Tháo gỡ khó khăn về đầu tư, tài chính, nhân lực trong hoạt động khoa học - công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH - CN ở ĐBSCL chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều giống cây trồng và vật nuôi mới, nhiều quy trình sản xuất thâm canh, nhiều giải pháp phòng trừ dịch hại đối với cây trồng và vật nuôi được áp dụng hiệu quả. Chỉ tính riêng 69 giống lúa mới được gieo trồng trên diện tích 1,63 triệu ha đất canh tác ở ĐBSCL có năng suất tăng hơn các giống cũ 10%, đã làm tăng sản lượng thêm 500.000 - 790.000 tấn, làm lợi cho nông dân khoảng 1.200 - 1.900 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư để nghiên cứu lai tạo các loại giống cây lương thực (trong đó có lúa) chưa đến 30 tỷ đồng. Đó là một minh chứng về vai trò của KH - CN trong phát triển nông nghiệp ĐBSCL.
Tuy đạt được những bước phát triển khả quan, nhưng nhìn tổng thể, kinh tế vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đáng quan tâm là tình trạng kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, công tác quy hoạch vùng chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Nông nghiệp ở ĐBSCL phát triển chưa bền vững; cơ giới hóa nông nghiệp còn yếu và manh mún; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất, chất lượng và giá trị nhiều loại cây trồng, vật nuôi chưa cao. Những hạn chế, yếu kém về KH - CN đã tác động không nhỏ tới phát triển nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL.
Một trong những nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém đó xuất phát từ những bất cập trong lĩnh vực đầu tư, tài chính và nguồn nhân lực cho hoạt động KH - CN kéo dài nhiều năm qua.
Bất cập trong hoạt động KH - CN ở vùng ĐBSCL
- Đầu tư hạn chế: khó phát huy tiềm lực KH - CN
Theo nhận định của Bộ KH - CN, vùng ĐBSCL có mạng lưới các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc loại thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Báo cáo đánh giá hoạt động KH - CN các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6-2012 công bố tại “Hội nghị KH - CN vùng ĐBSCL” tổ chức ở tỉnh Hậu Giang tháng 8-2012 cho thấy, trong giai đoạn này, có rất ít dự án đầu tư tăng cường tiềm lực KH - CN tại các tỉnh, thành trong vùng. Các dự án có quy mô chưa lớn, chủ yếu tập trung vào các nội dung như: xây dựng trụ sở làm việc của sở KH - CN (1 dự án); xây dựng trụ sở làm việc của các trung tâm ứng dụng KH - CN (4 dự án); xây dựng khu thực nghiệm (3 dự án); đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, nâng cấp phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định (10 dự án).
Đến nay, nhiều tỉnh tuy đã thành lập được Trung tâm Thông tin và ứng dụng KH - CN nhưng do đầu tư hạn chế, yếu kém về cơ sở vật chất, thiếu nhân lực, nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng. Đầu tư tiềm lực cho KH - CN còn ít, thiếu vốn nên không mở rộng được sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khó đáp ứng nhu cầu tự chủ về kinh phí theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Giá trị chất xám và giá trị tăng thêm trong đầu tư thực hiện nhiều đề tài, dự án chưa cao, giá trị khoa học trong sản phẩm làm ra chiếm tỷ lệ nhỏ do đầu tư nghiên cứu còn manh mún, chưa tập trung, suất đầu tư thấp. Tình trạng thiếu sự hợp tác giữa tổ chức và cá nhân nghiên cứu KH - CN với cơ quan quản lý nghiên cứu, cơ quan chuyển giao kết quả nghiên cứu và cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án dẫn đến hệ quả là sau khi có kết quả nghiên cứu, thử nghiệm thường không có đơn vị tổ chức triển khai tiếp giai đoạn ứng dụng vì thiếu nguồn kinh phí đầu tư.
- Cơ chế tài chính bất cập làm giảm động lực nghiên cứu
Vẫn theo báo cáo của Bộ KH - CN, năm 2011 tổng kinh phí đầu tư phát triển KH - CN trong cả nước là 2.715 tỷ đồng, trong đó ĐBSCL chỉ được cấp 234 tỷ đồng (chiếm chưa đến 9%); vốn sự nghiệp KH - CN cả nước năm 2011 là 1.560 tỷ đồng, trong đó ĐBSCL được cấp trên 232 tỷ đồng (chiếm 15%). Nguồn kinh phí hạn hẹp này khiến nhiều địa phương khó phát triển sự nghiệp KH - CN; chưa đáp ứng nhu cầu khuyến khích đưa tiến bộ KH - CN vào sản xuất và đời sống. Trong khi đó, nhiều quy định về định mức chi đặc thù của ngành KH - CN, cơ chế khoán chi, dự toán và sử dụng kinh phí ngân sách cho hoạt động KH - CN không còn phù hợp trước những biến động về giá cả.
Ở nhiều địa phương, số lượng đề tài, dự án KH - CN mà các sở, ngành, các huyện triển khai hằng năm không nhiều, tỷ lệ giải ngân nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học dành cho các huyện rất thấp. Bộ KH - CN vẫn chưa có những quy định cụ thể về định mức chi thực hiện các đề tài KH - CN cấp cơ sở nên công tác quản lý KH - CN cấp cơ sở còn nhiều khó khăn.
Các thủ tục liên quan đến tài chính hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng công nghệ còn nhiều khâu rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian. Đối tượng áp dụng cơ chế tự chủ trong hoạt động KH - CN vẫn còn bó hẹp trong phạm vi các tổ chức thuộc Bộ KH - CN, Sở KH - CN các tỉnh, thành, chưa mở rộng cho các đối tượng khác như: các tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KH - CN được tổ chức theo các hình thức viện, trung tâm, phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu, trạm quan trắc, trạm thử nghiệm… thuộc nhiều bộ, ngành, lĩnh vực khác.
Những bất cập về cơ chế tài chính kéo dài nhiều năm qua dẫn đến một hệ quả là nhiều tổ chức khoa học, nhà khoa học muốn thực hiện đề tài, dự án thiết thực với sản xuất, đời sống nhưng không có kinh phí thực hiện, khiến nhiều nhà khoa học giảm đam mê và động lực nghiên cứu.
- Nhân lực thiếu và yếu dẫn tới khó định hướng nghiên cứu
Theo thống kê tổng hợp từ Sở KH - CN 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, trong giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6-2012, toàn vùng có 1.003 cán bộ KH - CN đang hoạt động. Trong đó, số cán bộ có trình độ tiến sĩ là 12 người (chiếm 1,19%); thạc sĩ: 146 người (14,55%); đại học: 624 người (62,21%); cao đẳng và trung cấp: 91 người (9,07%) và lao động phổ thông: 130 người (12,96%). Thực trạng này cho thấy đội ngũ cán bộ KH - CN ở ĐBSCL còn rất thiếu và yếu.
Thiếu cán bộ, chuyên gia đầu đàn về KH - CN trong nhiều lĩnh vực quan trọng như công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch…; phần lớn cán bộ khoa học kỹ thuật nặng về nghiên cứu, chưa quan tâm đến yếu tố thị trường KH - CN, chưa gắn kết được các họat động nghiên cứu, ứng dụng với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất - kinh doanh ở địa phương và cả vùng. Nhiều địa phương vùng ĐBSCL muốn thực hiện được các yêu cầu, nhiệm vụ về KH - CN phải mời các chuyên gia hợp tác, hỗ trợ, phản biện. Trong khi đó, Nhà nước lại chưa có quy định cụ thể về chế độ mời chuyên gia hoặc hợp tác với chuyên gia nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện các chương trình KH - CN.
Nhiều tỉnh hiện rất thiếu hoặc không có cán bộ chuyên trách về KH - CN cấp huyện (phần lớn là làm việc kiêm nhiệm) và đội ngũ này thường xuyên biến động, không ổn định nên khó thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Do năng lực yếu, nhiều cán bộ quản lý KH - CN cấp huyện gặp khó khăn trong việc vận hành các quy định quản lý và triển khai đề tài dự án KH - CN, định hướng chưa tốt công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phù hợp với thực tiễn địa phương.
Hệ thống cơ quan nghiên cứu, ứng dụng KH - CN ở nhiều tỉnh còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ nên gặp nhiều khó khăn trong tổ chức lực lượng để tham gia các chương trình KH - CN cấp nhà nước và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu lớn của các tỉnh, của vùng ĐBSCL - nhất là các chương trình mục tiêu về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn
- Định hướng giai đoạn 2012 - 2015
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định: “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH - CN, xem đó là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả của KH - CN. Chuyển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; phát triển các doanh nghiệp KH - CN, thị trường KH - CN. Đổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước; xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả các chương trình, đề tài KH - CN theo hướng phục vụ thiết thực mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy hiệu quả ứng dụng làm thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng công trình. Thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài KH - CN”(1).
Trên cơ sở đó, Bộ KH - CN cùng các địa phương đã định hướng phát triển KH - CN vùng ĐBSCL giai đoạn 2012 - 2015 là:
- Hoạt động KH - CN phải gắn với định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của từng tỉnh/thành, của vùng ĐBSCL và cả nước, nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động KH - CN phải đi đôi với việc tăng cường tiếp thu, ứng dụng các thành tựu KH - CN tiên tiến vào sản xuất và đời sống, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và cả vùng ĐBSCL, đặc biệt là những tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản.
- Chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản…; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản chế biến, công nghệ thông tin… nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển những sản phẩm chủ lực và mũi nhọn của vùng là lúa gạo, thủy sản, trái cây, nhằm tạo ra những mũi đột phá trong sản xuất và dịch vụ nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới.
- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KH - CN, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho KH - CN, nhất là từ các doanh nghiệp… Bên cạnh việc sử dụng hợp lý nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần tăng cường hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với các vùng, miền khác trong nước, hợp tác quốc tế để đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển KH - CN.
- Một số giải pháp và kiến nghị
+ Về đầu tư tiềm lực KH - CN
Sớm xây dựng, triển khai và đẩy mạnh cơ chế hợp tác trong hoạt động KH - CN giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; giữa các tổ chức KH - CN Trung ương với các trung tâm KH - CN vùng ĐBSCL. Trên cơ sở đó, Nhà nước tập trung đầu tư, hỗ trợ việc nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa chủ lực của vùng, nhất là lúa gạo, thủy sản, trái cây.
Bộ KH - CN sớm triển khai, cụ thể hóa Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH - CN, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động KH - CN ở các tỉnh, thành; tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH - CN vào sản xuất và đời sống.
Quan tâm đầu tư nghiên cứu các đề tài, dự án nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, thủy sản của vùng ĐBSCL trên cơ sở thực hiện Đề án liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực. Tăng nguồn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước để tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, triển khai KH - CN phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường đầu tư có hệ thống các cơ quan chuyển giao tiến bộ KH - CN phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng dịch vụ KH - CN, Trung tâm Kỹ thuật và công nghệ sinh học, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư… Trước mắt, có thể chọn một hoặc một vài địa phương ở ĐBSCL làm thí điểm về việc hỗ trợ triển khai ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các địa phương khác.
+ Về cơ chế tài chính
Bộ KH - CN kiến nghị với Chính phủ ban hành cơ chế tài chính đặc thù trong nghiên cứu KH - CN vì hiện nay Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN và Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế, tạo ra những “rào cản” trong hoạt động KH - CN.
Sớm sửa đổi các thủ tục hành chính về quản lý tài chính KH - CN theo hướng đơn giản thủ tục hành chính. Có thể xem xét, chuyển phương thức quản lý tài chính từ dự toán các mục chi tiêu của đầu vào trong nghiên cứu, ứng dụng KH - CN sang chi trả theo chất lượng, thông số tiêu chuẩn của sản phẩm đầu ra đối với các đề tài dự án tham gia đấu thầu và có sản phẩm lượng hóa được. Xây dựng cơ chế trích thưởng tỷ lệ phần trăm cho chủ nhiệm đề tài đối với những sản phẩm KH - CN được thương mại hóa, được thị trường chấp nhận.
Cần có cơ chế tài chính đặc thù và thỏa đáng nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức KH - CN phát huy tính năng động, sáng tạo, tìm kiếm các hợp đồng dịch vụ, không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ KH - CN phục vụ khách hàng. Các hoạt động dịch vụ KH - CN cần chú trọng vào việc phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là nông dân vùng ĐBSCL.
Bộ KH - CN và Bộ Tài chính phối hợp xem xét, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý tài chính của các đề tài, đề án, dự án KH - CN nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành thu hút thêm nhiều thành phần tham gia thực hiện và nâng cao hiệu quả thực hiện các đề tài, đề án, dự án KH - CN.
Áp dụng cơ chế khoán kinh phí theo nội dung nghiên cứu đã được Hội đồng tư vấn xét chọn, tuyển chọn đề tài, dự án thông qua. Cơ chế này cần được thực hiện trên cơ sở thẩm định kỹ về nội dung, sản phẩm nghiên cứu, dự toán kinh phí thực hiện, chất lượng và hiệu quả cuối cùng của sản phẩm KH - CN được tạo ra; đồng thời bảo đảm được các điều kiện thực hiện cũng như làm rõ quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức chủ trì và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được giao khoán.
+ Về phát triển nguồn nhân lực
Quan tâm xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ KH - CN phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục xem xét, thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án đào tạo nguồn nhân lực KH - CN phù hợp với yêu cầu của các tỉnh, thành trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ưu tiên đào tạo cán bộ cho các lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật cao (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới…), nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH - CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.
Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với trí thức và hoạt động KH - CN; quan tâm phát hiện đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ hợp lý và tạo môi trường thuận lợi để phát huy đúng mức tiềm lực của đội ngũ cán bộ KH - CN ở các địa phương. Thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, xóa dần chế độ phân phối bình quân, thực thi chế độ đãi ngộ tương xứng với những cống hiến và thành quả mà cán bộ KH - CN đã đóng góp; không giới hạn mức thu nhập với những cán bộ KH - CN thực sự có tài, có tâm.
Để tạo môi trường thu hút nhân tài trong lĩnh vực KH - CN, các ngành, các địa phương cần chú trọng: (1) Tạo điều kiện làm việc tốt (phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm, phương tiện thông tin, môi trường làm việc dân chủ, minh bạch, trung thực…); (2) Nhân tài phải được biết mình được thu hút về để giải quyết những vấn đề gì của địa phương, của ngành, đơn vị và được quyền tự chủ trong lĩnh vực hoạt động của mình; (3) Có thu nhập bảo đảm ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình.
Chú trọng việc tuyển chọn, gửi cán bộ KH - CN đi đào tạo đồng bộ ở các quốc gia có nền KH - CN tiên tiến. Có chính sách thu hút đầu tư xây dựng tại địa phương hoặc liên kết nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL cùng xây dựng các trường đại học, cao đẳng có trình độ quốc tế đào tạo nguồn nhân lực KH - CN. Song song đó, cần gắn đào tạo với sử dụng, phát huy nguồn nhân lực thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các cơ quan sử dụng cán bộ KH - CN, các địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế./.
---------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr. 219
“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng…”  (21/06/2013)
“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng…”  (21/06/2013)
Ủy Ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội và Bộ Công an ký kết Quy chế phối hợp công tác  (20/06/2013)
Campuchia đứng đầu về tăng trưởng sản xuất gạo  (20/06/2013)
- Các quốc gia tầm trung trong bối cảnh mới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam đến năm 2030
- Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người với việc xây dựng và phát huy nhân tố con người để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay
- Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam
- Phát triển tài chính toàn diện trên cơ sở mối quan hệ với công nghệ tài chính và hàm ý chính sách cho Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay