Tỉnh Quảng Ninh có thể coi là một vùng đất đặc biệt của Việt Nam, là một trong những mảnh đất kỳ lạ của hành tinh, một sản phẩm có một không hai, vừa là của tạo hóa, vừa là của chính con người nơi đây tạo ra. Không chỉ là tỉnh có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Việt Nam, là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh, là cửa ngõ giao lưu giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tỉnh Quảng Ninh còn được xem là hình ảnh của nước "Việt Nam thu nhỏ". Với sự ưu đãi của thiên nhiên, tỉnh có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới và giàu tài nguyên khoáng sản, tạo thành một vùng đất có cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, đặc sắc hiếm có. Nơi đây còn là sự hội tụ, giao thoa kỳ diệu về lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa người dân đất mỏ.

Với diện tích đất liền hơn 6.100 km2, tỉnh Quảng Ninh có 14 đơn vị hành chính, bao gồm 4 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện, với 186 xã, phường, thị trấn; dân số gần 1,2 triệu người, là nơi hội tụ sinh sống của 22 dân tộc anh em. Hơn 10% dân số là người dân tộc thiểu số (Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu, Hoa, Nùng...) và gần 90% dân số là người Kinh; có 4 tôn giáo là Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, trong đó chủ yếu là Phật giáo. Tất cả những nét đặc biệt đó đã hình thành nên một tỉnh Quảng Ninh thống nhất trong phong phú và đa dạng, được biểu hiện trên các chiều cạnh về điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, lịch sử, văn hóa và xã hội. Sự thống nhất trong đa dạng đó, trải qua quá trình hình thành và phát triển đã tạo nên nét đặc trưng, riêng có của con người Quảng Ninh là “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”. Để rồi chính con người nơi đây, trong không gian xã hội mới, ngày càng tạo nên những giá trị trầm tích văn hóa mới của văn minh, hiện đại, trở thành nguồn lực quan trọng xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với tên gọi Quảng Ninh - vùng đất rộng lớn và yên vui được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên.

Nói đến đặc trưng con người Quảng Ninh, ít có sử liệu nào ghi chép cụ thể. Tuy nhiên, có thể thấy, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đặc biệt đã đưa đến đặc trưng con người Quảng Ninh là sản phẩm của sự giao lưu, hội tụ, kết hợp giữa văn hóa bản địa và văn hóa các vùng miền, các tộc người, trong đó nổi bật là từ nền kinh tế - văn hóa biển và nền kinh tế - văn hóa công nhân mỏ.

Về kinh tế - văn hóa biển: Đây là giá trị truyền thống được kế thừa qua hàng nghìn năm, kể từ khi người Việt thời đại đồ đá đến định cư ở Hạ Long và cho ra đời văn hóa Hạ Long, cách đây khoảng 4.500 - 3.500 năm. Sau này, hậu duệ của họ từng được Đại Nam nhất thống chí, phần về phong tục tỉnh Quảng Yên, chỉ vắn tắt về người Quảng Yên (bao gồm Quảng Ninh ngày nay), rằng: “Tục ưa mạnh tợn…, dân làm nghề đánh chài, đi buôn, mối lợi nhờ núi, biển” (1). Cho đến nay, người dân Trà Cổ (thành phố Móng Cái), Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn), đến các xã vùng Hà Nam (thị xã Quảng Yên)… vẫn đi biển, buôn bán và đây cũng là một trong những hoạt động kinh tế mũi nhọn của người dân Quảng Ninh. Xuất phát từ cuộc sống mưu sinh trên biển, người dân vùng biển thường có tục ăn to, nói lớn, “ăn sóng, nói gió”, có lẽ bởi vậy, sách Đại Nam nhất thống chí mới ghi nhận rằng, tính cách người vùng Quảng Yên “ưa mạnh tợn”.

Nói đến con người, văn hóa Quảng Ninh là nói đến sự kết hợp đa dạng văn hóa các vùng, miền: văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, văn hóa các vùng đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng Bắc Trung Bộ; trong đó, văn hóa biển, đảo của những làng chài định cư trên Vịnh Hạ Long và các vùng biển, đảo khác ở vùng đồng bằng ven biển được thể hiện đậm nét. Văn hóa Hạ Long, văn hóa biển về bản chất là sự tồn tại, phát triển rất năng động trong các mối quan hệ giao lưu, hội nhập và thích ứng văn hóa. Sống gần biển, mưu sinh nhờ biển, con người Quảng Ninh hòa hợp với thiên nhiên, phóng khoáng, mong ước cuộc sống bình yên, khao khát tình yêu, hạnh phúc, thương yêu, trọng tình nghĩa. Mặt khác, sau lưng là biên cương, núi cao hiểm trở, trước mặt là biển rộng, thường bị thiên nhiên đe dọa, cũng hình thành và tôi luyện nên sự cần cù, chịu thương, chịu khó, kiên cường, mưu trí của người Quảng Ninh. Đây chính là những cơ sở, nguồn gốc hình thành nên con người nơi đây với những giá trị đặc trưng “ăn sóng, nói gió” - hào sảng, lành mạnh, thân thiện, nhưng cũng rất năng động và sáng tạo.

Về kinh tế - văn hóa công nhân mỏ: Đây là đặc trưng con người giàu bản sắc Quảng Ninh với những giá trị tốt đẹp của người dân sống và lao động trên vùng đất mỏ, được hình thành và phát triển từ năm 1840, khi người Việt Nam bắt đầu bổ nhát cuốc đầu tiên khai thác mỏ than đá ở núi Yên Lãng (Đông Triều) theo chỉ dụ của vua Minh Mạng. Đầu thế kỷ XX, sau khi thiết lập bộ máy cai trị ở vùng mỏ Quảng Ninh, người Pháp bắt đầu mộ phu từ các tỉnh ra khai thác than. Hàng nghìn người dân ở khắp các vùng, miền mang theo lối sống phóng khoáng, tự do đã đến khu mỏ Quảng Ninh. Họ định cư lâu dài, hình thành một tầng lớp xã hội mới, đông đảo - đội ngũ công nhân mỏ. Người dân di cư đến đây, không chỉ mang theo văn hóa địa phương mà vì cuộc sống mưu sinh, quy luật sinh tồn, họ cùng với người dân gốc nơi đây chung lưng đấu cật, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng thêm giàu đẹp. Trong điều kiện lao động trực tiếp khai thác mỏ than nơi hầm lò vất vả, đời sống còn nhiều thiếu thốn, người thợ mỏ luôn nêu cao tính kỷ luật, đoàn kết, đồng tâm, vượt qua khó khăn, hình thành nên giá trị cốt lõi của tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của người dân đất mỏ Quảng Ninh. Qua thời gian được học tập, làm việc, tôi luyện trong môi trường công tác có tính kỷ luật cao, có trình độ kỹ thuật hiện đại, họ từng bước trở thành những công nhân lành nghề, sản xuất hiệu quả. Với đội ngũ công nhân lớn mạnh, các thế hệ thợ mỏ nối tiếp nhau lao động, lập nghiệp trên vùng mỏ. Nhiều nơi lập thành những làng mỏ, những khu tập thể công nhân sống quây quần. Thợ mỏ đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau cùng với những người dân gốc tại Quảng Ninh chung sống hài hòa, tạo nên sự giao thoa đặc biệt về văn hóa. Các nhà nghiên cứu về văn hóa đều thống nhất rằng, sự phong phú, đa dạng của văn hóa vùng mỏ có được là do có sự giao thoa kỳ diệu giữa nhiều vùng văn hóa với nhau. Trong đó, chủ yếu là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra các tỉnh phía Bắc. Đây là tài sản tinh thần vô giá - văn hóa phi vật thể, có sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của công nhân mỏ, cũng như vùng đất mỏ anh hùng. Khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm chúng ta nhất định thắng” từ cuộc đình công tháng 11-1936 như là một mệnh lệnh, cương lĩnh của thợ mỏ trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đã cùng với giai cấp công nhân mỏ, với nhân dân tỉnh Quảng Ninh đi suốt chiều dài lịch sử, từ phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập đến công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Từ đó, hình thành nên phẩm chất của người dân đất mỏ là kỷ luật, đoàn kết, vươn lên, luôn năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt khó, hào sảng, thân thiện và văn minh.

Như vậy, vùng đất yên vui, rộng lớn Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất của văn hóa biển với văn hóa công nhân mỏ, của nền văn minh sông Hồng với văn hóa vùng Đông Bắc, đã tạo nên giá trị cốt lõi của tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của người Quảng Ninh. Sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng, miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp, cùng với sự giao thoa văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế, đã tạo nên cốt cách con người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng, văn minh và thân thiện.

Dựa trên lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện phát triển kinh tế, nguồn lực văn hóa và con người, những năm qua, bằng tư duy đột phá, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, con người Quảng Ninh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh được đẩy mạnh với những nhiệm vụ cấp bách, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh. Kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp, truyền thống đặc trưng con người Quảng Ninh, của văn hóa Hạ long, văn hóa công nhân vùng mỏ, văn hóa các dân tộc và tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…, qua đó góp phần tạo nên khí chất riêng của người vùng mỏ. Năm 2014, tỉnh triển khai chương trình “Nụ cười Hạ Long”, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi, ứng xử của mỗi người con Quảng Ninh. Bắt đầu từ cán bộ lãnh đạo tỉnh, lan tỏa đến bộ máy chính quyền, đến các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, đến từng khu phố, ngõ xóm, từng hộ gia đình và từng người dân, dần hình thành chuẩn mực về một vùng đất du lịch năng động và giàu lý tưởng. Mỗi người dân Quảng Ninh giờ đây luôn chân thành, cởi mở, thân thiện… chào đón du khách. Chương trình “Nụ cười Hạ Long” đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh và trở thành những hành động cụ thể, thiết thực. Đó là thái độ ân cần, cởi mở của cán bộ, công chức khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp; là sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất đến con người của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tạo nên sự chuyên nghiệp, đẳng cấp; là môi trường du lịch lành mạnh, nói không với các hành vi vi phạm trong kinh doanh du lịch, ngày một nâng cao theo hướng minh bạch, hiện đại… Qua đó, vừa nhằm xây dựng tỉnh Quảng Ninh văn minh, thân thiện, hiện đại, đáng sống, vừa giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Quảng Ninh cho mai sau.

Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển, ngày 9-3-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong đó, đặt mục tiêu là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”. Nghị quyết đã và đang không ngừng thấm sâu vào đời sống xã hội, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, những đổi mới toàn diện, những bản sắc văn hóa được phát huy. Ở đó, mỗi con người Quảng Ninh mang trong mình đặc trưng “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện” chính là những chủ nhân thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh với các đặc trưng “Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc”.

Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, một trong những quan điểm, định hướng chủ đạo của tỉnh là: Lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm. Từ đó, đề ra nhiệm vụ thường xuyên và các giải pháp lớn để thực hiện là phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người vùng mỏ và xây dựng con người Quảng Ninh “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - thân thiện - văn minh”.

Có thể nói, với sự quan tâm, đầu tư đúng tầm, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực trong việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc con người Quảng Ninh. Tư tưởng, đạo đức, lối sống xã hội của con người Quảng Ninh tiếp tục được khẳng định và phát huy theo chiều hướng tích cực. Trên hành trình phát triển, hội nhập, tỉnh đã và đang là nơi hội tụ của bạn bè khắp nơi trên thế giới, là điểm đến của những nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế. Theo đó, những giá trị nhân văn, những khát vọng “đồng thịnh vượng” đang được bạn bè muôn nơi mang đến và cùng gieo trồng tại mảnh đất giàu truyền thống, thân thiện, mến khách này. Điều này cũng đòi hỏi tỉnh cần phải nỗ lực hơn nữa, phát huy những giá trị mà con người Quảng Ninh đã và đang có để viết nên những điều kỳ diệu trên “mảnh đất kỳ lạ của hành tinh” này./.

-------------------

(1) Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 13