Hạ hồi chưa phân giải

Lý Mạc Phù
16:05, ngày 15-04-2009

TCCSĐT - Những biện pháp đối phó mạnh tay của chính phủ và giới quân sự ở Thái Lan đã buộc những người biểu tình phải giải tán. Màu áo đỏ của những người biểu tình đã không còn chế ngự hình ảnh và cảnh tượng trên đường phố ở thủ đô Băng-cốc. Những người này đã thất bại, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc phân tranh màu sắc ở Thái Lan đã kết thúc. Tình hình chính trị nội bộ ở Thái Lan hiện tại giống như sự tĩnh lặng giữa hai trận dông bão.

Làn sóng biểu tình lần này khác biệt khá cơ bản so với lần trước, không chỉ đơn thuần là "màu nọ chống màu kia". Những người biểu tình nêu yêu sách đòi thủ tướng A-bị-xịt Vê-cha-chi-vạ từ chức dù biết rằng, vị thủ tướng này được cả giới quân sự lẫn Nhà Vua ủng hộ. Vì thế, sự phản đối của họ cũng còn gián tiếp nhằm vào uy quyền của giới quân sự và Hoàng gia. Việc họ xâm nhập cả vào nơi diễn ra Hội nghị cấp cao Đông Á ở Pát-tay-a và bất chấp lệnh giới nghiêm ở Băng-cốc là những bằng chứng rõ ràng nhất. Nét khác biệt này là biến số mới nhất và cũng đáng chú ý nhất với những tác động và hệ lụy sâu sắc và lâu dài mà hiện chưa thể lường hết được tới nền chính trị và xã hội nội bộ ở đất nước này.

Đó cũng còn là một nguyên nhân lý giải cho mức độ đối phó của chính phủ và giới quân sự. Bắt giữ người cầm đầu lực lượng biểu tình, dùng xe tăng và quân đội để đảm bảo an ninh và trật tự công cộng cũng như quân đội nổ súng cả vào người biểu tình, có người chết và bị thương - đó còn là những bằng chứng về tính không khoan nhượng và mức độ đối kháng giữa hai bên trong vụ việc lần này. Cả điều ấy cũng khác biệt nhiều và cơ bản so với lần trước.

Suy xét từ những diễn biến vừa qua và so sánh với lần vàng "chọi" đỏ trước đó, có thể thấy cuộc phân tranh màu sắc ở Thái Lan hiện thân cho cuộc đấu tranh quyền lực giữa lực lượng của cựu Thủ tướng Thạc-xỉn được đông đảo nông dân ủng hộ và phe của đương kim thủ tướng A-bị-xịt Vê-cha-chi-vạ được tầng lớp trung và thượng lưu trong xã hội, giới quân sự và kinh tế hậu thuẫn cũng như được Hoàng gia dung chấp. Đằng sau đó là sự phân hóa ngày càng sâu sắc hơn trong nội bộ xã hội và phân cực bộc lộ ngày càng rõ nét hơn trên chính trường. Một thực trạng xã hội và chính trường như vậy ẩn chứa nguy cơ mất ổn định và an ninh nội bộ trong thời gian dài, luôn tạo cơ hội cho giới quân sự can dự vào chính trường như 18 cuộc đảo chính kể từ năm 1932 trong lịch sử đất nước này đã cho thấy.

Thực trạng và triển vọng nói trên thật chẳng tốt lành chút nào đối với đất nước Thái Lan. Chính trong bối cảnh hiện tại ở khu vực và trên thế giới lại càng cần phải có an ninh và ổn định chính trị - xã hội hơn bao giờ hết. Chừng nào ở Thái Lan vẫn còn như vậy thì chừng đó uy danh đất nước tiếp tục bị tổn hại, các ngành kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực, đối đầu vẫn chế ngự đối thoại và chỉ có giới quân sự là luôn luôn được lợi trong mọi trường hợp đã xảy ra và tình huống rồi còn sẽ xảy ra ở Thái Lan./.