Chăm sóc người có công với cách mạng bằng những việc làm cụ thể và thiết thực
Nhiều phong trào thể hiện tính nhân văn sâu sắc đối với người có công
Ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến đời sống của các gia đình thương binh, liệt sĩ, diện chính sách có công, và coi đây là nhiệm vụ chính trị phải ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý và phụng dưỡng trên 230.000 đối tượng chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công. Với tinh thần thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, đồng thời quán triệt sự chỉ đạo của các văn bản hướng dẫn về công tác đền ơn đáp nghĩa của cấp trên, Thành uỷ, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều văn bản, thành lập tổ công tác, huy động các tổ chức đoàn thể tham gia triển khai, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” một cách thiết thực và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, động viên được nguồn lực, sức mạnh cộng đồng để chăm lo đời sống gia đình chính sách trên địa bàn Thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi khởi xướng và đi đầu trong cả nước thực hiện các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, “Bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”… mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao và có sức lan tỏa mạnh. Đây là một cố gắng to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố, góp phần tạo điều kiện để các gia đình chính sách phát huy truyền thống, phấn đấu vươn lên, những kết quả đó được biểu hiện:
Trước hết là, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Xây nhà tình nghĩa” cho người có công với cách mạng. Phong trào này luôn được các cấp, các ngành của Thành phố phát động một cách rộng rãi trong toàn xã hội, nên hằng năm, các đơn vị, địa phương, các cơ quan hữu quan, trong đó có các đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch đưa vào chương trình công tác năm để đóng góp thực hiện xây dựng nhà tình nghĩa, coi đây là trách nhiệm và đạo lý. Tính đến nay, đã xây dựng 16.216 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí 176,3 tỷ đồng, bên cạnh đó Thành phố còn cấp dưới dạng cho thuê trên 12.000 căn nhà, sửa chữa 11.468 căn nhà với kinh phí 28 tỷ đồng; cấp 3.156 ha ruộng đất cho các gia đình có công để sản xuất,… đến nay về cơ bản đã giải quyết xong nhà ở cho diện đối tượng chính sách người có công trên địa bàn.
Thứ hai, phong trào giúp đỡ “thương bệnh binh”: Để thực hiện chủ trương đưa thương bệnh binh nặng về địa phương sinh sống, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi như cấp đất, cấp nhà mặt tiền hoặc có vị trí gần nơi buôn bán cho trên 600 thương binh; trợ cấp khó khăn cho đối tượng chính sách có công từ ngân sách Thành phố với mức hỗ trợ 200.000 đồng/tháng đối với thương binh đặc biệt nặng, thương binh nặng 1/4, thương binh B đặc biệt nặng, thương binh B nặng 1/4, bệnh binh đặc biệt nặng, bệnh binh 1/3, thân nhân liệt sĩ hưởng định suất nuôi dưỡng, người có công giúp đỡ cách mạng hưởng định suất nuôi dưỡng với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng; giải quyết chính sách cho bộ đội và công an đã từng tham gia công tác ở Lào và Cam-pu-chia nay xuất ngũ, chuyển ngành.
Thứ ba, để làm tốt công tác phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cùng các quận, huyện và các đơn vị hảo tâm luôn dành sự quan tâm chăm sóc đặc biệt về vật chất lẫn tinh thần cho các mẹ, như phụng dưỡng, thăm hỏi thường xuyên các mẹ; đầu tư xây dựng khu nhà khang trang để nuôi dưỡng chăm sóc thân nhân của liệt sĩ không nơi nương tựa. Bằng trách nhiệm và nghĩa cử tri ân, các địa phương duy trì và thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng 13.000 “Sổ vàng tình nghĩa”, với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng; hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và vận động thêm các đơn vị phụng dưỡng mỗi Mẹ Việt Nam Anh hùng 2.000.000 đồng/tháng và hưởng đến cuối đời.
Thứ tư, các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công không chỉ ở cấp thành phố, mà ở các quận, huyện, phường, xã đều xây dựng và thực hiện tốt Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nên đến nay, nguồn quỹ này đã quyên góp được trên 112 tỷ đồng. Hằng năm, vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tết Nguyên Đán, ngoài việc tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể, các hoạt động họp mặt truyền thống, Thành phố đã dành hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách có công. Nhờ sự quan tâm, tiếp sức thường xuyên, liên tục của Đảng bộ và nhân dân Thành phố, đời sống của các gia đình chính sách có công không ngừng được cải thiện và nâng cao hơn; đã có 100% xã, phường, thị trấn ở Thành phố được công nhận hoàn thành tốt mục tiêu bảo đảm mức sống của diện chính sách có công ngang bằng mức sống của người dân địa phương. Tại Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè có 72 cụ tuổi cao, sức yếu là người có công nhưng neo đơn, hầu hết bệnh lý tuổi già. Các cụ được sự quan tâm chăm sóc đặc biệt về dinh dưỡng và mức sinh hoạt phí cho các cụ an dưỡng viên diện chính sách ở Trung tâm này cũng được điều chỉnh từ 900.000 đồng/người/tháng lên 1.200.000 đồng/người/tháng.
