cách hành chính đặt ra các mục tiêu toàn diện, tổng hợp mà nền hành chính nói chung, các cơ quan, cấp hành chính nói riêng phải đạt được các tiêu chí: dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, quản lý có hiệu lực, hiệu quả. Sự phối hợp trong hoạt động quản lý và thực thi công vụ của các cơ quan, cấp hành chính cũng phải quán triệt và hướng theo các tiêu chí đó, vì giữa các tiêu chí đó có mối quan hệ biện chứng, nhân quả, có sự tác động lẫn nhau. Chẳng hạn, có dân chủ và sự thực hành dân chủ tốt thì tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, lãng phí, bè cánh địa phương, phường hội,... sẽ bị đẩy lùi; nhờ đó, bộ máy mới có sự trong sạch.
Sự phối hợp trong hoạt động quản lý và thực thi công vụ chỉ đạt được hiệu quả tốt khi mọi cán bộ, công chức đều đặt trách nhiệm công bộc, đặt lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân lên trên hết. Nhìn lại lịch sử các triều đại phong kiến nước ta khi khởi xướng cải cách hành chính nhằm đạt mục đích chính trị của mình, chúng ta thấy, trước hết các triều đại đó đều đặt lợi ích, sự hưng vong của xã tắc lên trên lợi ích của triều chính.
Cơ chế "một cửa" trong cải cách hành chính hiện nay, ngoài mục tiêu công khai, đơn giản, thuận lợi hóa các quy định, thủ tục, còn có mục tiêu chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm công vụ, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, cấp hành chính trong hoạt động quản lý và phục vụ nhân dân.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm của từng cơ quan, cấp hành chính cho đến từng cán bộ, công chức trong thực thi công vụ một cách rành mạch, dứt khoát. Thực hiện nguyên tắc này là nhằm khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, các cấp hành chính; khắc phục tình trạng họp hành quá nhiều, công văn, giấy tờ dầy đặc. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 10/2006/CT-TTg và Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg về việc giảm văn bản, giấy tờ hành chính và quy định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đó là cơ sở pháp lý vừa nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm và chậm trễ trong phối hợp hoạt động công vụ do bệnh họp hành và nạn giấy tờ gây ra; vừa nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, cấp hành chính nhà nước trong quá trình giải quyết công việc nội bộ cũng như giải quyết công việc cho các tổ chức và công dân.
Để phòng tránh tình trạng thực hiện nửa vời, không đến nơi đến chốn, thậm chí không thực hiện Chỉ thị và Quyết định trên đây của Thủ tướng Chính phủ, phải tăng cường và đề cao trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện của các cơ quan, cấp hành chính đối với các văn bản của cấp trên.
Bên cạnh đó, cần xây dựng quy định về những loại việc chung cần phối hợp, những loại việc thuộc trách nhiệm riêng của cơ quan, cấp hành chính theo xu hướng giảm bớt những việc kiêm nhiệm, đẩy mạnh phân cấp, nhất là phân cấp cho cấp quản lý cơ sở.
Thứ tư, quan tâm đổi mới, nâng cấp, tăng thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan, các cấp hành chính, nhất là cấp hành chính ở cơ sở. Hiện nay, trang thiết bị, điều kiện làm việc của cơ quan hành chính nhà nước nói chung còn nhiều hạn chế. Việc triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật và nhất là công nghệ tin học vào hoạt động quản lý nhà nước còn chậm, đạt hiệu quả thấp. Vẫn còn tới 10% số chính quyền cấp xã chưa có trụ sở làm việc, khoảng 30% số trụ sở cấp xã là nhà cấp 4, không bảo đảm điều kiện làm việc và giải quyết công việc của dân.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy đào tạo, bồi dưỡng để làm cơ sở củng cố, sắp xếp lại tổ chức, tuyển chọn giáo viên, đổi mới chương trình, giáo trình cũng như phương pháp, kỹ năng đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương. Trong những năm thực hiện giai đoạn 1 của cải cách nền hành chính nhà nước (2001 - 2005), công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho bộ máy hành chính tuy đã có những đổi mới về chương trình, giáo trình, phương pháp và có những điều kiện hỗ trợ khác, nhưng về cơ bản, vẫn chưa làm thay đổi được mâu thuẫn giữa số lượng cán bộ, công chức trong các cơ quan, cấp hành chính được cử đi đào tạo, bồi dưỡng khá lớn với hiệu quả vận dụng, áp dụng, sử dụng những kiến thức đã học vào thực tế công việc, thực thi công vụ. Nhìn chung, cho đến nay, chất lượng cán bộ, công chức chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội. Đó chính là lý do chủ yếu giải thích vì sao cải cách hành chính ở nước ta vẫn đang ở tình trạng chậm trễ, trì trệ, hiệu quả thấp; không ít nơi tiến hành cải cách nhưng chưa đúng với nội dung, ý nghĩa của việc cải cách.
Tiếp tục đổi mới về tổ chức cũng như về hình thức, nội dung, phương pháp giảng dạy của các học viện, trường đào tạo cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương theo tư tưởng Hồ Chí Minh: cán bộ là cái gốc của mọi công việc; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức những kiến thức cơ bản, toàn diện để họ làm cán bộ, làm người và làm việc. Đây phải được xem là một trong những giải pháp hết sức cơ bản để nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp quản lý và thực thi công vụ của các cơ quan, cấp hành chính.
Tình hình giá cả thị trường tháng 11 và 11 tháng năm 2007  (03/12/2007)
Hội nghị Quản lý trại giam châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 27 (APCCA-27) tại Hà Nội  (01/12/2007)
Những cống hiến vĩ đại cho di sản chủ nghĩa Mác - Lê-nin  (29/11/2007)
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”  (29/11/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên