Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga qua 60 năm thăng trầm của lịch sử
TCCS - Quan hệ hữu nghị Việt Nam và Liên bang Nga đã trải qua 60 năm phát triển kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (30-01-1950 - 30-01-2010). Đây là mốc thời gian có ý nghĩa quan trọng để các nhà lãnh đạo và giới nghiên cứu hôm nay ghi nhận và suy ngẫm về những thành quả cũng như những hạn chế còn tồn tại trong quá trình hợp tác. Vậy chúng ta hãy cùng nhìn lại lịch sử 60 năm quan hệ Việt - Nga để thấy được những giá trị đã, đang và sẽ còn mãi với thời gian.
I - Quá trình hợp tác phát triển
Có thể chia lịch sử quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga trong 60 năm qua thành 3 giai đoạn:
1 - Giai đoạn 1950 - 1991: 40 năm quan hệ đồng minh chiến lược Việt Nam - Liên Xô
Ngày 14-1-1950, trong bối cảnh cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra ác liệt, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Tuyên bố về việc sẵn sàng kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Việt Nam, tháng 1-1950, Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác đã công khai thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, khẳng định địa vị pháp lý chính đáng của chính thể cộng hòa dân chủ nhân dân lần đầu tiên được xác lập ở Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cục diện kháng chiến chống xâm lược đang trong giai đoạn quyết định của nước ta. Đánh giá ý nghĩa của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thắng lợi chính trị đó sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này”(1).
Là hai nước nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới, đối lập với hệ thống tư bản chủ nghĩa, quan hệ Việt - Xô được xây dựng trên tình đoàn kết quốc tế của hai dân tộc cùng chung mục đích và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Liên Xô và Việt Nam trở thành đồng minh chiến lược trên mặt trận chống đế quốc thực dân và chống các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội. Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước Liên Xô đã nhận định: “Tình hữu nghị Xô - Việt được xây dựng trên lợi ích và mục tiêu chung, trên nền tảng vững chắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và nghĩa vụ quốc tế xã hội chủ nghĩa”(2). Về phần mình, Việt Nam với tư cách là một nước nhỏ theo con đường xã hội chủ nghĩa, phải trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, do vậy, rất coi trọng quan hệ với Liên Xô - một siêu cường đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực phát triển rất khả quan, Liên Xô ngày càng coi trọng vai trò của Việt Nam như là tiền đồn của chủ nghĩa xã hội, là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Liên Xô ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, Liên Xô luôn giương cao khẩu hiệu “đối với những người cộng sản Liên Xô, đoàn kết với Việt Nam là mệnh lệnh của cả trái tim và trí tuệ”(3). Sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu về nhiều mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô trong hơn 40 năm (1950 - 1991) đã góp phần không nhỏ vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, 40 năm quan hệ đó đã tạo dựng được tình hữu nghị rất mực trong sáng, thủy chung và gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai nước.
2 - Giai đoạn 1991 - 2000: 10 năm thăng trầm của quan hệ Việt - Nga
- Những năm 1991 - 1993: Vào cuối năm 1991, Liên Xô giải thể, 15 nước cộng hòa thành viên của Liên Xô bước ra vũ đài quốc tế với tư cách những quốc gia độc lập, có chủ quyền, chủ thể pháp lý quốc tế được các nước khác thừa nhận. Riêng Liên bang Nga với tư cách “quốc gia kế tục”, trở thành nước kế thừa Liên Xô trong các mối quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ với Việt Nam. Nhưng cũng từ đây tính chất quan hệ Việt - Nga thay đổi sâu sắc. Đây là thời kỳ khó khăn nhất trong quan hệ hai nước, khi mối quan hệ này rơi vào trạng thái ngưng trệ, suy giảm mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn trước hết từ việc cả hai bên đều xác định lại các lợi ích quốc gia và các ưu tiên đối ngoại. Đối với Nga, những năm này Nga theo đuổi chính sách đối ngoại “định hướng Đại Tây Dương”, coi việc cải thiện và phát triển quan hệ với Mỹ và các nước tư bản phát triển phương Tây là ưu tiên số một. Với Việt Nam, những năm đầu sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Trung và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam rất khó khăn trong việc nhận diện đối tác mới: Nga trở thành một đối tác “vừa quen, vừa lạ” của Việt Nam. Hơn nữa, vào thời điểm này, Việt Nam đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, trong đó đặt ưu tiên hàng đầu cho việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực. Ngoài ra, sự thụ động của cả hai nước trước những thay đổi quá nhanh của tình hình quốc tế, mà hệ quả là trong khi cơ chế quan hệ truyền thống bị đổ vỡ thì cơ chế mới chưa kịp thiết lập đã cản trở quan hệ hai bên phát triển.
- Những năm 1994 - 1996: Quan hệ Việt - Nga bắt đầu khởi sắc nhờ những nỗ lực của hai nước trong việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp với tình hình mới. Hai nước đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga vào tháng 6-1994 nhân chuyến thăm chính thức Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hiệp ước này trở thành văn bản pháp lý thay thế Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam ký năm 1978. Theo đó, hai bên xúc tiến quan hệ trên nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Như phát biểu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, “chúng ta trở lại tình hữu nghị cũ nhưng không phải theo kiểu cũ, mà phải phát triển trên cơ sở quan hệ mới”(4).
Trên thực tế, quan hệ Việt - Nga bắt đầu có những tiến triển tích cực về mặt chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, quân sự - quốc phòng, văn hóa - giáo dục. Hai bên cũng bắt đầu phối hợp hợp tác trên các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế. Đáng chú ý là những tiến triển này liên quan mật thiết đến những thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Nga (từ “định hướng Đại Tây Dương” sang “định hướng Âu - Á”) và những chuyển biến tích cực trong quan hệ Việt Nam - ASEAN, Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam - Trung Quốc...
- Những năm 1997 - 2000: Đây là giai đoạn quan hệ Việt - Nga được nâng lên tầm cao mới về chất, trước hết trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, đánh dấu bằng 3 chuyến thăm cấp cao nhất giữa hai nước.
Một là, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga V. Chéc-nô-mư-đin vào tháng 11-1997. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Nga, thể hiện rõ mối quan tâm ngày càng tăng của Nga đối với việc phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam nói riêng, ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Thủ tướng Nga bày tỏ chủ trương của Tổng thống và chính phủ Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược và quan hệ với Việt Nam là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Nga.
Hai là, chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào tháng 8-1998. Đây cũng là chuyến thăm Nga đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, qua đó khẳng định vị thế quan trọng của Liên bang Nga trong chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam. Việt Nam chủ trương coi việc củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Nga là định hướng chiến lược lâu dài của Nhà nước Việt Nam.
Ba là, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 9-2000. Thành công nổi bật của chuyến thăm này là việc hai nước ký Hiệp định xử lý các khoản nợ của Việt Nam với Liên Xô mà Nga kế thừa - đây là yếu tố từng cản trở quan hệ kinh tế - thương mại Việt - Nga suốt thập niên 90 của thế kỷ XX.
Qua 3 chuyến thăm cấp cao nhất này cũng như các chuyến thăm và làm việc ở các cấp, các ngành giữa hai nước, nhiều hiệp định, văn bản hợp tác đã được ký kết, tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy tiến trình hợp tác toàn diện hơn.
Như vậy, trong 10 năm đầu kể từ khi kế thừa quan hệ Việt Nam - Liên Xô, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga đã trải qua những thăng trầm, thay đổi, điều chỉnh chính sách đối ngoại ở mỗi nước trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động sâu sắc. Mối quan hệ này đã nhanh chóng vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, sớm xác lập được khung khổ hợp tác kiểu mới trên cơ sở tôn trọng và kế thừa những giá trị quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp đã có. Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ vẫn tồn tại sự mất cân đối trong hợp tác về nhiều mặt giữa hai nước khi quan hệ chính trị - ngoại giao luôn đi trước và vượt trội hơn hẳn so với các lĩnh vực quan hệ song phương khác.
3 - Giai đoạn từ năm 2001 đến nay: Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga được xác lập và đi vào chiều sâu
Đây là giai đoạn quan hệ giữa hai nước ngày càng có thêm nhiều tiến triển tích cực. Sự kiện đầu tiên đáng chú ý nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga V. Pu-tin từ ngày 28-2 đến ngày 2-3-2001 - chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Nga, kể cả thời Liên Xô. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, trong đó có Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Với việc ký Tuyên bố chung, hai nước một lần nữa khẳng định sự tương đồng về nhu cầu hợp tác và quyết tâm chính trị nhằm đưa quan hệ đôi bên tiến triển theo hướng hợp tác chặt chẽ, ổn định lâu dài ở tầm chiến lược dài hạn.
Nhờ quyết tâm chính trị cao của hai nước, từ đó đến nay quan hệ Việt - Nga ngày càng đưa lại những kết quả thiết thực.
Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, các chuyến thăm cấp cao được hai nước thực hiện khá thường xuyên, tạo ra những chuyển biến quan trọng: hơn 40 hiệp định, hiệp ước, văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo điều kiện cho việc xúc tiến mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược đôi bên cùng có lợi đi vào chiều sâu. Hoạt động ngoại giao được triển khai tích cực trên cả 3 kênh (ngoại giao nhà nước, ngoại giao chính đảng và ngoại giao nhân dân), lĩnh vực hợp tác cũng ngày càng được mở rộng. Cơ chế đối thoại chiến lược Việt - Nga được thiết lập và bắt đầu đi vào hoạt động, mở đầu bằng cuộc gặp cấp thứ trưởng ngoại giao của hai nước vào tháng 11-2008. Đáng chú ý là ngoài những vấn đề quan hệ song phương, lãnh đạo hai nước thông qua các cuộc gặp chính thức tại mỗi nước và bên lề các hội nghị, các diễn đàn, tổ chức quốc tế cùng bàn thảo về những vấn đề chính trị - an ninh quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, tạo nên sự đồng thuận cao. Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 17 (tổ chức ở Xin-ga-po, tháng 11-2009), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Đ. Mét-vê-đép đã thảo luận về những định hướng và biện pháp đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga lên tầm cao hơn trong thời gian tới.
Trên lĩnh vực kinh tế - thương mại, nhờ lực đẩy của hợp tác chính trị - ngoại giao, quan hệ kinh tế Việt - Nga ngày càng có những tiến triển tích cực, nhất là những năm gần đây. Về thương mại, nếu như trong năm 2000, kim ngạch ngoại thương hai chiều chỉ đạt 363,117 triệu USD, thì từ năm 2005 đến nay đã vượt mức 1 tỉ USD; đặc biệt năm 2008 lên đến hơn 1,6 tỉ USD (tăng 62,4% so với năm 2007), trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nga 671,9 triệu USD (tăng 46,4%), nhập khẩu từ Nga 969,6 triệu USD (tăng 75,5%). Với đà tăng mạnh này, hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên mức 3 tỉ USD năm 2010 và 10 tỉ USD vào năm 2020(5).
Về đầu tư, năm 2008, Nga có 59 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 376,36 triệu USD (vốn thực hiện đạt trên 233 triệu USD), tập trung vào các lĩnh vực trồng và chế biến cao su, vận tải biển, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, dầu khí. Còn Việt Nam có 11 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn trên 34 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc, giày dép, sản xuất đồ gỗ. Đặc biệt, chỉ 6 tháng đầu năm 2009, Nga đã có 2 dự án đầu tư mới vào Việt Nam với số vốn đăng ký lên tới 329,8 triệu USD, đứng thứ 5 trong tổng số 35 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian này(6).
Lĩnh vực an ninh - quốc phòng là lĩnh vực hợp tác có bề dày truyền thống giữa hai nước, những năm gần đây có bước phát triển về chất. Quan hệ hợp tác quốc phòng và kỹ thuật quân sự Việt - Nga được đánh giá là ổn định, vững chắc, đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực vào việc tăng thêm hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Quan hệ Việt - Nga trên các lĩnh vực khác như khoa học - kỹ thuật, văn hóa - giáo dục cũng ngày càng sôi động hơn, đạt hiệu quả cao hơn thông qua các cơ quan như Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt - Nga, Hội hữu nghị Nga - Việt...
II - Một vài nhận xét
Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga 60 năm qua có thể thấy rằng, bất luận những thăng trầm, biến thiên của lịch sử, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước vẫn được duy trì tốt đẹp, được nâng lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu của cả hai bên, phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển của thời đại ngày nay. Đặc biệt, trong gần 10 năm đầu thế kỷ XXI, quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga đã có được tính ổn định và kế thừa. Có được kết quả này là do nỗ lực của cả hai phía trong việc gìn giữ, vun đắp mối quan hệ. Với Nga, việc nâng tầm mối quan hệ này là nhằm đáp ứng các lợi ích nhiều mặt của Nga không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, bởi Việt Nam là một trong không nhiều những đối tác thủy chung và tin cậy nhất của Nga hiện nay tại khu vực.
Đối với Việt Nam, quan hệ với Nga được coi là một mối quan hệ đặc biệt quan trọng, mang những nét đặc thù riêng biệt. Trong chuyến thăm Nga vào tháng 10-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với nước Nga, coi Nga là người bạn thủy chung, đối tác tin cậy của Việt Nam”.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, quan hệ hai nước chưa thực sự ngang tầm đối tác chiến lược, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của cả hai nước, nhất là trong kinh tế - thương mại. Nhìn chung, kể từ năm 1991 đến nay, hợp tác về lĩnh vực này giữa hai bên mới chủ yếu ở dừng lại ở khai thác dầu khí, năng lượng và trao đổi thương mại(7). Trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay, quan hệ kinh tế - thương mại là rất quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định tất cả. Dĩ nhiên, sẽ là mối quan hệ đối tác chiến lược lý tưởng nếu tính chất đối tác được thể hiện rõ ràng trên mọi lĩnh vực hợp tác và trong các tổ chức quốc tế mà hai nước là thành viên. Đó cũng là điều chúng ta mong muốn và đang nỗ lực cùng phía Nga đạt tới trong tương lai gần, để mối quan hệ này đáp ứng được lợi ích lâu dài của cả hai nước.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 82
(2) Bộ Ngoại giao Việt Nam - Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, Việt Nam - Liên Xô, 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Nxb Ngoại giao, Hà Nội, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1983, tr 584
(3) Tài liệu đã dẫn, tr 584
(4) Hoàng Liên: Thời kỳ mới của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga, Báo Nhân Dân, ngày 20-6-1994, tr 4
(5) http://vietrussia.com/bizcenter/o/news/1615/11718, Thương mại Việt - Nga: Tiến tới kim ngạch 3 tỉ USD vào năm 2010
(6) Tài liệu đã dẫn
(7) Lê Danh Vĩnh: Đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nga trong lĩnh vực kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, Tạp chí Cộng sản, số 792 (tháng 10-2008), tr 104
(8) Học thuyết đối ngoại mới của Liên bang Nga mang tên “Những định hướng cơ bản chính sách đối ngoại của Liên bang Nga” được Tổng thống Đ. Mét-vê-đép thông qua ngày 12-7-2008, trong đó lần đầu tiên kể từ thời En-xin, Việt Nam được đề cập đích danh trong định hướng chính sách của Nga tại Đông Nam Á như sau: “Chính sách của Nga hướng tới tăng cường tính năng động, tích cực trong quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, trước hết là phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam”
(9) http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/10/810504/, Nga coi trọng vị trí Việt Nam trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, ngày 27-10-2008
Nghệ An tập trung phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống các dân tộc ở miền Tây  (04/02/2010)
Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn sáng suốt của dân tộc Việt Nam  (03/02/2010)
Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam  (02/02/2010)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên