Thế nào là một nước công nghiệp
TCCS - Hiện nay là thời điểm thích hợp để chuẩn bị nghiên cứu chiến lược phát triển 10 năm 2011 - 2020, kết thúc thời kỳ chiến lược cũng là thời hạn dự kiến hoàn thành mục tiêu nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Rõ ràng, chiến lược phát triển đến năm 2020 phải lấy công nghiệp hóa làm một mục tiêu phấn đấu. Vì thế, nghiên cứu chiến lược 10 năm hoặc dài hạn hơn đều không thể bỏ qua việc giải đáp các câu hỏi: “Thế nào là một nước công nghiệp?”, “Thế nào là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại?” và “Thế nào là cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại?”.
1 - Một vài khái niệm
Có thể giải thích một cách đơn giản rằng, nước công nghiệp là nước đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hoặc ngược lại, công nghiệp hóa là quá trình để một nước trở thành nước công nghiệp. Tuy nhiên, định nghĩa như vậy không giải quyết được nguồn gốc của vấn đề. Song cách giải thích trên cũng có ý nghĩa ở chỗ, trong hai khái niệm “nước công nghiệp” và “công nghiệp hóa” chỉ cần định nghĩa cụ thể một khái niệm, còn khái niệm kia có thể tự suy ra được.Vì vậy, ở đây sẽ xuất phát từ một khái niệm là “công nghiệp hóa”.
Các nhà kinh tế học phát triển đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về công nghiệp hóa, dựa vào các tiêu chuẩn khác nhau như thu nhập quốc dân, cơ cấu kinh tế, cơ cấu công nghiệp, cơ cấu lao động, mức độ phát triển công nghiệp chế tác, loại công cụ sản xuất, các hàm sản xuất cơ bản, phương thức sản xuất, ... Song, cách trình bày tương đối gọn ghẽ mà làm nổi rõ được đặc trưng chính của khái niệm có thể nêu như sau:
Theo nghĩa hẹp, công nghiệp hóa được hiểu là quá trình chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp (hay tiền công nghiệp) sang nền kinh tế lấy công nghiệp làm chủ đạo, từ chỗ tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm đa số giảm dần và nhường chỗ cho lao động công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn hơn. Theo nghĩa rộng, công nghiệp hóa là quá trình chuyển dịch từ kinh tế nông nghiệp (hay tiền công nghiệp) sang kinh tế công nghiệp, từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp.
Bên cạnh khái niệm công nghiệp hóa, khái niệm “hiện đại hóa” cũng có nhiều cách định nghĩa. Theo cách dùng thông thường, hiện đại có nghĩa là “thuộc về thời đại ngày nay” (Từ điển tiếng Việt 1996, Hoàng Phê chủ biên), đối lập với truyền thống là thuộc về thói quen nhiều đời đã qua, tương tự như mới với cũ, tiên tiến với lạc hậu. Theo nghĩa đó, hiện đại hóa là quá trình biến đổi từ tính chất truyền thống cũ sang trình độ tiên tiến, hiện đại; hiện đại hóa chỉ có tính so sánh về thời gian trước sau, còn thời gian khởi đầu và thời gian kết thúc lại xác định tùy theo ngữ cảnh cụ thể.
Theo ý nghĩa về kinh tế, hiện đại hóa được giải thích là quá trình chuyển dịch căn bản từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại, kéo dài từ thế kỷ XVII - XVIII đến ngày nay và còn chưa kết thúc. Hiện đại hóa về kinh tế vừa là sự thay đổi về tính chất, vừa có tính xác định về thời gian (có thời gian khởi đầu và sẽ có thời gian kết thúc của từng giai đoạn). Giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa được coi là trùng với thời kỳ công nghiệp hóa, nên nhiều người cho rằng công nghiệp hóa là cốt lõi của hiện đại hóa trong giai đoạn này. Nếu tính đến định nghĩa công nghiệp hóa theo nghĩa rộng, có xét đến các mặt xã hội, văn minh, thì nội hàm của công nghiệp hóa với hiện đại hóa giai đoạn đầu cũng không khác nhau bao nhiêu. Sau giai đoạn đầu, hiện đại hóa sẽ chuyển sang giai đoạn “hậu công nghiệp hóa”, giai đoạn kinh tế tri thức (có thể tạm gọi là giai đoạn “tri thức hóa”). Có người còn nói đến một giai đoạn “hậu hiện đại”. Giữa hiện đại hóa và công nghiệp hóa có một mối quan hệ ràng buộc không dễ tách bạch.
Ở mỗi trình độ phát triển khác nhau, hiện đại hóa mang những đặc trưng khác nhau. Đối với các nước phát triển, hiện đại hóa là quá trình chuyển dịch từ xã hội kinh tế công nghiệp sang xã hội kinh tế tri thức. Đối với các nước đang phát triển, hiện đại hóa là quá trình đẩy nhanh phát triển để đuổi kịp các nước phát triển, trước mắt là giai đoạn công nghiệp hóa.
Như vậy, công nghiệp hóa là một quá trình biến đổi về chất của nền kinh tế, hay nói rộng hơn, của cả nền kinh tế, xã hội, và nền văn minh(1). Định nghĩa trên không nêu hết các nội dung của công nghiệp hóa, song đủ để làm nổi lên những khía cạnh đặc trưng chủ yếu của quá trình chuyển biến sang xã hội công nghiệp và các đặc trưng ấy cần được cụ thể hóa bằng những tiêu chí có thể so sánh được.
2 - Các loại hình công nghiệp hóa
Đến nay, công nghiệp hóa đã được thực hiện dưới nhiều hình thức và mô hình khác nhau, nhưng nhìn chung có thể chia thành hai loại hình lớn. Loại hình thứ nhất là công nghiệp hóa kiểu truyền thống bao gồm: công nghiệp hóa cổ điển diễn ra ở các nước phương Tây từ cuối thế kỷ XVIII cho đến giữa thế kỷ XX thì đã được hoàn thành ở một số nước và công nghiệp hóa dựa trên cơ chế kế hoạch hóa tập trung ở các nước xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX. Loại hình thứ hai là công nghiệp hóa kiểu mới được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay còn đang tiếp diễn.
Rút kinh nghiệm từ những mặt tiêu cực và trở ngại của loại hình công nghiệp hóa cổ điển và những thành công của con đường công nghiệp hóa mới ở một số nước đi sau, các nhà chiến lược công nghiệp hóa của nhiều nước hiện nay đang nghiên cứu và thực hiện một loại hình công nghiệp hóa kiểu mới, vừa rút ngắn thời gian vừa gắn kết với yêu cầu của nền kinh tế mới, nền kinh tế tri thức, và đòi hỏi của thời đại phát triển bền vững.
Yêu cầu đối với công nghiệp hóa kiểu mới ở mỗi nước có thể đề ra khác nhau, song nói chung không ngoài mấy điểm sau:
- Khắc phục càng nhiều càng tốt những nhược điểm của công nghiệp hóa cổ điển (thời gian kéo dài, bất công xã hội, lãng phí vật chất, hủy hoại môi trường).
- Gắn kết công nghiệp hóa với hiện đại hóa, phát triển song song kinh tế và công nghệ, phát triển công nghệ thông tin, công nghệ cao, tiếp cận kinh tế tri thức.
- Phát triển bền vững, coi trọng cả kinh tế, xã hội và môi trường.
Ở Trung quốc, công nghiệp hóa kiểu mới được hiểu là “hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, hiệu ích kinh tế tốt, tiêu hao tài nguyên thấp, ô nhiễm môi trường ít, phát huy đầy đủ ưu thế tài nguyên nhân lực”(2). Nhiều nước khác đã hoàn thành công nghiệp hóa, nay cũng đề ra chiến lược phát triển bền vững, cũng có ý nghĩa là khắc phục những nhược điểm còn tồn tại của quá trình công nghiệp hóa cổ điển.
Ở nước ta, con đường công nghiệp hóa không thể theo loại hình truyền thống với những tồn tại và bất cập nêu trên. Văn kiện Đại hội VIII của Đảng nêu ra công thức “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và Văn kiện Đại hội IX đặt vấn đề “công nghiệp hóa theo hướng hiện đại” là thể hiện sự lựa chọn công nghiệp hóa kiểu mới. Đến nay, có thể hình dung ra những đặc điểm công nghiệp hóa của chúng ta như sau:
- Công nghiệp hóa phải rút ngắn thời gian, phát triển nhanh để sớm đuổi kịp trình độ của các nước.
- Công nghiệp hóa gắn kết với hiện đại hóa, phát triển công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ thông tin, tiếp cận kinh tế tri thức.
- Phát triển kinh tế song song với phát triển xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm công bằng xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Phát triển bền vững, gìn giữ và cải thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Đó cũng là mục tiêu và phương thức công nghiệp hóa của nước ta.
3 - Tiêu chí của một nước công nghiệp
Có nhiều kiểu loại công nghiệp hóa, chắc chắn sẽ có nhiều nét đặc trưng khác nhau, do đó cũng sẽ có nhiều hình thức tiêu chí khác nhau. Tiêu chí công nghiệp hóa có thể hiểu là những đặc trưng để nhận biết hay để phân biệt trình độ đạt được trong tiến trình công nghiệp hóa. Thí dụ, một nét đặc trưng của quá trình công nghiệp hóa là kinh tế phải phát triển, tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế phải được nâng cao, tỷ trọng nông nghiệp, lao động nông nghiệp phải giảm... đó là tiêu chí công nghiệp hóa về kinh tế. Nếu xem xét nội dung công nghiệp hóa theo nghĩa rộng thì còn có tiêu chí công nghiệp hóa về xã hội, văn hóa, văn minh v.v..
Muốn ước lượng và so sánh trình độ công nghiệp hóa của một nước hay một vùng lãnh thổ, cần phải lượng hóa các tiêu chí đánh giá. Phương pháp thường dùng là phương pháp chỉ tiêu(3), theo đó, mỗi tiêu chí lựa chọn ra một số chỉ tiêu định lượng có thể tính toán được và thể hiện đầy đủ tính chất của tiêu chí đó. Thí dụ với tiêu chí kinh tế đã nêu ở trên, có thể chọn các chỉ tiêu: tổng sản phẩm bình quân đầu người, tỷ lệ cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tỷ lệ cơ cấu lao động trong nền kinh tế...
Một mặt, có thể dựa vào kinh nghiệm quốc tế để xác định đối với mỗi chỉ tiêu cần đạt đến mức chuẩn nào là đủ thỏa mãn yêu cầu của một nước công nghiệp hoặc hoàn thành quá trình công nghiệp hóa; mặt khác, dựa vào số liệu thống kê có thể thu thập được để tính toán các chỉ tiêu tương ứng của nước ta và so sánh với chuẩn đã chọn để đánh giá hiện chúng ta đang ở điểm nào trên con đường công nghiệp hóa. Ước lượng mỗi năm có thể phát triển được bao nhiêu theo mỗi chỉ tiêu công nghiệp hóa, chúng ta sẽ dễ dàng làm rõ được thời hạn công nghiệp hóa của nước ta còn cần bao nhiêu năm và sắp xếp các nguồn lực ưu tiên hợp lý để đạt được trong thời gian ngắn nhất.
Cũng có thể dùng phương pháp gia quyền, quy các chỉ tiêu đánh giá về một chỉ số duy nhất (không thứ nguyên) để dễ so sánh quốc tế và so sánh theo thời gian.
Những tiêu chí, chỉ tiêu, chỉ số trên không chỉ có ích trong khi nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển toàn quốc và các khu vực, mà còn rất cần thiết để đánh giá, theo dõi và điều chỉnh trong quá trình thực hiện chiến lược.
4 - Hai thí dụ mẫu về hệ chỉ tiêu công nghiệp hóa
Có khá nhiều nhà nghiên cứu quan tâm xây dựng các bộ chỉ tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Ở đây, xin nêu 2 thí dụ, một hệ chỉ tiêu ứng với công nghiệp hóa cổ điển và một hệ chỉ tiêu gần với khái niệm công nghiệp hóa mở rộng.
Bộ chỉ tiêu công nghiệp hóa do giáo sư người Mỹ H. Chenery, cố vấn Ngân hàng Thế giới, đề xuất vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX có thể coi là những tiêu chí công nghiệp hóa tối thiểu để áp dụng cho loại công nghiệp hóa cổ điển. Chenery chia thời kỳ công nghiệp hóa làm 3 giai đoạn: giai đoạn khởi đầu, giai đoạn phát triển và giai đoạn hoàn thiện, không kể một thời đoạn tiền công nghiệp hóa và một thời đoạn hậu công nghiệp hóa. Tương ứng với mỗi giai đoạn có xác định chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, tỷ lệ cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành công nghiệp, cơ cấu lao động và cơ cấu không gian (Biểu 1).
Biểu 1: Các giai đoạn công nghiệp hóa theo H. Chenery(4)
Chỉ tiêu cơ bản |
Tiền CNH |
Khởi đầu CNH |
Phát triển CNH |
Hoàn thiện CNH |
Hậu CNH |
GDP/người USD, 1964 USD, 2004 |
100-200 720-1.440 |
200-400 1.440-2880 |
400-800 2.880-5760 |
800-1.550 5.760-1.0810 |
|
Cơ cấu ngành |
A>I |
A>20% A |
A<20% I>S |
A<10% I>S |
A<10% I |
Tỷ trọng CN chế tác |
20% |
20-40% |
40-50% |
50-60% |
>60% |
Lao động NN |
>60% |
45-60% |
30-45% |
10-30% |
<10% |
Đô thị hóa |
<30% |
30-50% |
50-60% |
60-75% |
>75% |
Ghi chú: A: Nông nghiệp; I: Công nghiệp;
S: Dịch vụ.
Theo bộ chỉ tiêu tiêu biểu thứ hai do nhà xã hội học người Mỹ A. Inkeles giới thiệu cũng vào những năm 80 thế kỷ XX, ngoài tiêu chí kinh tế còn nêu ra nhiều chỉ tiêu về văn hóa và xã hội, phù hợp hơn với loại công nghiệp hóa theo nghĩa rộng. Bộ chỉ tiêu này gồm 11 hạng mục, tuy đơn giản và dễ sử dụng, song có nhược điểm là chưa chú ý đến các tiêu chí về chất lượng và chưa đề cập đến các xu hướng tin học hóa, toàn cầu hóa, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu của loại hình công nghiệp hóa kiểu mới.
Biểu 2: Chỉ tiêu công nghiệp hóa theo A.Inkeles(5)
Chỉ tiêu cơ bản |
Chuẩn CNH |
Trị số tham khảo | |
1. GDP/đầu người |
USD |
>3.000 |
Mỹ 3.243 (1965) |
2. Tỷ trọng A/GDP |
% |
12-15 |
11(1929) |
3. Tỷ trọng S/GDP |
% |
>45 |
48(1929) |
4. Lao động phi NN |
% |
>75 |
79(1929) |
5. Tỷ lệ biết chữ |
% |
>80 |
... |
6. Tỷ lệ sinh viên ĐH |
% |
12-15 |
16(1945) |
7. Bác sĩ/1.000 dân |
‰ |
>1 |
1.3 (1960) |
8. Tuổi thọ trung bình |
... |
>70 |
70 (1760) |
9. Tăng dân số |
% |
<1 |
1(1965) |
10. Tử vong sơ sinh |
% |
<3 |
2.6 (1960) |
11. Đô thị hóa |
% |
>50 |
66 (1960) |
Chú thích : A: Nông nghiệp; S: Dịch vụ; ĐH: Đại học.
Các tài liệu nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu hiện đại hóa thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cũng dựa trên bộ chỉ tiêu của A.Inkeles để xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá “hiện đại hóa lần thứ nhất” là giai đoạn tương đương với thời kỳ công nghiệp hóa. Bộ chỉ tiêu của Trung Quốc bỏ qua hạng mục “Tăng dân số” và chọn chuẩn công nghiệp hóa tương đương với mức bình quân của 19 nước công nghiệp hóa sớm nhất (khoảng năm 1960 - 1965), trong đó mức GDP/đầu người quy đổi về năm 2000 là khoảng 6.400 USD(6). Chỉ tiêu này cũng xấp xỉ với chỉ tiêu của H. Chenery và A. Inkeles nếu tính quy đổi từ thập niên 60 và 80 của thế kỷ XX.
5 - Nghiên cứu một bộ chỉ tiêu công nghiệp hóa cho Việt Nam
Nếu thử áp dụng hai bộ chỉ tiêu trên vào quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra ở nước ta, cũng có thể nêu một số đánh giá rất sơ bộ.
Theo bộ chỉ tiêu của H. Chenery, đối với Việt Nam vào khoảng năm 2020 sẽ có hai chỉ tiêu tương đối khó đạt được hoàn toàn, đó là GDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa, khả năng đạt mức công nghiệp hóa phát triển (giai đoạn 2) hiện thực hơn.
Nếu theo các chỉ tiêu do A. Inkeles giới thiệu, cũng chỉ có hai chỉ tiêu GDP bình quân đầu người và đô thị hóa là khó thực hiện, nhưng cũng không phải là không thể thực hiện được về “cơ bản”.
Theo các tính toán cụ thể của Trung tâm Nghiên cứu hiện đại hóa (Trung quốc), Việt Nam năm 2004 đạt trình độ công nghiệp hóa ở mức 69% (năm 1960 khoảng 37%), đang đứng ở giai đoạn 2/4 của quá trình công nghiệp hóa 4 bước; trình độ hiện đại hóa mới bằng khoảng 36% của các nước tiên tiến. Nếu coi trình độ công nghiệp hóa đạt 80% - 85% là “cơ bản công nghiệp hóa” thì đích đến năm 2020 là khả thi.
Để đi đến một bộ chỉ tiêu công nghiệp hóa phù hợp yêu cầu phát triển của nước ta và có thể so sánh với quốc tế, cần tiến hành nhiều bước nghiên cứu rất cụ thể và thu thập số liệu trong, ngoài nước thích hợp. Xin thử nêu ra một mô hình tính toán tương đối đơn giản để làm thí dụ.
Trước hết, căn cứ vào những đặc trưng công nghiệp hóa theo hướng hiện đại của Việt Nam đã nêu ở mục trên để đề ra các nhóm tiêu chí thích hợp, gồm có: tiêu chí về kinh tế, về khoa học - công nghệ, về văn hóa - xã hội, về môi trường tài nguyên, tương ứng với yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phát triển khoa học - công nghệ tiến tới kinh tế tri thức, phát triển xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ, cải thiện môi trường sống.
Khi chọn chỉ tiêu, cần bảo đảm trước hết có đủ tính đại diện cho từng tiêu chí, đồng thời có tính khả thi cao, nghĩa là có đủ các số liệu thống kê tương ứng để tính toán và so sánh với quốc tế. Đồng thời, số lượng chỉ tiêu không nên tham nhiều và phải độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau. Sơ bộ có thể đề xuất để tham khảo cơ cấu tiêu chí và chỉ tiêu sau:
Tiêu chí kinh tế: 1) GDP bình quân đầu người; 2) Tỷ trọng giá trị gia tăng nông nghiệp trong GDP; 3) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động.
Tiêu chí khoa học - công nghệ: 4) Tỷ lệ kinh phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và giáo dục trong GDP; 5) Số sinh viên đại học trên 10.000 dân; 6) Số người sử dụng in-tơ-nét trên dân số; 7) Tỷ lệ hàng công nghệ cao trong hàng công nghiệp chế tác xuất khẩu.
Tiêu chí xã hội: 8) Tỷ trọng dân số đô thị trong tổng dân số; 9) Chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất; 10) Số bác sĩ trên 1.000 dân.
Tiêu chí tài nguyên môi trường: 11) Tỷ lệ sử dụng nước sạch; 12) Tỷ lệ rừng che phủ.
Danh mục 12 chỉ tiêu gợi ý trên tuy vẫn chưa phản ảnh hết các đặc trưng công nghiệp hóa của nước ta, song tương đối thuận tiện cho khâu tìm kiếm số liệu trong, ngoài nước trong giai đoạn đầu nghiên cứu.
Các giá trị chuẩn của các chỉ tiêu công nghiệp hóa có thể chọn lựa dựa theo số liệu bình quân của các nước đi trước khi đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, gồm khoảng gần 20 nước phát triển nhất vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước. Những chỉ tiêu liên quan đến công nghệ mới và vấn đề môi trường có thể tham khảo số liệu của các nước công nghiệp hóa mới vào đầu thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX. Sơ bộ số liệu ghi trong biểu sau:
Biểu 3: Chỉ tiêu công nghiệp hóa dự kiến.
Số |
Chỉ tiêu |
Đơn vị |
Chuẩn CNH |
Mức đạt 2005 |
1 |
GDP bình quân đầu người |
USD |
>5.000 |
640 |
2 |
Tỷ trọng NN/GDP |
% |
10 |
21 |
3 |
Tỷ lệ lao động NN |
% |
<30 |
54 |
4 |
Tỷ lệ đô thị hóa |
% |
>50 |
27 |
5 |
Chênh lệch thu nhập nhóm 20% dân Số cao/thấp nhất |
Lần |
4 |
4,9 |
6 |
Số bác sĩ/1.000 dân số |
1 |
1 |
0,62 |
7 |
Chi phí khoa giáo/GDP |
% |
8 |
6,4 |
8 |
Sinh viên/10.000 dân |
% |
15 |
16,7 |
9 |
Sử dụng in-tơ-nét/dân số |
% |
25 |
12,9 |
10 |
Tỷ lệ công nghệ cao trong hàng chế tác xuất khẩu |
% |
12 |
6 |
11 |
Sử dụng nước sạch/dân số |
% |
100 |
85 |
12 |
Độ phủ xanh rừng |
% |
42 |
38,8 |
Các số liệu trong bảng chỉ tiêu được lấy từ WDI của Ngân hàng Thế giới, Niên giám Thống kê Việt Nam, có tham khảo CHELEM, cơ sở dữ liệu của Tổng ủy Kế hoạch Pháp và PWT, cơ sở dữ liệu của Trường Đại học Pennsyl-vania, Mỹ.
Bảng trên cũng cho thấy chỉ tiêu khó đạt nhất vẫn là GDP đầu người, mặc dù con số 5.000 USD mới chỉ là cận dưới của bình quân thu nhập của các nước đã công nghiệp hóa (quy về giá USD năm 2005). Tuy nhiên, nếu tính đến yêu cầu mềm dẻo “cơ bản trở thành một nước công nghiệp” và chuyển sang tính GDP theo sức mua tương đương PPP gần với thực tế hơn thì bài toán không phải là bất giải.
Vấn đề trước mắt ở đây là cần xác định tương đối rõ, thế nào là “cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Có thể có một số cách tiếp cận.
Cách đơn giản là đánh giá trình độ công nghiệp hóa bằng “chỉ số công nghiệp hóa”. Chỉ cần so sánh mức độ đã đạt của mỗi chỉ tiêu với giá trị chuẩn đã ấn định để được một hệ số cụ thể (nhỏ hơn 1) và lấy bình quân số học của các hệ số đó sẽ được chỉ số công nghiệp hóa. Cũng có thể cho mỗi chỉ tiêu hay nhóm chỉ tiêu một trọng số phù hợp để được kết quả tốt hơn. Nếu chỉ số đạt 100% là đã hoàn thành công nghiệp hóa. Còn nếu chỉ đạt 80% - 85% thì có thể coi là “cơ bản công nghiệp hóa”.
Một cách khác là chia quá trình công nghiệp hóa làm 3 giai đoạn, như trong sơ đồ của H. Chenery, gồm giai đoạn mở đầu chiếm khoảng 30% - 35% lộ trình, giai đoạn phát triển tiếp theo khoảng 50% - 55%, giai đoạn hoàn thiện kết thúc với khoảng 15% - 20%. Hoàn thành giai đoạn 2 tức đã đạt 80% - 85%, có thể coi là “cơ bản công nghiệp hóa”.
Cách làm đơn giản hơn nữa là theo nghĩa hẹp của khái niệm công nghiệp hóa, như trong sơ đồ của H. Chenery, coi đạt các chỉ tiêu kinh tế là “cơ bản trở thành một nước công nghiệp”. Phương pháp này không xét đầy đủ ý nghĩa của từ “công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”,vì đã bỏ qua các chỉ tiêu liên quan đến khoa học, công nghệ, môi trường, áp dụng vào hoàn cảnh nước ta e không hoàn chỉnh.
(1) Hà Truyền Khải: Báo cáo hiện đại hóa Trung Quốc 2005, 2007, Nxb Khoa học xã hội, Bắc Kinh
(2) Xem: Văn kiện Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2002)
(3) Bernard Perret: Indicateurs sociaux, etats des lieux et perspectives. Rapport au CERC, 2002; Tống Khánh Phương và Ngô Hàn Quang: Hệ thống chỉ tiêu xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Bắc Kinh, 2003
(4) Chen Jiagui, Huang Qunhui and Zhong Hongưu: The synthetic Evaluation and Analysis on Regional Industrialization. Economic Studies. Beijing. 6-2006
(5) Tạ Lập Trung: Nên đối xử thế nào với các chỉ tiêu tổng hợp đánh giá phát triển xã hội (Trung tâm thông tin mạng Hỗ liên Trung Quốc)
(6) China Modernization Report Outlook (2001 - 2007), Peking University Press, 2007
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc  (28/05/2009)
Thông cáo số 8 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII  (28/05/2009)
Sáng mãi tấm gương Võ Văn Kiệt  (28/05/2009)
"Kinh tế Việt Nam - Thăng trầm và đột phá"  (28/05/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay