Phản ứng chính sách nào cần được ưu tiên trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu?
TTCS - Hội nhập kinh tế quốc tế và khủng khoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đã có nhiều tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, phản ứng chính sách của chúng ta cần phải như thế nào? Chính sách nào nên được ưu tiên?
Nhận diện cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu
Cuộc khủng hoảng tài chính lần này có nhiều điểm khác biệt với cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Đông á cách đây 10 năm.
Thứ nhất, nó bắt nguồn từ những nền kinh tế hùng mạnh nhất, phát triển nhất như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản. Còn cuộc khủng hoảng Đông á (1997 - 1998) bắt nguồn và lan rộng chủ yếu trong phạm vi những nền kinh tế phát triển trung bình mới nổi - như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Nga, ...
Thứ hai, cuộc khủng hoảng này "đánh sập" cả những “gã khổng lồ”, thậm chí là “khổng lồ nhất”, những "đại gia" có tuổi đời già dặn hằng thế kỷ, trong lĩnh vực tài chính lẫn lĩnh vực phi tài chính; những tập đoàn được coi là có cấu trúc vững chắc và quản trị hoàn hảo.
Thứ ba, đây là cuộc khủng hoảng có sức lan tỏa nhanh và mạnh, theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Các nền kinh tế thuộc nhóm phát triển nhất lần lượt rơi vào suy thoái - từ Mỹ lan sang EU, tràn tới Nhật Bản, rồi "hạ gục" Xin-ga-po. Điều đáng lưu ý rằng, đó là những nền kinh tế thường xuyên đứng ở thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng sức cạnh tranh tăng trưởng toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng đó từ khu vực tài chính tràn sang khu vực "thực", chuyển thành suy thoái kinh tế. Cả hai thứ cộng hưởng với nhau, "công phá" toàn diện hệ thống kinh tế toàn cầu.
Hệ quả của quá trình lan tỏa suy thoái là sự chao đảo của cả hệ thống kinh tế toàn cầu. Cho đến nay, chưa ai nói chắc đâu là giới hạn của sức lan tỏa. Chiều hướng tác động tiêu cực đang tiếp tục mở rộng, sức tác động đang gia tăng.
Tuy chưa đầy đủ, song mức độ nghiêm trọng của tình hình ngày càng lộ rõ và có thể nhận biết đại thể qua một vài con số. Đó là số tiền hàng ngàn tỉ USD mà các chính phủ đã phải bỏ ra để thực hiện cuộc giải cứu lịch sử này, là mức sụt giảm mạnh tốc độ tăng trưởng GDP, là con số các “đại gia” bị phá sản với lượng tài sản lên tới hàng chục ngàn tỉ USD. Và những con số này hiện vẫn chưa dừng lại.
Tất cả những đặc điểm trên cho thấy, cuộc khủng hoảng lần này đặt ra những vấn đề căn bản của hệ thống kinh tế toàn cầu - về mô hình phát triển, về các nguyên lý, quy tắc vận hành và về các công cụ phát triển mới. Nó không đơn thuần là sản phẩm của vài sai lầm chính sách nhất thời của một chính phủ nào đó. Để nhận diện căn nguyên của cuộc khủng hoảng, cần đặt nó trong quá trình tự do hóa đang diễn ra rất mạnh trên phạm vi toàn cầu và bước chuyển sang thời đại công nghệ cao của cả thế giới.
Khi định vị cuộc khủng hoảng hiện tại như thế, dễ nhất trí rằng kinh tế thế giới đang trong quá trình chuyển đổi hệ thống. Giống như "con rắn đang lột da", hệ thống đang chuyển đổi này rất ít được bảo vệ. Nó rất ít khả năng tự bảo vệ và rất dễ bị tổn thương. Trong xu thế chung đó, các nền kinh tế phát triển cao đã theo đà "tự do hóa", thả lỏng luôn nhiệm vụ kiểm soát chính quá trình tự do hóa, coi nhẹ nhiệm vụ giám sát và điều chỉnh. Kết cục là rủi ro tiềm năng biến thành tai họa hiện thực.
Với căn nguyên như vậy, để vượt qua khủng hoảng và suy thoái, thế giới sẽ cần nhiều thời gian và chi phí. Công việc không thể chỉ là những tháo gỡ đơn giản, nhanh chóng và chi phíthấp.
Những điều nói trên gợi ra căn cứ để đo lường đúng cách tác động của cuộc khủng hoảng- suy thoái toàn cầu đến nền kinh tế nước ta.
1 - Có thể nhận định chiều hướng khó lạc quan của nền kinh tế thế giới trong năm 2009. Thậm chí, phải tính đến xu hướng suy thoái gia tăng kéo dài hơn.
2 - Từ một góc nhìn khác, lại thấy sự bừng sáng của hy vọng: triển vọng của nền kinh tế thế giới là triển vọng của “một con rắn đang lột da”, tuy rất yếu và còn trải qua đau đớn, song, khi đã vượt qua cơn nguy biến chuyển đổi, con rắn chắc chắn sẽ càng dũng mãnh hơn.
Việt Nam ưu tiên ổn định vĩ mô và tạo việc làm
Trong bối cảnh chung như vậy, năm 2009 sẽ là một năm rất khó khăn cho nền kinh tế Việt Nam vì độ mở của kinh tế đã rất rộng, kim ngạch xuất - nhập khẩu đã chiếm khoảng 160% GDP. Nếu trong nền kinh tế thế giới, hậu quả lan từ khu vực tài chính sang khu vực sản xuất, thì đối với nước ta, chiều hướng tác động lại ngược lại: tình trạng suy thoái của kinh tế thế giới sẽ tác động tiêu cực mạnh đến kinh tế Việt Nam, đầu tiên là ở khu vực xuất khẩu và đầu tư, qua đó ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô(1). Trong khi cân đối vĩ mô của nền kinh tế hiện cũng đang có vấn đề nghiêm trọng. Sau thời gian lạm phát và bất ổn kéo dài, nền kinh tế đang yếu đi, các doanh nghiệp đang suy nhược nặng. Một số doanh nghiệp đã "ra đi". Số doanh nghiệp gặp khó đang tăng nhanh.
Bài toán lớn nhất đặt ra cho Việt Nam lúc này là gì? Hiện nay, mọi người đang tập trung nói về tăng trưởng GDP. Rõ ràng, trong suy thoái, giữ được tốc độ tăng trưởng GDP cao là tốt, nhưng chỉ tăng trưởng sản lượng không thôi thì chưa đủ, bởi việc làm, thu nhập của nhóm người nghèo, lòng tin và sự ổn định xã hội còn quan trọng hơn và khó đạt được hơn. Khó nhất là làm sao bảo đảm được việc làm, song từ tăng trưởng đến tạo việc làm mới còn là điều rất xa, vì từ trước đến nay, tăng trưởng của ta chủ yếu gắn với tăng vốn đầu tư và dựa vào khai thác tài nguyên, ít gắn với tạo việc làm.
Liên tục trong hai tháng 10 và 11-2008, nền kinh tế Việt Nam đã có biến chuyển tích cực về chỉ số lạm phát. ... Chỉ số giá tháng 10 giảm 0,19% và tháng 11 giảm 0,76% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với tháng 11-2007, mức giá vẫn tăng 24,22%. Việc giảm giá một phần là do chính sách ổn định kinh tế và kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, một số yếu tố tích cực từ bên ngoài như giá xăng dầu, giá lương thực và sắt thép giảm đã góp phần đáng kể vào việc chặn đứng đà lên giá. Bên cạnh yếu tố tích cực về chỉ số giá trong tháng 10 nhập khẩu đã tăng trở lại (tăng 5,8% so với tháng 9), và xuất khẩu giảm 3,3% khiến giá trị nhập siêu lên tới 700 triệu USD. Đây là điều rất đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, giảm mạnh. Ngược lại, xuất khẩu lại bị trượt dốc nhiều, tháng 9 xuất khẩu giảm 700 triệu USD (12,4%) so với tháng 8, và tháng 10 giảm 170 triệu USD (3,2%) so với tháng 9. Giá các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh. Giá gạo xuất khẩu trong tháng 10 giảm tới 20%. Giá cà phê FOB xuất từ Thành phố Hồ Chí Minh cũng trượt từ 2.520 USD/tấn xuống còn 1.600 USD/tấn và còn tiếp tục giảm. Giá cao su xuất khẩu cũng giảm gần 50% từ tháng 7 đến nay. Giá xuất khẩu giảm nhanh hơn giá nhập và điều này tiếp tục gây sức ép lên tỷ giá. ...Việt Nam là quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nặng... Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, châu Á sẽ chịu tác động nhẹ hơn so với một số khu vực kinh tế mới nổi khác như Đông Âu và Mỹ La-tinh. Tuy nhiên, có một số đánh giá cho rằng Việt Nam là quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nhất ở châu Á(3). Điều này cho thấy khó khăn trước mắt của Việt Nam là không nhỏ. Báo cáo tháng 11 của EIU dự báo năm 2009 Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng ở mức 4,3%(4) . |
Giai đoạn vừa qua, lạm phát ở nước ta có giảm đi. Chính phủ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng về đại cục, tổng thể, mục tiêu ổn định vĩ mô vẫn phải đặt lên hàng đầu. Giờ đây, nới lỏng tiền tệ là đúng nhưng phải trên căn bản hướng tới mục tiêu ổn định vĩ mô. Việc nới lỏng quá mức chứa đựng nguy cơ lạm phát bùng trở lại. Nới lỏng tiền tệ mà không kiểm soát được trong điều kiện hiện nay là rất nguy hiểm, mà cơ sở cho sự không kiểm soát được đó còn rất tiềm tàng, vì thế vẫn cần phải tiếp tục ưu tiên ổn định vĩ mô và tạo việc làm.
Kích cầu vào đâu? Kích như thế nào?
Kích cầu trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm là đúng. Nhưng, thế nào là "kích cầu"? Mục tiêu lớn nhất của "kích cầu" phải chăng là tốc độ tăng trưởng GDP? Nới lỏng chính sách tiền tệ, tự nó đã bao hàm nghĩa "kích" để tăng đầu tư. Chính phủ đặt vấn đề chuẩn bị những gói giải pháp kích cầu là cần thiết. Đã đến lúc không nên chần chừ, chậm trễ. Không thể nói ta đang ưu tiên chống lạm phát nên không được nới lỏng chính sách tiền tệ, không được phép "kích cầu". Tình hình kinh tế thế giới đã và đang xoay chuyển rất nhanh theo hướng gia tăng tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Do vậy, tư duy chính sách cần chuyển hướng kịp thời. Đó là chưa kể đến hai tình huống: Quá trình ra quyết định, triển khai hành động ở ta thường "thong thả"; và không có biện pháp nào, dù "tốc hành" đến đâu,lại có thể phát huy tác dụng tức thời. Cộnghưởng cả hai cái "trễ" đó, kết cục có thể là tai họa.
Một tỉ USD mà Chính phủ dành để kích cầu (hiện Chính phủ đang tính đến “gói kích cầu" 6 tỉ USD) trong điều kiện nền kinh tế đang bị suy yếu và gặp nhiều khó khăn như hiện nay, có lẽ là không nhiều(5). Song, nhìn vào thực trạng và triển vọng ngân sách năm 2009, một tỉ USD cũng đã là một sự cố gắng lớn.
Mặt khác, cần lưu ý đến kinh nghiệm cả của thế giới và của chính Việt Nam: kích cầu không dễ thành công. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, càng bơm nhiều tiền kích cầu càng bị thiệt hại. Mấu chốt vấn đề là phải tính toán thật kỹ: Kích vào đâu? Cho ai? Theo cơ chế nào? Hiện nay, mục tiêu kích cầu là chống suy thoái, duy trì tăng trưởng và tạo việc làm. Muốn vậy, các dự án được ưu tiên hưởng phần kích cầu của Chính phủ phải bảo đảm ba điều kiện:
Một là, giúp tháo gỡ nhanh các nút thắt tăng trưởng gây ách tắc lâu nay, ví dụ như cảng biển, cầu đường, năng lượng,... giúp cho hoạt động của các doanh nghiệp thông thoáng, tăng tốc vận hành, tiết kiệm chi phí. Với những dự án trọng điểm bị ách tắc, cần kích cầu để hoàn thành sớm. Trong số những dự án này, có thể có những dự án đang "có vấn đề" cần xử lý, song trước mắt cần ưu tiên kích cầu để giải tỏa, "vấn đề" tạm gác lại xử lý sau.
Hai là, phải có sức lan tỏa mạnh. Định hướng ưu tiên là những dự án thu hút nhiều đầu vào, tạo nhiều việc làm. Thông thường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng tốt yêu cầu này. Việc kích vào nhóm doanh nghiệp này không phải là "làm từ thiện" cho những doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hơn mà để nhằm đúng mục tiêu đại cục của công cuộc kích cầu.
Ba là, gỡ khó cho xuất khẩu. ở nước ta, hoạt động xuất khẩu gắn nhiều với nông dân, với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ). Kích vào đây, một mặt, để giữ một động lực tăng trưởng mạnh của nền kinh tế, giảm nguy cơ thâm hụt thương mại đang có khả năng tăng lên; mặt khác, giúp đông đảo người lao động thuộc nhóm thu nhập thấp, dễ bị tổn thương - và thực tế họ đang bị tổn thương nặng nề sau cơn lạm phát kéo dài và tác động suy thoái của kinh tế thế giới - duy trì việc làm, thu nhập và đời sống, đồng thời, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Ba lập luận trên không định hướng kích cầu theo kiểu phân biệt đối xử - chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước hay cho những doanh nghiệp "chạy" giỏi. Nó đòi hỏi phải tính toán cẩn thận, trên lợi ích đại cục để phân bổ vốn kích cầu đúng những địa chỉ cần ưu tiên. Phải tuyệt đối tránh kích cầu thông qua cơ chế xin - cho. Lịch sử kích cầu năm 1998 - 1999 còn nóng hổi: do mang tính vừa chia bình quân, vừa theo cơ chế xin - cho nên hiệu quả không lớn, để lại hậu quả cơ chế nặng nề.
Một điểm khác cần hết sức lưu ý là xuất khẩu. Kinh tế thế giới suy thoái bắt đầu từ Mỹ, lan sang Tây Âu và Nhật Bản. Đây là những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Trong khi đó, trong nhập khẩu, chúng ta lại chủ yếu nhập siêu từ Trung Quốc. Khi tất cả các thị trường xuất khẩu cạnh tranh chính của ta và Trung Quốc đều giảm cầu thì xu hướng hàng Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam sẽ gia tăng mạnh. Hiện nay, điều đó đang diễn ra. Đây là áp lực ghê gớm với sản xuất trong nước. Hàng Việt Nam nói chung có sức cạnh tranh kém hàng Trung Quốc. Kích cầu của ta trong điều kiện đó là vô cùng khó. Xuất hiện một khả năng: nếu không có định hướng và giải pháp tốt thì đối tượng được ưu đãi "kích cầu" chủ yếu sẽ chính là hàng Trung Quốc. Điều này đã từng xảy ra cách đây 10 năm: trong những năm 1998 - 1999, khi chúng ta bơm tiền "kích cầu" thì lượng xe máy Trung Quốc tiêu thụ ở Việt Nam tăng lên gấp 3 lần, từ khoảng 500 - 600 ngàn chiếc/năm tăng lên đến 1,8 - 2 triệu chiếc/năm.
Xử lý vấn đề này không dễ dàng. Về cơ bản, đây là bài toán thị trường, phải được giải chủ yếu theo nguyên lý thị trường. Một khi sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn yếu, ít có khả năng cải thiện nhanh thì sứ mệnh "giảm nhập siêu" một phần đáng kể được trao cho các công cụ hành chính - kỹ thuật, ví dụ hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật hay các đội chống buôn lậu. Song, sử dụng có hiệu quả những công cụ này cũng không dễ, khó có hiệu quả cao và cần thời gian để chuẩn bị cơ chế, lực lượng. Không ráo riết chuẩn bị để triển khai thì nguy cơ và hậu quả sẽ càng nặng nề.
Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra với chúng ta là phải tính đến các biến số tác động tiêu cực, càng đầy đủ càng tốt, để có cách phòng ngừa nghiêm túc kịp thời, hiệu quả. Khi kinh tế thế giới gặp khó khăn, chúng ta càng gặp nhiều khó khăn hơn. Đó là một thực tế không được phép "trừu tượng hóa".
Trong vài tháng gần đây, đà ổn định vĩ mô đã được khôi phục lại. Điều này sẽ làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng. Điểm tiếp theo cũng rất quan trọng là Nhà nước, sau bài học kinh nghiệm về chống lạm phát (ít dùng biện pháp hành chính hơn, kịp thời thay đổi mục tiêu ưu tiên, chọn giải pháp hữu hiệu hơn, phối hợp hành động tốt hơn, ...) đã trở nên linh hoạt và bài bản hơn trong phản ứng chính sách.
Năm 2008, tuy tăng trưởng kinh tế của ta chỉ đạt 6,23%, nhưng trong điều kiện của năm qua, tăng trưởng ở mức trên cũng đã là một thành công lớn. Tư duy chính sách cũng cần mềm hơn, nương theo hoàn cảnh để tính đến cuộc chơi dài hơi vì nó giúp chúng ta không bị rối loạn, bất ổn. Và điều quan trọng trong tăng trưởng là giữ được việc làm cho người lao động. Đó mới là điều quan trọng, là gốc cho ổn định xã hội.
Tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn chiến lược - một nhiệm vụ trọng tâm và vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam  (27/03/2009)
Thế giới hợp lực chống suy thoái kinh tế  (26/03/2009)
Ông Phạm Đức Hải được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ  (26/03/2009)
Tín hiệu khả quan: GDP quý I tăng trưởng hơn 3%  (26/03/2009)
Giải quyết ba mối đe dọa đồng thời đối với phát triển  (26/03/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên