Xây dựng gia đình Việt Nam vững mạnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Chiến lược Phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhấn mạnh, việc phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình Việt Nam “tiến bộ, hạnh phúc”, làm cho mỗi gia đình “thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc xây dựng gia đình Việt Nam vững mạnh gắn liền với việc củng cố các mối quan hệ gia đình. Đó là thứ quan hệ rất sâu sắc, chịu sự chi phối thường xuyên và có những bộ phận tương ứng của mối quan hệ và mỗi bên đương sự có một số bổn phận tương ứng, như quan hệ vợ - chồng, quan hệ cha mẹ - con cái, quan hệ ông bà - con cái - cháu chắt.
Về quan hệ giữa vợ và chồng
Ở nước ta, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội ban hành và có hiệu lực kể từ năm 2007. Tuy nhiên, cho đến nay, giữa văn bản pháp quy và đời sống vẫn còn khoảng cách khá xa. Các cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy, trong đời sống gia đình, vị thế và vai trò giữa người vợ và người chồng còn nhiều khác biệt. Chẳng hạn, Điều tra gia đình Việt Nam năm 2006 cho thấy, còn đến 82,5% số người vợ làm việc nội trợ và 68,3% số người vợ đảm đương công việc chăm sóc trẻ nhỏ, trong khi có từ 61,1% đến 76,9% số người chồng ở đô thị (ở nông thôn là 77,9% và 88,6%) đứng tên các loại tài sản có giá trị, như nhà ở, đất đai, ô tô, xe máy… Người chồng thường là người giữ vai trò ra quyết định đối với một số công việc quan trọng trong gia đình. Như vậy, dù Luật Bình đẳng giới được ban hành và có hiệu lực, song nhiều người phụ nữ vẫn thường bị gạt ra ngoài những bảo đảm pháp lý. Để có sự bình đẳng thực sự giữa vợ và chồng trong gia đình, ngoài vai trò của truyền thông, của chính quyền và đoàn thể, còn đòi hỏi chính những người trong cuộc - cụ thể là người chồng và người vợ - phải không ngừng phấn đấu, nhằm gỡ bỏ quan niệm “trọng nam, khinh nữ”, xây dựng mối quan hệ vợ - chồng phù hợp với tinh thần của thời kỳ mới. Thực hiện giáo dục trước hôn nhân, phát triển các dịch vụ tư vấn về hôn nhân và đời sống gia đình, cũng như hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình là những biện pháp quan trọng duy trì sự hòa thuận, phát triển quan hệ bền vững giữa vợ và chồng.
Hiện nay, vấn đề bạo lực gia đình đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội, trong đó nổi bật nhất là bạo lực của người chồng đối với người vợ. Số liệu Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam năm 2010 cho thấy, có 58,3% số phụ nữ tham gia khảo sát đã trải qua ít nhất 1 hình thức bạo hành về thể chất, tinh thần hoặc tình dục, trong đó 27% số phụ nữ trải qua ít nhất 1 hình thức bạo lực trong vòng 12 tháng trước cuộc điều tra. Như vậy, cũng như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, mặc dù được ban hành và có hiệu lực từ năm 2008, đến nay vẫn chưa thực sự là sự bảo đảm pháp lý có ảnh hưởng sâu rộng đối với mọi tầng lớp nhân dân. Để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có thể nhanh chóng đi vào đời sống, một mặt cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó cho người dân và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trong gia đình. Mặt khác không thể xem nhẹ vai trò của cộng đồng nơi người dân sinh sống. Nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nên xem xét đưa vào các hương ước, tộc ước (ở đô thị là khu, tổ dân cư). Như vậy, việc kiểm soát xã hội đối với các hành vi bạo lực gia đình sẽ chặt chẽ hơn, ảnh hưởng của Luật sẽ ngày càng sâu rộng hơn.
Về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Qua nhiều năm thực hiện Chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, quan niệm về mức sinh và sinh con trai của người dân Việt Nam có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do đời sống vật chất của đa số người dân được cải thiện, mặt khác do việc kiểm soát mức sinh có phần lơi lỏng, nên việc sinh con thứ ba đã xuất hiện trở lại, mức độ chênh lệch về tỷ số giới tính rất đáng lo ngại. Số liệu từ cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy, mức trung bình về tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 110,5 bé trai/100 bé gái, đặc biệt ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Ninh, tỷ số này đã lên tới 115 bé trai/100 bé gái. Cuộc điều tra còn cho thấy, không chỉ các gia đình nông thôn, ít học mới mong có con trai mà chính các ông bố, bà mẹ có trình độ đại học trở lên lại là nhóm mong muốn sinh con trai nhiều nhất. Xét về mức sống, nhóm nghèo có tỷ số giới tính các con gần với mức sinh tự nhiên là 105 bé trai/100 bé gái, trong khi ở nhóm thu nhập khá hơn tỷ lệ này là 112 bé trai/100 bé gái. Đáng lưu ý là nhóm thanh niên có độ tuổi từ 14 đến 25, cũng coi việc có con trai là điều tất yếu. Số liệu điều tra thanh niên và vị thành niên Việt Nam năm 2009 cho biết, còn 12,6% số thanh niên nói cần phải có con trai. Cứ theo xu hướng này, tình trạng mất cân bằng giới tính sẽ diễn ra trầm trọng ở nước ta trong thời gian không xa. Nguồn lao động của đất nước sẽ bị thiếu hụt ở một số lĩnh vực cần đến bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ. Đây là điều rất cần được cảnh báo sớm - không chỉ cho các nhà quản lý trong việc thực thi Chiến lược Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho các nhà hoạch định chính sách phát triển - xã hội, mà cả cho các bậc cha mẹ, nhất là những người đang trong độ tuổi sinh đẻ. Sự kết hợp giữa nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về những hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính, cũng như kiểm soát chặt chẽ ứng dụng của khoa học y sinh học nhằm hạn chế việc chọn lọc giới tính thai nhi là rất cần thiết.
Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng khá bất ổn ở không ít gia đình, đó là việc thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục của các bậc cha mẹ đối với con cái, dù họ vẫn sống cùng nhà với các con - kể cả ở những gia đình “ăn nên làm ra”, cũng như ở các gia đình neo đơn, đang gặp khó khăn về kinh tế. Ở loại gia đình thứ nhất, do bố mẹ suốt ngày bận bịu với công việc và do chỉ lo làm giàu, nên không có thời gian để mắt đến con cái. Ở loại gia đình thứ hai, do bố mẹ còn phải bươn chải kiếm thêm thu nhập nhằm trang trải các khoản chi tiêu thiếu hụt của gia đình, nên con cái bị rơi vào tình cảnh không có người chăm sóc. Theo kết quả Điều tra Gia đình Việt Nam năm 2006, chỉ có 50% số vị thành niên cho biết được cha mẹ dành thời gian hằng ngày hướng dẫn, nhắc nhở việc học hành, chưa đầy 25% số vị thành niên cho biết cha mẹ chỉ liên hệ để tìm hiểu tình hình học tập của con cái ở trường học ở mức độ hằng tháng. Hơn 20% số cha mẹ không biết về thời gian học tập ở nhà và kết quả học tập ở trường của con cái ở độ tuổi 15 - 17. Đáng lưu ý là vẫn còn tỷ lệ không nhỏ cả cha và mẹ hoàn toàn không có thời gian chăm sóc con cái dưới 15 tuổi (6,8% ở người mẹ và 21,5% ở người cha). Những khiếm khuyết trên dẫn đến hậu quả không tránh khỏi, đó là việc trẻ em bỏ học, học kém, đi lang thang bụi đời, cuối cùng rơi vào vòng xoáy của các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, cướp giật, mại dâm và vô số các hiểm họa khác. Để khắc phục tình trạng này, sự hỗ trợ của cộng đồng và xã hội là vô cùng cần thiết, song trách nhiệm thường xuyên và không thể thiếu thuộc về gia đình, dòng họ và chính những bậc cha mẹ có con đang ở tuổi vị thành niên. Cần hỗ trợ để các bậc cha mẹ có nhiều thời gian hơn dành cho con cái, tăng cường sự hiểu biết của cha mẹ về đặc điểm tâm, sinh lý của con cái và nâng cao kỹ năng chăm sóc, giáo dục con cái, có thái độ tôn trọng và đối xử đúng mực với con cái.
Về mối quan hệ giữa người cao tuổi và con cháu
Việt Nam đang ở trong kỷ nguyên “dân số vàng”. Tuy nhiên, xu hướng già hóa dân cư đang diễn ra khá nhanh: năm 1979, tỷ lệ người cao tuổi trong tổng số dân cư là 7,1%, đến năm 1999 là 8,1% và năm 2009 là 10%. Hiện nay, có khoảng trên 30% số gia đình Việt Nam có người cao tuổi. Tốc độ già hóa dân cư đang đặt ra nhiều vấn đề xã hội quan trọng. So với nhiều nước khác trên thế giới, người già ở Việt Nam ở trong tình cảnh khá đặc thù. Do phải trải qua một thời gian chiến tranh khá dài, nên phần đông người cao tuổi không có sổ hưu, sổ tiết kiệm cũng như các nguồn tích lũy khác. Trong tổng số người cao tuổi có tới 70% đang tự làm việc nuôi sống mình hoặc nhờ vào phần trợ cấp hoặc nuôi dưỡng của con cháu; 50% có sức khỏe không tốt; 95% mắc ít nhất một loại bệnh. Có thể nói, nhóm người cao tuổi đang gặp nhiều khó khăn, do khó có khả năng chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, khó có thể tự nuôi sống bản thân. Điều này đòi hỏi không chỉ chính sách an sinh xã hội của Nhà nước cần lưu tâm, mà cộng đồng, nhất là con cháu và họ hàng cần tăng cường giúp đỡ người cao tuổi.
Điều đáng quan tâm là một bộ phận người cao tuổi đang phải trải qua các hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần và kinh tế do con cháu gây ra. Những nguyên nhân chủ yếu góp phần dung dưỡng các hành vi bạo lực đối với người cao tuổi là sự tôn thờ giá trị đồng tiền ở một số người, sự khác biệt về lối sống và sự thiếu quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể đối với mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình. Hiện tượng bạo lực đối với người cao tuổi gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với người cao tuổi và gia đình, xã hội. Điều này đòi hỏi cần sự quan tâm sâu sắc, bảo đảm cho những người cao tuổi có được những phút giây hạnh phúc, thanh thản cùng các thành viên trong mối quan hệ gia đình hòa thuận.
Một vấn đề khá mới mẻ, song rất đáng được lưu ý là cần mở rộng, đa dạng hóa các hình thức dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Trước đây, người cao tuổi thường sống chung với con cháu trong gia đình mở rộng và điều này đã trở thành bản sắc riêng ở các gia đình Việt Nam. Tính ưu việt của mô hình truyền thống này ở chỗ, sống trong gia đình mở rộng, một mặt người cao tuổi rất dễ dàng nhận được sự chăm sóc của con cháu, mặt khác họ cũng có thể giúp đỡ trở lại đối với con cháu bằng các việc làm cụ thể như nội trợ, trông coi cháu nhỏ, dạy dỗ và truyền đạt kinh nghiệm cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, hệ thống trợ giúp của gia đình cho người cao tuổi trong tương lai gần sẽ gặp những trở ngại do những biến động của quy mô dân số và xu thế hạt nhân hóa gia đình. Việc giảm số con trong gia đình sẽ làm giảm nguồn hỗ trợ cho cha mẹ khi tuổi già và làm tăng trách nhiệm của con cái trong việc chăm sóc cha mẹ. Sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động xã hội, nhiều thanh niên di cư ra thành phố, khu công nghiệp tìm kiếm việc làm khiến cho người cao tuổi càng cô đơn và thiếu nơi nương tựa. Nhiều người cao tuổi sẽ phải sống một mình và tự chăm sóc cho bản thân, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính và bệnh tật. Mô hình cổ truyền sống chung cùng con cháu đang giảm dần. Đây là một thực tế khách quan cần được chấp nhận. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người cao tuổi, bên cạnh các hình thức quen thuộc như chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà, dịch vụ chăm sóc theo yêu cầu và dịch vụ nuôi dưỡng tập trung, hiện nay ở nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ mới - như dịch vụ nuôi dưỡng người cao tuổi dưới hình thức đầu tư tư nhân, cổ phần…
Việc giải quyết hài hòa những mối quan hệ trên nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam bền vững, tiến bộ, đáp ứng ngày càng cao quá trình hội nhập quốc tế hiện nay./.
Tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam  (27/06/2013)
Để quần chúng nhân dân tham gia tốt hơn vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền  (27/06/2013)
Một số vấn đề trong Chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (27/06/2013)
Nội chiến Xy-ri: dân khổ, cộng đồng quốc tế lo lắng, chia sẻ  (27/06/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên