Phát huy vai trò của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững ở tỉnh Quảng Ninh

NGUYỄN ĐĂNG KIÊN
Trưởng Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ Quảng Ninh
02:51, ngày 30-09-2023

Đôi nét về tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có dân số 1.415.000 người, với 21 dân tộc anh em; là tỉnh có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia, tỉnh có 13 đơn vị hành chính gồm 04 thành phố, 02 thị xã và 07 huyện với 177 xã, phường, thị trấn. Quảng Ninh là vùng đất có nền văn hóa lâu đời. Văn hóa Hạ Long đã ghi vào lịch sử như một tiến hóa của người Việt. Cũng như các địa phương khác, cư dân sống tại Quảng Ninh có đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo rất phong phú.

- Về tôn giáo: Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay có 4 tôn giáo đang hoạt động, gồm: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Tin lành, với tổng số khoảng gần 200.000 tín đồ, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 149 cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng và kiểm kê phân loại, trong đó có 15 cơ sở là di tích cấp quốc gia đặc biệt, 09 cơ sở là di tích quốc gia, 17 cơ sở là di tích cấp tỉnh và 108 cơ sở được kiểm kê, phân loại trong Danh mục quản lý di tích của tỉnh.

- Về tín ngưỡng: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 350 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 91 ngôi đình, 67 ngôi đền, 69 ngôi miếu, 08 nghè, 115 điện thờ tư gia với các loại hình hoạt động tín ngưỡng cơ bản như: Tín ngưỡng thờ thành hoàng; tín ngưỡng thờ thần; tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc; tín ngưỡng thờ người có công với làng xã (tín ngưỡng thờ Tiên Công); Tín ngưỡng thờ Hậu Thần; tín ngưỡng thờ Mẫu; tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra, một số lễ hội tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được phục dựng và tổ chức thường xuyên, như: lễ Đại Phan của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Các di tích tín ngưỡng trên ở Quảng Ninh đều gắn với các lễ hội tín ngưỡng, các nghi lễ, nghi thức dân gian (lễ hội đình, đền, miếu).

Hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển, thể hiện tính văn hóa đa dạng không chỉ của dân tộc Kinh mà còn của cả các dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh nói chung được bảo đảm, tuân thủ các quy định của Nhà nước.

Giá trị văn hóa của tín ngưỡng, tôn giáo thể hiện trên hai lĩnh vực là vật thể và phi vật thể. Quá trình hình thành, phát triển niềm tin của tín ngưỡng, thực hành các giáo lý, giáo luật, nghi lễ của tôn giáo dần ảnh hưởng, tác động lớn đến nhận thức, tư tưởng, tâm lý và lối sống không chỉ của những người có niềm tin, của tín đồ, mà còn ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống xã hội. Giá trị văn hóa của tín ngưỡng, tôn giáo luôn có sức sống lâu bền và mãnh liệt, luôn trường tồn cùng sự phát triển của đất nước, con người. Cũng như cả nước, các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo tại Quảng Ninh thể hiện ở truyền thống nhân sinh tốt đẹp như biết kính trên, nhường dưới, biết hiếu kính cha mẹ, phụng sự Tổ quốc; truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, đồng hành cùng dân tộc.

Mỗi tôn giáo có cách thức thể hiện đường hướng và phương pháp hành đạo riêng nhưng đều chung một định hướng là sống “Tốt đời, đẹp đạo” gắn bó, đồng hành với đất nước. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, các nhu cầu đối với cuộc sống cũng được đáp ứng tốt hơn, là những áp lực đè nặng lên đời sống, tâm lý của mỗi con người, những ham muốn vật chất, những tệ nạn xã hội ngày một nảy sinh. Bản thân mỗi người đều phải đối diện với những khó khăn, những thách phát sinh của cuộc sống. Trong hoàn cảnh đó, với tư tưởng từ bi hỷ xả, bao dung, độ lượng, khuyên răn con người sống có ích, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, và xã hội của tôn giáo đã mang lại một niềm tin, một điểm tựa tinh thần cho mỗi cá nhân. Tư tưởng, triết lý của tôn giáo luôn coi trọng và đề cao yếu tố luân lý, đạo đức thông qua các “giới cấm”, “điều răn” những việc không được làm đối với mỗi tín đồ; khuyên dạy con người sống trung thực, không trộm cắp, không tham lam…, tất cả đều nhằm hoàn thiện nhân cách con người, hướng con người vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ; góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong xã hội ngày nay, nhất là đối với tỉnh Quảng Ninh - được ví như một đất nước "Việt Nam thu nhỏ", có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ, giao thương. Việc phát huy vai trò văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững của tỉnh luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả trên các phương diện, như: an ninh trật tự, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, chấp hành các quy địnhcủa pháp luật…

Phát huy vai trò văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững

Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh cũng như việc lưu giữ, bồi đắp và làm phong phú thêm những giá trị truyền thống văn hóa, mang giá trị nhân văn, đạo đức có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội; là kênh truyền thông quan trọng góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng đi vào cuộc sống. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh, như: các phòng trào thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương trong tỉnh; hăng hái thi đua lao động, sản xuất với nhiềm mô hình có tính quy mô để phát triển hàng trăm trang trại, hàng trăm tàu, thuyền, hàng vạn ô, lồng, bè thủy, hải sản…, tạo ra những mô hình kinh tế hiệu quả, giải quyết việc làm cho người lao động; duy trì có hiệu quả các tổ nhóm vệ sinh môi trường, đoạn đường, tuyến phố xanh - sạch - đẹp; các câu lạc bộ tình nguyện bảo vệ môi trường, trực tiếp thu gom rác thải, bóc xóa biển quảng cáo không đúng nơi quy định, lắp đặt thùng rác, trồng cây xanh, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân di chuyển chuồng trại, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh...

Bên cạnh đó, việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục tại các địa phương trong tỉnh cũng nhận được sự quan tâm, chung tay của các tôn giáo thông qua các nội dung, mô hình hoạt động mang đặc trưng riêng của mỗi tôn giáo như: “xây dựng xứ họ đạo tiên tiến”; “xây dựng chùa cảnh tinh tiến”, “xây dựng xã tiên tiến vùng đồng bào dân tộc, vùng có đông đồng bào tôn giáo”... Hằng năm, tỷ lệ hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa đạt từ 95% đến 99% và tỷ lệ đạt gia đình văn hóa bình quân 5 năm đạt 94,4%…, qua đó, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào đời sống xã hội, động viên chức sắc, tín đồ các tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về an ninh, trật tự: Với tinh thần nhập thế, sống có trách nhiệm với đời, các tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong quá trình giữ nước bằng những việc làm cụ thể để hoàn thành trách nhiệm, bổn phận của một công dân với đất nước. Ngày nay, các tôn giáo đã tiếp nối truyền thống đồng hành cùng dân tộc, bằng những việc làm thiết thực... Đồng thời, vận động, giáo dục tín đồ gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và thực hiện chính tín, bài trừ mê tín dị đoan; giáo dục tín đồ không phạm tội, không mắc các tệ nạn xã hội, tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào “xây dựng nông thôn mới”, và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Đến nay, 100% các xã có đồng bào Công giáo đều đã đạt chuẩn xây dựng “Nông thôn mới”, “Nông thôn mới nâng cao”, “Nông thôn mới kiểu mẫu”. Trong đó xã Việt Dân (thị xã Đông Triều), nơi có trên 75% số dân là người Công giáo (có xứ Đông Khê) đã đạt chuẩn xã “Nông thôn mới kiểu mẫu” đầu tiên của cả nước; tỷ lệ hộ gia đình Công giáo đạt văn hóa trên 96%; theo thống kê chưa đầy đủ thì có trên 200 doanh nhân Công giáo đã đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong tỉnh.

Nhờ có sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong tỉnh, trong đó có tín đồ tôn giáo, nhiều dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thuận lợi, tạo sự phát triển đột phá, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái, đường nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với cầu Bạch Đằng, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… đã được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tôn giáo luôn gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu an sinh xã hội của tỉnh, góp phần tích cực hỗ trợ người nghèo, tham gia cứu trợ, cứu nạn, công tác bảo trợ xã hội được chức sắc, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện. Cụ thể trong những năm gần đây, các tổ chức tôn giáo hằng năm đã thăm, tặng quà và các hoạt động từ thiện, nhân đạo cho hộ nghèo, hộ khó khăn nhân dịp tết nguyên đán, các ngày lễ, tết của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn…, từ 2000 đến 3000 xuất quà/năm (giá trị 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/suất); hỗ trợ xây mới, sửa chữa hàng trăm căn nhà cho bà con nhân dân các địa phương với số tiền lên đến trên 100 tỷ đồng; hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất với số tiền trên 3 tỷ đồng; tham gia ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi; Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam các cấp… với tổng giá trị từ 400 đến 500 triệu đồng/năm. Ngoài những hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chức sắc, tín đồ các tôn giáo còn có nhiều hoạt động tích cực khác, như: đỡ đầu các học sinh nghèo học giỏi, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tham gia các hoạt động cứu trợ, cứu nạn, tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo tại các địa phương cũng có nhiều chương trình hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, tiêu biểu là các huyện, thị xã, thành phố, như: Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái... đã hỗ trợ các học sinh nghèo vượt khó học giỏi, các học sinh thi đỗ đại học... với số tiền lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm...

Việc bảo vệ và gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc: Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh đa phần gắn với tôn giáo, nhất là Phật giáo, tỉnh Quảng Ninh đã có những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm huy động nguồn lực trong nhân dân và trong các tôn giáo vào việc trùng tu, tôn tạo di tích, nhất là đối với Phật giáo, cụ thể: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã lập quy hoạch, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện nhiều dự án trùng tu, tôn tạo, xây dựng tại các cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử văn hóa, nhằm phát huy giá trị của các di tích, xây dựng các điểm đến trong hành trình tham quan của du khách trong và ngoài nước, các hoạt động này luôn được quan tâm, thu được nhiều kết quả tích cực, như: huy động nguồn vốn xã hội hóa trong xây dựng chùa Đồng, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông; Cung Trúc lâm Yên Tử; chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử; chùa Ba Vàng, chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác tâm, Đền - Chùa Xã Tắc; chùa Giữa đồng, chùa Đống phúc, 03 tòa thượng điện chùa Quỳnh Lâm,… Tính từ năm 2014 đến nay, công tác xã hội hóa đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích là các cơ sở tôn giáo (chùa) đã đạt từ vài tỷ đến vài trăm tỷ/cơ sở, tổng số tiền xã hội hóa đạt trên 1.300 tỷ đồng, đã góp phần không nhỏ vào việc trùng tu, tôn tạo các cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, xây dựng thêm các công trình phụ trợ nhằm phát huy giá trị của các di tích, tạo điểm nhấn trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến với di tích trên địa bàn tỉnh.

Về phương diện bảo vệ môi trường, là địa phương phát triển năng động về kinh tế - xã hội, nhưng kèm với đó, Quảng Ninh đang phải đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn và thách thức, đặc biệt là việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; thách thức giữa phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh, giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường tại Quảng Ninh luôn trong tình trạng rất cao, đòi hỏi phải được khẩn trương khắc phục, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến việc phát triển các ngành kinh tế có tính bền vững, mũi nhọn: du lịch, dịch vụ và kinh tế biển, đảo. Với những thách thức đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tôn giáo; đã thực hiện ký kết chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện tinh thần chung sức, đồng lòng trong các phong trào do chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh phát động, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội của tỉnh.

Để đạt được những kết quả như trên, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt, thực hiện tốt quan điểm của Đảng, Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, về công tác tôn giáo trong tình hình mới, trong đó có nhận thức về giá trị của tôn giáo là: “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”.

Từ quan điểm này, để phát huy vai trò văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kết luận số 606-KL/TU, ngày 20/01/2020, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 18/7/2014, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác tôn giáo; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 09/3/2018, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một trong 03 khâu đột phá chiến lược là: Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng, miền trong tỉnh.

Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp và các ban, ngành, địa phương liên quan thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, chủ động trong định hướng dư luận đối với các vấn đề tôn giáo phát sinh, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra sự cố hay các điểm nóng về tôn giáo trên địa bàn; thường xuyên đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đối ngoại tôn giáo (kết hợp trao đổi đoàn với tuyên truyền qua báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng, phổ biến, tuyên truyền nội dung các ấn phẩm tôn giáo chính thống...), bên cạnh việc giúp các tôn giáo hiểu và thực hiện tốt pháp luật còn nhằm mục đích vận động, huy động có chọn lọc các nguồn lực của tín ngưỡng, tôn giáo chung tay thực hiện tốt các định hướng phát triển, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây chính là một trong những chỉ đạo, định hướng đúng, trúng, phù hợp, kịp thời khuyến khích, động viên để biến tiềm năng văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo thành động năng, chuyển hóa thành nguồn lực và động lực cho góp phần cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Quảng Ninh.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc phát huy vai trò văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo

Để phát huy hơn nữa vai trò của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững ở tỉnh Quảng Ninh cũng như trong sự phát triển chung, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện hơn nữa để các tổ chức, cá nhân tôn giáo sinh hoạt theo đúng phương châm hành đạo và quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm công dân của chức sắc, tín đồ tôn giáo với quê hương đất nước, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào do chính quyền, đoàn thể các cấp phát động.

Hai là, xem xét sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để khắc phục những nội dung còn vướng mắc, bất cập của pháp luật có liên quan, nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, đặc biệt là việc thực hiện chủ trương xã hội hóa về y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa...

Ba là, việc phát huy vai trò, nguồn lực trong tín ngưỡng, tôn giáo cần bảo đảm đơn thuần, đúng tinh thần trách nhiệm và quy định của pháp luật; kiên quyết không để xảy ra hiện tượng thương mại hóa hay chính trị hóa tín ngưỡng, tôn giáo.

Bốn là: phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, ngăn ngừa việc lợi dụng hoạt động từ thiện, nhân đạo để trục lợi.

Năm là, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào tôn giáo; thực hiện nhất quán chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, hướng các hoạt động tôn giáo gắn bó đồng hành với dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập dân tộc của đồng bào có đạo.

Sáu là, cần ghi nhận và biểu dương kịp thời những đóng góp của các tổ chức tôn giáo và đồng bào có đạo trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt nhấn mạnh và làm nổi bật những tấm gương điển hình là chức sắc, chức việc các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.