TCCSĐT - Chiều 2-11-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời Tokyo, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản, từ ngày 30-10 đến ngày 2-11-2011, theo lời mời của Thủ tướng Yoshihiko Noda.

 

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yoshihiko Noda

Thành công chuyến thăm đã góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản. Đây là thành công quan trọng, mấu chốt nhất trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại chuyến thăm này, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp hết sức trọng thị, nồng nhiệt, theo nghi thức cao nhất.

Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm còn thể hiện ở chương trình làm việc phong phú, thiết thực, hiệu quả giữa lãnh đạo hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, hội đàm cấp cao với Thủ tướng Yoshihiko Noda, gặp gỡ tiếp xúc với các lãnh đạo Quốc hội, nghị sĩ và doanh nghiệp Nhật Bản. Tất cả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc này đều diễn ra trong bầu không khí cởi mở, hữu nghị thân thiện, nồng ấm và đồng thuận.

Chính vì vậy, kết quả chuyến thăm rất ấn tượng, cụ thể trên nhiều lĩnh vực, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai nước.

“Tuyên bố chung về Triển khai Hành động trong Khuôn khổ Đối tác Chiến lược vì Hòa bình và Phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản” do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yoshihiko Noda ký, là những định hướng lớn để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước trong thời kỳ mới. Trong đó, hai bên cam kết sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ song phương ở tất cả các cấp và trên mọi lĩnh vực cũng như các kênh đối thoại hiện có; nhất trí lấy năm 2013 là “Năm hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Việc Chính phủ Nhật Bản tuyên bố không áp dụng đoạn 255 trong Báo cáo của Ban công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam, điều đó có nghĩa là Nhật Bản đã công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản còn cam kết giúp Việt Nam phát triển các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, hiện đại hóa, công nghiệp hóa vào năm 2020. Hai bên cũng nhất trí, phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều hiện nay.

Để triển khai nhanh chóng những cam kết đó, hai bên đã ký các văn bản hợp tác, gồm Thỏa thuận về Dự án Hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Thỏa thuận về Hợp tác khai thác và phát triển ngành công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam, Bản ghi nhớ về cơ chế Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý có bằng cấp của Việt Nam sang Nhật Bản, công hàm về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam đợt 1 tài khóa 2011.

Đặc biệt, hai bên cũng đã ký Hiệp định vay vốn giữa Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA ) và Bộ Tài chính Việt Nam trị giá 92,65 tỉ yên Nhật, tương đương khoảng 1,2 tỉ USD gồm: Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu trị giá 130 triệu USD, Dự án xây dựng cảng Lạch Huyện trị giá 272 triệu USD, Dự án nhiệt điện Nghi Sơn trị giá 522 triệu USD, Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam (đoạn Bến Lức-Long Thành) trị giá 181 triệu USD, Dự án sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất để phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trị giá 93 triệu USD. Đây là những kết quả rất thiết thực đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản rất cảm kích trước nghĩa cử của Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành thời gian đến thăm, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất, sóng thần tại thành phố Natori, tỉnh Miyagi – nơi 8 tháng trước đây hứng chịu những tổn thất nặng nề nhất, làm 911 người chết, phá hủy toàn bộ 3.000 ngôi nhà dọc bờ biển. Đây không chỉ là sự sẻ chia, cảm thông đối với những mất mát đau thương của người dân Nhật Bản trong thảm họa thiên tai, mà đó còn là nghĩa tình của Việt Nam đối với xứ sở của hoa Anh Đào.

Mặc dù Nhật Bản vừa trải qua trận động đất và sóng thần khủng khiếp như vậy, nhưng trong chuyến thăm này, Chính phủ của đất nước Mặt trời mọc vẫn cam kết dành cho Việt Nam những khoản viện trợ ODA ở mức cao, thể hiện tình cảm cao đẹp đối với đất nước và nhân dân Việt Nam, còn nhiều gian khó trong công cuộc dựng xây, phát triển. Đó còn là sự coi trọng và đánh giá cao của các nhà lãnh đạo Nhật Bản trong quan hệ với Việt Nam.

Những việc làm thiện chí, sự giúp đỡ hiệu quả và tình cảm nồng ấm của lãnh đạo và nhân dân hai nước dành cho nhau là minh chứng của quan hệ hữu nghị gắn bó Việt Nam và Nhật Bản, đã và đang luôn vì nhau trong sự nghiệp phát triển của mỗi nước. Điều đó lý giải vì sao, chuyến thăm này là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng khẳng định sự coi trọng và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhấn mạnh chuyến thăm đã góp phần nâng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên tầm cao mới.

Sự kiên định, tình cảm và coi trọng lẫn nhau của lãnh đạo hai nước đối với mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, là nền tảng làm nên thành công của chuyến thăm. Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm sẽ tạo nền tảng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản ngày càng sâu sắc, toàn diện, ổn định, bền vững, phù hợp lợi ích của và nguyện vọng của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.