Để xây dựng văn hóa phát triển Quảng Ninh
Nhận diện thách thức và các mâu thuẫn phát triển
Quảng Ninh là cửa ngõ quan trọng, là đầu mối giao lưu kinh tế giữa tỉnh với vùng đồng bằng sông Hồng trù phú cũng như giao lưu với thế giới bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Đồng thời, là tỉnh có đến 4 thành phố (bao gồm thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thành phố Uông Bí, thành phố Móng Cái) và 10 huyện đa dạng khác hợp thành trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng tam giác phát triển chiến lược Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà đỉnh của nó là Thành phố Hạ Long.
Quảng Ninh là tỉnh biên giới, với 132,8km đường biên với Trung Quốc. Phía nam giáp thành phố Hải Phòng, ranh giới là sông Bạch Đằng. Phía tây giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và Hải Dương. Phía đông giáp biển với 250km và vùng biển rộng lớn. Đây là vùng của nhiều khoáng sản, nổi bật nhất là than đá với trữ lượng 3,5 tỷ tấn, cho phép khai thác 30 triệu - 40 triệu tấn/năm. Ở nước ta, không địa phương nào có được sự độc đáo về địa tự nhiên như Quảng Ninh.
Hơn nữa, Hạ Long không chỉ là trung tâm kinh tế Quảng Ninh - một đỉnh của tam giác tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng, có cửa ngõ quốc tế Móng Cái và các cảng biển quan trọng, có lợi thế về thị trường và giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế, mà còn là vùng biển và hải đảo gồm hai nghìn hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước (2.078/ 2.779) trải dài theo 250 km đường ven biển, với hai Cảng Cái Lân và Cửa Ông…, tạo thành nền kinh tế biển - đảo và kinh tế du lịch Quảng Ninh.
Đặc sắc là di sản địa chất thế giới Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận lần 2; với Bái Tử Long và các hải đảo được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” cùng hàng trăm di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tập trung dọc ven biển với mật độ cao vào hạng nhất cả nước…, hình thành nhiều tuyến du lịch kết hợp rất hấp dẫn trên đất liền và hệ thống đảo.
Không chỉ có lịch sử lâu đời, Quảng Ninh còn là nơi hội tụ văn hóa của nhiều dân tộc, với những truyền thống văn hóa riêng, thậm chí là “nguyên bản”, “huyền bí” của nhiều lễ hội độc đáo và hấp dẫn. Đây là một tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa. Về xã hội, do có số người chuyển cư đến từ rất nhiều đời, nhiều đợt nên đây thực sự là nơi “góp người”, với kết cấu dân số độc đáo: “dân số trẻ” và đa dạng (tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tới 37,6%; người trên 60 tuổi (với nam) và trên 55 tuổi (với nữ) là 7,1%); ở các huyện miền núi tỷ lệ trẻ em dưới tuổi lao động còn lên tới 45%. Nét đáng chú ý nữa là, nam giới đông hơn nữ giới (nam chiếm 50,9 %, nữ chiếm 49,1%), ngược với tỷ lệ toàn quốc.
Là cửa ngõ, phên giậu của Tổ quốc ở phía Đông Bắc; có hơn 500 di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc, Quảng Ninh cũng là nơi có thương cảng Vân Đồn, một trong những thương cảng sầm uất nhất Việt Nam trong nhiều thế kỷ, đã khẳng định Việt Nam từ sớm là một quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.
Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, là quê hương của phong trào “vô sản hóa”, nơi đào luyện nên nhiều nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng trên cả nước, làm nên khí phách, bản lĩnh, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của Đảng, của giai cấp công nhân và của Dân tộc Việt Nam. Quảng Ninh là một tỉnh công nghiệp, lại ở vị trí biên giới nên giao thông vận tải của tỉnh vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa quốc phòng. Đó là những nhân tố làm nên vị thế, lợi thế, sức mạnh Quảng Ninh, mà sâu hơn là tiền đề kiến tạo và phát triển văn hóa chính trị, văn hóa dân tộc, trực tiếp là văn hóa kinh tế, văn hóa ngoại giao, văn hóa trong chính văn hóa… hợp thành triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Quảng Ninh.
Có thể khái lược: 1- Giữ vị trí trọng yếu ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc; 2- Kỳ quan Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới kết nối với những đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Lan Hạ; 3- Trữ lượng than với chất lượng tốt nhất, trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á; là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam; 4- Di sản nhà Trần với các giá trị nhân văn về Phật pháp, tâm linh, quyết tâm dựng nước, giữ nước, trải dài từ non thiêng Yên Tử (Uông Bí) - nơi duy nhất có nhà vua từ bỏ ngai vàng lên núi hóa Phật, để lại thiền phái mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng đạo pháp và đại đoàn kết các tôn giáo - đến Ngọa Vân (Đông Triều), Bạch Đằng Giang (Quảng Yên), Cửa Ông (Cẩm Phả); 5- Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa của nền văn minh sông Hồng. Đó là những tiềm năng, lợi thế, cơ hội để Quảng Ninh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi trên, Quảng Ninh vẫn đang đối mặt các mâu thuẫn, thách thức để lựa chọn chiến lược, phương thức phát triển:
Một là, tỉnh có 4 thành phố, 2 thị xã song có trên 60% đơn vị hành chính cấp xã (109/177) là miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng bào 42 dân tộc thiểu số chỉ chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, nhưng lại cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh, chủ yếu ở địa bàn miền núi, hải đảo, biên giới khó khăn nhưng có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng - an ninh. Gần 50% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi nhưng chỉ đóng góp 5,1% GRDP. Khoảng cách giữa 20% người giàu nhất với 20% người nghèo nhất trong tỉnh chênh lệch trên 8 lần.
Hai là, mâu thuẫn giữa tiềm năng lớn chưa được phát huy với các thể chế, cơ chế, chính sách còn chưa phù hợp với tình hình mới; giữa yêu cầu phát triển với các nguồn lực có hạn cả về con người và vật chất; giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng, đô thị hóa nhanh với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa tốc độ phát triển và chất lượng tăng trưởng.
Ba là, thách thức giữa phát triển nhanh, bền vững với gia tăng khoảng cách giàu nghèo và biến đổi khí hậu; giữa vừa phải phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, vừa phải chủ động góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ở địa bàn tiền tiêu của Tổ quốc.
Quảng Ninh làm gì và làm thế nào?
Phải chăng, cần định hướng tầm nhìn dài hạn làm cơ sở lựa chọn quan điểm, bước đi, giải pháp tiến tới mục tiêu: Xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc và cả nước; tích cực đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế, mà Đại hội thứ XV của Đảng bộ tỉnh lựa chọn?
Phải chăng, cần lựa chọn khâu đi trước mở đường là xây dựng quy hoạch tổng thể, có chất lượng, có định hướng chiến lược, tầm nhìn khoa học với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới; quản lý, công khai, giám sát thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo tính ổn định, tạo tiền đề hấp dẫn và đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư?
Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Phải chăng, bám sát Cương lĩnh phát triển đất nước, ưu tiên triển khai đột phá chiến lược về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng bằng việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực?
Cần “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tập trung tiết kiệm nguồn chi, chủ động ứng vốn, đề xuất thực hiện chủ đầu tư đối với tuyến cao tốc; thu hút doanh nghiệp đầu tư cảng tàu khách quốc tế, cảng hàng không quốc tế…
Đẩy mạnh cải cách hành chính, vận hành hiệu quả các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện theo nguyên tắc “5 tại chỗ” và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại cấp xã; tập trung xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, đề án chính quyền số và trung tâm điều hành thành phố thông minh; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi lớn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ. Xóa rào cản về khoảng cách, tăng hiệu quả tiếp cận thông tin, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt trong những tình huống nhanh, khẩn cấp như phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền địa phương cải thiện rõ rệt: nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng gắn với tăng quy mô dân số. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Dành nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Ban hành cơ chế, chính sách riêng của tỉnh nhằm thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh; các cơ chế, chính sách thu hút giảng viên, học sinh, sinh viên và xây dựng Trường Đại học Hạ Long từng bước trở thành trung tâm thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực, dạy nghề cho lao động nông thôn.
Phải chăng, kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo hướng: Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. Phát triển kinh tế biển và nông nghiệp công nghệ cao, tái cơ cấu nông nghiệp với phương châm lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu của tỉnh, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế.
Phải chăng, gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách của địa phương; không chờ kinh tế phát triển rồi mới lo các vấn đề về xã hội, bằng hệ thống đồng bộ các giải pháp cụ thể, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung đầu tư toàn diện hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn và các hạ tầng phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt, sản xuất, như đưa điện lưới quốc gia đến các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có dân cư sinh sống; bảo đảm người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Thực hiện phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, cần tính toán các chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội; tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm và cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của những người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi… Khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.
Ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách chi cho sự nghiệp y tế; đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; tập trung rà soát, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả (trạm y tế tuyến xã theo 3 mô hình; các trung tâm y tế cấp huyện) tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, nhất là cho người nghèo, đối tượng khó khăn. Bảo đảm tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; phát triển mạnh y tế dự phòng, nâng cao hiệu quả năng lực dự báo, phát hiện, kiểm soát và khống chế dịch bệnh.
Nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh với 85% số trường đạt chuẩn quốc gia. Quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tỷ lệ cán bộ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo là 99,58%. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, xem đó là yếu tố cần thiết mang tính chiến lược để tăng cường năng lực nội sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, ưu tiên nguồn lực, xây dựng mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu theo hướng người dân là chủ thể của Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) gắn kết với việc triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn, giảm nghèo bền vững.
Chú trọng xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp để phát huy vai trò của vùng khó khăn đối với tăng trưởng kinh tế. Trong đó, đặc biệt ưu tiên cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; nhất là văn hóa các dân tộc thiểu số thực sự trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa ở các huyện miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các sản phẩm văn hóa đặc trưng vùng, miền để phục vụ phát triển du lịch, tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.
Phải chăng, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại khu vực biên giới trên bộ, trên biển; triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế?
Thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch lại và xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, bảo vệ và phát triển rừng vành đai. Dành nguồn lực lớn bằng nội lực của tỉnh hoàn thành cơ bản việc nâng cấp tương đối đồng bộ các tuyến tỉnh lộ kết hợp với đường tuần tra biên giới trên toàn tuyến biên giới trên bộ, bảo đảm giao thông thuận tiện và sức cơ động nhanh. Đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống cảng biển và cảng lưỡng dụng trên các tuyến đảo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Có thể nói khái lược: Phát triển kinh tế phải đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, phải song hành bảo đảm giữ vững an ninh quốc phòng…, tất cả phải hướng tới nâng cao đời sống toàn diện và thịnh vượng của nhân dân, nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, sự chênh lệch giữa nhân dân các vùng, miền trong tỉnh.
Phải chăng, đó là cái gốc của mọi sự phát triển mạnh mẽ và bền vững; là nhân tố quyết định sự phát triển, để không ngừng giữ vững sự ổn định cao hơn, tiếp tục phát triển toàn diện hơn, đồng bộ hơn, thống nhất hơn và hiệu quả hơn, góp phần đẩy nhanh sự phát triển toàn vẹn, mạnh mẽ và bền vững hiện nay và tương lai?
Phát huy vai trò của thanh niên đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
Vị thế, vai trò phụ nữ Quảng Ninh trong thời kỳ mới  (30/09/2023)
Phát huy vai trò của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững ở tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
Vùng đất Quảng Ninh - hơn nửa thế kỷ dựng xây và phát triển  (30/09/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên