Đích đến của Đồng Nai là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
TCCS - Qua gần 5 năm nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh, Đồng Nai đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tạo đà thuận lợi cho bước đường tiếp theo của tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đích đến của Đồng Nai là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại đang dần hiện rõ.
Đồng Nai là tỉnh nằm trong “vùng lõi” của vùng kinh tế động lực phía Nam, tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương - những địa phương có nền kinh tế và khoa học- kỹ thuật phát triển cao so với cả nước.
Đồng Nai rất thuận lợi cho việc phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, các công trình xây dựng; các vùng chuyên canh cây công nghiệp, các loại cây ăn trái đặc sản; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật tương đối phát triển. Hệ thống giao thông huyết mạch liên vùng phát triển đa dạng, bao gồm cả đường bộ, đường thủy, đường sắt, trong tương lai sẽ phát triển những công trình quan trọng, như: Sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Dầu Giây, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu nối Nhơn Trạch với Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành khu đô thị mới Nhơn Trạch... Bên cạnh đó, Đồng Nai có nguồn nhân lực khá dồi dào, phần lớn là lực lượng lao động trẻ với trình độ khá cao, từ mọi miền đất nước hội tụ về đây làm việc và sinh sống, đáp ứng nguồn nhân lực cho yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đây là những điều kiện và tiền đề rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện tại cũng như trong tương lai.
Những yếu tố cơ bản trên đã góp phần tạo cho Đồng Nai có lợi thế so sánh trong phát triển, hội tụ đủ các điều kiện “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Những lợi thế đó đã và đang được tận dụng, khai thác và phát huy cao độ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Với những lợi thế trên và những thành tựu đạt được trong hơn 20 năm đổi mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2005 - 2010) đã xác định mục tiêu “Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh toàn dân, xây dựng Đồng Nai thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Kết quả bước đầu, tạo đà thuận lợi
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng bình quân 13,2%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm trước và gần gấp 2 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp, xây dựng tăng 14,4%/năm, dịch vụ tăng 14,9%/năm, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,6%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng 2 ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, đồng thời giảm dần ở ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (đến năm 2010 ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 57,2%, dịch vụ chiếm 34,1%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 8,7%). Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (năm 2005 lao động nông nghiệp chiếm 45,5%, đến năm 2010 giảm còn 30%). GDP bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 29,6 triệu đồng, tăng gấp 2,1 lần năm 2005.
Sản xuất công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Các ngành công nghiệp chủ lực (công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện - điện tử, công nghiệp hóa chất, cao su, plastic, công nghiệp dệt may - giày dép, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng) luôn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng nền kinh tế địa phương. Năng lực sản xuất và trình độ công nghệ ngành công nghiệp từng bước được nâng cao. Đến nay, công nghệ tự động hóa và bán tự động hóa chiếm trên 30,2%, công nghệ cơ khí và bán cơ khí chiếm 42,2%.
Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp được chú trọng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 29 khu công nghiệp với diện tích 9.076 ha, trong đó 60% diện tích đã cho thuê. Tính đến cuối năm 2009, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 17,6 tỉ USD (trong đó 80% vốn đăng ký là các dự án thuộc ngành dịch vụ, 5% là các ngành công nghiệp kỹ thuật cao); thu hút vốn đầu tư trong nước trên 114,5 ngàn tỉ đồng (tương đương trên 6 tỉ USD). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 121.500 tỉ đồng, chiếm 45,1% GDP. Trong quá trình thu hút vốn đầu tư, tỉnh luôn chú trọng phát triển các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giảm dần tỷ trọng các ngành gia công, sử dụng nhiều lao động.
Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, nhiều siêu thị được xây dựng và đi vào hoạt động, thị trường bán lẻ được khai thác tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng bình quân 26,5%/năm. Hoạt động ngoại thương được mở rộng, giá trị xuất khẩu bình quân hằng năm tăng 17,2%. Phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ phục vụ khu công nghiệp, như: vận tải - bưu điện, tài chính - tín dụng, bảo hiểm, tư vấn... Hoạt động du lịch phát triển với quy mô ngày càng lớn và đa dạng về hình thức hoạt động. Hoạt động kinh doanh dịch vụ và thương mại đã thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế và phát triển nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế đã tác động tích cực đến thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị kinh tế và tăng thu nhập của người lao động. Quy hoạch phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung gắn với công nghiệp chế biến. áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống mới, chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Đã cơ giới hóa được 90% khâu làm đất và 90% khâu sơ chế sản phẩm nông nghiệp. Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và câu lạc bộ năng suất cao. Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phòng, chống cháy rừng và trồng rừng được chú trọng; tỷ lệ che phủ cây xanh đến năm 2010 là 54,3%, trong đó tỷ lệ che phủ của rừng đạt 29,7%. Kinh tế nông thôn và đời sống nông dân ngày càng được nâng cao, kết cấu hạ tầng được tập trung xây dựng, đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất, tạo việc làm và giảm nghèo ở vùng nông thôn.
Công tác quản lý, bảo vệ môi trường luôn được quan tâm, đã triển khai xây dựng các trạm xử lý nước thải ở các khu công nghiệp tập trung. Đến cuối năm 2009, 19/21 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải, dự kiến cuối năm 2010 có 21/21 khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung đưa vào hoạt động. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Thị Vải, bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Các địa phương trong tỉnh đều được đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt; đến nay đã thu gom và xử lý 80% rác thải sinh hoạt, 100% rác thải y tế và 60% chất thải nguy hại.
Công tác đào tạo nghề được quan tâm chỉ đạo, nhằm tạo nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 93 cơ sở dạy nghề (4 trường cao đẳng nghề, 1 trường cao đẳng có đào tạo nghề, 2 trường cao đẳng - trung cấp nghề, 3 trường trung cấp nghề, 11 trung tâm dạy nghề, 3 trung tâm có đào tạo nghề, còn lại là các cơ sở dạy nghề tư thục). Trong 5 năm qua đã đào tạo cho 242.400 người, trong đó đào tạo dài hạn (cao đẳng, trung cấp nghề) 36.400 người, đào tạo ngắn hạn (sơ cấp nghề) 206.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hằng năm đều tăng, năm 2006 chiếm 34%, năm 2007: 36%, năm 2008: 37,68%, năm 2009: 39,09%, năm 2010 dự kiến là 40%.
Bài học kinh nghiệm và những giải pháp cho chặng đường tiếp theo
Từ thực tiễn phát triển trong những năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, mức độ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại không chỉ là tỷ trọng công nghiệp trong GDP mà còn chủ yếu là nâng cao đời sống nhân dân địa phương, chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá là thu nhập bình quân đầu người. Thực tế cho thấy thu nhập bình quân đầu người ở Đồng Nai tăng qua các năm: năm 2006 là 15,4 triệu đồng, năm 2007: 17,8 triệu đồng, năm 2008: 21,8 triệu đồng, năm 2009: 24,9 triệu đồng, dự kiến năm 2010: 29,6 triệu đồng.
Hai là, trong tiến trình phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại cần lựa chọn công nghệ ngay từ khâu thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển những ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hiệu quả cao, có đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh.
Ba là, khai thác tối ưu lợi thế của địa phương kết hợp với sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ hiện đại. Đi liền với hướng đó, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao mới có thể vận hành, khai thác có hiệu quả công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Bốn là, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại phải mang tính bền vững. Vấn đề quan trọng không đơn thuần chỉ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh những ngành hiện đại mà phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
Một số giải pháp trong thời gian tới:
Để đẩy nhanh quá trình xây dựng Đồng Nai thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, cần tập trung triển khai một số giải pháp phát triển sau:
- Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh của tỉnh. Thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Chuyển một số ngành công nghiệp từ hình thức gia công sang sản xuất thành phẩm xuất khẩu trực tiếp, nhằm gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.
- Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu công nghệ cao để có điều kiện thu hút các dự án công nghệ cao. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và phát triển hệ thống cảng theo quy hoạch. Phối hợp với các ngành Trung ương triển khai xây dựng tổng kho trung chuyển, cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến đường sắt, đường cao tốc, đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh.
- Phát triển mạnh các loại hình thương mại và dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp, đô thị và dân sinh. Đầu tư phát triển một số trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn, hiện đại tại các địa bàn có đông dân cư. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, nhất là dịch vụ vui chơi giải trí và du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ - thông tin, viễn thông, vận tải, bảo hiểm, y tế, tư vấn, dịch vụ logistic. Chú trọng mở rộng hệ thống bưu chính - viễn thông ở khu vực nông thôn.
- Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo chương trình phát triển cây, con chủ lực của tỉnh, xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và môi trường sinh thái tốt. Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp trong tất cả các khâu. Đầu tư hiện đại hóa khâu bảo quản, chế biến nông, lâm sản. Khuyến khích phát triển làng nghề, kinh tế trang trại và kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Nâng cao chất lượng các vùng cây chuyên canh cao su, cà-phê, điều, cây ăn trái, mì, bắp, mía và các vùng chuyên canh rau. Chủ động thực hiện tốt chính sách điều tiết, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
- Tăng đầu tư từ nguồn ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ. Coi trọng việc tập hợp và phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ. Tổ chức tốt công tác thông tin khoa học và công nghệ. Hình thành hệ thống các tổ chức trung gian công nghệ, giao dịch công nghệ, chợ công nghệ - thiết bị. Tăng cường hợp tác với các nước, nhất là với các nước trong khu vục và với các địa phương khác để phát triển khoa học - công nghệ.
- Triển khai xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cho các đô thị và các khu xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn sông Đồng Nai, hồ Trị An và các khu bảo tồn thiên nhiên. Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường; giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, khu đô thị. Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng về môi trường, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý, xử lý chất thải.
- Phát triển mạnh nguồn nhân lực kỹ thuật cao. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đào tạo nghề và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề. Mở rộng mạng lưới giới thiệu việc làm, nhất là khu vực nông thôn để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện tốt việc gắn kết giữa công tác đào tạo nghề với nhu cầu thị trường sức lao động, giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động./.
Bàn về chuyển dịch và sử dụng đất nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa ở nước ta  (25/09/2010)
Liên hợp quốc đánh giá cao đóng góp của Việt Nam  (25/09/2010)
Hội thảo "Vòng Doha và tác động đối với Việt Nam"  (25/09/2010)
Khai mạc hội nghị quan chức cấp cao APEC tại Nhật Bản  (25/09/2010)
Đưa quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ lên tầm cao mới  (25/09/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên