Tập hợp, đoàn kết, động viên và phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam hiện nay
TCCSĐT - Hiện nay ở nước ta, tỷ lệ số người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 10,9% dân số và có xu hướng tăng lên. Để phát huy truyền thống văn hóa “trọng xỉ”, và để người cao tuổi có thể tiếp tục đóng góp quan trọng cho xã hội, cần đẩy mạnh việc tập hợp, đoàn kết, động viên và phát huy vai trò người cao tuổi bằng cách kết hợp các biện pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm, trước tiên và trực trực tiếp là ở cơ sở.
Hiện trạng người cao tuổi
Theo kết quả Điều tra biến động dân số năm 2011 của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, số lượng người cao tuổi đang tăng nhanh hơn bất kỳ nhóm dân số nào khác. Theo các chuyên gia nhân khẩu học, ở Việt Nam hiện nay, cứ 10 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên; và dự đoán đến năm 2050, cứ 5 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Qua đó cho thấy, thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn so với một số nước trong khu vực.
Tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam ngày càng tăng lên do tỷ suất sinh và tỷ suất tử giảm. Xu hướng nhân khẩu học này là một trong những thành tựu lớn của Việt Nam. Điều này phản ánh kết quả cải thiện đáng kể về y tế, dinh dưỡng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, già hóa dân số một cách nhanh chóng cũng đã và đang tạo ra những thách thức to lớn đối với Việt Nam. Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 10,9% tổng dân số, với hơn 10 triệu người, trong đó, có khoảng 10 nghìn người cao tuổi đang sống trong các trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và tư nhân thành lập. Thực trạng này đặt ra nhiều vấn đề về tăng trưởng kinh tế, cũng như các chương trình an sinh xã hội cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số cao tuổi được coi là nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương.
Luật Người cao tuổi được Quốc hội thông qua năm 2009 đã tạo khuôn khổ pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích của người cao tuổi và là cơ sở để hình thành chính sách, giải pháp đón đầu với một xã hội già hóa trong tương lai. Sau 5 năm thực hiện, nhận thức về quyền của người cao tuổi và các quy định của Luật Người cao tuổi có chuyển biến mạnh mẽ. Theo kết quả khảo sát, 78% người cao tuổi và 72% đại diện các hộ gia đình có người cao tuổi biết về Luật Người cao tuổi và các quyền của người cao tuổi. Nhờ vậy, quyền của người cao tuổi được bảo đảm tương đối tốt. Hơn 90% người cao tuổi được bảo đảm nhu cầu về ăn mặc, ở; 87,6% được bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi vẫn còn những hạn chế, nhiều nơi coi là nhiệm vụ riêng của ngành lao động, thương binh và xã hội. Chế độ miễn giảm phí giao thông, du lịch, tham quan, các công trình xây dựng phục vụ cho người cao tuổi chưa thực hiện kịp thời. Hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu cho người cao tuổi ở cơ sở gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ người cao tuổi đến khám, chữa bệnh được lập hồ sơ quản lý sức khỏe tại tuyến cơ sở còn thấp. Người cao tuổi gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế khi ốm đau, bệnh tật.
Phương hướng chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi
Chăm sóc người cao tuổi là chủ trương, chính sách quan trọng mà Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhấn mạnh trong các giai đoạn phát triển của đất nước. Đại hội XII của Đảng (tháng 01-2016) đề ra phương hướng: “Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”; giúp đỡ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa”(1).
Mục đích là góp phần bảo đảm thực hiện quyền của người cao tuổi gồm: Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe; Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn; Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi; Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp; Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác; Được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người cao tuổi thực hiện được các nghĩa vụ của mình như: nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; truyền đạt kinh nghiệm quý cho thế hệ sau; các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Thông qua đó, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm quyền của người cao tuổi, đó là: lăng mạ, ngược đãi, xúc phạm, hành hạ, phân biệt đối xử đối với người cao tuổi; xâm phạm, cản trở người cao tuổi thực hiện quyền về hôn nhân, quyền về sở hữu tài sản và các quyền hợp pháp khác; không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi; lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để vụ lợi; ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái với quy định của pháp luật; ép buộc, kích động, xúi giục, giúp người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi; trả thù, đe dọa người giúp đỡ người cao tuổi, người phát hiện, báo tin ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật đối với người cao tuổi.
Nhiệm vụ chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi
Để tích cực triển khai thực hiện phương hướng nêu trên, cần có các chính sách, chương trình và biện pháp tập trung phát huy các sáng kiến thực tế và có tính bền vững ngay từ cơ sở, để giúp người cao tuổi tham gia một cách tích cực vào các hoạt động xã hội, văn hóa, thể chất và kinh tế. Các chính sách, chương trình,... cần bảo đảm cho đa số người cao tuổi có thể tiếp cận thuận tiện và phổ cập các dịch vụ xã hội cơ bản; người cao tuổi với sự hỗ trợ của cộng đồng, có thể chi trả được, nhất là các khoản chăm sóc y tế.
Cách thức triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đề ra là kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trước hết, đối với Nhà nước, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi. Cụ thể: Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về công tác người cao tuổi. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về người cao tuổi, chương trình, kế hoạch về công tác người cao tuổi. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về người cao tuổi. Thực hiện hợp tác quốc tế về người cao tuổi. Thực hiện công tác báo cáo về người cao tuổi. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê về người cao tuổi. Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về bồi dưỡng người làm công tác người cao tuổi. Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ và bồi dưỡng nhân viên chăm sóc người cao tuổi. Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch các cơ sở chăm sóc người cao tuổi trong cả nước.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi:
- Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng; hướng dẫn việc quản lý bệnh mãn tính của người cao tuổi; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh alzheimer và các bệnh mãn tính khác, bệnh về sức khỏe sinh sản của người cao tuổi; đào tạo, bồi dưỡng thầy thuốc, nhân viên y tế chuyên ngành lão khoa. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành quy định về tổ chức, chế độ, chính sách đối với người làm công tác người cao tuổi.
- Bộ Tài chính hướng dẫn việc bố trí ngân sách thực hiện chính sách chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi và hỗ trợ kinh phí hoạt động của Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền các dự án nhà nước về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê về người cao tuổi.
- Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo việc hỗ trợ người cao tuổi trong các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch; chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền kịp thời, chính xác chính sách, pháp luật về người cao tuổi.
- Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi; lồng ghép hoạt động về người cao tuổi vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
Thứ hai, đối với các tổ chức xã hội, trực tiếp là Hội người cao tuổi Việt Nam, cần tiếp tục và đẩy mạnh tập hợp, đoàn kết rộng rãi người cao tuổi Việt Nam vào tổ chức Hội nhằm tạo điều kiện cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Các tổ chức xã hội cần có những biện pháp thiết thực để tập hợp, đoàn kết, động viên người cao tuổi tham gia sinh hoạt cộng đồng, nhằm góp phần thực hiện các chương trình kinh tế - văn hóa - xã hội; giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi; làm rõ trách nhiệm của Hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao trách nhiệm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi; gia đình người cao tuổi có trách nhiệm chủ yếu trong việc phụng dưỡng người cao tuổi; cá nhân có trách nhiệm kính trọng và giúp đỡ người cao tuổi.
Phát huy vai trò của Hội người cao tuổi Việt Nam là nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi, đặc biệt thông qua việc xây dựng “Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi” tại các làng, bản, buôn, ấp, khu phố,... Hội cần nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng của người cao tuổi để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi. Như: bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo quy định của pháp luật; lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội; phát triển ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi; khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khỏe; tham gia học tập, hoạt động văn hóa, tinh thần; sống trong môi trường an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm; khuyến khích, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn người cao tuổi, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi; xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật đối với người cao tuổi./.
Theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì người cao tuổi Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có trên 100 trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi, trong đó có 60 trung tâm do các cá nhân, tổ chức thành lập. Đây là mô hình hay, đáng hoan nghênh. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn sau này sẽ có thêm nhiều trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng những người cao tuổi gặp nhiều khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống.
----------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 164
Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhà nước và các giá trị kế thừa trong xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay  (15/11/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 07-10 đến ngày 13-11-2016)  (14/11/2016)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm và làm việc tại Nga  (14/11/2016)
Tổng thống Ireland Michael D. Higgins kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam  (14/11/2016)
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tiếp Đoàn Ban Phát triển nông thôn và Xóa nghèo Trung ương Lào  (14/11/2016)
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tại Bộ Công Thương  (14/11/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên