Liệu có hình thành một trật tự kinh tế toàn cầu mới?
Một mũi tên bắn trúng hai đích
Nền kinh tế của Mỹ và EU hiện vẫn trong cơn bĩ cực, với tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng, núi nợ công không ngừng tăng lên, khả năng phục hồi kinh tế sau khủng hoảng rất èo uột, trong khi triển vọng kinh tế toàn cầu đang hết sức ảm đạm. Do đó, Mỹ và EU kỳ vọng TTIP sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng và củng cố quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi. Sự kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở khi nền kinh tế Mỹ và EU chiếm gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 1/3 thương mại toàn cầu với doanh số đạt khoảng 2,7 tỷ USD giá trị của các loại hàng hóa và dịch vụ trao đổi hằng ngày. Chỉ tính riêng năm 2011, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai bên đạt trên 646 tỷ USD. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - EU sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai đối tác, làm tăng thêm khoảng 120 tỷ USD trong vòng 5 năm và GDP tăng thêm gần 180 tỷ USD. Theo Ủy ban châu Âu (EC), hiệp định thương mại mới có thể tạo thêm hai triệu việc làm mới trong mỗi năm, đồng thời làm tăng 0,5 GDP của EU và 0,4% GDP của Mỹ vào năm 2027. Mặc dù thuế quan giữa Mỹ và EU đang ở mức tương đối thấp, chỉ khoảng từ 3% đến 4%, song nếu được xóa bỏ sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ sang EU tăng lên 17% và xuất khẩu của EU sang Mỹ tăng 18%.
Trong một thông cáo chung, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Héc-man Van Rôm-pơi (Herman Van Rompuy) nhấn mạnh, TTIP sẽ giúp Mỹ và EU mở rộng hoạt động thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương, cũng như góp phần xây dựng và phát triển các quy định toàn cầu nhằm củng cố hệ thống thương mại đa phương. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Giô-dê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) cũng cho rằng, một thỏa thuận tương lai giữa hai cường quốc kinh tế quan trọng nhất thế giới sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi. Hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Còn Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thô-mát Đô-nô-hiu (Thomas Donohue) khẳng định, vì mục đích tạo công ăn việc làm và tăng trưởng, đã đến lúc Mỹ và EU phải dũng cảm thúc đẩy hiệp định thương mại tự do mới.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, không phải lợi ích kinh tế song phương mà chính sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc mới là nhân tố thôi thúc Mỹ và EU quyết định nhanh chóng xúc tiến đàm phán về TTIP. Brúc-xen và Oa-sinh-tơn công khai thừa nhận, chính sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ngày càng gia tăng tiếp thêm “sức mạnh” cho Mỹ và EU nỗ lực hoàn tất thỏa thuận được coi là tham vọng nhất kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời năm 1995 và mở đường cho sự ra đời khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới. Hiệp định mà Mỹ và EU dự định đàm phán bao gồm việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu, hủy bỏ những rào cản đối với thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cũng như thống nhất hóa các tiêu chuẩn và quy định, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Vì thế, nếu có hiệu lực, nó có thể sẽ ảnh hưởng rộng lớn đến toàn cầu, tạo ra các tiêu chuẩn cho các sản phẩm và nông nghiệp trên khắp thế giới, từ đó có thể buộc các nước, kể cả Trung Quốc, phải tuân theo “luật chơi” do châu Âu và Mỹ đặt ra.
Còn lắm chông gai
Mặc dù TTIP được Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông trong nhiệm kỳ lần thứ hai, song để về được tới đích trong khoảng thời gian hai năm thì Mỹ và EU phải nỗ lực vượt qua con đường đầy chông gai phía trước. Ông Ca-ren Đờ Gớt (Karel De Gucht), Cao ủy thương mại EU, cảnh báo, các cuộc đàm phán với Mỹ về TTIP sẽ hết sức khó khăn.
Vấn đề hóc búa nhất trong các cuộc đàm phán sắp tới là việc mở cửa thị trường EU cho hàng hóa nông nghiệp của Mỹ. Hiện EU cấm nhập khẩu từ Mỹ các loại cây trồng biến đổi gen và thực phẩm có nguồn gốc từ động vật vô tính, thịt động vật chứa hoóc-môn tăng trưởng. Đáp lại, Mỹ yêu cầu EU đưa ra những bằng chứng khoa học về tác hại dẫn đến lệnh cấm nhập loại thực phẩm này, đồng thời bày tỏ lo ngại về vi khuẩn tự nhiên trong các sản phẩm pho-mát của Pháp và thịt bò nhập khẩu từ châu Âu. Lãnh đạo hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã cảnh báo, chỉ ủng hộ TTIP trong trường hợp giảm các rào cản thương mại và dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với nông sản của Mỹ. Trong khi đó, ông Ni-cô-lát Bri-cau (Nicolas Bricaud), Bộ trưởng Thương mại Pháp, quốc gia vào năm 1998 đã hủy thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương vì lo ngại gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp của mình, cũng nhấn mạnh rằng, chỉ ủng hộ thỏa thuận trên nếu nó mang lại lợi ích cho nước này.
Một vấn đề khác không kém phần gai góc đang chờ đợi các nhà đàm phán hai bên, đó là việc trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay, vốn đang là đối thủ của nhau trên thị trường hàng không dân dụng thế giới - Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ. Vấn đề này từng gây ra cuộc tranh cãi kéo dài nhất trong lịch sử WTO. Bên cạnh đó, châu Âu thường có tiêu chuẩn môi trường cao hơn và các quy định đối với nhiều sản phẩm cũng nghiêm ngặt hơn, kể cả dược phẩm. Các quan chức Mỹ từng công khai chỉ trích các đạo luật của EU liên quan đến bảo mật dữ liệu là “chủ nghĩa bảo hộ kỹ thuật số”. Ngoài ra, Mỹ lo ngại loại thuế giao dịch tài chính của châu Âu sẽ áp đặt đối với các chủ nợ thế chấp mới trong giao dịch tài chính ở 11 nước châu Âu, kể cả Đức và Pháp. Hơn nữa, chính cơ cấu EU gồm 27 nước thành viên cũng sẽ khiến các cuộc đàm phán trở nên phức tạp hơn, vì rất có thể xảy ra tình trạng “trăm người trăm tính”, vốn thường xảy ra ở “lục địa già” trong thời gian qua.
Trước những khó khăn kể trên, một số nhà phân tích cho rằng, khung thời gian đàm phán về TTIP gói gọn trong hai năm chỉ là tham vọng và một số lĩnh vực bất đồng khó có thể giải quyết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Mỹ và EU đang muốn thoát khỏi tình trạng kinh tế yếu kém kéo dài, đồng thời hợp lực để đối phó với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng mạnh mẽ, các nhà lãnh đạo chính trị hai bên bờ Đại Tây Dương sẽ nỗ lực thúc đẩy TTIP, bất chấp mọi trở ngại. Nếu thành công, TTIP là cơ sở để hình thành nên trật tự kinh tế toàn cầu mới, nơi phần lớn các nước phải “chơi” theo luật do các nước phương Tây giàu có đặt ra./.
Tình hình tài chính công của Anh cải thiện rõ rệt  (22/03/2013)
Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm Đức  (22/03/2013)
Người Việt tại Thái Lan tọa đàm về sửa đổi Hiến pháp  (22/03/2013)
Đẩy mạnh hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và xứ Wales  (22/03/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên