Cộng đồng quốc tế vẫn chưa thống nhất được đường lối chung thúc đẩy hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan
Phát biểu trong phiên thảo luận ngày 12-3 tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề gia hạn sứ mệnh của Phái bộ Liên hợp quốc ở Áp-ga-ni-xtan (UNAMA), Phó Tổng thư ký phụ trách lực lượng gìn giữ hòa bình Giăng Ma-ri Gu-ê-hen-nô (Jean Marie Guehenno) khẳng định, cộng đồng quốc tế tuy khá hào phóng song vẫn chưa thống nhất được đường lối chung để thúc đẩy hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan trong khi bạo lực khủng bố và phiến loạn không ngừng tăng lên ở nước này.
Ông nhấn mạnh, Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về khiếm khuyết này và đang điều chỉnh nhưng cần sự hợp tác của các đối tác quốc tế khác và của chính Áp-ga-ni-xtan. Chính quyền Áp-ga-ni-xtan đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, trong đó có chủ nghĩa khủng bố và ma túy. Chính phủ chỉ có tầm ảnh hưởng yếu bởi tình trạng tham nhũng rộng khắp. Ngoài ra, hoạt động buôn bán thuốc phiện gây quỹ cho phiến quân Ta-li-ban (Taliban) cũng đang mở rộng quy mô và tác động xấu đến Chính phủ.
Trong báo cáo mới nhất tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Tổng thư ký Ban Ki-mun khẳng định, số lượng các cuộc tấn công nổi dậy tại Áp-ga-ni-xtan đã tăng lên đột biến, trong năm 2007 trung bình 556 vụ/tháng với hơn 8.000 dân thường thiệt mạng. Ông lưu ý rằng, các quan chức Áp-ga-ni-xtan và nhân viên cứu trợ quốc tế về cơ bản vẫn chưa tiếp cận được 36 trong tổng số 376 quận, huyện của Áp-ga-ni-xtan nhất là các tỉnh phía Đông, Đông Nam và Nam. Ông kêu gọi tăng cường phối hợp giữa cộng đồng quốc tế, Chính phủ Áp-ga-ni-xtan và Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Áp-ga-ni-xtan (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lãnh đạo, cũng như mở rộng hoạt động của Liên hợp quốc tại Áp-ga-ni-xtan.
Hiện I-ta-li-a đang soạn thảo một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và dự kiến nghị quyết này sẽ đưa ra bỏ phiếu vào ngày 20-3-2008, trước khi thời hạn hoạt động của UNAMA kết thúc 3 ngày. Trọng tâm của bản Dự thảo nghị quyết mới này tập trung vào việc tăng cường vị thế của phái viên Liên hợp quốc tại Áp-ga-ni-xtan, một vị trí mà Tổng thư ký Ban Ki-mun đề cử nhà ngoại giao Na-uy Cai Ê-i-đê (Kai Eide) đảm nhiệm. Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi “ủng hộ mạnh mẽ hơn” đối với Chính phủ Áp-ga-ni-xtan.
Trong một diễn biến liên quan khác, mặc dù muốn Pháp tăng quân chiến đấu tại khu vực đầy bất ổn miền Nam Áp-ga-ni-xtan, nhưng Mỹ cũng sẽ chấp thuận đề xuất của Pa-ri tăng quân Pháp tại miền Đông - một quyết định có thể vấp phải sự chỉ trích của Ca-na-đa, nước đang gửi quân tham gia chiến đấu tại miền Nam. Trước đó, Ốt-ta-oa dọa sẽ rút quân nếu như NATO không tăng viện. Tuy nhiên, theo giới chức Mỹ, với việc Pháp trấn giữ miền Đông, Mỹ có thể chuyển quân xuống miền Nam để hỗ trợ lực lượng của Ca-na-đa tại đây.
Quan điểm của Việt Nam
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thảo luận tình hình của Áp-ga-ni-xtan, Đại sứ Lê Minh Lương, Trưởng phái đoàn Đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc và tại Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh hiện nay ở Áp-ga-ni-xtan, lên án mọi hành vi bạo lực nhằm gây mất ổn định và tái thiết đất nước của Chính phủ và nhân dân Áp-ga-ni-xtan.
Đai sứ cho rằng, do đặc điểm tình hình Áp-ga-ni-xtan đã trải qua nhiều thập kỷ nội chiến và chia rẽ, ngoài những biện pháp tăng cường an ninh, tiến trình chính trị và hòa giải dân tộc cũng cần phải được thúc đẩy nhằm đạt tới hòa bình và ổn định lâu dài cho Áp-ga-ni-xtan cũng như toàn khu vực. Nhấn mạnh thành công của công cuộc tái thiết Áp-ga-ni-xtan phụ thuộc vào thành công của cuộc chiến chống cả hai kẻ thù chính là nạn khủng bố và ma túy, trên cơ sở phân tích đói nghèo cũng là một nguyên nhân gốc rễ của nạn ma túy tại Áp-ga-ni-xtan, Đại sứ Lê Minh Lương cho rằng, đồng thời với việc tăng cường các hoạt động chống buôn lậu và phá hủy các cơ sở sản xuất ma túy, cần thực hiện những sáng kiến mang lại cho người dân Áp-ga-ni-xtan các nguồn thu nhập thay thế để họ có cuộc sống tốt đẹp mà không phải tham gia các hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy.
Đại sứ Lê Minh Lương đánh giá cao nỗ lực của Phái bộ Trợ giúp Áp-ga-ni-xtan của UNAMA và ủng hộ kiến nghị của Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-mun gia hạn hoạt động của phái bộ này thêm 12 tháng. Đại sứ cho rằng với tình hình an ninh phức tạp hiện nay ở Áp-ga-ni-xtan, UNAMA cần tiếp tục tập trung thực hiện sứ mệnh của mình.
Nhắc lại mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Áp-ga-ni-xtan; việc Việt Nam đã tham gia các hội nghị quốc tế về tái thiết Áp-ga-ni-xtan; việc Việt Nam với nguồn lực còn hạn chế đã trợ giúp cho nhân dân Áp-ga-ni-xtan, Đại sứ Lê Minh Lương cam kết: với kinh nghiệm tái thiết đất nước sau chiến tranh, Việt Nam sẵn sàng tham gia các nỗ lực tái thiết Áp-ga-ni-xtan trên cơ sở tay đôi hoặc trong các khuôn khổ hợp tác ba bên với sự tham gia của các bên tài trợ và Chính phủ Áp-ga-ni-xtan.
Trung Quốc công bố báo cáo về nhân quyền Mỹ  (14/03/2008)
Một báo cáo sai trái, không đúng thực tế khách quan  (14/03/2008)
Một báo cáo sai trái, không đúng thực tế khách quan  (14/03/2008)
Mục lục tóm tắt Hồ sơ sự kiện số 30 (25-2-2008)  (14/03/2008)
Mục lục tóm tắt Hồ sơ sự kiện số 30 (25-5-2008)  (14/03/2008)
Mục lục tóm tắt Hồ sơ sự kiện số 28-29 (25-1-2008)  (14/03/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên