TCCS - Qua gần 90 năm phát triển, Đảng Cộng sản Nhật Bản hiện có hơn 400.000 đảng viên, là một trong những đảng cộng sản không cầm quyền lớn nhất thế giới. Kể từ khi thành lập năm 1922, qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm của lịch sử “đất nước mặt trời mọc”, Đảng Cộng sản Nhật Bản vẫn giữ vững cương lĩnh của Đảng và đang hướng tới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nhật Bản trong thế kỷ XXI.

Lịch sử phát triển qua các kỳ Đại hội

Trong lịch sử phát triển gần 90 năm, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã tiến hành 25 kỳ Đại hội, từ Đại hội lần thứ I (ngày 15-7-1922) tới Đại hội lần thứ XXV (từ ngày 13 đến 16-1-2010). Trong đó đáng chú ý nhất là những kỳ đại hội đã để lại dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Đảng Cộng sản Nhật Bản.

Đại hội lần thứ I (năm 1922), hay còn gọi là Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Nhật Bản, diễn ra trong bối cảnh phong trào công nhân và dân chủ đang phát triển mạnh ở Nhật Bản dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Đại hội thông qua Điều lệ tạm thời và Cương lĩnh hoạt động của Đảng Cộng sản Nhật Bản, quyết định Đảng Cộng sản Nhật Bản gia nhập Quốc tế Cộng sản. Theo Điều lệ tạm thời, Đảng Cộng sản Nhật Bản xây dựng trên nguyên tắc tập trung dân chủ. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Nhật Bản là các kỳ đại hội của Đảng. Giữa các kỳ đại hội, hoạt động của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo. Ngay sau khi thành lập cho đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, Đảng Cộng sản Nhật Bản phải hoạt động bí mật. Sau khi thành lập, Đảng đã bắt tay vào cuộc đấu tranh thực hiện cuộc cách mạng dân chủ tư sản nhằm lật đổ chế độ Thiên hoàng chuyên chế và xóa bỏ hệ thống địa chủ nửa phong kiến, bảo vệ quyền dân chủ và các lợi ích căn bản của người lao động.

Đại hội lần thứ VIII (năm 1961) thông qua Cương lĩnh và Điều lệ mới của Đảng Cộng sản Nhật Bản; khẳng định đường lối đấu tranh thông qua dân chủ nghị trường, tiến hành cách mạng bằng các biện pháp hòa bình, thành lập mặt trận dân tộc dân chủ thống nhất, mở rộng sự có mặt của Đảng trong Nghị viện và các cơ quan chính quyền địa phương. Đồng thời, Đảng chủ trương đường lối độc lập tự chủ và tiến hành cách mạng dân chủ chống đế quốc, chống chế độ độc quyền và hướng tới cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội lần thứ XIV (năm 1977), Đại hội lần thứ XV (năm 1980) và Đại hội lần thứ XVI (năm 1982) thảo luận về việc mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, tăng số ghế của Đảng ở Nghị viện, ở chính quyền các cấp và nhiệm vụ xây dựng Đảng tiên phong của nhân dân.

Đại hội lần thứ XVII (năm 1985) bổ sung Điều lệ và Cương lĩnh của Đảng, chú trọng hơn đến những vấn đề về xây dựng Đảng. Tính đến cuối năm 1984, số đảng viên của Đảng Cộng sản Nhật Bản lên đến 480.000 người.

Đại hội lần thứ XX (năm 1994) thông qua Cương lĩnh khẳng định các giá trị của chủ nghĩa xã hội khoa học là không thay đổi và quyết tâm đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nhật Bản.

Đại hội lần thứ XXI (năm 1997) tiếp tục khẳng định chủ nghĩa Mác là kim chỉ nam cho hành động của Đảng và kiên quyết chống chiến tranh đế quốc. Nhiệm vụ của cách mạng ở Nhật Bản là tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa sau khi tiến hành cách mạng dân chủ tư sản.

Đại hội lần thứ XXII (năm 2000) lần đầu tiên đưa ra đề án “cải cách Nhật Bản”, chủ trương thông qua việc tham gia chính quyền liên hiệp.

