Văn hóa dân tộc trong không gian lịch sử văn hóa Bắc miền Trung trước yêu cầu đổi mới và phát triển
TCCS - Bắc miền Trung (bao gồm các địa phương từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) có sự xếp lớp các giá trị văn hóa - lịch sử lâu đời và đa dạng. Các giá trị này hình thành trên cơ sở tương tác của các yếu tố tự nhiên và xã hội, chứa đựng rất nhiều đặc thù mà sách xưa gọi là vùng đất “đa dị”.
Trong quá khứ, Bắc miền Trung là khu vực mà về “tự nhiên thì chia cắt, về chính trị thì tranh chấp, còn về văn hóa thì giao thoa/đan xen mạnh”. Cho đến nay, nhiều vấn đề khoa học về lịch sử - văn hóa vẫn đang là những khoảng tối. Giải mã những khoảng tối ấy sẽ góp phần hoàn thiện diễn trình lịch sử dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội đương đại, làm cho văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần” và là “động lực thúc đẩy phát triển” trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy khởi đầu sớm như vậy nhưng trên dòng chảy thời gian, bên cạnh cái đồng nhất với diễn trình lịch sử dân tộc, đây lại là địa bàn chứa đựng rất nhiều yếu tố dị biệt, riêng trong không gian và chu trình lịch sử - văn hóa. Cần phải định vị được cái riêng, cái đặc thù đó để mang lại một nhận thức toàn diện và đầy đủ của toàn bộ lịch sử - văn hóa dân tộc. Vùng đất này, từ khởi thủy có một giai đoạn văn hóa sơ sử với tổ chức hành chính sơ khai: Việt Thường Thị mà Bùi Dương Lịch viện dẫn từ rất nhiều thư tịch cũ, chẳng hạn: “Thủy kinh chú”, “Thông giám Cương mục”, “Thông chú”... Theo đó, Việt Thường Thị là một nhà nước cổ đại, có khung niên đại tương đồng với Văn Lang - Âu Lạc(2). Dòng chảy lịch đại trên nửa phía nam của vùng đất này đã hiện diện những cái tên: Lâm Ấp - Hoàn Vương - Chiêm Thành qua ngót một thiên niên kỷ trong sự tranh chấp (và có khi cả hỗn dung nữa) với các triều đại phong kiến Trung Hoa dưới thời Bắc thuộc. Bắc miền Trung thời đó là lá chắn ngăn chặn xu hướng Hán hóa thâm nhập sâu vào phía nam.
Thiên niên kỷ thứ nhất (sau Công nguyên), nền chính trị - hành chính - văn hóa Việt phía bắc chỉ vươn tới sông Mã; cùng nữa, là tạo được ảnh hưởng tới một phần châu thổ sông Lam. Đại bộ phận khu vực Bắc miền Trung vẫn trong phạm vi chính trị - hành chính - văn hóa của các quốc gia phía nam, chủ nhân là người Chăm. Đến Nhà nước Đại Việt hùng mạnh ra đời (đầu thiên niên kỷ thứ II), xu thế hội nhập tất yếu của lịch sử diễn ra đã làm cho dòng chảy văn hóa - lịch sử Bắc miền Trung bước qua thời kỳ tương tác của hai dòng văn hóa Việt - Chăm và ổn định trong không gian thuần Việt. Đến đây, sự “thụ ứng” hay “đan xen”, “chao đảo” văn hóa trước kia được thay bằng một quá trình phục sinh các giá trị vốn có từ thời Việt Thường và hoàn thiện trong không gian văn hóa thống nhất Đại Việt, tạo lập sự thuần nhất của văn hóa Việt với nền tảng cơ bản là làng và văn hóa làng tiếp nhận từ phía bắc. Vì vậy, các giá trị văn hóa - lịch sử Bắc miền Trung đã được hình thành, trao truyền và trường tồn trên dòng chảy chung không phải là sự xếp lớp đơn thuần mà là sự biến thiên, khúc khuỷu theo “thời tiết chính trị” của hai đầu Nam - Bắc.
Một vùng có vị thế “độc địa”
Trên bản đồ không gian lãnh thổ Việt Nam, nếu kẻ các trục chính xuyên Việt gồm trục bắc nam (Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh), trục cực đông phía bắc nối với cực tây phía nam (Móng Cái - Hà Tiên), trục cực tây ở phía bắc nối với cực đông ở phía nam (Điện Biên - Khánh Hòa) thì bất ngờ thay, tất cả các đường trục ấy đều đi qua dải đất Bắc miền Trung và gặp nhau tại tâm điểm Quảng Bình. Hình thể của Tổ quốc Việt Nam là hình chữ S, mọi quá trình vận động và chu chuyển của tự nhiên, lịch sử - văn hóa xuôi hay ngược trên các trục ấy đều sinh ra sự “va đập” vào Bắc miền Trung. Bằng chứng về mặt tự nhiên là sự tranh chấp các yếu tố sinh thái bởi hai xu hướng: 1- từ Bắc vào, và 2- từ Nam ra. Hai xu hướng này hội tụ không theo hướng “hội nhập” mà “tranh chấp”. Ví dụ, mùa rét là cái rét tê dại của miền Bắc, khi đã nóng lại là cái nóng khô, bỏng rát của miền Nam, cảm giác hội đủ hai đối cực của cả nước mà không xen lẫn, không hòa trộn. Chu trình khí hậu (mùa) từ Bắc vào Nam, hoặc từ Nam ra Bắc, mọi yếu tố tự nhiên về địa lý, môi trường, sinh thái đến tài nguyên đều mang đặc trưng của hai phía bắc/nam, đến hết địa bàn Bắc miền Trung đều dừng lại.
Bằng chứng “va đập” về lịch sử trong suốt mấy thiên niên kỷ, khu vực này thường là giao điểm của những xung đột không phải ở bên trong mà là từ bên ngoài, như từ “trên trời rơi xuống” vậy. Giữa các xung đột và giao thoa của các xu thế, nơi đây luôn luôn là điểm gặp gỡ về văn hóa và điểm chịu trận về chính trị. Về chính trị là: Văn Lang/Việt Thường; Đại Việt/Chiêm Thành; Trịnh/Nguyễn và hai miền Nam/Bắc trong thời cận, hiện đại. Về văn hóa là: Đông Sơn/Sa Huỳnh; Việt/Chăm; Đằng trong/Đằng ngoài; Thăng Long/Phú Xuân,... Chính từ sự “va đập” ấy mà hầu hết các “thiên cơ” quan trọng nhất đối với vùng đất này lại nằm ở chiều nghịch chứ không ở phía chiều thuận.
Bắc miền Trung còn ở vào vị thế có ý nghĩa quyết định (hoặc tiền đề, khởi phát) cho các chu trình vận động. Lịch sử đã chứng kiến và ghi nhận vai trò quyết định của vùng đất này trong diễn tiến đồng đại và quy mô lịch đại của các thế lực cầm quyền từ cổ đến kim. Các quốc gia cổ, như Việt Thường Thị/Văn Lang, Âu Lạc; Lâm Ấp, Hoàn Vương/các tập đoàn phong kiến phương Bắc rồi Đại Việt/Chiêm Thành; Trịnh/Nguyễn và cả trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc (vĩ tuyến 17 phân chia Nam, Bắc), không lúc nào vùng đất Bắc miền Trung không đóng vai trò biên viễn/trung tâm, chia cắt/tranh chấp. Nghịch lý “độc địa” còn ở chỗ, bao giờ nó cũng đều ở vào vị thế “biên viễn” về địa hành chính nhưng lại là trung tâm của các sự kiện chính trị/lịch sử/văn hóa và luôn phản ánh thực lực cùng xu hướng phát triển của các thế lực chính trị (bên nào chiếm được vùng này hoặc vượt qua được ranh giới vùng này là có cơ hội để phát triển mở rộng). Trong quá khứ, nơi đây thường xuyên là “điểm nóng” của các xung đột giai cấp, xung đột dân tộc khá toàn diện và đầy đủ như là tuyến đầu - trung điểm của mặt trận. Chính từ các xung đột nóng đã nối lịch sử đất nước thành một chỉnh thể của dòng chảy. Yếu tố địa văn hóa và địa chính trị ấy đã đặt Bắc miền Trung cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai luôn là chiếc“cầu nối đôi bờ Nam, Bắc”.
