Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong đổi mới giáo dục đại học hiện nay
22:13, ngày 16-11-2012
TCCSĐT - Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là nguyên tắc cơ bản, chủ đạo, xuyên suốt giáo dục đại học, bảo đảm cho chương trình và hoạt động giáo dục đại học (GDĐH) theo đúng định hướng chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu xã hội và hội nhập giáo dục quốc tế. Định hướng XHCN trong hoạt động đào tạo ở cơ sở GDĐH đòi hỏi đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý phải phấn đấu trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao; đòi hỏi cơ sở GDĐH khi xây dựng bản định hướng tiêu chuẩn đầu ra phải quán triệt quan điểm của Đảng về chất lượng nguồn nhân lực.
Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong đổi mới giáo dục đại học
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác Lê-nin, định hướng XHCN là hướng tới mục tiêu giải phóng con người, vì sự tự do, ấm no, hạnh phúc, văn minh, phát triển toàn diện của con người; được tạo nên bởi hoạt động của chính con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: chủ nghĩa xã hội (CNXH) là nhân dân được no ấm, tự do, hạnh phúc, được học hành; do nhân dân làm chủ và sáng tạo ra. Đại hội XI của Đảng đã khẳng định mục tiêu của CNXH là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt được mục tiêu ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng đã chỉ rõ vai trò chủ thể - phát huy dân chủ của quảng đại quần chúng nhân dân, với tư cách là nguồn lực quyết định. Như vậy, định hướng XHCN là hướng tới phát triển con người bằng chính sức mạnh trí tuệ, thể chất, đạo đức, văn hóa (đời sống tinh thần phong phú) của con người (nguồn nhân lực). Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi cuộc cách mạng. Hội nghị Trung ương 4, khóa VII đã nêu rõ: “Con người phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức là động lực xây dựng xã hội mới, đồng thời là mục tiêu của CNXH. Vì vậy mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải quán triệt việc chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người”.
Định hướng XHCN là một nội dung cơ bản, được xem như là bản chất số một cấu thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là mô hình kinh tế, sản phẩm văn minh nhân loại do Đảng ta phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lấy con người với tư cách là nguồn nhân lực làm yếu tố cơ bản, trung tâm và xuyên suốt. Công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước là sự nghiệp của quần chúng với tư cách là nguồn lực quyết định. Đại hội VIII của Đảng khẳng định: “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc CNH, HĐH đất nước”. Đại hội IX của Đảng đã nêu rõ quan điểm “đáp ứng yêu cầu về con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH”. Đại hội XI của Đảng đã kế thừa và phát triển quan điểm phát triển nguồn nhân lực từ các đại hội, đã xác định khâu đột phá thứ hai trong chiến lược phát triển bền vững: “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá để CNH, HĐH đất nước”.
Định hướng XHCN thể hiện tập trung ở mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục. Để tạo ra và phát triển nguồn nhân lực ngày càng chất lượng cao cho CNH, HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng xác định vai trò quyết định trực tiếp của giáo dục và đào tạo. Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong thời kỳ CNH, HĐH đã chỉ rõ: “Mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục là xây dựng những thế hệ con người thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH… Phát triển nguồn lực con người một cách toàn diện cả về trí tuệ, sức khỏe, đạo đức, thái độ,…”. Đại hội X của Đảng đã tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng: “Tập trung đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, chấn hưng giáo dục Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao”. Như vậy, định hướng XHCN trong giáo dục và đào tạo, trước hết là hướng giáo dục và đào tạo vào việc tạo ra, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đó là những con người phát triển cao về trí tuệ, sức khỏe, đạo đức và văn hóa. Định hướng mục tiêu giáo dục của Đảng được Luật Giáo dục cụ thể hóa vào mục tiêu các cấp học. Mục tiêu của giáo dục đại học được xác định trong Luật Giáo dục (năm 2005) là “đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe; đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc”. Mục tiêu giáo dục đại học được cụ thể hóa thêm một bước ở Luật Giáo dục đại học (năm 2012): “Mục tiêu chung của giáo dục đại học: a. Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; b. Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân”. Mục tiêu giáo dục đại học được các trường đại học, học viện cụ thể hóa vào định hướng chuẩn đầu ra của từng ngành, chuyên ngành đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội. Chuẩn đầu ra của các ngành, chuyên ngành đào tạo phải thể hiện được định hướng xã hội chủ nghĩa - chất lượng nguồn nhân lực: 1. Phẩm chất tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống; 2. Trình độ kiến thức (kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành, kiến thức hỗ trợ); 3. Năng lực nhận thức, tư duy và kỹ năng thực hành; 4. Vị trí việc làm và cơ hội học lên cao hơn.
Định hướng XHCN trong giáo dục và đào tạo thể hiện ở chất lượng nhân sự của ngành. Để phát triển nguồn nhân lực cho CNH, HĐH đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ vai trò của của nguồn nhân lực trong giáo dục và dào tạo, nhất là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: “Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục đào tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của phát triển nhanh và bền vững” (Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII); “Khâu then chốt để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục là phải đặc biệt chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và nâng cao năng lực chuyên môn” (Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII); “Phải tăng cường xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục một cách toàn diện. Đây là nhiệm vụ vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 và chấn hưng đất nước. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo; thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15-6-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục); “Phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt” (Nghị quyết Đại hội XI của Đảng).
Giữ vững định hướng XHCN phải trở thành nguyên tắc cơ bản, chủ đạo, xuyên suốt việc đổi mới chương trình, hoạt động đào tạo ở cơ sở GDĐH theo định hướng chuẩn đầu ra. Điều này lại càng cần thiết khi cơ sở GDĐH được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chương trình đào tạo. Điều 36, Luật Giáo dục đại học quy định: “Cơ sở GDĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Hiệu trưởng cơ sở GDĐH tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình GDĐH để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở GDĐH trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do hiệu trưởng cơ sở GDĐH thành lập”. Chương trình, giáo trình đại học phải hướng đến thực hiện mục tiêu GDĐH, được cụ thể hóa ở định hướng theo chuẩn đầu ra - sản phẩm là nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội: “Giáo trình đại học cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học bảo đảm mục tiêu của các trình độ đào tạo của GDĐH” (Điều 36, Luật Giáo dục đại học).
Định hướng XHCN trong hoạt động đào tạo ở cơ sở GDĐH đòi hỏi đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý phải phấn đấu trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao: Giữ vững bản lĩnh chính trị (trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước), có lý tưởng cộng sản (hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; không mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại), có năng lực tư duy, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu rộng (xứng đáng vừa là nhà khoa học, vừa là chuyên gia giỏi ở từng bộ môn được phân công giảng dạy); biết vận dụng phối hợp, linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học; có trình độ tin học, ngoại ngữ để phục vụ nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Có như vậy, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý mới giữ vai trò quyết định nguồn nhân lực chất lượng cao của CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Định hướng XHCN đòi hỏi cơ sở GDĐH khi xây dựng bản định hướng tiêu chuẩn đầu ra phải quán triệt quan điểm của Đảng về chất lượng nguồn nhân lực. Tránh tình trạng chỉ coi trọng tri thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ nghề nghiệp thuần túy, không coi trọng tư tưởng chính trị và đạo đức cách mạng.
Những giải pháp cơ bản
Để giữ vững định hướng XHCN trong đổi mới chương trình, hoạt động đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra, cơ sở GDĐH cần chú ý:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực trong giáo dục đại học. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức nhận thức và thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với nhận thức và thực hiện Luật Giáo dục đại học, Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020.
Thứ hai, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực GDĐH: Đánh giá đúng thực chất thực trạng, xác định nhu cầu nhân lực, đề ra kế hoạch, giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Tiếp tục chuẩn hóa GDĐH, nhất là đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy học, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý theo định hướng chuẩn đầu ra.
Thứ ba, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng hoạt động đào tạo, nhất là nhu cầu học tập từng bộ môn của sinh viên để bổ sung, chỉnh sửa bản định hướng chuẩn đầu ra của từng ngành, chuyên ngành học, theo định hướng XHCN.
Thứ tư, gắn nội dung chương trình, hoạt động đào tạo với việc sử dụng nhân lực - định hướng chuẩn đầu ra. Muốn vậy, nội dung chương trình vừa phải khoa học, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, vừa phải thiết thực đối với người học; phương pháp giảng dạy phải hướng vào phát triển tư duy, phát huy tính độc lập, sáng tạo, hình thành kỹ năng làm việc tập thể của sinh viên. Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý phải thật sự là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để sinh viên noi theo.
Thứ năm, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ quản lý; có cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng và tôn vinh giảng viên và cán bộ quản lý giỏi, nhất là những người tài; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giảng viên, chuyên viên và cán bộ quản lý./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phát biểu Khai mạc và Bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
2. Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 15/6/2004 về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
3. Luật Giáo dục ngày 14/6/2005; Luật sữa đỗi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, ngày 25/11/2009
4. Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 ( Ban hành kèm theo Quyết định số 579/QĐ/TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ)
5. Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 ( Ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ)
6. Luật Giáo dục đại học, ngày 18/6/2012 ( Luật 08/2012/QH13)
Phó Thủ tướng tiếp đoàn đại biểu người có công  (15/11/2012)
Nhật Bản có thêm chính đảng mới: Đảng Gió Xanh  (15/11/2012)
Các nước chúc mừng tân Tổng Bí thư Trung Quốc  (15/11/2012)
Thay đổi nhân sự Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính  (15/11/2012)
Đề cao vai trò của nhà giáo trong xã hội học tập  (15/11/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên