Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 07 đến ngày 13-11-2016)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv.vn)
21:53, ngày 15-11-2016

TCCSĐT - Phát biểu tại Brussels, Ủy viên về lĩnh vực môi trường của EU, ông Karmenu cho biết quỹ này sẽ giúp đỡ về vốn cho các công ty nào đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng đại dương, thực hiện các dự án nghiên cứu thăm dò và phát triển thị trường năng lượng mới.

Chính phủ đề xuất 226 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Chiều 09-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu rõ dự án Luật được xây dựng trên cơ sở yêu cầu cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật này không cấm.

Bổ sung một số ngành, nghề cần thiết phải quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Qua đó, hệ thống hóa, cập nhật một số ngành, nghề nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi, tạo thuận lợi cho việc áp dụng và thực thi pháp luật của người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

Hệ thống hóa một số ngành, nghề có cùng mục tiêu, tính chất và cơ quan quản lý để tránh trùng lặp, phân tán trong công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này. Theo đó, 29 ngành, nghề có nội dung trùng lặp đã được hợp nhất vào 19 ngành, nghề; cập nhật, chuẩn xác hóa tên 18 ngành, nghề nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ, minh bạch điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề này phù hợp với quy định tại các luật có liên quan cũng như thực tiễn quản lý nhà nước.

Thành phố Hồ chí Minh xúc tiến đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao mở rộng

Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, hiện khu nông nghiệp công nghệ cao đang thực hiện 4 dự án mở rộng tại các nơi phù hợp. Trong số này, dự án mở rộng khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi có diện tích 200 ha, dự án mở rộng tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi rộng 23 ha. Hai dự án đang được xây dựng và thu hút đầu tư là khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ với diện tích 89 ha, dự án khu chăn nuôi công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh rộng 170 ha.

Với việc hoàn thành các dự án trên, đến năm 2020, Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích 570 ha, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp an toàn của thị trường.

Cùng với việc mở rộng diện tích nói trên, doanh nghiệp đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Thành phố Hồ chí Minh cũng như các quy định ưu đãi chung của Nhà nước. Cụ thể, nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động; được hỗ trợ 70% kinh phí đào tạo nghề trong nước, 50% chi phí quảng cáo doanh nghiệp và sản phẩm, 50% kinh phí tham gia hội chợ triển lãm, phí tiếp cận thông tin thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới, 70% chi phí xử lý chất thải.

Đánh thuế thực phẩm giúp giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính

Tại Brussels dẫn một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature Climate Change đánh giá việc áp dụng thuế thực phẩm dựa trên hàm lượng carbon không chỉ có lợi đối với môi trường mà còn tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Từ cánh đồng đến bàn ăn, thực phẩm mà con người tiêu thụ hằng ngày chính là thủ phạm gây ra 1/4 tổng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tỷ lệ này sẽ còn tăng mạnh do dân số tăng và sự thay đổi chế độ ăn uống tại các nước đang phát triển, khi người dân tiêu thụ ngày càng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Đối mặt với khoảng trống về an ninh lương thực và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giáo sư Marco Springmann, thuộc Đại học Oxford, cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu lợi ích khi thực hiện đánh thuế thực phẩm trên toàn cầu dựa trên hàm lượng carbon trong quá trình sản xuất thực phẩm. Căn cứ mức giá 52 USD/1 tấn quy đổi dioxid carbon (CO2), các nhà nghiên cứu đánh giá sự ảnh hưởng của yếu tố tăng giá do tăng thuế đến quy mô tiêu dùng và những lợi ích môi trường cũng như sức khỏe.

Kết quả lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới có thể giảm 1 tỷ tấn quy đổi CO2 mỗi năm, trong đó khoảng 9,3% có nguồn gốc từ thực phẩm. Khoảng 2/3 lượng CO2 quy đổi giảm được là nhờ hạn chế tiêu thụ thịt bò và 1/4 lượng giảm liên quan đến giảm tiêu thụ các chế phẩm từ sữa.

Phong trào "Mùa xuân Arab" gây tổn thất hơn 600 tỷ USD

Ủy ban Kinh tế Xã hội vùng Tây Á (ESCWA) của Liên hợp quốc vừa công bố báo cáo cho biết phong trào nổi dậy "Mùa xuân Arab" đã khiến khu vực này tổn thất 614 tỷ USD do không tăng trưởng kinh tế kể từ năm 2011 đến nay. Con số này tương đương với 6% Tổng sản phẩm khu vực (GDP) trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015.

Các cuộc nổi dậy, khởi đầu từ Tusinia, đã khiến các nhà lãnh đạo tại bốn quốc gia bị lật đổ và dẫn tới chiến tranh tại Libya, Syria và Yemen. ESCWA cho biết các nước Arab đã phải đối diện với tình trạng trì trệ về kinh tế xã hội kể từ khi có các cuộc nổi dậy vào 2011. Bản báo cáo của ESCWA mô tả tiến trình xã hội ở khu vực là "ảm đạm" và nói quyền công dân đã bị thụt lùi tại một số quốc gia. Số liệu cũng cho thấy các cuộc xung đột đã làm tồi tệ thêm tình trạng nợ nần, thất nghiệp, tham nhũng, đói nghèo, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tị nạn.

IMF thúc giục Argentina tiếp tục cải cách kinh tế vì người nghèo

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thúc giục Argentina tiếp tục các chính sách cải cách kinh tế hà khắc, đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm giúp người dân nghèo giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các chính sách trên. Trong báo cáo đánh giá nền kinh tế Argentina, công bố ngày 11-11, IMF nhận định Argentina sẽ cần thời gian để những chính sách cải cách phát huy hiệu quả, trong khi đó quốc gia Nam Mỹ này cũng sẽ bị ảnh hưởng từ các tác động tiêu cực trong ngắn hạn.

IMF cũng khuyến cáo cho dù đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái, Chính phủ Argentina không nên nới lỏng các biện pháp như cắt giảm chi tiêu, cho rằng những biện pháp này sẽ có tác động mạnh tới sự tăng trưởng, việc làm và các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất. Trước đó, IMF dự báo nền kinh tế của Argentina sẽ giảm 1,7% trong năm nay nhưng sẽ tăng vượt bậc vào năm 2017 với mức tăng trưởng 2,7% khi các chính sách cải cách bắt đầu phát huy tác dụng.

IMF cũng cho biết việc giảm tỷ lệ lạm phát, được dự báo ở mức 40% vào cuối năm nay, sẽ vẫn phải là một trong những mục tiêu chính của Buenos Aires. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, Argentina phải có các biện pháp nhằm bảo đảm ngân hàng Trung ương hoạt động độc lập và có được sự tín nhiệm. Bên cạnh đó, Argentina cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự tăng trưởng, bao gồm những thay đổi trong quy định về năng lượng, dịch vụ công và lãi suất, cùng với một chương trình để bảo vệ người nghèo.

Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ chi 320 triệu euro nhằm giúp phát triển ngành công nghiệp năng lượng từ sóng biển và thủy triều

Phát biểu tại Brussels, Ủy viên về lĩnh vực môi trường của EU, ông Karmenu cho biết quỹ này sẽ giúp đỡ về vốn cho các công ty nào đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng đại dương, thực hiện các dự án nghiên cứu thăm dò và phát triển thị trường năng lượng mới. Hiện, công ty năng lượng sóng Carnegie ở Cornwall (Anh) đã nhận tài trợ 9,6 triệu bảng Anh từ EU để thực hiện việc nối điện được tạo từ sóng biển vào hệ thống đường điện của nước Anh. Đây là dự án đầu tiên của nước Anh về sản xuất điện từ sóng biển. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018 và sẽ bán điện vào năm 2021.

Dự án ở Cornwall có vai trò quan trọng, chứng tỏ Vương quốc Anh tiếp tục là nước đi tiên phong trên thế giới về khai thác năng lượng tái tạo ngoài khơi. Khoảng 1/2 tổng số các công ty năng lượng lợi dụng sóng biển và thủy triều trên thế giới hiện được đặt tại châu Âu. Theo tính toán của các chuyên gia, ngành công nghiệp năng lượng mới này có thể sẽ mang tới 653 tỷ euro vào giữa thế kỷ 21.

Hiện nay có bốn dự án đang chuẩn bị triển khai, ước tính sẽ cung cấp 1,5 GW điện năng và tạo ra khoảng 400.000 việc làm. Cuối năm nay, công ty Atlantis Resources sẽ hoàn thành giai đoạn một của dự án MeyGen tại Scotland, đến năm 2025 dự án này sẽ có công suất lên tới 398 MW.

Tại Bắc Ireland, công ty năng lượng DP cũng cho biết họ đang ở giai đoạn cuối của việc phát triển một trạm điện thủy triều 10 MW tại Fair head. Trạm này thuộc giai đoạn 1 của dự án 100MW của công ty. Ngày 10-11, EU sẽ phát động một số chương trình nhằm bảo vệ các loài động vật biển, trong đó có một dự án thí điểm về việc sử dụng vệ tinh truyền thông để phát hiện việc đánh bắt cá bất hợp pháp trên thế giới./.