Đại hội lần thứ XXIII (năm 2004) thông qua Cương lĩnh sửa đổi toàn diện. Cương lĩnh sửa đổi đã kế thừa đường lối cơ bản, phát triển và làm rõ nội dung lý luận của cách mạng dân chủ (cải cách Nhật Bản), phân tích triển vọng tình hình thế giới, lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học và lý luận về xã hội tương lai.

Đại hội lần thứ XXIV (năm 2006) đề ra nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là tiến hành cải cách cơ bản chế độ chính trị hiện tại và khắc phục hiện tượng bất bình thường là Nhật Bản phụ thuộc vào Mỹ.

Đại hội lần thứ XXV (tháng 1-2010) đánh giá tính chất của thời đại trong thế kỷ XXI; về cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới; về chính sách của Mỹ; đánh giá tình hình Nhật Bản hiện nay, tình hình Đảng Cộng sản Nhật Bản và việc đấu tranh của Đảng. Đại hội lần thứ XXV diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát từ Mỹ lan tỏa ra khắp toàn cầu, tác động mạnh tới nền kinh tế Nhật Bản. “Đất nước mặt trời mọc” đang đứng trước những yêu cầu thay đổi lớn. Thất bại của Đảng Dân chủ tự do (LDP) sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền trong cuộc bầu cử năm 2009 được ví như “cơn động đất chính trị” ở Nhật Bản.

Đánh giá về tính chất của thời đại trong thế kỷ XXI, Đảng Cộng sản Nhật Bản cho rằng, xu hướng phát triển tất yếu của lịch sử là sự phát triển lên chủ nghĩa xã hội, vượt qua chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản, trong đó cuộc đấu tranh hướng tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở các nước tư bản phát triển là nhiệm vụ mới mẻ, mang tính lịch sử trong thế kỷ XXI. Xu hướng này xuất phát từ mâu thuẫn về kinh tế và chính trị ở các nước tư bản phát triển; những nỗ lực tìm những con đường phát triển hướng tới chủ nghĩa xã hội ở các nước châu Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh đã giành được độc lập về chính trị và phát triển về kinh tế trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản.

Đánh giá về cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, Đảng Cộng sản Nhật Bản nhận định, để giải quyết khủng hoảng cần có sự điều chỉnh trên phạm vi quốc tế và các biện pháp ứng phó về tài chính - tiền tệ, trong đó chủ nghĩa tư bản không có khả năng giải quyết tận gốc căn bệnh phát sinh từ trong lòng nó là khủng hoảng sản xuất thừa.

Về quan hệ với Mỹ, Đảng Cộng sản Nhật Bản nhấn mạnh, liên minh quân sự Nhật - Mỹ là không bình đẳng, phụ thuộc và mang tính chất xâm lược, vi phạm lợi ích quốc gia của Nhật Bản. Ví dụ như, diện tích căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản tăng gấp đôi từ năm 1980, (hiện có khoảng 130 căn cứ quân sự Mỹ, Ô-ki-na-oa có căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất châu Á(1); chi phí của Nhật Bản phục vụ các căn cứ quân sự Mỹ tại đây là lớn nhất trong số các đồng minh quân sự của Mỹ, đã tác động tiêu cực tới tình hình an ninh - xã hội của Nhật Bản. Do đó, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Đảng là xóa bỏ hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ. Đảng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản đàm phán với Mỹ để di chuyển vô điều kiện căn cứ quân sự của Mỹ ở Phư-ten-ma (Ô-ki-na-oa) ra khỏi Nhật Bản, xây dựng quan hệ thực sự bình đẳng với Mỹ; lên án mạnh mẽ "thỏa thuận ngầm" Nhật - Mỹ về vấn đề hạt nhân đang được dư luận Nhật Bản và thế giới quan tâm. Ngoài ra, Đảng Cộng sản Nhật Bản phản đối mọi hình thức đưa quân đội Nhật Bản ra nước ngoài, bao gồm cả việc tham gia chống hải tặc, chống khủng bố quốc tế, phê phán lập trường của Đảng Dân chủ về việc cho phép đưa quân đội Nhật Bản ra nước ngoài trong trường hợp Liên hợp quốc cho phép.

Về tình hình Nhật Bản hiện nay, Đảng Cộng sản Nhật Bản nhận định, Nhật Bản hiện đang trong “thời kỳ quá độ" thể hiện ở cuộc đấu tranh của các lực lượng tiến bộ Nhật Bản, ở mâu thuẫn giữa nền chính trị của LDP với lợi ích của nhân dân Nhật Bản. Kết quả của cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 8-2009 chứng tỏ, khát vọng của nhân dân Nhật Bản là muốn thay đổi nền chính trị ở đất nước này. Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng sản Nhật Bản trở thành lực lượng đối lập tích cực đấu tranh để thay đổi nền chính trị Nhật Bản, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đảng Cộng sản Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt tới “một nền kinh tế được điều hành bằng pháp luật”, phê phán biện pháp "cải cách cơ cấu" mà thực chất chỉ là áp đặt chủ nghĩa tự do mới lên nền kinh tế Nhật Bản, bảo đảm lợi nhuận cho các tập đoàn, xí nghiệp lớn, càng làm giãn cách ngày càng xa về thu nhập của các tầng lớp khác nhau trong xã hội và gia tăng thất nghiệp. Đảng Cộng sản Nhật Bản phê phán chính sách xã hội lạc hậu của Nhật Bản so với chính sách của các nước châu Âu, đặc biệt là trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội. Đối với vấn đề lịch sử, Đảng Cộng sản Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản cần nhận thức đúng đắn về quá khứ, từ đó xây dựng quan hệ hòa bình và hữu nghị với các nước Đông Á, chú trọng đến việc bình thường hóa quan hệ với CHDCND Triều Tiên.

Về tình hình Đảng Cộng sản Nhật Bản, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay, Đại hội xác định những nhiệm vụ chủ yếu như: “đáp ứng nguyện vọng đòi hỏi của nhân dân, tạo ra chuyển biến, tiến triển tích cực trong chính sách thực tế”, bảo vệ cuộc sống của người dân; phấn đấu tuyên truyền rộng rãi chính sách cải cách của Đảng để tạo ra sự đồng thuận xã hội về việc cải cách hai vấn đề bản chất là “thoát khỏi sự lệ thuộc Mỹ” và “nền kinh tế có quy chế”; đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa dân chủ trong quy định hiến pháp.

Đại hội xác định nhiệm vụ cấp bách hiện nay là giành thắng lợi trong bầu cử Thượng viện vào tháng 7-2010 và bầu cử Hội đồng địa phương. Về xây dựng Đảng, Đại hội xác định, cần coi trọng đào tạo cán bộ và đảng viên trẻ của Đảng, chuẩn bị đội ngũ kế cận, nâng cao tỷ lệ nữ, các thành viên trẻ và số lượng Ủy viên dự khuyết trong Ban Chấp hành Trung ương; tập trung phát triển Đảng trong tầng lớp thanh niên; tuyên truyền sâu rộng về chủ nghĩa xã hội khoa học và chủ trương, quan điểm của Đảng trong giới trẻ; sát cánh cùng thanh niên trong cuộc đấu tranh giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và các vấn đề kinh tế - xã hội khác. Đảng nhấn mạnh việc tăng cường vai trò của các chi bộ cơ sở tại địa phương, nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức bộ máy hoạt động của các chi bộ; phấn đấu kết hợp tăng số lượng đảng viên với việc gia tăng số lượng độc giả của báo Akahata. Từ Đại hội XXIV đến Đại hội XXV, số lượng đảng viên đã tăng thêm 34.000 người, đạt con số hơn 400.000 đảng viên. Mặc dù còn hạn chế số ghế ở Quốc hội, nhưng Đảng Cộng sản Nhật Bản hiện nắm giữ số ghế nhiều nhất tại các hội đồng địa phương (khoảng 3.000 ghế).

Về quan hệ đối ngoại của Đảng, Đại hội nhấn mạnh quan điểm của Đảng Cộng sản Nhật Bản là hướng tới một trật tự quốc tế hòa bình trên cơ sở Hiến chương của Liên hợp quốc. Đảng Cộng sản Nhật Bản coi trọng hợp tác vì “thế giới không có vũ khí hạt nhân”, ủng hộ việc “thiết lập một trật tự kinh tế dân chủ quốc tế mới” trên cơ sở tôn trọng chủ quyền kinh tế của mỗi nước, phấn đấu giải trừ vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn thế giới, phản đối chiến tranh xâm lược. Dù chưa phải là đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã và đang đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, giao lưu với chính phủ, chính đảng các nước trên cơ sở nguyên tắc độc lập, tự chủ, bình đẳng, không can thiệp nội bộ. Đặc biệt, Đảng Cộng sản Nhật Bản nhấn mạnh đến tính cần thiết của việc xác lập quan hệ cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau và các nền văn minh có những giá trị quan khác nhau.

Một số chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Nhật Bản

Đảng Cộng sản Nhật Bản chủ trương xây dựng xã hội Nhật Bản dựa trên cơ sở chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình, chống chủ nghĩa quân phiệt. Để đạt được mục đích chính trị đó, Đảng Cộng sản Nhật Bản chủ trương hoạt động trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản, đồng thời đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa tư bản độc quyền. Mặc dù là một đảng mác-xít, Đảng Cộng sản Nhật Bản không chủ trương tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa mà là tiến hành “cách mạng dân chủ” để tạo ra những thay đổi dân chủ trong chính trị và trong kinh tế, cũng như chủ trương giành và giữ chủ quyền toàn vẹn của Nhật Bản mà theo Đảng Cộng sản Nhật Bản, chủ quyền đó đang bị Hiệp ước an ninh Nhật Bản - Mỹ vi phạm. Do đó, Đảng Cộng sản Nhật Bản chủ trương phục hồi Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản với nội dung cơ bản là: “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hòa bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực. Để thực hiện mục đích này, Nhật Bản không duy trì lục quân, hải quân và không quân, cũng như các tiềm lực chiến tranh khác. Nhật Bản không có quyền tham chiến với các nước khác”.

Trong chính sách đối ngoại, Đảng Cộng sản Nhật Bản đấu tranh cho quyền tự quyết của dân tộc Nhật Bản, chống lại bất kỳ biểu hiện nào của chủ nghĩa bá quyền nước lớn đối với chủ quyền của các dân tộc khác. Vì thế, Đảng Cộng sản Nhật Bản đã từng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Đảng kêu gọi sự thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Là một nước châu Á, Nhật Bản cần “chấm dứt việc nhấn mạnh trọng tâm ngoại giao trong mối quan hệ với Mỹ và G8”; cần “đặt ngoại giao châu Á là trung tâm của quan hệ đối ngoại”(2) .

Đảng Cộng sản Nhật Bản hiện nay có 406.000 đảng viên thuộc 22.000 chi bộ trong cả nước. Báo Akahata (Cờ Đỏ) có số phát hành 1.450.000 bản (gồm cả báo hằng ngày và báo Chủ nhật). Phát hành, phổ biến báo Akahata là một trong những hoạt động chính của Đảng. Nguồn tài chính của Đảng thu từ đảng phí, quyên góp của người ủng hộ, doanh thu của báo Akahata và các hoạt động kinh tế khác. Báo Akahata hiện có phóng viên tại 6 thành phố trên thế giới là Hà Nội, Oa-sinh-tơn, Bắc Kinh, Luân-đôn, Cai-rô và Mê-xi-cô Xi-ty.

Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Nhật Bản đề ra 8 điểm cơ bản cho nền ngoại giao hòa bình của Nhật Bản. Một là, do bị ảnh hưởng từ các cuộc chiến tranh xâm lược và chế độ phát-xít của Nhật Bản trong quá khứ, Đảng Cộng sản Nhật Bản chủ trương thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước châu Á. Hai là, đấu tranh cho một trật tự thế giới vì hòa bình do Liên hợp quốc đứng đầu, chống lại mọi mưu toan thay đổi hoặc xóa bỏ trật tự đó. Ba là, chống chiến tranh hạt nhân và hủy bỏ vũ khí hạt nhân; bảo vệ quyền tự quyết của các quốc gia, giải trừ quân bị và giải tán các liên minh quân sự; xóa bỏ căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Nhật Bản. Bốn là, chống lại mọi hoạt động khủng bố cũng như chiến tranh trả đũa gây thương vong đối với con người, và thực hiện các hoạt động nhằm loại trừ khủng bố. Năm là, đấu tranh nhằm giành lại chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ của Nhật Bản đang bị nước ngoài chiếm giữ. Sáu là, hành động nhằm ngăn chặn và kiểm soát các hoạt động vô trách nhiệm của các công ty xuyên quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái của trái đất; chống lại sự bá quyền kinh tế của một số nước lớn; đấu tranh vì một trật tự kinh tế quốc tế dân chủ dựa trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và bình đẳng về kinh tế của tất cả các nước. Bảy là, chủ trương giải quyết xung đột bằng giải pháp hòa bình và ngoại giao; tham gia các hoạt động hỗ trợ quốc tế bằng các phương tiện phi quân sự nhằm giải quyết các vấn đề mang tính nhân đạo như khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai, nghèo đói, tị nạn v.v.. Tám là, nỗ lực hoạt động nhằm thiết lập quan hệ cùng tồn tại hòa bình với các nước có hệ thống chính trị khác nhau; đối thoại và cùng tồn tại giữa các nền văn minh có các quan niệm giá trị khác nhau.

Đảng Cộng sản Nhật Bản cũng đã đề xuất 4 điểm về quan hệ ngoại giao với các nước châu Á. Thứ nhất, giải quyết những mâu thuẫn để lại do cuộc chiến tranh xâm lược và chế độ phát-xít của Nhật Bản trong quá khứ đối với các nước châu Á. Thứ hai, chấm dứt sự ủng hộ đối với chính sách của Mỹ, phát triển chiến lược xây dựng quan hệ hòa bình với các nước khác ở châu Á. Thứ ba, không sử dụng các biện pháp quân sự và chủ trương giải quyết các mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế thông qua hoạt động ngoại giao. Thứ tư, phủ nhận quyền của bất kỳ nước nào muốn áp đặt bá quyền đối với các nước khác; đấu tranh cho một nền hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ năm 1930, sau khi được thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ gián tiếp với Đảng Cộng sản Nhật Bản. Mãi tới năm 1960, hai Đảng mới thiết lập quan hệ chính thức. Đảng Cộng sản Nhật Bản đã ủng hộ Đảng ta cả về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1966, Đảng Cộng sản Nhật Bản đề xướng thành lập "mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược".

Trong thời gian qua, quan hệ giữa hai Đảng đã có những bước phát triển tốt đẹp, thường xuyên trao đổi các đoàn cán bộ cấp cao nhằm tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Hiện nay, giữa hai Đảng Cộng sản Nhật Bản và Đảng Cộng sản Việt Nam đã hình thành cơ chế trao đổi lý luận. Qua trao đổi và tiếp xúc, Đảng Cộng sản Nhật Bản khẳng định đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là đúng đắn, ca ngợi thành tựu mà Đảng ta giành được trong sự nghiệp đổi mới, sự vững vàng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mới; đánh giá cao công tác lý luận của Đảng ta. Về phía Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá cao những thành tựu về xây dựng Đảng và cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động của Đảng Cộng sản Nhật Bản trong gần 90 năm qua. Quan điểm của hai Đảng có nhiều nét tương đồng về các vấn đề thời đại; quan hệ quốc tế; cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế hiện nay; nhiệm vụ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội./.

___________________________________

* Bài viết có sử dụng một phần tư liệu của đồng chí Inoue Ayumi, Trưởng Phân xã báo Akahata - cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản tại Hà Nội

(1) http://www.japan-101.com/government/japanese _communist_pary.html

(2) http://www.japan-101.com/government/japanese _communist_pary.html