Một không gian tự nhiên “đa dị”
Bùi Huy Bích (1744 - 1818), một vị quan từng trấn nhậm ở nhiều địa phương trong khu vực đã viết về sự khắc nghiệt của vùng đất Hoan, Ái (trong “Nghệ An thi tập”, 1783 - 1784) như sau: Hoan Diễn thiên đa dị /Hưu luận đạo lý xa / Hạ lai phong tự hỏa / Thu khứ vũ như ma/ Thập nguyệt giang hoàn lạo/ Trùng dương cúc vị hoa/ Liên không duy điệp chướng/ Mãn địa tận hàn sa...(3)
Nghĩa là: Trời châu Hoan, châu Diễn có nhiều điều lạ/ Chưa nói đến việc đường sá xa xôi/ Mùa hạ đến thì gió nóng như lửa/ Thu đã qua mà mưa vẫn cứ mưa/ Đã qua tháng mười mà vẫn còn lụt/ Mồng chín tháng chín rồi mà cúc vẫn chưa nở/ Núi non thì trùng điệp liền trời/ Đất đai thì toàn là bãi cát lạnh...
Về địa lý tự nhiên, Bắc miền Trung có một phức hệ sinh thái mà GS. Trần Quốc Vượng tổng kết thành một hằng số: Núi - Đồi - Đèo - Biển; Đầm - Phá - Cồn - Bàu. Ngay trong hằng số này thì phía bắc của Bắc miền Trung (Thanh - Nghệ - Tĩnh), phức hệ ấy trải rộng đều trên toàn bộ địa bàn; ngược lại, ở phía nam (Bình - Trị - Thiên), phức hệ sinh thái lại trong tình trạng mật tập. Địa bàn gọi là duyên hải nhưng có tới hơn 85% diện tích là rừng núi và gò đồi, với gần một nửa là địa hình địa chất cat-xtơ (karst), kế theo là các khối núi đá mồ côi, núi đất và đồi bát úp. Địa hình Quảng Bình còn bị xẻ vụn bởi những con sông chạy cắt ngang từ Trường Sơn, xuôi và dốc thẳng ra biển qua những dãy núi như những “bức trường thành” chia cắt (4). Sự “chia cắt” làm cho dải đất dài và hẹp này không thuần nhất trong một vùng địa lý. Nhiều nhà quản lý lầm tưởng đã ghép nó lại thành một khu vực chính trị/hành chính.
Phức hợp từ các yếu tố tự nhiên “đa dị”, mang đến cho con người vùng này tính cần cù lam lũ và cam chịu trước những hiện tượng tự nhiên bất thường. Nguồn tài nguyên giàu nhưng tiềm ẩn đã lại đặt con người vào thử thách nghiệt ngã khác. Để biến cái “có tiềm ẩn” đến cái “giàu hiện thực” không dễ dàng nên đã bao đời sự giàu vẫn còn ở tiềm năng chứ chưa bao giờ thành hiện thực, chưa bao giờ đồng hành với chủ nhân. Con người nhiều khi phải đứng nhìn sự giàu có của thiên nhiên trong cái đói thắt ruột, ngậm ngùi: “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Tự nhiên hình như đã mặc định số phận con người Bắc miền Trung, tạo ra khối nghịch lý khổng lồ để thách thức con người. Lô-gíc “giàu” và “có” chưa song hành bên nhau và luôn đòi hỏi con người phải liên kết và có tố chất khang cường, tuệ mẫn để gồng mình chinh phục tự nhiên và làm chủ văn hóa. Đạt được điều đó phải là tầm “nhân kiệt”. Có lẽ “nhân kiệt” được sinh ra nhiều ở xứ này có nguyên nhân từ sự “đa dị” tự nhiên ấy.
Sự đảo chiều lịch sử và tái cấu trúc văn hóa
Quá trình hỗn dung của hai xu hướng Nam tiến và Bắc tiến trong lịch sử đã tạo ra chủ thể văn hóa đa nguồn gốc. Để tồn tại trong điều kiện đấu tranh xã hội gay gắt, các chủ thể khi đến đây và mang theo hành trang văn hóa cội nguồn nhưng phải thích nghi nên đã tự biến đổi và dung hợp. Do vậy, Bắc miền Trung tính dị biệt thể hiện trong chuỗi văn hóa thiếu liên tục và tương đối khu biệt biểu hiện khá rõ, ngay cả trong một địa phương. Tác động của các dòng chảy văn hóa - lịch sử là không thể né tránh. Sự va đập vào thực thể xã hội khi đi qua Bắc miền Trung là tất yếu, đã dẫn đến hoặc phản ứng hoặc thụ ứng, chuyển hóa để thành cái riêng của khu vực.
Nếu miền Bắc là chuỗi phát triển liên tục của văn minh sông Hồng và văn hóa Đại Việt thì miền Trung lại là vùng văn hóa “chịu đựng” biến động lịch sử, trong đó văn hóa Việt Thường (Bắc Trung Bộ) và văn hóa Chăm (Trung và Nam Bộ) là chủ thể khởi phát. Hai khu vực này sớm tạo được đặc dạng văn hóa giao thoa bằng lan tỏa, thâm nhập, thôn tính, tiếp biến giữa các cực Sa Huỳnh - Đông Sơn, Đại Việt - Chăm-pa, Thăng Long - Phú Xuân và rộng hơn là Trung - Ấn.
Nằm trên lằn ranh của sự tranh chấp, chỉ một chút thiên lệch giữa bên này hay bên kia thì chủ nhân đã có thể chuyển từ chủ thể sang khách thể và ngược lại. Chẳng hạn, với sự mở rộng quyền lực về phía nam, Bắc miền Trung từ chỗ là đất Việt Thường đã trở thành miền biên viễn của Văn Lang phía bắc. Một khi sự bùng phát của người Chăm, sẽ kéo vùng này trở vào, khi ấy nó có vai trò Bắc trấn của Lâm Ấp. Khi Đại Việt hùng mạnh lại “hút” nó trở ra. Chu trình cứ lặp đi lặp lại trong suốt mấy thế kỷ để cuối cùng Bắc miền Trung lại là lằn ranh chia cắt Trịnh - Nguyễn và chia cắt Nam - Bắc thời kháng chiến chống Mỹ. Trong hoàn cảnh vô cùng nhạy cảm ấy, người Bắc miền Trung phải lựa chọn tính tương hợp trước những va đập. Đó là nguyên nhân tạo ra dị biệt về lịch sử và văn hóa ở Bắc miền Trung.
Về con người phía nam Hoành Sơn, cách đây 5 thế kỷ, Dương Văn An gọi là xứ Ô châu, đã lấy cái “khẳng khái, hiếu nghĩa”, “tính thuần, hiếu học” của người xứ Hoan Ái để so sánh và khẳng định rằng người Ô châu “không thể so được với châu Hoan, châu Ái”(5). Cùng đối trọng (chứ không phải đối lập) hai phía bắc - nam Hoành Sơn, có cùng sự “đa dị” của thiên nhiên nhưng chủ thể văn hóa vẫn khác. Vì sao vậy? Căn nguyên cũng từ đường ranh lịch sử, khiến một bên phía bắc có được một dòng chảy liên tục của văn hóa Việt. Ở phía nam Hoành Sơn thì sự đảo chiều lịch sử đã buộc con người phải thường xuyên điều chỉnh, đôi khi phải “tái cấu trúc” văn hóa dưới tác động của lịch sử và chính trị nên không thể nói đây là vùng đất có bề dày văn hóa mà chính là vùng đất đa dạng và đa sắc thái về văn hóa mới đúng với bản chất của nó(6).
Từ thực tế này có thể thấy được rằng, con người nơi đây là sản phẩm của quá trình đa văn hóa (cũng như là thiên nhiên “đa dị” vậy). Văn hóa nơi đây lại là phức hợp của sự tiếp nhận và chuyển giao các giá trị văn hóa theo cả hai chiều đồng đại và lịch đại. Về mặt lịch đại, đó là sự đi qua các giá trị Đông Sơn - Sa Huỳnh, Việt - Chăm, Đằng trong - Đằng ngoài, Thăng Long - Phú Xuân,... Về mặt đồng đại, nó là sự tương hợp giữa hai lớp văn hóa, lớp nền là văn hóa bản địa và lớp phủ là văn hóa di dân. Do vậy, cộng đồng dân cư ở đây đa nguồn gốc, đa sắc thái văn hóa. Người bản địa vẫn là cái chất cần cù theo kiểu cam chịu, còn người di cư mang đến cái chất táo bạo, thoáng đạt và lịch lãm. Sự hòa trộn nhiều thế hệ đã sản sinh ra tố chất cần cù, sáng tạo, cương cường nhưng cũng rất dung dị, ôn hòa. Đó là đặc điểm thường thấy ở những tổ chức hợp quần. Chính sự đa nguồn gốc văn hóa cùng với sự tích hợp các giá trị có được từ tiếp biến, giao thoa và thụ ứng văn hóa hai miền là cơ sở để xuất hiện “nhân kiệt”. Và, nếu “nhân kiệt” ở vùng văn hóa Hoan - Ái là sản phẩm văn hóa có bề dày thuần nhất thì “nhân kiệt” ở vùng văn hóa Nam Hoành Sơn là sản phẩm văn hóa “đa sắc thái”, hệ quả của sự tái cấu trúc thường xuyên.
Bắc miền Trung không phải là chỉnh thể một vùng văn hóa mà là một dải văn hóa, hay là “dải tần văn hóa” và được chia ra thành những tiểu vùng văn hóa dị biệt. Tính tập trung không cao, mà tính khuếch tán là phổ biến. Sản phẩm văn hóa của mỗi vùng, mỗi địa phương trong dải đất miền Trung này là kết quả của sự tiếp biến văn hóa hay giao thoa văn hóa. Tính dị biệt lịch sử đã quy định tính không đồng nhất về văn hóa, làm cho văn hóa không khác nhau về sắc độ mà khác nhau về sắc thái. Đó là căn nguyên để dẫn tới một hệ quả xã hội là sự dị biệt về phương thức biểu cảm và sinh hoạt cộng đồng. Nét chung văn hóa miền Trung là văn hóa bình dân. Trong nền tảng cơ sở của sinh hoạt cộng đồng thì văn hóa dân gian và tâm linh là cơ bản (kể cả văn hóa Chăm). Tính dị biệt còn ở chỗ nó không có tính cách mạng trong biểu cảm, biểu đạt. Tất cả đều bộc lộ phong cách dung dị, mộc mạc, tiết tấu chìm, nguội và ít tương phản.
Trong khi ở miền Bắc, làng vo tròn trong cái khuôn “kín cổng cao tường”... tạo ra sự kết tụ đậm đặc của chất văn hóa làng, được phân biệt với nhau bởi các các yếu tố văn hóa độc quyền (làng Đình Bảng, làng Lim, làng Đồng Kỵ, làng Bình Đà, làng Cao Viên,...) thì do tính mở về mặt ngoại diên của làng miền Trung làm cho chất văn hóa làng mờ nhạt mà yếu tố vùng, miền thì đậm đặc, nổi trội hơn (ví như vùng văn hóa Bắc Gianh, văn hóa vùng Lệ Ninh). Đó chính là hệ quả trực tiếp của sự tiếp biến văn hóa và cũng là tiền đề để xây dựng những mô típ văn hóa có tính phổ biến ở Bắc miền Trung trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch và xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh.
Những khoảng trống phía trước các nhà khoa học
Lịch sử tồn tại khách quan như bất cứ một chu trình tự nhiên nào khác, nhưng con người đã đánh mất đi những thông tin về nó, để rồi có biết bao giá trị đã chìm đắm cùng với thời gian, để lại những khoảng trống văn hóa - lịch sử cần được làm sáng tỏ, góp phần vào hệ giá trị trường tồn của văn hóa - lịch sử dân tộc Việt Nam.
Khoảng trống thứ nhất là lịch sử - văn hóa gắn với không gian và bối cảnh Việt Thường Thị, một cái tên không dễ gì bóc tách ra khỏi lịch sử. Bước ra khỏi thời kỳ tiền sử, chủ nhân Bắc miền Trung là ai và họ đã tồn tại trong không gian nào? Câu trả lời mới chỉ là Việt Thường Thị. Dù Việt Thường Thị từng được coi như một quốc gia sơ khai như theo Chu Hy (trong “Thông giám cương mục”); Trịnh Tiều (trong “Thông chú”); Tư Mã Thiên (trong “Sử ký”); Bùi Dương Lịch (trong “Nghệ An ký”),... hay Việt Thường Thị chỉ là một trong 15 bộ của Văn Lang như theo Thị lang Ngô Sỹ Liên (trong “Đại Việt sử ký toàn thư”) thì rốt cuộc các lĩnh vực khoa học xã hội nói chung và sử học nói riêng cũng chưa chứng minh được những vấn đề về cương vực, tổ chức xã hội, văn hóa, vai trò lịch sử của nó trong tiến trình lịch sử Bắc miền Trung (thời kỳ khai thiết) nói riêng và Việt Nam nói chung*.
Khoảng trống thứ hai, lịch sử Bắc miền Trung được mở đầu bằng sự hiện diện của đế quốc (hay nói theo quan điểm mới hơn là sự hiện diện của các tiểu vương quốc) thuộc đế quốc Lâm Ấp/Hoàn Vương/Chiêm thành.
Nếu thời kỳ Việt Thường Thị chỉ để lại trong thư tịch những dòng ghi chép và nhận định còn thô giản thì sự hiện diện của người Chăm cùng với văn hóa của họ trong gần một thiên niên kỷ đã để lại trên vùng đất các tỉnh phía trong của dải đất Bắc miền Trung những bằng chứng văn hóa vật chất(7). Đó là những thành quách, đền tháp, công trình kiến trúc dân sự và quân sự, và, không loại trừ khả năng còn cả những phế tích của nền hành chính và thiết chế kinh tế - xã hội với những tên gọi “phế đô”, “ruộng phố/cảng thị”. Theo sách “Thủy kinh chú”, vào năm Vĩnh Hòa (năm 347), “Phạm Văn đánh Nhật Nam xin thứ sử Giao châu là Chu Phiên lấy núi Hoành Sơn ở bắc quận Nhật Nam làm địa giới”(8),... Như vậy chí ít thì có một thể chế nào đó của người Chăm đã hiện diện ở vùng đất này từ thế kỷ thứ III (năm 249) khi Lâm Ấp lấy được Thọ Lãnh, đã ổn định chiếm đóng vào thế kỷ thứ IV. Nếu khoảng trống thứ nhất đi xuyên qua hai thiên niên kỷ đầu tiên, hoặc hơn thế, thì khoảng trống thứ hai đã gần một thiên niên kỷ, kéo dài từ cuối thế kỷ thứ III - IV đến cuối thế kỷ thứ XI của thiên niên kỷ trước. Trong thời kỳ này, có quá nhiều câu hỏi về lịch sử - văn hóa đặt ra phía trước cần phải lấp đầy. Những công trình nghiên cứu của E. Ha-bơ (E.Huber), L. Phi-nốt (L. Finot), L. Ca-đi-e (L. Cadière), V. Gô-lu-bep, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Hữu Thông cùng các cộng sự.... đã ít nhiều đề cập đến lịch sử và văn hóa Chăm-pa (từ thế kỷ II đến thế kỷ XI), song, chỉ nhìn nhận giai đoạn này thông qua di tích, nội hàm của nó vẫn đang còn để ngỏ(9). Hình thái xã hội phía nam Đèo Ngang trong giai đoạn thể chế Chăm-pa ra sao? Văn hóa của hai cộng đồng tộc người Việt - Chăm tồn tại ra sao trong suốt một thời gian dài như vậy? Hỗn dung hay đan xen, giao thoa hay thụ ứng? Các giá trị kinh tế - xã hội/ hành chính - văn hóa dưới triều đại Indrapura hùng mạnh đến như vậy nhưng vì sao, sau sự kiện 1069 - 1075, thể chế Chăm (hay người Chăm) “mất bóng”?...
Khoảng trống thứ ba, trong thiên niên kỷ cuối cùng dưới thời các triều đại phong kiến Việt Nam giành được chủ quyền độc lập dân tộc, một số nhà khoa học đã công bố các công trình nghiên cứu về diễn trình lịch sử và những giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở văn hóa Việt đã định hình với sự hình thành văn hóa làng xã dưới thời Lý, Trần, Lê và sự chuyển hóa chính trị/văn hóa dưới thời Nguyễn. Tuy nhiên, giai đoạn hình thành các giá trị lịch sử văn hóa khởi nguồn từ khi vùng đất nam Đèo Ngang hội nhập về quốc gia Đại Việt và những chính sách kinh tế - xã hội hưng thịnh thời Lý, Trần, Lê đã mở ra cho cộng đồng cư dân xứ sở này một không gian chính trị/chính sách, hành chính/thiết chế, kinh tế/đời sống, văn hóa/sinh hoạt mà làm nên hằng số văn hóa - lịch sử, được trao truyền cho tới ngày nay vẫn chưa được giải mã một cách xác đáng. Về mặt nhân học, Nguyễn Quốc Lộc, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Xuân Hồng và riêng Nguyễn Hữu Thông đã công bố một quá trình tộc người từ phía bắc vào miền Trung Việt Nam(10). Đã lý giải rõ hơn về sự hiện diện của các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy núi Bắc Trường Sơn, góp phần làm sáng tỏ một phần cấu trúc cộng đồng và dấu ấn Việt trong văn hóa các dân tộc thiểu số ở phía tây. Tuy nhiên, câu hỏi anh là ai cho cộng đồng Chứt, Nguồn và một vài tộc người nữa vẫn chưa được trả lời. Nội hàm lịch sử kéo dài từ thế kỷ II cho tới thế kỷ XIX của thiên niên kỷ thứ hai đến nay vẫn chưa được quan tâm.
Khoảng trống thứ tư là vấn đề có ý nghĩa lý luận và phương pháp luận. Xưa nay văn hóa học và sử học vẫn thường nhìn nhận vấn đề thông qua các biến cố lịch sử và hiện tượng văn hóa. Chưa một công trình nào viết về vùng đất này trong vị thế tự nhiên của nó. Để hội nhập và phát triển, không thể không lý giải hệ quả lịch sử qua mấy nghìn năm tồn tại. Chẳng hạn: những thuộc tính trong bản chất, con người Bắc miền Trung và những tác động từ vị thế địa lý, điều kiện tự nhiên, các chu trình lịch sử - văn hóa khu vực đến bản lĩnh của con người. Và, trong sự vận động để tồn tại, con người Bắc miền Trung lấy cái gì làm chính, cộng đồng hay cá thể, hướng nội hay hướng ngoại, chuộng thích nghi hay ưa cách tân... mà Trần Quốc Vượng và một số học giả đã gọi nó là địa văn hóa,... đang còn là khoảng trống trong đánh giá và xác nhận lịch sử - văn hóa hiện nay.
Khoảng trống thứ năm là cái khoảng hoàn toàn trống! Khoảng trống này do ba nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử nổi tiếng đưa ra để “làm khó” cho các thế hệ hậu sinh. Đầu tiên, GS. Hà Văn Tấn xác lập thuật ngữ “tiếp biến văn hóa”, tiếp đó, GS.Trần Quốc Vượng với các luận đề về một vùng “giao thoa”, còn học giả Sơn Nam thì gọi là miền “thụ ứng” giữa hai khu vực Bắc - Nam. Nhưng rốt cuộc nó là cái gì thì chưa ai lý giải cho xứ sở đang mang trên lưng các thuật ngữ này. Đúng là có một sự tiếp nhận và trao truyền các giá trị lịch sử - văn hóa từ Bắc vào Nam và ngược lại. Nhưng, vùng đất miền Trung đã “nhận” cái gì và “trao” cái gì cho hai miền; đã “tiếp” cái gì để “biến” thành cái gì; “thụ” cái gì rồi “ứng” ra cái gì? “Con lắc” giao thoa tại vùng đất miền Trung suốt cả mấy thiên niên kỷ đã để lại cho cộng động nơi đây những giá trị nào nổi bật? Lại còn điều nghịch lý trong mọi sự phi lý: vùng tiếp biến, thụ ứng, giao thoa, lẽ ra là vùng cách tân mạnh mẽ nhất thì ngược lại không nơi nào có thể bảo tồn (và bảo thủ) hơn vùng này. Có người đã lấy “lý thuyết bảo tồn ngoại biên” để lý giải hiện tượng bảo tồn các giá trị tiền Việt - Mường, Việt - Mường và Việt cổ trên vùng đất miền Trung, mà không đi tìm căn nguyên đóng băng các giá trị ấy, trong khi gọi nó là vùng đất giao thoa.
Phía trước các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa còn mênh mông những khoảng trống, lại là những khoảng trống khoa học mà bên trong nó chứa đựng những vấn đề rất cơ bản để hoàn thiện dòng chảy lịch sử, để tìm và hiểu bản chất, nội hàm văn hóa, để nhận biết năng lực hiện hữu tồn tích qua lịch sử, tiềm ẩn trong cộng đồng Bắc miền Trung trên con đường phát triển./.
------------------------------------------------
(1) Lê Đình Phúc: Tiền sử Quảng Bình, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 119
(2) Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 224
(3) Bùi Dương Lịch: Sđd, tr. 31
(4) Lê Bá Thảo: Thiên nhiên Việt Nam, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1977, tr. 152
(5) Dương Văn An: Ô châu cận lục, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2001, tr. 15
(6) Nguyễn Khắc Thái: Danh nhân Quảng Bình: Bình dân và bác học, Tạp chí KHCN Quảng Bình, số 4-2012
* Để nói tầm quan trọng của việc nghiên cứu làm sáng tỏ Việt Thường Thị, và cũng để khẳng định rằng nghiên cứu lịch sử - văn hóa địa bàn Bắc miền Trung mà không nghiên cứu Việt Thường Thị thì e rằng khó có thể đặt một sự khởi đầu đúng nghĩa cho lịch sử vùng đất này. Xin được dẫn ra đây thông tin từ sử gia nổi tiếng Tư Mã Thiên: “Việt Thường hưởng nước hàng ngàn năm, hàng trăm bậc hiền thánh truyền cho nhau xem tinh thần thuận hòa chung đúc mà diễm lành tự ứng, vua sáng, tôi hiền, phong tục thuần, đến nay còn có thể tưởng thấy... Rõ ràng đã hiển thị một giá trị văn hóa rực rỡ mà phạm vi ảnh hưởng của nó vượt ra khỏi giới hạn địa lý và được trao truyền qua hàng nghìn năm.
(7) Xem: Phân viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học - Huế, 2001): Thành lũy cổ ở khu vực Bình - Trị - Thiên
(8) Bùi Dương Lịch, Sđd, tr. 25
(9) Nguyễn Hữu Thông và cộng sự: Di tích văn hóa Chăm-pa ở Quảng Bình, Trung tâm tin học và thông tin khoa học, công nghệ Quảng Bình (năm 2002)
(10) Nguyễn Hữu Thông và cộng sự: Tldd, tr. 24 - 39
“Đi đêm” để “ngủ ngày” (!)  (24/07/2013)
Nhiều hoạt động tri ân các đối tượng chính sách, người có công  (23/07/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên