Từ Đề cương văn hóa năm 1943 đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa và những vấn đề văn hóa - xã hội đang đặt ra hiện nay
1- Đề cương Văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta khởi thảo và công bố năm 1943 khi toàn Đảng, toàn dân ta đang dồn mọi tâm huyết và nỗ lực để tiến hành một cuộc cách mạng về chính trị nhằm giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Cũng giống như sự kiện năm 1905 (12 năm trước khi Cách mạng Tháng Mười bùng nổ), V.I. Lê-nin đã viết một bài báo có tính cương lĩnh về văn hóa: Tổ chức đảng và văn học đảng. Hai sự kiện diễn ra ở hai thời điểm lịch sử, ở hai nước khác nhau nhưng đã nói lên một điều tất yếu là những người mác-xít - lê-nin-nít trong hoạt động cách mạng của mình luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa. Vì rằng, làm cách mạng thực chất là giải phóng con người, là tạo điều kiện để phát triển và hoàn thiện con người. Chủ nghĩa xã hội, theo các nhà kinh điển mác-xít, là một hình thái phát triển cao về văn hóa của lịch sử.
Bản Đề cương với ba nội dung, ba phương châm: dân tộc, khoa học, và đại chúng, không chỉ nhằm đấu tranh trực diện chống lại văn hóa phản động của thực dân Pháp đang áp đặt lên nước ta, mà còn phản ánh được quy luật vận động và phát triển tất yếu của văn hóa. Sức sống của bản Đề cương là ở đó.
Nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nước ta trước cách mạng ít nhiều đều cảm thấy sự bế tắc trong cuộc sống và trong sự sáng tạo của mình. Đó là nỗi đau của một dân tộc bị nô lệ. Tư duy và ngòi bút của họ trở nên han rỉ, cuộc sống trở nên tù túng, như nhà văn Nam Cao đã phản ánh qua tác phẩm “Sống mòn”. Chính trong tâm trạng đó, họ bắt gặp ánh sáng của Đề cương văn hóa. Nhiều trí thức, văn nghệ sĩ lúc đó đã bị hấp dẫn, bị lôi cuốn bởi sức mạnh của trí tuệ, của khát vọng cao đẹp từ những người cộng sản Việt Nam đối với văn hóa và đối với vận mệnh của dân tộc nên đã hăng hái đi theo cách mạng và kháng chiến. |
Bài học lớn về sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới theo tinh thần của bản Đề cương văn hóa là: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận lợi hay khó khăn, dù hòa bình hay chiến tranh, văn hóa luôn là một mặt trận, ở đó những người cộng sản phải có mặt, phải phát huy vai trò lãnh đạo của mình.
Văn hóa phải cắm rễ sâu vào truyền thống dân tộc, khai thác và phát huy tốt nhất các giá trị của truyền thống dân tộc, phải gắn với đời sống thực tiễn của nhân dân, cảm thông với tâm hồn quần chúng, là người bạn đường đáng tin cậy của quần chúng, đồng thời giúp quần chúng vượt qua những ràng buộc vô lý của quá khứ, soi rọi ánh sáng của tư duy khoa học để quần chúng tự đổi mới mình.
Đó là bài học lịch sử mà chúng ta cần đi sâu nghiên cứu, tổng kết. Ở đây có hàng loạt những câu hỏi được đặt ra và cần giải đáp. Nếu không có bản Đề cương với ba phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng thì liệu ngay từ những ngày đầu kháng chiến chúng ta có thể huy động một đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tài năng tham gia sự nghiệp kháng chiến và xây dựng nền văn hóa mới không? Nếu Đảng và Bác Hồ không quan tâm ngay từ đầu sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới thì chúng ta có thể huy động sức mạnh to lớn của toàn dân tộc vào sự nghiệp kháng chiến được không? Trong hoàn cảnh đó liệu cuộc kháng chiến của chúng ta có giành thắng lợi rực rỡ được không? Đặt ra và giải quyết các câu hỏi đó cũng chính là tạo điều kiện để xây dựng và phát triển văn hóa ở thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kể từ sau năm 1975, đặc biệt là từ năm 1986 - dấu mốc đất nước ta chuyển mình sang thời kỳ đổi mới, đứng trước chúng ta vẫn là hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhưng mục tiêu lâu dài là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xu thế tất yếu để đạt mục tiêu trên. Nhưng để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi sự nghiệp văn hóa phải phát triển, đáp ứng những nhu cầu mới của thực tiễn, phải làm cho văn hóa thực sự trở thành động lực của sự phát triển.
Trước đây, trong nền kinh tế mà nông nghiệp là chủ yếu, với trình độ học vấn thấp, chỉ cần thanh toán nạn mù chữ, biết đọc biết viết, người nông dân vẫn sản xuất ra lúa gạo, người chiến sĩ vẫn biết sử dụng vũ khí để đánh giặc. Ngày nay, tình hình đã khác. Khi nhân loại đã bước vào văn minh kỹ thuật và công nghệ, người lao động phải được nâng cao về học vấn và tay nghề. Trước đây trong cuộc sống nông nghiệp chưa đặt ra yêu cầu cao về xây dựng một nền nếp khoa học trong tư duy, trong tác phong và nếp sống. Ngày nay sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang đòi hỏi mỗi người phải từ bỏ tác phong chậm chạp, luộm thuộm, thiếu kế hoạch trước đây để đưa khoa học vào đời sống. Trước đây chỉ với chủ nghĩa yêu nước truyền thống, chúng ta đã đủ sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng. Ngày nay cùng với chủ nghĩa yêu nước phải yêu chủ nghĩa xã hội, phải khẳng định chủ nghĩa xã hội là định hướng cho mọi đường lối, chính sách về kinh tế và xã hội. Không nhận thức ra điều đó, không biết kết hợp chủ nghĩa yêu nước truyền thống với chủ nghĩa xã hội thì sẽ trở thành nạn nhân của kinh tế thị trường và của quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Nói cách khác, thời đại mới đòi hỏi ở nền văn hóa mới phẩm chất mới, đó là tính tiên tiến. Tính tiên tiến được thể hiện trong sự kiên định ý thức hệ cách mạng và khoa học trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính tiên tiến còn được thể hiện trong việc xây dựng một nền văn hóa mang tính khoa học: khoa học trong tư duy, trong nếp sống, trong việc đưa khoa học thâm nhập sâu vào sản xuất và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Về tính dân tộc cũng vậy. Văn hóa từ xưa tới nay đều phải cắm rễ sâu vào đời sống cộng đồng dân tộc, nên nó cần được giữ gìn và phát huy các giá trị vốn có. Nhiệm vụ đó phải được đặt ra ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào, dù trong cách mạng giải phóng dân tộc hay trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vấn đề dân tộc cũng là vấn đề lịch sử, mang tính chất lịch sử.
Phương châm dân tộc, khoa học và đại chúng của văn hóa mới Việt Nam đã góp phần hình thành một thế hệ người Việt Nam mới mang khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, có phẩm chất trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. |
Như vậy đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là sự tiếp nối những nguyên tắc, phương châm của nền văn hóa mới mà 70 năm trước Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra. Sức sống của Đề cương văn hóa năm 1943 là ở đó. Trí tuệ và bản lĩnh văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được khẳng định từ đó.
2- Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta đã xác định quan điểm và hoạch định đường lối phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Nhưng trên thực tế, sự phát triển của văn hóa như mong muốn và khát vọng của chúng ta lại đang đặt ra nhiều vấn đề có tính cấp bách. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải đánh giá một cách khách quan và nghiêm túc hiệu quả của đường lối và các quan điểm đó. Câu hỏi cần được đặt ra là vì sao đường lối và quan điểm đúng đó vẫn chưa đi được vào cuộc sống như chúng ta mong đợi? Phải chăng do chưa có đủ chế tài cần thiết để hiện thực hóa đường lối và các quan điểm đó? Phải chăng đã có một số chính sách ban hành nhưng chưa quán triệt sâu sắc đường lối và các quan điểm của Đảng và chưa phù hợp với thực tiễn vốn vô cùng sinh động? Đội ngũ tham mưu cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách đó đã đủ tầm chưa?...
Ta đang phấn đấu xây dựng nền văn hóa tiên tiến. Nhưng có một thực tế, trong nhiều năm nay, hiện tượng mê tín dị đoan đang có cơ trỗi dậy trong một bộ phận xã hội, thậm chí trong đó có cả cán bộ, đảng viên. Hiện tượng này là không bình thường. Cần phân biệt rõ văn hóa tâm linh với mê tín dị đoan. Phải chăng vấn đề này còn bị bỏ ngỏ? Nếu không được khắc phục thì các thế hệ công dân hôm nay và mai sau có thể tiếp nối con đường cách mạng vẻ vang của các bậc cha anh không? Việc xây dựng và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng, việc tổ chức các lễ hội truyền thống đòi hỏi phải có những quy định, những nghi thức vừa tôn nghiêm, vừa lành mạnh, nhằm giáo dục tinh thần tự hào và biết ơn công đức của tổ tiên, của các bậc tiên hiền. Phải tuyên truyền và giáo dục tư duy khoa học, chống mọi biểu hiện mê tín dị đoan. Về vấn đề này, trước hết các cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu.
Phương châm xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa là phương châm rất đúng, nhằm phát huy nguồn lực, sự tham gia đóng góp của mọi tầng lớp xã hội. Tuy vậy, trong thực tế, có lúc, có nơi đã hiểu sai cách làm này, thậm chí lạm dụng nó để giảm bớt trách nhiệm của Nhà nước đối với việc nâng cao mức hưởng thụ và khuyến khích sáng tạo của các chủ thể văn hóa là người dân.
Từ những ngày đầu cách mạng và qua hai cuộc kháng chiến, chúng ta đã thực hiện một cách rộng rãi quyền và trách nhiệm học tập đối với mọi người dân. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và thiếu thốn, chúng ta đã thực hiện chính sách miễn thu học phí và viện phí. Nhờ đó trong một thời gian rất ngắn, trình độ học vấn của nhân dân ta được nâng cao. Năm 1976 Liên hợp quốc xếp Việt Nam vào khối A (khối các nước có trình độ học vấn xã hội cao). Ngày nay thì sao? Có lẽ nào tình hình kinh tế của đất nước hiện nay lại khó khăn hơn những năm sau cách mạng và trong kháng chiến? Theo thống kê, trung bình các gia đình phải chi gần 30% thu nhập cho việc học tập của con cái. Đó thực sự là gánh nặng của người dân. Ấy là chưa nói đến việc chất lượng giáo dục suy giảm. Trước đây đã đôi lần ta mời các chuyên gia giáo dục của các trường đại học một số nước phát triển để tham khảo ý kiến. Những chuyên gia đó có thể có một số gợi ý bổ ích về một vài phương diện nào đó. Nhưng về đại thể, để hiểu nền giáo dục Việt Nam và con đường phát triển giáo dục nước ta, phải là người Việt Nam, đặc biệt những người đã trực tiếp tham gia sự nghiệp giáo dục qua hai cuộc kháng chiến. Họ sẽ là những người giúp chúng ta rút ra những bài học quý báu mà Chủ tịch Hồ Chi Minh và Đảng ta đã trực tiếp chỉ đạo nền giáo dục của đất nước trong hoàn cảnh đầy khó khăn. Đừng quên một thực tế đã và đang diễn ra: nền giáo dục qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chính là “vườn ươm” của những tài năng lớn của đất nước hiện nay. Đó là các nhà khoa học “đầu đàn” trên các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế (không ít người trong số đó đã nổi tiếng trên thế giới). Đó còn là các nhà lãnh đạo và quản lý xã hội, là các anh hùng, chiến sĩ thi đua trên lĩnh vực sản xuất và chiến đấu, là một số doanh nhân khá thành đạt. Hiện nay hầu hết các tài năng ấy đã nghỉ hưu, và, thực tế là đang tạo nên những khoảng trống, những hụt hẫng khá lớn, nhất là trong các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện trọng điểm. Tình hình đó đòi hỏi một sự đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục đất nước, từ mô hình của nền giáo dục, các chính sách về giáo dục, hệ thống chương trình, mục tiêu và phương pháp đào tạo. Những công việc đó không thể khoán trắng cho xã hội, mà chủ yếu phải được điều chỉnh bằng cơ chế, chính sách của Nhà nước kết hợp với huy động nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội.
Sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay đang thường xuyên chịu sự tác động của những mặt trái của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa; là xu thế đô thị hóa, là khoảng cách “doãng ra” về giàu, nghèo trong cộng đồng xã hội.
Để phát triển văn hóa trong cơ chế kinh tế thị trường đòi hỏi phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa với thị trường và hàng hóa. Các sản phẩm văn hóa phải được đưa vào thị trường và phải là những hàng hóa thực thụ có chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Vấn đề ở chỗ thị trường đó là thị trường gì? Và cái hàng hóa văn hóa nghệ thuật phải là hàng hóa như thế nào? Những câu hỏi này dường như chưa được trả lời thấu đáo.
Xã hội từ lâu vẫn phân biệt về các loại/giai đoạn của thị trường (văn minh và thị trường sơ khai). Chỉ có thị trường văn minh mới có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế và xã hội. Ngay ở nước ta hiện nay, chẳng hạn trên lĩnh vực kinh doanh sách, nhạc, cũng có loại thị trường sơ khai và thị trường văn minh. Quanh các phố ở Thủ đô Hà Nội, có rất nhiều tụ điểm bán sách vỉa hè, ở đó không có khái niệm sách tốt, xấu, người mua cũng khó phân biệt sách trong luồng hay ngoài luồng, thậm chí còn khó xác định là nhà xuất bản nào đã in các cuốn sách đó. Trong sự hỗn độn đó của thị trường sách thì có những điểm sáng, như Nhà sách Thăng Long, Quân khu 7... Hơn 10 năm qua các nhà sách này đã liên kết với các nhà xuất bản lớn ở trong nước, in và phát hành những loại sách có giá trị trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Sản phẩm hàng hóa của họ đến được với các trường đại học, các thư viện tỉnh, đến vùng sâu, vùng xa... Qua cách làm của Nhà sách Thăng Long, chúng ta thấy xuất hiện một mô hình thị trường sách lành mạnh đã ra đời. Ở đây, doanh thu và lợi nhuận không phải là mục tiêu duy nhất. Qua hoạt động kinh doanh của mình, Nhà sách Thăng Long hướng tới việc nâng cao văn hóa đọc trong nhân dân, tổ chức xuất bản các tác phẩm có giá trị và đưa các tác phẩm đó đến với bạn đọc (thông qua các hội chợ sách, triển lãm sách và các hình thức bán hàng khác).
Thị trường văn hóa rất cần thiết để kích thích sự sản xuất, sáng tạo các giá trị văn hóa và thúc đẩy sự tiêu dùng văn hóa. Sự phát triển thị trường văn hóa cũng có thể mang lại doanh thu lớn cho đất nước. Tuy vậy xu hướng thương mại hóa lại đối nghịch với sự sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Cách đây dăm bảy năm chúng ta lên tiếng phê phán xu hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa, giáo dục,... Hiện nay lại ít nói đến chuyện đó. Vậy nguyên nhân từ đâu? Phải chăng người ta đã đồng nhất khái niệm thị trường văn hóa với thương mại hóa văn hóa. Thực ra đây là hai vấn đề. Nói thị trường văn hóa là nói đến một thực thể kinh tế giúp cho sự vận hành các hoạt động sáng tạo và tiêu dùng văn hóa được diễn ra một cách thuận lợi trong xã hội hiện đại. Còn thương mại hóa văn hóa là một xu hướng, một cách làm tước bỏ các giá trị tinh thần cao quý vốn được kết tinh trong các sản phẩm văn hóa mà chỉ nhằm giữ lại các giá trị vật chất và gia tăng giá trị lợi ích đơn thuần. Với ý nghĩa trên, thị trường văn hóa là cần thiết cho văn hóa phát triển, còn thương mại hóa văn hóa lại giết chết sự sáng tạo văn hóa.
Ở nước ta hiện nay, trong khi thị trường văn hóa chưa được hình thành rõ nét, thị trường văn hóa sơ khai còn phổ biến và nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước thì xu hướng thương mại hóa văn hóa đã ăn sâu vào các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục và đào tạo,… đang gây nên hệ lụy khó lường. Tình hình đó đòi hỏi những chủ trương, chính sách sáng suốt, kiên quyết nhằm xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh và chống xu hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa.
Cho đến nay, ở khu vực văn hóa nông thôn vẫn là hậu phương quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của đất nước. Địa bàn nông thôn rộng lớn, số dân sống ở nông thôn đông, những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc vẫn đang được lưu giữ chủ yếu ở khu vực nông thôn. Văn hóa nông thôn hiện đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Tính cố kết truyền thống - vốn là điểm mạnh của văn hóa nước ta đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chúng ta đã khôi phục được một phần những sự cố kết đó. Nhờ vậy, đời sống nông thôn đã có sinh khí hơn, đó cũng là một nguồn lực quan trọng để kháng chiến. Những năm gần đây, bước vào kinh tế thị trường, đặc biệt là xu thế đô thị hóa lại làm tăng tính phân hóa trong xã hội nông thôn, tính cố kết cộng đồng bị suy yếu. Nhiều giá trị tinh thần truyền thống bị coi nhẹ trong cơn lốc của mặt trái kinh tế thị trường. Cũng do đô thị hóa, một bộ phận nông dân thiếu đất để sản xuất, trở thành vô nghề nghiệp. Khi văn hóa nông thôn bị suy thoái thì đời sống văn hóa của thành thị, và nói rộng ra, của cả nước, không thể phát triển lành mạnh được. Chúng ta đang rất cần có biện pháp thúc đẩy đủ mạnh để chương trình lồng ghép xây dựng nông thôn mới và xây dựng văn hóa nông thôn phát triển. Cũng nên coi đây là một hướng đột phá để vực dậy nền văn hóa dân tộc đang có chiều hướng suy giảm.
Về văn hóa đô thị, cũng do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh vượt ra ngoài sự quản lý của Nhà nước nên mọi chuẩn bị về cơ sở vật chất và tinh thần cho văn hóa đô thị hầu như quá muộn. Khá đông nông dân nhập cư về thành phố và nhanh chóng trở thành cư dân đô thị, dẫn tới tình trạng vừa mất gốc, vừa ngỡ ngàng. Tính tiên phong của văn hóa đô thị chưa xuất hiện (hoặc nếu đã xuất hiện thì còn rất lẻ tẻ và yếu ớt).
3- Trước tình hình trên về văn hóa, xã hội chúng ta phải trở về với những quan điểm đã được đặt ra trong Đề cương văn hóa năm 1943, nhìn thấy rõ hơn những giá trị soi đường, tác dụng định hướng của Đề cương; qua đó nhận thức đúng hơn nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới. Chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ cách mạng; coi sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân; đầu tư cho văn hóa, văn nghệ là đầu tư cho con người và cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư ngân sách xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa mới; tích cực đào tạo, bồi dưỡng, phát huy các tài năng văn hóa, nghệ thuật; kích thích, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của nhân dân cũng như đổi mới công tác quản lý các hoạt động trong lĩnh vực này. Đẩy mạnh và thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật; phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là một giải pháp tích cực; tạo ra động lực mới khuyến khích sự đóng góp sức người, tiền của từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhân dân để phát triển văn hóa, nghệ thuật. Quan tâm khuyến khích các văn nghệ sĩ lao động sáng tạo để có nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng tốt, có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, mang tầm vóc thời đại; có biện pháp tối ưu để giữ gìn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, tiếp tục sáng tạo, bồi đắp, bổ sung những giá trị văn hóa mới, trên cơ sở mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa với các nước; tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tinh hoa văn hóa, nghệ thuật nước ngoài để bổ sung, làm giàu có bản sắc, tâm hồn, cốt cách, nhân cách người Việt Nam hiện đại, khắc phục thái độ xem nhẹ vai trò văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bảy mươi năm đã trôi qua, hướng đi của văn hóa cách mạng Việt Nam từ Đề cương văn hóa năm 1943 vẫn tươi nguyên giá trị./.
Đừng vì hiện đại mà lại… xa dân  (20/08/2013)
Hợp tác Việt Nam - Ca-na-đa nhiều tiềm năng để phát triển  (20/08/2013)
Hợp tác Việt Nam - Ca-na-đa nhiều tiềm năng để phát triển  (20/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay