Từ Cách mạng tháng Mười Nga suy ngẫm về bài học xây dựng niềm tin trong nhân dân
TCCS - Gần một thế kỷ trôi qua kể từ khi lần đầu tiên trên thế giới cuộc cách mạng vô sản giành được thắng lợi trọn vẹn. Nhìn lại lịch sử thế giới thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI, với biết bao biến cố, thăng trầm, thay đổi đã diễn ra trong đời sống chính trị quốc tế, đến nay chúng ta vẫn có đủ cơ sở để khẳng định rằng, cuộc Cách mạng diễn ra ở nước Nga vào Tháng Mười năm 1917 là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng nhất của thế kỷ XX và là sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất đến tiến trình lịch sử thế giới thế kỷ XX.
Trước hết, cuộc cách mạng này sở dĩ thành công là vì giai cấp vô sản thế giới, cũng như giai cấp vô sản Nga, trải qua hàng thế kỷ đấu tranh với giai cấp tư sản cầm quyền, đã biết chuyển cuộc đấu tranh giai cấp đó từ tự phát lên tự giác, được tổ chức chặt chẽ, dưới sự lãnh đạo của một chính đảng mác-xít-lê-nin-nít chân chính - Đảng Công nhân xã hội dân chủ (Bôn-sê-vích) Nga. Kế đến đây chính là sự “vùng lên có tổ chức” của hàng triệu người nghèo ở nước Nga - vốn là những người nhiều thế kỷ “bị đọa đày đau khổ”. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(1).
1 - Nhớ lại, trong hoàn cảnh lịch sử của nước Nga sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917, khi cả Chính phủ lâm thời và các Xô-viết đã thỏa hiệp với giai cấp tư sản không muốn thực hiện những nhiệm vụ đã chín muồi của cách mạng tư sản, thì như V.I. Lê-nin nhận định, lực lượng có thể đưa nước Nga ra khỏi vũng lầy chiến tranh thế giới tàn khốc không thể là giai cấp tư sản Nga, mà chỉ có thể là liên minh cách mạng của giai cấp công nhân và giai cấp nông dân Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Công nhân xã hội dân chủ (Bôn-sê-vích) Nga(2) đã được giác ngộ, tôi luyện và trưởng thành. Nhận định này là có cơ sở, bởi có một thực tế rất đáng chú ý là, ngay từ những năm 1916 - 1917, hàng triệu quần chúng công nhân và nông dân Nga đã tự nguyện đứng lên, sát cánh cùng với Đảng, chiến đấu và hy sinh vì Đảng. Rồi chính hàng triệu quần chúng công nông ấy đã cùng với Đảng làm nên cuộc cách mạng “mười ngày rung chuyển thế giới”, giành chính quyền về tay giai cấp vô sản Nga. Điều đáng chú ý hơn nữa là lúc đó, Đảng còn rất nhỏ bé: sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917, Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga chỉ có khoảng 24.000 đảng viên, trong khi Đảng Ca-đê, Đảng Tư sản tự do cầm quyền có 70.000 đảng viên; chưa kể các đảng khác, như Đảng Xã hội - cách mạng có tới 800.000 đảng viên, Đảng Men-sê-vích: 200.000 đảng viên(3). Có thể khẳng định, 24.000 đảng viên Đảng Bôn-sê-vích lúc ấy, bằng tấm gương chiến đấu, hy sinh quên mình, bằng hoạt động cách mạng bền bỉ, tinh thần kiên trung, bất khuất của mình, đã tạo được niềm tin vững chắc nơi quần chúng lao động Nga, nên họ đã tự nguyện đứng dưới ngọn cờ lãnh đạo cuộc cách mạng giành chính quyền của Đảng. Chính vì vậy, Đảng Bôn-sê-vích đã tạo lập được một liên minh vững chắc với đông đảo những người dân lao động Nga. Và đây chính là nhân tố cơ bản, là lực lượng quyết định dẫn đến sự bùng nổ và thành công của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười năm 1917.
2 - Tuy nhiên, điều đáng buồn là sau nhiều thập niên tồn tại và phát triển, vượt qua bao gian khó hiểm nghèo, bao thử thách dữ dội và khốc liệt, vào cuối năm 1991, Liên bang Xô-viết chính thức chấm dứt sự tồn tại trên tư cách một nhà nước xã hội chủ nghĩa, một thực thể địa - chính trị thống nhất. Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Liên Xô bị mất chính quyền. Nếu sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên vào Tháng Mười năm 1917 đánh dấu sự thắng thế của một đường hướng vận động rất mới và rất tiến bộ trong lịch sử nhân loại, là mốc mở đầu một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, từ đó làm thay đổi diện mạo thế giới, thì sự sụp đổ của chính Nhà nước ấy đã gây ra những hệ quả tiêu cực không những đối với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, mà còn đối với đời sống chính trị thế giới nói chung. Nhiều nhà khoa học đã coi sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô là một “sự kiện tầm thế kỷ”.
Vậy vì sao chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô bị sụp đổ, Đảng Cộng sản Liên Xô bị mất vai trò lãnh đạo? Suốt hai thập niên qua, đã có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu, hồi ký, hội thảo khoa học… bàn về sự kiện này, phản ánh những quan điểm, cách đánh giá khác nhau, xuất phát từ thế giới quan, nhân sinh quan chính trị, góc nhìn khác nhau của những tác giả, học giả khác nhau. Rõ ràng, một sự kiện tầm thế kỷ như vậy không thể lý giải đơn giản, một chiều, thiên kiến. Cho đến nay, nguyên nhân giải thể nhanh chóng của Liên Xô cũng như nguyên nhân sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô vẫn còn là “điều bí ẩn của thế kỷ”. Mặc dù vậy, việc nhận thức lại, đánh giá chính xác và khách quan những gì xảy ra trong quá khứ là hết sức cần thiết. V.I Lê-nin đã từng nhắc nhở các đảng cộng sản cầm quyền rằng, bằng cách phân tích sự sai lầm của ngày hôm qua, chúng ta học được cách tránh sai lầm của ngày hôm nay và ngày mai. Tìm hiểu nguyên nhân đích thực dẫn đến sự khủng hoảng và sụp đổ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô-viết, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử phục vụ cho công cuộc đổi mới, tiến tới hoàn thiện chủ nghĩa xã hội cả về lý luận và thực tiễn là công việc luôn luôn cần thiết.
3 - Sự thất bại của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là điều bất ngờ không những đối với các nước xã hội chủ nghĩa và Phong trào Cộng sản quốc tế, mà còn đối với cả các thế lực chống cộng ở phương Tây. Bởi vì ngay từ sau Cách mạng Tháng Mười cho đến đầu những năm 90 thế kỷ XX (và tất nhiên cả trong giai đoạn hiện nay), họ đã không ngừng dùng nhiều phương sách, phương tiện khác nhau để chống lại các nước xã hội chủ nghĩa, song quả thật, họ không hy vọng sự giải thể của Hiệp ước Vác-sa-va và sự sụp đổ của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô-viết lại diễn ra mau lẹ. Thực ra, Z.Brê-din-xki - chính khách, học giả Mỹ và là một trong những nhân vật chống cộng khét tiếng nhất - trước đó cũng đã không loại trừ khả năng Liên Xô có thể bất ngờ và nhanh chóng bị giải thể, nhưng vẫn cho rằng, đó là khả năng ít xảy ra nhất.
Tuy nhiên, điều bất ngờ không phải là điều ngẫu nhiên. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô có căn nguyên của nó, cả về chủ quan lẫn khách quan, bên trong lẫn bên ngoài, sâu xa lẫn trực tiếp, cả về chính trị, kinh tế và xã hội, trong đó có những yếu kém của Đảng Cộng sản Liên Xô trong lĩnh vực chính trị - tư tưởng. Để nói về những sai lầm, yếu kém trong lĩnh vực này của Đảng Cộng sản Liên Xô, trước hết xin dẫn câu hỏi “tại sao?” rất chua chát của nhà nghiên cứu chính trị Nga, ông R.A. Mét-vê-đép: “Những sắc lệnh cấm Đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động, tịch thu tài sản và phương tiện hoạt động của Đảng là bất hợp pháp. Nhưng tại sao vào tháng 9 hay tháng 11-1991, không có lấy một cuộc biểu tình, một cuộc bãi công nào chống lại sắc lệnh cấm Đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động?… Những đám đông khổng lồ tập hợp ở quảng trường lớn cạnh tòa nhà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô lại không làm gì để bảo vệ Đảng… Không thể gọi thực tế ấy khác hơn là thất bại chính trị” (4).
Đúng vậy, đây là thất bại chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô. Song vấn đề ở chỗ, do đâu mà Đảng phải gánh chịu thất bại đau đớn đó? Đảng Cộng sản Liên Xô là một đảng mác-xít do V.I. Lê-nin sáng lập, đã được tôi luyện và trưởng thành qua những chặng đường lịch sử chông gai, đã từng vượt qua bao thử thách khốc liệt, lãnh đạo nhân dân Nga/Liên Xô chiến đấu ngoan cường chống lại thù trong, giặc ngoài và chiến thắng vô cùng vẻ vang. Vì sao vào những năm 1916 - 1917, chỉ với khoảng 24.000 đảng viên mà Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga đã cùng với nhân dân Nga làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười “long trời lở đất”, trong khi vào năm 1991, gần 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô lại không đứng lên bảo vệ Đảng khi Đảng lâm nguy?
Một số nhà khoa học và chính trị gia cho rằng, biến dạng chính trị là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô, mà biến dạng chính trị là sự không ăn khớp giữa nghị quyết và cuộc sống, giữa lời nói và việc làm, v.v.. Điều này đã manh nha ngay từ sau khi V.I. Lê-nin mất (năm 1924) và nền chính trị Xô-viết chuyển hóa dần từ chính trị mác-xít sang chính trị tả khuynh. Đảng Cộng sản Liên Xô tập trung quá mức quyền lực vào cơ quan đảng cấp cao, nên hầu như đã khuyến khích sự thụ động chính trị trong nhân dân (nông dân, công nhân, trí thức). Đảng biến bộ máy đảng hoặc thành cơ quan siêu quyền lực, hoặc thành cơ quan nhà nước, làm thay chức năng của cơ quan nhà nước. Đã xảy ra tình trạng Đảng ngày càng xa rời nhân dân, thoát ly thực tiễn nên không nắm bắt được diễn biến đời sống chính trị - tư tưởng của quần chúng nhân dân và đảng viên. Hơn nữa, Đảng còn lún sâu vào bệnh chủ quan, duy ý chí, quan liêu ở hầu như mọi bộ phận, mọi phương diện của hệ thống chính trị mà Đảng lãnh đạo. Sự biến dạng của các thể chế dân chủ không những làm giảm sút rõ rệt khả năng tham gia tích cực và chủ động của quần chúng vào công việc quản lý nhà nước, mà còn làm tăng sự thờ ơ, sự lãnh đạm chính trị của quần chúng nhân dân, nói tóm lại đã kìm hãm sự phát triển của một nền dân chủ đích thực, nền dân chủ cho mọi người lao động. Điều đáng nói nữa là, trên thực tế, Đảng dành cho mình quá nhiều đặc quyền, đặc lợi; rất nhiều quan chức cấp cao của Đảng trở thành những ông chủ tư bản thực sự với tài sản riêng rất lớn; cá nhân và gia đình họ sống cuộc sống vương giả. Có thể nói, sự tích tụ các biến dạng chính trị trong toàn bộ các mặt hoạt động của xã hội Xô-viết là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự kiện tháng 8-1991 và các sự kiện tiếp theo…
Một khía cạnh đáng chú ý nữa là công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Liên Xô có một bộ máy thực hiện công tác tư tưởng khổng lồ với nguồn ngân sách được cấp cũng rất lớn. Tuy nhiên, bộ máy công tác tư tưởng đó không tác động được mấy vào tư tưởng và tình cảm của quần chúng công nông, bởi lẽ sự tuyên truyền, cổ động của bộ máy khổng lồ ấy ngày càng không ăn nhập với cuộc sống hiện thực của họ. Mặt khác, giai cấp công nhân Liên Xô cũng đã bị phân hóa khá rõ rệt, một bộ phận trở thành công nhân quý tộc, phai nhạt tính giai cấp; bộ phận đông đảo hơn hầu như đã bị biến thành đội quân làm thuê. Rất nhiều người, đơn giản đã không hiểu rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa xã hội đã bị rao bán, bị xuyên tạc, bị phản bội… Trong khi đó, trên thế giới đang diễn ra các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Khá nhiều người dân Xô-viết, thông qua các kênh khác nhau mà có nhiều thông tin hơn về hiện thực cuộc sống của thế giới bên ngoài. Tất cả những điều này đã tác động mạnh vào đội ngũ đông đảo quần chúng lao động ở Liên Xô, trong khi bộ máy tuyên truyền, cổ động của Đảng rất ít thay đổi phương cách hoạt động. Rất nhiều người vì không muốn, không tin cả chủ nghĩa xã hội lẫn chủ nghĩa tư bản, nên đã không đứng lên bảo vệ những tư tưởng và những giá trị mà họ không còn cho là đúng đắn nữa. GS, TS sử học Mỹ Pôn Ken-nơ-đy viết: “Chính sự bất lực của chế độ Xô-viết trong việc nắm vững tư tưởng truyền thống hoặc phòng chống các tư tưởng ngoại lai được truyền bá rộng rãi qua các kỹ thuật thông tin mới được chế tạo ít nhất cũng đã góp phần vào sự sụp đổ của mình”(5).
Một khía cạnh nữa của vấn đề chính trị - tư tưởng ở Liên Xô là quan điểm, thái độ và hành động của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô thời kỳ cải tổ đối với quá khứ. C.Mác đã từng nhắc nhở: “Con người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện của mình... mà là trong những điều kiện trực tiếp có trước mắt, đã cho sẵn và do quá khứ để lại”(6). Ngay cả một học giả tư sản phương Tây, trong bài báo đăng trên tờ tạp chí của Pháp năm 1997 đã viết: “Nếu anh tàn phá các công trình, hãy giữ lại những cái nền, bởi vì anh có thể vẫn cần đến chúng”(7). Vậy mà nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô thời kỳ “cải tổ để có chủ nghĩa xã hội nhiều hơn” đã cho phép bơm to, thổi phồng những hiện tượng tiêu cực, những sai lầm mà những nhà lãnh đạo tiền bối đã phạm phải. Hơn thế, người ta còn huy động cả hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng để “bắn” vào quá khứ, nhằm hướng sự bất bình của quần chúng đối với những thất bại trong công cuộc cải tổ vào quá khứ của Liên bang Xô-viết!
Đạo diễn, diễn viên điện ảnh Xô-viết nổi tiếng S.Bôn-đa-chúc, trước khi từ giã cõi đời đã để lại những lời tâm huyết đau lòng: “Cội nguồn sự khủng hoảng toàn diện của chúng ta là ở thái độ đối với quá khứ… Tòa nhà đời sống tinh thần của nước Nga mà tổ tiên và cha ông chúng ta đã dày công xây dựng qua nhiều thế kỷ đang sụp đổ… Chúng ta đã khước từ cái tài sản vô giá đó, chúng ta trong phút chốc đã quên mất nó, đã xóa bỏ nó, đã khạc nhổ vào nó!”(8).
Hậu quả của việc bôi đen, phủ định sạch trơn quá khứ, cộng với những bế tắc trong quá trình cải tổ và “cơn sốt” đa nguyên, đa đảng ở Liên Xô thời kỳ ấy đã làm một bộ phận lớn quần chúng, nhất là giới trẻ và một phần không nhỏ đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô bị mất phương hướng, rơi vào tình trạng không xác định được định hướng tư tưởng, tinh thần và tình cảm, trở nên thất vọng, hoài nghi tất cả. Họ không tìm được lối ra trong tất cả những khẩu hiệu “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, “dân chủ hóa”, “công khai hóa”… được tung ra rất nhiều trong thời kỳ cải tổ. Chính vì đã mất niềm tin, nên không chỉ quần chúng nhân dân, mà cả hàng triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô cũng không dám đứng lên bảo vệ Đảng khi Đảng lâm nguy. Và kết cục không tránh khỏi là chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Liên Xô đánh mất vai trò đảng cầm quyền. Có thể thấy, những người dân Xô-viết, những đảng viên thường như S.Bôn-đa-chúc - những người đã chiến đấu ngoan cường, lao động quên mình vì Liên bang Xô-viết - không có lỗi trong sự biến này. R.A. Mét-đê-đép viết: “Nhân dân ta không mù quáng, nhưng những kẻ mù quáng, tàn bạo và kiêu ngạo - những người muốn biến những người lao động thành những chiếc đinh ốc nhỏ chỉ biết ngoan ngoãn phục tùng và hoàn toàn thụ động - đã là những người hướng đạo, người lãnh đạo ở cấp cao nhất…” (9). Chính vì vậy, chân dung “Nhà cải tổ vĩ đại” để lại cho hậu thế không gì khác hơn là “kẻ phá hoại lớn nhất”, “kẻ phản bội ghê tởm nhất” trong Phong trào Cộng sản quốc tế.
4 - Từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và bài học từ sự thất bại chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô, có rất nhiều điều để chúng ta suy ngẫm. Có thể nói, Đảng mất dân là bài học thất bại đau đớn nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô. Khi một đảng cầm quyền không tạo dựng được niềm tin vững chắc của nhân dân, không có chỗ dựa nơi quần chúng nhân dân thì sẽ không thể tránh khỏi việc đánh mất vai trò đảng cầm quyền. Mà muốn tạo dựng được niềm tin nơi quần chúng nhân dân thì điều đương nhiên là đảng viên của Đảng, trước hết đội ngũ cán bộ đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc, phải “vừa hồng, vừa chuyên”, hay như cách nói bây giờ, cán bộ lãnh đạo ở tất cả các cấp phải “có Tài, có Tâm và có Tầm”. Nếu mỗi đảng viên của Đảng không có được phẩm chất hồng và chuyên ấy, mỗi cán bộ đảng thiếu đi một trong ba chữ T ấy, thì khó mà tạo dựng được niềm tin nơi quần chúng nhân dân. Thực tiễn lịch sử không ít lần chứng minh rằng, một đảng cầm quyền không được dân tin thì thất bại là điều không thể tránh khỏi./.
--------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1991, tr. 300
(2) Năm 1918, Đảng đổi tên là Đảng Cộng sản Nga (Bôn-sê-vích), năm 1925 đổi tên là Đảng Cộng sản Liên Xô (Bôn-sê-vích); năm 1952, Đại hội Đảng lần thứ XIX quyết định bỏ chữ “Bôn-sê-vích”, đổi tên là Đảng Cộng sản Liên Xô
(3) Dẫn theo: Nguyễn Anh Thái (chủ biên), Lịch sử thế giới hiện đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998,
tr. 15 - 16
(4) R.A.Mét-vê-đép: Chủ nghĩa xã hội: tư tưởng và sự thể hiện, Tạp chí Tư tưởng tự do, số 12, 1996, tr. 101 (Tiếng Nga)
(5) Paul Kennedy: Chuẩn bị cho thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 349
(6) C. Mác và Ph.Ăng ghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 8, tr. 145
(7) Marlis Steinert: Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô: biểu hiện và suy ngẫm, Tạp chí Quan hệ quốc tế, số 98/1997, (Tiếng Pháp)
(8) Nhiều tác giả: Những kỷ niệm không dễ gì phai lạt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 475
(9) R.A. Mét-vê-đép: Tài liệu đã dẫn, tr. 101
Ấn tượng Quảng trường Đỏ  (06/11/2011)
Báo cáo phát triển con người 2011 của Liên hợp quốc  (06/11/2011)
Đồng hành cùng dân tộc với tinh thần ích nước, lợi dân  (06/11/2011)
Ổn định Biển Đông: Cần sự hợp tác giữa các bên  (06/11/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay