Nhờ cây thảo quả, đời sống đồng bào dân tộc
 được cải thiện, dân trí được nâng cao - Ảnh: TL
TCCS - Từ một xã đặc biệt khó khăn (diện 135), hủ tục đè nặng, tệ nạn hoành hành, nhờ dịch chuyển cơ cấu cây trồng, xã Nậm Cang (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã trở thành một trong những địa phương có mặt bằng đời sống kinh tế cao, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã thực sự làm giàu được ngay trên chính mảnh đất quê hương, làng bản đang vui với nếp sống mới.

Cách trung tâm thị trấn du lịch Sa Pa 42 km, Nậm Cang là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sa Pa, có 263 hộ với 1.454 người, gồm 2 dân tộc Dao và Mông sinh sống trên diện tích đất tự nhiên 7.180m2, trong đó hơn 70% là rừng tự nhiên.

Tìm lối thoát nghèo

Nậm Cang là một xã nghèo, năm 1996 có tới 35% số hộ nghèo và rất nghèo. Đời sống của cộng đồng cư dân chủ yếu trông vào hạt lúa, hạt ngô canh tác từ những vạt ruộng bậc thang, bồn trũng nhỏ hẹp. Bình quân lương thực đầu người toàn xã thời điểm đó chỉ có 200 kg/năm, bao gồm cả lúa và các loại cây lương thực khác. Đói, rách đeo đẳng bà con từ đời này qua đời khác. Tệ nghiện thuốc phiện hoành hành tới mức 40% số hộ (trong 136 số hộ toàn xã lúc đó) có người nghiện hút, nhiều gia đình cả ba thế hệ ông, cha, con đều nghiện. Hủ tục ma chay, cưới xin, cúng lễ, nếp sinh hoạt lạc hậu, mất vệ sinh... đè nặng lên con người và làng bản nơi đây.

Trăn trở trước cảnh đói nghèo của quê hương, làm thế nào để bà con thoát đói, giảm nghèo, đi lên làm giàu, Đảng bộ xã Nậm Cang đã nhận thức trách nhiệm thuộc về mình, quyết tâm đồng lòng, đi tìm lời giải cho bài toán không đơn giản. Lục tìm trong di sản của quê hương, thấy rằng từ xa xưa trong tín ngưỡng của người Mông đã có truyền thống thờ "Dược Vương" (cây thảo quả). Không biết ai đã đưa giống cây này về trồng, chỉ biết rằng từ nhiều đời nay cây thảo quả đã được một số hộ trồng xen canh trong rừng, trong vườn. Mỗi năm thu hoạch dăm ba ki-lô-gam, chủ yếu làm gia vị và thuốc phục vụ sinh hoạt gia đình, chưa trở thành cây kinh tế. Điều tra lại đất rừng, nắm bắt tình hình, khảo sát nhu cầu tiêu dùng thảo quả trên thị trường, Đảng bộ Nậm Cang mạnh dạn lập Đề án dịch chuyển cơ cấu cây trồng, hướng chính vào cây thảo quả, đồng thời vận động bà con nuôi, trồng một số cây, con giống mới có năng suất cao, giá trị kinh tế lớn.

Năm 1996, mở đầu cho việc thực hiện Đề án, với ý thức sâu sắc rằng con người là nhân tố quyết định, Đảng bộ đã tập trung vừa tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, vừa tiến hành mở các hội nghị chuyên đề để bà con nhận thức được giá trị kinh tế cao của cây thảo quả và xác định đó là cây xóa đói, giảm nghèo của Nậm Cang; mặt khác, chỉ đạo hệ thống chính trị vào cuộc giúp bà con tìm giống cây con, hướng dẫn cách chăm sóc, kỹ thuật trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt. Các lớp tập huấn kỹ thuật xung quanh cây thảo quả được lồng ghép tổ chức sôi nổi từ xã tới thôn. Với hơn 70% diện tích là rừng tự nhiên, có những cánh rừng ở trên cao, trước đây âm u, ngay cả bà con dân tộc cũng ít khi lui tới, nhưng nhờ cán bộ, đảng viên khích lệ, hướng dẫn nên cây thảo quả cứ lan rộng mãi theo những cánh rừng. Đề án phát triển cây thảo quả trên quy mô toàn xã của Đảng bộ Nậm Cang là dấu mốc quan trọng, tạo bước chuyển căn bản trong định hướng phát triển kinh tế của một vùng miền núi nghèo khó, xa xôi.

Tính đến nay, Nậm Cang đã có 563,2 ha thảo quả, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 287 ha, chiếm hơn 30% diện tích và sản lượng toàn huyện, thu khoảng trên 80 tấn/năm. 100% hộ dân Nậm Cang có nhà ngói, 90% có xe máy, 100% có điện thắp sáng bằng thủy điện nhỏ (trong đó 2/3 số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia), gần 80% có ti-vi, trên 50% đường liên thôn, 100% đường liên gia đã được bê-tông hóa. Một số hộ đã tự xây dựng được những căn nhà sàn bằng gỗ pơ-mu có giá trị hàng trăm triệu đồng. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường của xã đạt 100%, xã cũng đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở từ năm 2005. Theo Bí thư Đảng ủy xã Tẩn Vần Phẩu: Có được kết quả hôm nay là nhờ sự lãnh đạo dịch chuyển cơ cấu kinh tế đúng hướng, sự đồng thuận từ trong Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể tới nhân dân các dân tộc trong xã.

Tiếp tục chèo lái, xây dựng quê hương giàu đẹp

Thành tựu kinh tế bước đầu do dịch chuyển cơ cấu cây trồng mang lại đã tạo tiền đề cho Đảng bộ và nhân dân Nậm Cang tiếp tục phấn đấu cho quê hương ngày càng giàu đẹp. Một lần nữa, Đảng bộ Nậm Cang nhận thức rằng: muốn quê hương giàu đẹp phải tiếp tục xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, đời sống được cải thiện, dân trí được nâng cao thì các hủ tục được ta chủ trương xóa bỏ sẽ dễ được thực hiện, nếp sống văn hóa mới dễ được thích nghi.

Thực hiện kế hoạch xây dựng Nậm Cang thành xã Anh hùng, những năm gần đây, xã vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế với cây thảo quả là mũi nhọn, vừa tập trung nâng cao đời sống tinh thần với những tiêu chí cụ thể cho người dân. Các quyết nghị của Đảng ủy như: Chỉ thị số 149, ngày 2-3-2009, về Đẩy mạnh cuộc vận động chống tệ tảo hôn trong cộng đồng các dân tộc của xã; Quyết định số 165, ngày 1-4-2009, về thành lập Tiểu ban chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”; Quyết định số 164, ngày 2-4-2009, về thành lập Tiểu ban chỉ đạo xây dựng và củng cố hệ thống chính trị trên địa bàn xã... được đồng loạt triển khai. Đồng thời, trong các kỳ sinh hoạt, các chi bộ thường xuyên lồng ghép nghe phản ánh của đồng bào vừa chủ động tổ chức theo từng chuyên đề như phòng chống ma túy, hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật trồng thảo quả, trồng lúa năng suất cao... Những năm gần đây, mặt bằng đời sống kinh tế của nhân dân toàn xã nâng cao rõ rệt, nhà cao, cửa rộng trị giá nhiều trăm triệu đồng không phải là hiện tượng cá biệt. Nậm Cang hiện nay cũng là xã duy nhất của Lào Cai có trục đường chính trong thôn và các nhánh đường xương cá đến từng hộ đã hoàn toàn được bê-tông hóa. Tình trạng tảo hôn hầu như không còn. Tục thách cưới trước đây (có đám lên tới hàng trăm lượng bạc trắng) từng khiến không ít gia đình gặp khó khăn nay đã được thay bằng quy định trong hương ước (không quá 5 triệu đồng) và đều được các hộ cam kết, thực hiện nghiêm túc. Tình trạng người chết treo trong nhà cả tuần cũng không còn, nay bà con đều thống nhất đưa vào quan tài ngay và chôn cất trước 3 ngày.

Nậm Cang cũng là xã có kinh nghiệm làm tốt công tác cai nghiện tại gia (với người nhiều tuổi) và tại cộng đồng (với người còn ít tuổi). Từ chỗ 40% số hộ có người nghiện hút, Nậm Cang đã trở thành "xã trắng" về ma túy từ năm 2005. Nói về nguyên nhân thành công, đồng chí Thường trực Đảng ủy xã Vù A Xá, cho rằng: Nhờ dịch chuyển cơ cấu cây trồng, người trong độ tuổi lao động đều có việc làm ổn định, có thu nhập nên tệ ma túy nhanh chóng bị đẩy lùi, không có tình trạng tái nghiện.

Nắm chắc "cây đột phá" xóa đói nghèo

Như đã đề cập, cây thảo quả đã làm đổi đời người dân Nậm Cang. Song, phát triển cây thảo quả như thời gian qua đang đặt ra nhiều vấn đề:

- Thứ nhất, thảo quả là loại cây ưa ẩm, nhưng khó giữ nguồn nước ngầm; cây không có tác dụng chống lũ, xói mòn; sống dưới tán rừng già nhưng đến kỳ thu hoạch lại cần một lượng ánh sáng nhất định và người dân thường có thói quen tỉa thưa, chặt hạ những cây rừng loại nhỏ (cũng đồng thời để làm nguyên liệu sấy quả sau thu hoạch) đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái và hiệu quả phòng hộ của rừng. Theo tính toán, để sấy khô lượng thảo quả thu hoạch, mỗi năm Nậm Cang mất đi hàng ngàn mét khối gỗ.

- Thứ hai, việc người dân tự sấy thảo quả bằng phương pháp thủ công ngay trên nương dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng.

- Thứ ba, mỗi đợt thu hoạch và sấy thảo quả người dân thường có thói quen ở nhiều ngày trong rừng, sinh hoạt tạm thời nảy sinh nhiều hệ lụy về sức khỏe, đồng thời không chỉ gây xáo trộn đời sống vốn ổn định của các loài động, thực vật trong rừng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của muông thú khi tình trạng săn bắt động vật làm thực phẩm hàng ngày diễn ra.

Trước những những vấn đề đặt ra rất cần những giải pháp tích cực của các cấp, các ngành. Cụ thể:

- Ngành lâm nghiệp và Phòng Công Thương huyện cần hỗ trợ hoặc hướng dẫn bà con tự đầu tư, góp vốn đầu tư xây dựng lò sấy để vừa bảo đảm sản phẩm có chất lượng cao vừa hạn chế các tác hại, nguy cơ cháy rừng, bảo vệ thế hệ cây non, tiết kiệm nhiên liệu.

- Cây thảo quả có giá trị cao nhưng chủ yếu lệ thuộc vào thị trường vùng biên Trung Quốc, trong khi thị trường này luôn biến động với biên độ rất lớn (giá từ 40 đến 150 ngàn đồng/kg khô). Do vậy, các ngành chức năng của tỉnh cần hỗ trợ tích cực hơn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, hoặc hướng cho doanh nghiệp chế biến thành phẩm trước khi xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị của cây thảo quả.

- Tăng cường nhận thức hơn nữa cho người dân về đặc tính cây thảo quả, từ đó định hướng phát triển tận dụng ở các khe, ven suối, không để cây thảo quả lấn mất diện tích canh tác cây lương thực, không vì mở rộng diện tích trồng thảo quả mà chặt phá cây rừng lấy đất.

Với những định hướng đúng đắn, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền xã, với sự đồng lòng, quyết tâm của đồng bào các dân tộc, bước sang năm 2010, nhân dân xã Nậm Cang phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của một xã Anh hùng thời kỳ đổi mới./.