Thứ năm, công tác chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh luôn được quan tâm đúng mức. Trong những năm qua, Thành phố đã hoàn thành sớm chỉ tiêu so với các địa phương khác trong cả nước về xây dựng nhà bia ghi danh liệt sĩ và hiện nay Thành phố có 7 nghĩa trang liệt sĩ, Đền Tưởng niệm Bến Dược, 13 đài tưởng niệm liệt sĩ, 69 nhà bia ghi danh liệt sĩ. Đây là những công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn ghi nhận công lao đóng góp, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, nhằm giáo dục thế hệ trẻ ngày nay và mai sau lòng tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông, cũng như phát huy truyền thống anh hùng ấy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thường xuyên những chuyến đi tìm đồng đội, quy tập mộ liệt sĩ, đã tạo thành phong trào “Đi tìm đồng đội”, nên thời gian qua với tinh thần vượt qua khó khăn, nhiều cá nhân, đơn vị đã phát hiện quy tập được trên 27.000 hài cốt đưa về các nghĩa trang để quản lý và chăm sóc.
Vẫn còn đó những khó khăn, tồn tại cần sớm khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được thời gian qua, công tác chăm sóc người có công ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại cần sớm khắc phục.
Công tác xét chế độ chính sách cho người có công hiện nay ở địa phương gặp nhiều khó khăn: Do đội ngũ làm công tác này ở các đơn vị, địa phương thường xuyên thay đổi; một số trường hợp quân nhân xuất ngũ chưa được đào tạo nghề và chưa tạo được việc làm nên cuộc sống của họ còn gặp khó khăn, thiếu tính ổn định; một số nhà ở của các gia đình chính sách đã bị xuống cấp chưa được sửa chữa kịp thời.
Trong khi đó, mặc dù hệ thống chính sách đã nhiều lần được bổ sung, sửa đổi qua từng thời kỳ để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống chung của nhân dân, nhưng khi xây dựng chế độ chính sách cho người có công, Nhà nước lại dựa vào mức chi dùng bình quân của xã hội để làm cơ sở tính tiền trợ cấp, nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt của người có công, đặc biệt là đối với các thành phố có mức chi dùng cao như Thành phố Hồ Chí Minh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tiếp tục thực hiện chính sách đối với người có công tốt hơn nữa
Trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh đang nêu quyết tâm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” nhằm tiếp tục khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm, chăm sóc các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh - những người đã xả thân vì nước, đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân hoặc một phần máu xương của mình vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân,… Để thực hoàn thành các mục tiêu nêu trên, cùng với sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, của các cấp, các ngành trong công tác đền ơn đáp nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra những giải pháp cụ thể sau:
Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thành ủy ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh về việc tổ chức các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” hướng tới kỷ niệm 66 năm ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947 - 27-07-2013) bằng nhiều cơ chế chính sách tập trung các nguồn lực và biện pháp của toàn xã hội để giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng chính sách ổn định cuộc sống.
Hai là, cùng với việc nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội nghũ làm công tác chính sách, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung tiến hành khảo sát về đời sống và hiện trạng nhà ở của các gia đình chính sách trên địa bàn, để nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ, đảm bảo từng bước ổn định, nâng cao hơn nữa đời sống người hưởng chính sách có công. Trong đó, thực hiện tốt Đề án xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách có công trên địa bàn.
Ba là, tổ chức tập huấn và thực hiện Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra xét duyệt danh hiệu điều dưỡng của các quận, huyện căn cứ chỉ tiêu phân bổ hằng năm.
Bốn là, tiếp tục tiếp nhận, kiểm tra và xét duyệt hồ sơ theo Quyết định 290/QĐ-TTg ngày 18-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ đối với “Người tham gia kháng chiến chống Mỹ chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước” và Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc”. Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20-8-2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về “Chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương”. Làm tốt việc kiểm tra chi trả trợ cấp, phụ cấp cho diện chính sách và công tác đăng ký, quản lý, công tác lưu trữ hồ sơ người có công tại các quận, huyện.
Năm là, chỉ đạo các quận, huyện làm tốt chính sách, chương trình hỗ trợ, cấp học bổng cho con, em các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách để các cháu học tập tốt và giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho các cháu khi ra trường. Ngoài ra, để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho diện chính sách có công, các quận, huyện, phường, xã cần tập huấn và hỗ trợ vốn cho họ làm ăn, thoát nghèo.
Sáu là, đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công”,… nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng và Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; đào tạo, bồi dưỡng thế hệ con em của người có công tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước./.
“Đi đêm” để “ngủ ngày” (!)  (24/07/2013)
Nhiều hoạt động tri ân các đối tượng chính sách, người có công  (23/07/2013)
Tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ  (23/07/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên