Biến đổi trong hệ chuẩn mực đạo đức xã hội ở nước ta trước tác động của nền kinh tế thị trường

Trần Văn Bính GS, TS, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
22:44, ngày 14-01-2014

TCCS - Kể từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986), đất nước ta từ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp đã chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là một bước phát triển về tư duy của Đảng và của xã hội, phù hợp với quy luật phát triển của thời đại.

Nhờ đó, đất nước đã vượt qua khủng hoảng, khắc phục tình trạng trì trệ trước đây. Từ một nước nghèo nàn và lạc hậu, đất nước đang vươn tới một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhiều khu đô thị hiện đại được mọc lên khắp nơi, diện mạo đất nước đổi thay, khởi sắc.

Có một thực tế ở nước ta cũng như ở nhiều nước khác là sự phát triển về đời sống vật chất đã không tỷ lệ thuận với đời sống văn hóa tinh thần và các giá trị đạo đức xã hội cần có để phát triển hài hòa và bền vững. Các đại hội Đảng gần đây đều nhận định, đánh giá tình trạng suy thoái về đạo đức đang diễn ra. Văn kiện Đại hội XI đã chỉ ra rằng: “Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên, rất đáng lo ngại”(1), rằng: “Xu hướng thương mại hóa và sa sút đạo đức trong giáo dục khắc phục còn chậm, hiệu quả thấp, đang trở thành nỗi bức xúc của xã hội”... “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”(2). 

Sự xuống cấp về đạo đức xã hội như đã nói đang diễn ra chính là kết quả của những biến động, biến đổi trong hệ chuẩn mực đạo đức xã hội ở nước ta. Vậy quá trình biến động và biến đổi đó đã diễn ra như thế nào?

Đạo đức, lối sống là những vấn đề cốt lõi trong đời sống văn hóa của mỗi cá nhân, cộng đồng và dân tộc. Sự ổn định hay không ổn định, phát triển hay suy thoái của các quốc gia thường có quan hệ trực tiếp với vấn đề đạo đức xã hội. Để hình thành những chuẩn mực đạo đức và lối sống tốt đẹp, đòi hỏi một thời gian khá dài, có khi phải vài ba thế hệ. Nhưng để phá bỏ những chuẩn mực có giá trị và thay vào đó những phản giá trị thì chỉ cần một thời gian rất ngắn.

Việc xây dựng đạo đức và lối sống có văn hóa hiện nay không thể không bắt đầu bằng sự nhận diện các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Lịch sử dạy chúng ta rằng để giải quyết những vấn đề hiện tại của đời sống xã hội, không thể không trở về với những bài học của quá khứ của cha ông. Mặt khác, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và của xu thế toàn cầu hóa với tính hai mặt của nó, mỗi người Việt Nam cần nhận biết chúng ta là ai và từ đâu tới. Không nhận biết được những điều đó thì làm sao có thể xác định hướng đi của chúng ta sẽ về đâu. Nhận diện được các giá trị truyền thống cũng là điều kiện tham chiếu cực kỳ quan trọng để nắm bắt được những biến động, biến đổi trong hệ chuẩn mực đạo đức xã hội đang diễn ra. 

Dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển trong điều kiện tự nhiên và xã hội vốn rất khắc nghiệt. Những cuộc chinh phục vĩ đại trong lịch sử để chiếm lĩnh vùng đất sình lầy và đầy thú dữ, với những rủi ro thiên tai thường xuyên đe dọa đã hình thành nên bản lĩnh và khí chất của người Việt cổ mà các giai đoạn của nền văn minh sông Hồng xếp lớp qua các thời đại khảo cổ học đã cho chúng ta niềm tự hào to lớn về tổ tiên, cha ông... Ngoài ra, đất nước Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng, dễ bị nhiều thế lực nhòm ngó, xâm lăng. Trong bối cảnh đó, để tồn tại và phát triển, tổ tiên người Việt đã phải tự gồng mình lên để có thêm sức mạnh vật chất và tinh thần. Quá trình đó đã dần hình thành nên những phẩm giá can trường và nhân ái cần thiết để xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người. Đó là môi trường thuận lợi để các giá trị đạo đức và lối sống được đặc biệt coi trọng.

Chính vì vậy, chủ nghĩa nhân văn đã trở thành một triết lý, một đạo lý sống của người Việt Nam. Những câu nói: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”,... đã trở thành câu nói cửa miệng của người Việt Nam trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau. Phải chăng đó là giá trị nổi bật nhất trong đạo đức truyền thống của dân tộc, và cũng là cội nguồn của sức mạnh đưa dân tộc ta vượt qua bao thử thách, khó khăn của thiên nhiên và của lịch sử.

Quan điểm coi con người và giá trị con người là trung tâm đã trở thành chuẩn mực có tính truyền thống cho việc hình thành đạo lý làm người và nhân cách con người Việt Nam. Người Việt Nam biết tôn trọng và đề cao các giá trị tinh thần. Ngay trong những điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn và thiếu thốn, cha ông ta vẫn dạy con cháu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Tốt danh hơn lành áo”... Giữa sự giàu sang phú quý với phẩm giá con người, cha ông ta biết coi trọng phẩm giá con người hơn là sự giàu sang phú quý. Như vậy, về phương diện tâm lý và triết lý sống, người Việt Nam quen đề cao, quý trọng các giá trị tinh thần - những cái làm nên phẩm giá thực sự của con người, là nền tảng để hình thành những nhân cách cao đẹp và được mọi giai tầng xã hội chấp nhận, tôn vinh.

Tinh thần vì nghĩa (hay nghĩa khí) đã trở thành nét chủ đạo xuyên suốt trong đời sống cũng như trong các tác phẩm văn học dân gian và văn chương bác học qua các thời đại. Nó là một phẩm chất không thể thiếu để gắn kết con người với con người, và qua đó, trở thành bệ phóng thần kỳ để tạo nên những chiến công hiển hách trong các cuộc chiến tranh giữ nước và phòng, chống thiên tai để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm trước đây, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trực tiếp lãnh đạo, các giá trị đạo đức tinh thần của dân tộc đã phát huy sức mạnh to lớn và có tính quyết định cho mọi thắng lợi. Nữ nghệ sĩ Mỹ Gi. Phôn-đa, sau chuyến thăm miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, đã viết: “Chúng tôi tự hỏi tại sao và làm thế nào một nước nhỏ về địa lý như nước Việt Nam mà không sợ sức mạnh kỹ thuật của Mỹ, lại có thể ngăn chặn được sự tiến công hung bạo của đủ các loại vũ khí Mỹ. Ấy là bởi vì các bạn biết tại sao các bạn chiến đấu, bởi vì các bạn đã đặt giá trị con người chứ không phải lợi nhuận hay bạo lực ở trung tâm của mọi sự vật”(3) Đó là một nhận xét rất sâu sắc về triết lý, văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Từ sau năm 1986, với Đại hội VI của Đảng, đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Đó là bước ngoặt lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp không chỉ đến đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần của nhân dân. Bước ngoặt đó đã và đang tạo nên những biến động, biến đổi lớn trong hệ chuẩn mực đạo đức xã hội ở nước ta.

Vấn đề đặt ra là từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường đến nay, sau gần 30 năm vận hành và tìm tòi những lộ trình phù hợp, chúng ta vẫn chưa hiểu thật đầy đủ cả về lý luận lẫn thực tiễn nền kinh tế đó. Tình hình đó dẫn tới một thực tế là: trong khi chúng ta chưa phát huy hết mặt tích cực của kinh tế thị trường, thì mặt tiêu cực của nó lại thao túng, ảnh hưởng trên cả lĩnh vực sản xuất vật chất và sự sáng tạo, sàng lọc các giá trị tinh thần, đạo đức. Tình hình càng trở nên phức tạp hơn, khi xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang phải đối diện là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Điều này nhiều học giả trên thế giới đã nhận định: toàn cầu hóa kinh tế hiện nay thực chất là toàn cầu hóa kinh tế tư bản chủ nghĩa. Khi kinh tế thị trường bị chủ nghĩa tư bản chi phối, thì đương nhiên nó sẽ hy sinh phần xã hội cho kinh tế, nó duy trì sự phân hóa giàu nghèo, tạo nên sự sa sút về đạo đức và sự tha hóa con người... như C. Mác đã nói. 

Tính chất hai mặt của kinh tế thị trường ở nước ta cũng thường xuyên được đề cập qua các kỳ đại hội Đảng, rằng đời sống vật chất của xã hội được nâng lên, cải thiện rõ rệt, nhưng đời sống tinh thần, đạo đức xã hội thì xuống cấp, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do chúng ta chậm nhận thức ra mặt trái của kinh tế thị trường. Nói đến những biến đổi, biến động trong hệ chuẩn mực đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay thực ra là bàn về tác động của kinh tế thị trường đối với đạo đức xã hội. Đạo đức cũng như văn hóa, là văn hóa. Bao giờ nó cũng nằm trong kinh tế và chính trị, chịu sự quy định khá chặt chẽ của kinh tế và chính trị. Không thể bê nguyên xi các chuẩn mực đạo đức của nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước mang tính tự cung tự cấp vào trong xã hội hiện đại. Trái lại, cũng không thể phủ nhận những nguyên tắc có tính hằng số của đạo đức xã hội truyền thống. Chính các nguyên tắc đó tạo nên tính liên tục của sự phát triển xã hội, sự gắn kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, sự gặp gỡ giữa các quốc gia, dân tộc. Cố nhiên, trên nền tảng chung của những nguyên tắc đạo đức cổ truyền, xã hội hiện đại cũng đặt ra những vấn đề mới. Lao động và giao tiếp xã hội là hai lĩnh vực cơ bản của đời sống, ở đó thể hiện rất rõ hệ giá trị đạo đức của xã hội. Sự biến động về đạo đức trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay cũng thể hiện tập trung trên hai lĩnh vực này. Trước kia, với kỹ thuật thô sơ, người nông dân luôn miệt mài trên đồng ruộng, để sản xuất ra lúa gạo nuôi sống gia đình mình và xã hội. Để có hạt gạo, bát cơm, họ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt: Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần... Đó là lời nhắn gửi chất chứa đạo lý là phải trân trọng biết ơn những người nông dân chịu đựng gian khó làm ra sản phẩm nuôi sống cả xã hội. 

Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhất là qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vấn đề đạo đức xã hội càng được quan tâm giáo dục thường xuyên. Khái niệm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư không chỉ được vận dụng trong lao động sản xuất, mà còn trong tất cả các hoạt động xã hội, trong mọi tổ chức, địa bàn dân cư... Một phong trào yêu nước rộng lớn đã xuất hiện ở khắp mọi nơi. Kết quả là đã xuất hiện các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các đơn vị và tập thể điển hình tiên tiến. Tất cả các đơn vị và cá nhân tiêu biểu đều có chung một phẩm chất đem hết sức mình cống hiến cho xã hội, cho đất nước, cho nền độc lập dân tộc. Khi ấy, lợi ích cá nhân và tính cục bộ địa phương, đơn vị bị cho là thứ yếu. 

Khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, chúng ta đã khắc phục thiếu sót của tư duy cũ bằng cách quan tâm nhiều hơn đến lợi ích trực tiếp của người lao động. Nhờ đó năng suất lao động được nâng cao, sản phẩm xã hội tăng nhanh, đời sống người dân được cải thiện. Nhưng, sự quan tâm đến lợi ích của người lao động lại không song hành với việc giáo dục ý thức trách nhiệm xã hội của mỗi người, thậm chí vấn đề giáo dục đạo đức xã hội bị coi nhẹ. Nếu trước đây các khái niệm lý tưởng, khát vọng, là những điều gần gũi, thiêng liêng, thường xuyên được nhắc tới, thì ngày nay các khái niệm đó lại ít được đề cập. Khi con người phai nhạt lý tưởng, thiếu những khát vọng cao đẹp, thì nó thường bị trói buộc vào những tham vọng thấp kém. Tư tưởng chạy theo đồng tiền, chạy theo lợi ích vật chất trong một bộ phận xã hội (kể cả người lao động làm ra vật chất hay sản xuất ra sản phẩm tinh thần) đã dẫn tới hiện tượng tha hóa trong lao động. Có nghĩa là quá trình lao động cũng là quá trình đánh mất bản ngã. Các sản phẩm lao động, trong một số trường hợp, không thể hiện trình độ tay nghề, ý thức trách nhiệm và cả lương tâm của người lao động. Trái lại, nó bị chi phối trực tiếp bởi lợi ích, lợi nhuận tầm thường trước mắt. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, thậm chí cả hàng hóa độc hại. Cũng vì lợi ích cá nhân, không ít cán bộ đã quên lãng trách nhiệm xã hội của mình, gây nhiều phiền hà cho người dân khi thực thi công vụ. Nạn vòi vĩnh, tham nhũng, đòi hối lộ tràn lan. 

Khi hoạt động lao động không thể hiện được giá trị đạo đức, bị tha hóa, nó sẽ tác động xấu đến các mối quan hệ xã hội, từ quan hệ cung cầu trong sản xuất hàng hóa, quan hệ phục vụ và được phục vụ trong các cơ quan hành chính công, trong trường học, bệnh viện và cả quan hệ trong gia đình. Có nghĩa là giao tiếp xã hội cũng xuống cấp. 

Dân tộc ta vốn có truyền thống sống tình nghĩa với nhau. Tình nghĩa đã chi phối mọi quan hệ giao tiếp xã hội. Ngày nay, trước tác động của mặt trái của kinh tế thị trường, không ít người đã chạy theo xu hướng thực dụng, vụ lợi, bất chấp tình nghĩa. Lối sống cơ hội, nịnh bợ, “gió chiều nào theo chiều ấy”... đang làm vẩn đục các quan hệ. Sự phân cấp, phân tầng xã hội theo địa vị, chức vụ, tài sản diễn ra khá nặng nề. Người dân cảm thấy khép nép, lo lắng, khi có việc đến cơ quan công quyền. Nhiều vụ, việc tiêu cực ở các địa phương, các đơn vị bị bỏ qua, không ai dám phanh phui...

Trong khi các quan hệ ngoài xã hội đang suy giảm, thì gia đình là bến đỗ của con người cũng đang bị lung lay, xung đột vì các lợi ích cá nhân. Xu thế giải thể gia đình nhiều thế hệ diễn ra trên thế giới cũng đang tác động tới nước ta. Mối quan hệ ràng buộc các thành viên gia đình trong một tổ ấm đang bị đe dọa. Nhiều vụ ly hôn, ly thân, hôn nhân ngoài giá thú, hôn nhân thử nghiệm xuất hiện làm mất đi tính chất thiêng liêng trong quan hệ gia đình cùng với sự gia tăng nạn bạo hành gia đình, bạo lực học đường đã làm cho xã hội bất an, tác động trực tiếp đến thế hệ trẻ.

Những biểu hiện về suy giảm đạo đức nói trên không chỉ diễn ra trong người dân, mà đáng tiếc, trong đó có cả một số cán bộ, đảng viên. Cố nhiên, đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người có chức có quyền, thì sự suy thoái về đạo đức còn có những biểu hiện tha hóa riêng. Đó là tệ quan liêu, thói đam mê quyền lực, thói hách dịch, tham nhũng, hối lộ, hủ hóa. Trong những năm cuối đời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhiều lần tỏ ra bức xúc trước các hiện tượng đó, đặc biệt hiện tượng đam mê quyền lực. Ông đã ví thói đam mê quyền lực như nghiện ma túy. Ai bập vào thì khó mà từ bỏ. Đam mê quyền lực sẽ làm hủy hoại nhân cách con người. Nhận định đó đang được chứng thực trong thực tế. Tệ “chạy chức”, “chạy quyền” cũng đã xuất hiện làm cho quyền lực không còn là trách nhiệm pháp lý, mà đôi khi bị biến thành hàng hóa. 

Một biểu hiện khác của sự suy thoái về đạo đức trong cán bộ đảng viên là lời nói không đi đôi với việc làm, thiếu sự trung thực với những người khác và với chính mình. Trước quần chúng thì luôn nói rành mạch theo các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn nhắc đến trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, nhưng khi thực thi quyền lực thì họ chỉ hướng vào lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm. 

Sự xuất hiện của một số kẻ cơ hội chủ nghĩa cũng là một biểu hiện về suy thoái đạo đức và chính trị hiện nay. Đặc điểm nổi bật và chung nhất của những người này là trong mọi hành vi và mối quan hệ, đều tìm cách lợi dụng thời cơ để trục lợi. Loại người này sẵn sàng đánh mất lương tâm và danh dự của mình. Họ rất giỏi luồn lách, xu thời, mạnh ai thì theo người đó, việc gì có lợi cho bản thân thì làm, ra sức xoay xở.

Từ những phân tích nêu trên, có thể nêu ra những biến đổi, biến động trong hệ chuẩn mực đạo đức xã hội ở nước ta trong kinh tế thị trường hiện nay như sau:

1- Dù đang bước vào kinh tế thị trường, nhìn chung nhân dân ta vẫn giữ được các giá trị đạo đức truyền thống, đại đa số nhân dân vẫn tôn vinh các giá trị đạo đức nền tảng và cốt lõi. Kết quả điều tra xã hội học về những đức tính cần có đối với người phụ nữ hiện nay, có 91,1% khẳng định phụ nữ phải biết yêu thương gia đình, 82,2% cho rằng phải có lòng chung thủy, 80,9% cho rằng phải chăm sóc con cái tốt(4).

2- Tuy vậy, những biến đổi và biến động trong hệ chuẩn đạo đức đang diễn ra ngày càng phức tạp, đan xen những nhân tố tích cực và tiêu cực, trong đó xu hướng tiêu cực có lúc “trồi” lên mạnh, trở thành nỗi lo chung của toàn xã hội. Sự biến đổi và biến động đó diễn ra trên tất cả các khía cạnh trong đời sống, từ đạo đức đến lối sống, từ lao động, công tác đến giao tiếp và ứng xử xã hội, từ gia đình, nhà trường đến các cơ quan công sở, xí nghiệp,... Đáng lưu ý nhất là đã xuất hiện sự lệch chuẩn về đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ của xã hội:

- Từ một xã hội mang tính cộng đồng, đề cao tính cộng đồng, đã xuất hiện lối sống ích kỷ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, coi nhẹ lợi ích cộng đồng.

- Từ một xã hội coi trọng tình nghĩa nhân ái, bao dung, đã xuất hiện lối sống vô cảm, thờ ơ với những khó khăn và khổ đau của người khác.

- Từ một xã hội đề cao các giá trị tinh thần, đã xuất hiện lối sống tôn thờ đồng tiền, chạy theo các giá trị vật chất, bỏ qua phẩm giá và nhân cách con người.

Những lệch chuẩn ấy đang tác động xấu đến mọi quan hệ xã hội và làm phát sinh các tệ nạn xã hội.

Lao động vốn là nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi con người. Thông qua lao động, xã hội được phát triển, con người dần dần được hoàn thiện. Trong điều kiện của kinh tế thị trường, do tác động của mặt trái của nó chưa được khắc phục thì nguyên tắc công bằng xã hội bị vi phạm; lợi nhuận trở thành mục tiêu duy nhất của hoạt động kinh tế; ý thức trách nhiệm xã hội trong lao động, và quyền được lao động bị vi phạm... Đó sẽ là cơ sở xã hội để xuất hiện hiện tượng tha hóa trong lao động. Sự xuất hiện không ít những “công ty ma”, những doanh nhân giả với nhiều thủ đoạn kinh doanh bất chấp pháp luật và đạo lý làm người rất khó kiểm soát. 

Chủ nghĩa thực dụng, tâm lý ích kỷ đang làm suy yếu các quan hệ thiêng liêng trong gia đình. Nó làm rạn vỡ các thuần phong mỹ tục, kỷ cương và gia phong mà dân tộc ta đã xây nên qua nhiều thế hệ. Ngay trong hôn nhân - một bảo đảm chắc chắn cho sự tồn tại và phát triển của gia đình cũng đang bị những tính toán vật chất lấn át. Xu hướng lấy chồng nước ngoài với lý do chính nhằm vào lợi ích vật chất đang gia tăng, khiến nhiều phụ nữ trở nên bất hạnh. 

Chuyển sang nền kinh tế thị trường, là con đường tất yếu của kinh tế nước ta, cũng như của mọi quốc gia trong thời đại ngày nay. Sự xuất hiện của kinh tế thị trường như cơ sở kinh tế của xã hội, tất yếu sẽ tác động và chi phối kiến trúc thượng tầng, trong đó có đạo đức xã hội.

Nhưng kinh tế thị trường với bản chất là nền kinh tế sản xuất hàng hóa, một nền kinh tế quan tâm rất nhiều đến lợi nhuận và lợi ích cá nhân,... nên nó là cơ sở để hình thành những phẩm chất mới về mặt đạo đức con người; đồng thời cũng là cơ sở để nuôi dưỡng, hoặc làm phát sinh những phản giá trị về mặt đạo đức. Kinh nghiệm lịch sử chỉ ra rằng, ở bất cứ quốc gia nào đang vận hành nền kinh tế thị trường, thì ở đó tâm lý ỷ lại, thụ động của người lao động đều bị đẩy lùi, thay vào đó là ý thức tìm tòi, vươn lên, dám chịu trách nhiệm với bản thân mình. Đó là mặt mạnh chung của kinh tế thị trường. Về phương diện này, qua gần 30 năm chuyển đổi nền kinh tế, đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân ta đã trở nên năng động, sáng tạo, khắc phục được tính ỷ lại, thụ động, vốn là sản phẩm của nền kinh tế quan liêu, bao cấp. Ở những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển ở trình độ cao, vai trò của các thương hiệu hàng hóa cực kỳ quan trọng. Xây dựng được thương hiệu là xây dựng được lòng tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Đó là một biểu hiện văn minh của đạo đức trên lĩnh vực kinh tế. Đối với các quốc gia vốn xuất phát từ nền kinh tế kém phát triển, lại chưa hiểu biết nhiều về kinh tế thị trường và quản lý xã hội còn yếu kém, thì khi mới chuyển sang kinh tế thị trường, thường trải qua một giai đoạn có sự đảo lộn và rối loạn về các chuẩn mực đạo đức xã hội. Nguyên nhân là, trong khi cả xã hội chưa kịp nhận ra khía cạnh tích cực của kinh tế thị trường, thì đã bị xô đẩy bởi những mặt tiêu cực vốn có của nó. Những mặt tiêu cực này lại đáp ứng nhu cầu khỏa lấp những thiếu thốn vật chất mà cả xã hội đang phải chịu đựng. Cơ chế kinh tế thị trường cộng với sự lỏng lẻo trong công tác giáo dục tư tưởng đạo đức, sự yếu kém trong quản lý xã hội, chính là miếng đất thuận lợi để những nhu cầu ham muốn tầm thường, thấp kém xuất hiện và phát triển.

Vì vậy, việc nhận thức đầy đủ và sâu sắc những biến đổi, biến động trong hệ chuẩn mực đạo đức xã hội ở nước ta thời kinh tế thị trường và đề xuất những giải pháp cần thiết, là rất quan trọng để thúc đẩy sự ổn định và phát triển của đất nước.

Phải thấy rằng hơn 300 năm nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đã đưa lại sự phồn vinh và tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Nhưng đó cũng là thời gian mà nhân loại phải chứng kiến nỗi đau của sự suy thoái về đạo đức trong xã hội tư bản. Lương tâm con người bị xúc phạm. Những quan hệ thiêng liêng giữa con người bị rạn nứt. Để tồn tại và phát triển, nhân loại đang phải tiếp tục tìm con đường đi tới. Chủ nghĩa tư bản cũng đang tự điều chỉnh để có thể kéo dài thêm sự tồn tại của nó. Đã xuất hiện những tín hiệu đáng mừng, dù còn khá mỏng manh. Tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc đã ra tuyên bố khẳng định vai trò to lớn của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình, dự án quốc tế về hỗ trợ các nước nghèo đã ra đời. Từ thực tế cuộc sống của mình, một bộ phận cư dân giàu có và trung lưu ở các nước tư bản phát triển đã cảm nhận được hạnh phúc con người không phải đến từ các giá trị vật chất, mà chủ yếu từ các giá trị tinh thần. Đây là điều rất quan trọng làm xuất hiện ở Pháp gần đây phong trào từ bỏ dần xã hội tiêu dùng vật chất (société de consommation) để bước sang xã hội đi tìm ý nghĩa (société de sens). Hiện tượng nhiều tỷ phú ở Mỹ đã hưởng ứng lời kêu gọi của tỷ phú Ua-rên Bu-phét, bỏ ra hàng tỷ USD để gây quỹ từ thiện, cứu giúp những người nghèo khổ trên thế giới, cũng là hiện tượng đáng lưu ý ở thời đại chúng ta. Những hiện tượng đó ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển đem lại cho chúng ta một thông điệp rằng, lương tâm và đạo lý con người vẫn còn, vẫn đang ẩn sâu trong trái tim của nhiều người. Những điểm sáng về văn hóa và đạo đức đó đã giúp chúng ta tin tưởng và khẳng định rằng, nếu biết xây dựng và quản lý tốt nền kinh tế thị trường, biết coi kinh tế thị trường như một phương thức hoạt động kinh tế nhằm giải phóng, phát triển và hoàn thiện con người, thì chắc chắn sự phát triển kinh tế sẽ song hành với sự phát triển xã hội, phát triển con người./.

-----------------------------

(1), (2) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 169, 168, 173

(3) Báo ảnh Việt Nam - số ra ngày 22-7-1972

(4) Xem: GS, TS. Trần Văn Bính (chủ biên): Những tác động của xu thế toàn cầu hóa đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa ở Thủ đô Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 130