Nguyễn Cơ Thạch - nhà ngoại giao tài ba, khôn khéo
Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch sinh ngày 15-5-1921 trong một gia đình lao động nghèo, có truyền thống cách mạng, tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Sinh ra trong lúc nước nhà còn chịu cảnh nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, từ khi còn nhỏ, đồng chí đã tận mắt chứng kiến cảnh lầm than, cơ cực của người lao động, những bất công ngang trái và tủi nhục của người dân mất nước nên đã sớm giác ngộ lòng yêu nước, chí căm thù giặc và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, khi mới 16 tuổi. Năm 1937, đồng chí tham gia tổ chức Thanh niên Dân chủ rồi Thanh niên Phản đế tại Nam Định. Năm 1940, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt, kết án tù 5 năm và bị giam cầm tại các nhà lao Nam Định, Sơn La, Hòa Bình.
Thế nhưng, ngục tù đế quốc đã không khuất phục nổi ý chí cách mạng và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của người thanh niên cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Cơ Thạch. Năm 1943, tại nhà tù Sơn La - nhà tù khét tiếng tàn ác của chủ nghĩa đế quốc và là nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng, đồng chí đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí được giao nhiều trọng trách như: Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy các cơ quan của Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh, Phó Bí thư rồi quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Tỉnh, Ủy viên Đảng đoàn và Ủy viên Hành chính kháng chiến Liên khu III, Bí thư Đảng ủy các cơ quan của Liên khu.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đảm đương nhiều chức vụ quan trọng như: Tổng lãnh sự Việt Nam đầu tiên tại Ấn Độ, Thứ trưởng và Ủy viên Đảng đoàn Bộ Ngoại giao, quyền Trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị quốc tế Giơ-ne-vơ về Lào; thành viên, Phó Đoàn đàm phán với Mỹ đưa đến ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự nhiều hội nghị quốc tế và thăm nhiều nước, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao… Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị (khóa V), và sau đó là Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, Đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII.
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã có nhiều đóng góp trong việc đưa ra những nhận định sáng suốt, những sáng kiến giá trị để tháo gỡ khó khăn, góp phần đưa ngoại giao trở thành mặt trận đấu tranh có hiệu quả. Khi là Trợ lý cho Cố vấn Lê Đức Thọ trong Đoàn đàm phán Hiệp định Pa-ri (1972 - 1973), đồng chí đã tham gia tích cực trong suốt 4 tháng xây dựng, rà soát và hoàn chỉnh tất cả các văn bản của Hiệp định. Cùng với quyết tâm của cả nước, Đoàn ta đã đàm phán thành công và đi đến ký kết Hiệp định Pa-ri năm 1973, trong đó có công lao đóng góp không nhỏ của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch.
Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã tích cực bảo vệ quyền hợp pháp của nước Cộng hòa Nhân dân Cam-pu-chia tại Liên hợp quốc, cùng với các đồng sự Lào phối hợp hành động, tranh thủ Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và nhiều nước khác ủng hộ quá trình tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Cam-pu-chia.
Từ năm 1980, với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao, đồng chí dành nhiều thời gian tham mưu cho Bộ Chính trị trong việc đề ra và xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta không chỉ trên mặt trận đối ngoại, mà trên nhiều lĩnh vực thuộc đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước. Trên cơ sở tư duy đổi mới, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã đóng góp tích cực và có hiệu quả bằng việc kiến nghị và góp phần chỉ đạo thực hiện những điều chỉnh có ý nghĩa chiến lược về đường lối, chính sách đối ngoại, đưa nước ta thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập; tiến hành bình thường hóa và mở rộng quan hệ với các nước, trong đó có những nước lớn và tổ chức quốc tế quan trọng.
Trước cục diện chính trị thế giới năm 1989 - 1991 có bước ngoặt cơ bản, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã khôn khéo chèo lái quan hệ quốc tế của Việt Nam vượt qua những thử thách và biến động trên thế giới, tạo ra đột phá để triển khai chính sách đối ngoại trong thời kỳ đổi mới. Những chiến dịch đấu tranh dồn dập, chủ động, mạnh mẽ của Ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết dứt điểm vấn đề Cam-pu-chia (tháng 11-1991), bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (tháng 11-1991), cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á và gia nhập ASEAN (tháng 7-1995), Mỹ bãi bỏ cấm vận (tháng 2-1994) và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam (tháng 7-1995).
Điểm nổi bật ở Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là sự kết hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa việc quán triệt tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng cũng như tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh với việc cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện; giữa tính kiên định về nguyên tắc với tính năng động, sáng tạo và tinh thần đổi mới dựa vào hoàn cảnh, nhiệm vụ cụ thể của đất nước nói chung và của ngành Ngoại giao nói riêng. Ông đã truyền cho cán bộ ngoại giao tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bền bỉ, tận tụy, dám nghĩ, dám làm với tinh thần trách nhiệm lớn lao, tính khẩn trương cao độ và tinh thần tấn công liên tục.
Nhà ngoại giao tài ba và khôn khéo
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn có những đóng góp rất có ý nghĩa vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới, như đường hướng cải cách kinh tế, mở cửa và hội nhập, thực hiện cơ chế một giá, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ rất sớm, ông đã rất coi trọng việc đẩy mạnh hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhận thấy trong hoạt động đối ngoại có động lực và nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với nhiệm vụ duy trì và củng cố môi trường quốc tế hòa bình và ổn định đất nước, hoạt động đối ngoại còn có nhiệm vụ góp phần tranh thủ vốn, công nghệ, viện trợ và sự hợp tác nhiều mặt của nước ngoài, bổ sung cho nội lực của đất nước. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chỉ đạo ngành Ngoại giao thực hiện những biện pháp về tổ chức, chuyên môn và đào tạo để bộ máy và đội ngũ cán bộ có thể đáp ứng ngày một tốt hơn nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội thảo kỷ niệm 50 năm Ngoại giao Việt Nam, ngày 22-8-1995, sau khi thôi giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch nói: Nếu kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại thì yếu cũng trở thành mạnh và sức mạnh của dân tộc cũng tăng lên nhiều lần. Nếu đi ngược xu thế của thời đại thì mạnh cũng trở thành yếu. Nhưng nếu không kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại thì chẳng những bỏ mất cơ hội, chẳng những yếu không trở thành mạnh mà còn có nguy cơ bị yếu đi, vì các nước sẽ không bỏ lỡ thời cơ, họ sẽ trở nên mạnh hơn. Và khoảng cách giữa ta và họ càng trở nên rộng ra. Đây là một cuộc chạy đua không bao giờ ngừng giữa các nước trong việc phát triển kinh tế và tăng cường lực lượng. Bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại vẫn còn đang nóng hổi”.
Những năm tháng cuối đời, tuy tuổi cao nhưng đồng chí vẫn nhiệt tình đóng góp tâm lực tham gia nghiên cứu, tổng kết công tác ngoại giao, tham gia nghiên cứu kinh tế thế giới và chiến lược đối ngoại nhằm phục vụ sự nghiệp Đổi mới của đất nước.
Trong cuốn sách Chân dung năm cố Bộ trưởng Ngoại giao do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2005, phần viết về cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã ghi ông là vị Bộ trưởng phá bao vây, cấm vận. Đây không phải là tất cả những gì Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã làm, nhưng là một sự tóm lược chính xác những đóng góp nổi bật và tiêu biểu nhất của ông trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.
Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí đã được Đảng, Nhà nươc tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và nước ngoài. Ngày 15-1-2007, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch được truy tặng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của Ðảng và Nhà nước ta. Tại lễ truy tặng này, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: “Suốt hơn 60 năm hoạt động cách mạng, với phẩm chất của một chiến sĩ cộng sản ưu tú, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã dành cả cuộc đời mình chiến đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí xứng đáng là người con xuất sắc của ngành ngoại giao, nhà lãnh đạo xuất sắc, góp phần to lớn đưa ngành ngoại giao đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cùng với nhân dân cả nước”.
Từ tháng 8-2008, một con đường ở Hà Nội đã mang tên ông: Phố Nguyễn Cơ Thạch. Việc lấy tên ông đặt cho một con phố ở Thủ đô, như lời phát biểu của bà Phan Thị Phúc - người đồng chí, người bạn đời của ông - “là sự ghi nhận của lịch sử về những đóng góp của ông đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc”.
Công lao và dấu ấn của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch vẫn còn đậm nét trong ngành Ngoại giao Việt Nam hôm nay. Hình ảnh về một người cộng sản hết lòng vì sự nghiệp cách mạng vẫn còn sống mãi./.
Mười bảy Tuổi Lên đường Theo Đảng Cuộc Đấu tranh Vào tử Ra sinh Gan Chiến sĩ Vững bền Thiết thạch | Sáu mươi Năm Vì nước Quên thân Trường Quốc tế Bớt thù Thêm bạn Trí Anh hùng Tỏa sáng Mưu cơ |
Câu đối do GS Vũ Khiêu đề tặng nhân ngày giỗ lần thứ năm của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Đảng Cộng sản Bra-xin  (09/04/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Thủ hiến vùng Oa-lô-ni - Bờ-rúc-xen  (09/04/2013)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 17  (09/04/2013)
Đồng chí Lê Hồng Anh tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Bình Định  (09/04/2013)
Đồng chí Ngô Văn Dụ thăm và làm việc tại Bắc Kạn  (09/04/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên