Một số trào lưu xã hội trên thế giới hiện nay: Tiếp cận từ góc độ quan hệ quốc tế
TCCS - Những năm gần đây, thế giới chứng kiến nhiều biến động lớn, phức tạp và khó lường, gắn liền với sự nổi lên của nhiều trào lưu kinh tế, chính trị, xã hội với tư cách là biểu hiện, nguyên nhân, đồng thời cũng là hệ quả của những biến động đó. Nghiên cứu tác động của các trào lưu đối với quan hệ quốc tế cho thấy, nếu coi sự cạnh tranh và hợp tác giữa các nước là động lực phát triển của chính trị quốc tế, sự vận động của thị trường là động lực phát triển của kinh tế quốc tế, thì các trào lưu xã hội có thể được xem là động lực phía sau sự phát triển của xã hội quốc tế nói riêng và đời sống quốc tế nói chung.
Về khái niệm trào lưu xã hội
Giới xã hội học bắt đầu quan tâm đến trào lưu xã hội ở cấp độ quốc tế từ đầu thế kỷ XX và nghiên cứu nhiều hơn kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Có bốn cách tiếp cận chính đối với trào lưu xã hội, bao gồm: “hành vi tập thể”, “huy động nguồn lực”, “tiến trình chính trị” và “trào lưu xã hội mới”.
Các học giả Ran-phơ Tua-nơ (Ralph Turner) và Li-uýt Ki-li-an (Lewis Killian) thuộc trường phái “hành vi tập thể” định nghĩa trào lưu xã hội là hành động có tính liên tục của một nhóm chủ thể nhằm thúc đẩy hay chống lại một sự thay đổi trong cộng đồng xã hội mà nhóm chủ thể đó là một bộ phận. Thành phần của nhóm không cố định, có thể thay đổi và quyền lãnh đạo trong nhóm được xác lập một cách phi chính thức, không thông qua quy trình, thủ tục chính thống(1).
Từ góc tiếp cận “huy động nguồn lực”, các nhà khoa học Giôn Mắc Ca-thy (John McCarthy) và Mây-ơ Dan-đơ (Mayer Zald) đưa ra định nghĩa về trào lưu xã hội khá gần với định nghĩa của học giả Ran-phơ Tua-nơ và Li-uýt Ki-li-an, đó là “một tập hợp ý kiến và niềm tin hướng đến thay đổi một số thành phần của cấu trúc xã hội và/hoặc vấn đề phân phối của cải xã hội. Phản trào lưu là tập hợp ý kiến và niềm tin chống trào lưu xã hội thịnh hành trong dân chúng”(2).
Học giả Sác-li Tin-ly (Charles Tilly) từ góc tiếp cận “tiến trình chính trị” định nghĩa trào lưu xã hội là “một loạt tương tác diễn ra trong khoảng thời gian dài nhất định giữa phe nắm quyền và những người đại diện tiếng nói cho một nhóm vốn không có đại diện chính thức (về chính trị), trong đó họ công khai đưa ra yêu cầu thay đổi liên quan đến sự phân bổ hay thực thi quyền lực và củng cố những yêu cầu đó bằng sự biểu tình của công chúng”(3).
Những người theo trường phái nghiên cứu “trào lưu xã hội mới” định nghĩa trào lưu xã hội là hành vi tập thể có tổ chức của một giai cấp/nhóm đấu tranh với giai cấp/nhóm đối lập để giành quyền kiểm soát tính lịch sử của một cộng đồng cụ thể, trong đó tính lịch sử được hiểu là hệ thống các hàm ý và giá trị nền tảng đằng sau các quy tắc thống trị xã hội(4). Họ cho rằng, bối cảnh tạo ra sự phát triển của các trào lưu xã hội mới là nền kinh tế hậu công nghiệp, trong đó các trào lưu xã hội mới tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền con người và những lĩnh vực vốn được xem là riêng tư, khác với các trào lưu trong thời kỳ phát triển kinh tế công nghiệp trước đây thường chú trọng vào những vấn đề chất lượng mang tính vật chất(5).
Từ các góc độ khác nhau, khái niệm và cách hiểu về trào lưu xã hội nhấn mạnh những trọng tâm khác nhau, tuy nhiên đều thống nhất ở ba đặc điểm chính của trào lưu xã hội, đó là mạng lưới tương tác phi chính thức; sự đoàn kết và chia sẻ nhận thức, giá trị chung; hành động tập thể thúc đẩy hoặc ngăn cản sự thay đổi xã hội. Một cách hiểu chung nhất, trào lưu xã hội có thể là hành vi mang tính lâu dài hay tiến trình hoạt động tập thể, mạng lưới tương tác phi chính thức giữa nhiều chủ thể (cá nhân, nhóm và/hoặc tổ chức) trên cơ sở cùng chia sẻ một hệ thống nhận thức, niềm tin, bản sắc, giá trị và lợi ích chung, thường phát sinh trong môi trường xã hội có mâu thuẫn, mang tính đấu tranh, với mục tiêu hướng tới sự thay đổi ở một lĩnh vực hay vấn đề xã hội cụ thể.
Biểu hiện và đặc trưng của các trào lưu xã hội
Các trào lưu xã hội thể hiện qua ý tưởng, phong trào, xu hướng chính sách đang ngày càng phát triển, xuất phát từ những lĩnh vực chính trị mà có ảnh hưởng đáng kể trong đời sống quốc tế. Trong số các trào lưu xã hội nổi lên mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu trong những thập niên qua, đặc biệt từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, có tác động sâu rộng nhất phải kể đến ba trào lưu: bình đẳng xã hội; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển bền vững. Chính sách quốc gia, chương trình nghị sự, kế hoạch hành động của các tổ chức khu vực hoặc toàn cầu đang phản ánh sự phát triển và chịu tác động ngày càng mạnh của những trào lưu này. Trong đó, những khẩu hiệu chính sách, như “không ai bị bỏ lại phía sau”, “tăng trưởng bao trùm”, “phát triển bền vững” hoặc những ý tưởng đưa đến các chính sách chống buôn bán người và động vật hoang dã, chống bạo hành, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ,... có thể được xem như những hệ quả tiêu biểu được tạo ra hoặc thúc đẩy từ tác động của các trào lưu này.
Trào lưu bình đẳng xã hội
Về bản chất, những trào lưu đòi bình đẳng đều hướng tới đích chung là xóa bỏ những ranh giới, định kiến đối với các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, chịu nhiều thiệt thòi. Những định kiến mang đậm tính phân biệt khi đã bám rễ sâu trong đời sống xã hội sẽ không chỉ tồn tại đơn thuần qua tư tưởng, suy nghĩ, mà còn thể hiện bằng những lời nói, hành động miệt thị, bạo lực, hay ở mức cao hơn là những quy định, chính sách thiếu toàn diện từ phía chính quyền khiến những nhóm người yếu thế cảm thấy bị tước đi những quyền cơ bản, không được tiếp cận các cơ hội một cách công bằng và thậm chí trong một số trường hợp, có thể bị tước bỏ mạng sống. Những cảm nhận về sự bất công, áp bức đã thôi thúc những người bị phân biệt đối xử có hành động biểu tình, phản kháng nhằm đòi những quyền lợi cơ bản của họ và đấu tranh cho một xã hội công bằng hơn. Sự chia sẻ nhận thức, giá trị và lợi ích chung, tương tác và lan tỏa hành động chung giữa các nhóm biểu tình, phản kháng đã tạo thành những trào lưu xã hội.
Những trào lưu đòi bình đẳng nổi lên thời gian gần đây trên thế giới chủ yếu liên quan đến bình đẳng giới và bình đẳng chủng tộc. Các phong trào nữ quyền đã trải qua bốn giai đoạn phát triển, thường được gọi là bốn làn sóng. Làn sóng thứ nhất khởi đầu vào giữa thế kỷ XIX và kéo dài tới những năm 60 của thế kỷ XX, tập trung vào việc kêu gọi trao quyền bầu cử cho phụ nữ. Làn sóng thứ hai bắt đầu từ khoảng thập niên 60 đến thập niên 90 của thế kỷ XX, nêu nhiều vấn đề hơn, như bình đẳng tiền lương, quyền sinh con, sức khỏe tình dục và chống bạo lực gia đình. Làn sóng thứ ba diễn ra từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI, chủ trương thách thức lại quan niệm về tư tưởng nữ quyền truyền thống. Giai đoạn này, những người ủng hộ nữ quyền tìm cách định nghĩa lại tính nữ, giới tính và nhấn mạnh mối liên hệ giữa chủng tộc, giai cấp và khuynh hướng tình dục. Làn sóng thứ tư mới xuất hiện trong khoảng một thập niên qua, trọng tâm là bài trừ nạn quấy rối tình dục, chống miệt thị vóc dáng, bạo hành phụ nữ. Nét đặc trưng của trào lưu đòi bình đẳng và tăng quyền năng cho phụ nữ hiện nay là việc sử dụng các chiến dịch truyền thông xã hội, đưa vấn đề đấu tranh vào tâm điểm tin tức, mở ra một giai đoạn mới về đấu tranh cho nữ quyền, trong đó mức độ yêu cầu thay đổi cao hơn và ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ hơn(6).
Trào lưu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Vấn đề ô nhiễm và theo đó là bảo vệ môi trường bắt đầu trở thành mối quan tâm chung của các nước trên thế giới kể từ cuối thập niên 50 của thế kỷ XX. So với các phong trào bảo tồn trước đó chủ yếu tập trung vào phát triển và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, các phong trào môi trường phát triển về nội dung, quy mô và nỗ lực hướng tới các mục tiêu bảo đảm chất lượng môi trường và sinh thái.
Mặc dù vấn đề biến đổi khí hậu đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX khi các phong trào bảo vệ môi trường bắt đầu khởi phát mạnh, song phải đến những năm 90 của thế kỷ XX, biến đổi khí hậu mới được xem là mối đe dọa tới nền kinh tế toàn cầu và là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống phức tạp, khó giải quyết nhất trên thế giới. Sự phát triển của trào lưu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự ra đời của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1992.
Trào lưu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia của các chính phủ, cộng đồng, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khu vực, quốc tế, giới học giả, các doanh nghiệp. Hình thức hoạt động của các phong trào này ngày càng đa dạng. Điển hình của trào lưu nàylà Quỹ bảo vệ động vật hoang dã, phong trào “Xanh” ở Anh, phong trào “Thứ sáu vì tương lai” của sinh viên, thanh niên và chiến dịch “Cuộc nổi dậy chống lại sự tuyệt chủng” tại một số nước châu Âu, như I-ta-li-a, Anh, Đức.
Trào lưu phát triển bền vững
Thuật ngữ “phát triển bền vững” được Bác-ba-ra Gua-đơ (Barbara Ward) - nhà kinh tế học người Anh, người sáng lập Viện Quốc tế về môi trường và phát triển, chính thức đưa ra lần đầu tiên trong thập niên 70 của thế kỷ XX. Sau đó, thuật ngữ này trở nên phổ biến qua công trình nghiên cứu “Chiến lược bảo tồn thế giới” của các học giả về môi trường và phát triển do Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế (IUCN) công bố năm 1980(7). Phát triển bền vững ngày nay đã trở thành một mục tiêu và nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia và chương trình nghị sự của các cơ chế liên kết khu vực và toàn cầu, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Liên hợp quốc. Đó là sự phát triển hướng tới tính bền vững dài hạn, trong đó bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế bao trùm và công bằng, tiến bộ xã hội nhằm mục tiêu cuối cùng là phát triển con người; mọi chủ thể được tham gia đóng góp và chia sẻ lợi ích có được từ tăng trưởng kinh tế với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong quan niệm về phát triển bền vững, việc bảo đảm tính “bao trùm” là điều kiện đặc biệt cần thiết, chứa đựng nhiều hàm nghĩa về mặt xã hội. Trên thực tế, tăng trưởng bao trùm gần đây đã trở thành cụm từ được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách sử dụng phổ biến, được đưa vào nhiều chương trình nghị sự của quốc gia cũng như quốc tế. Tăng trưởng bao trùm là thành tố của tăng trưởng bền vững trên cơ sở tạo cơ hội cho tất cả đối tượng khác nhau, mọi thành phần kinh tế trong xã hội đều được tham gia và được nhận lại tương xứng với đóng góp của mình(8). Về phát triển kinh tế, việc bảo đảm tính bao trùm thể hiện ở chỗ mọi người dân, doanh nghiệp và thành phần kinh tế đều được động viên, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển, đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động sản xuất, giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng về cơ hội phát triển kinh tế và thu nhập. Mọi thực thể trong nền kinh tế được bình đẳng tham gia đóng góp và chia sẻ lợi ích, thụ hưởng thành quả có được từ tăng trưởng kinh tế(9). Về phát triển con người, tính bao trùm thể hiện ở việc bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người khuyết tật, thương binh, dân tộc thiểu số,... thông qua cải thiện giáo dục, y tế, dinh dưỡng và mở rộng, tăng cường an sinh xã hội. Theo đó, tăng trưởng bao trùm, bền vững có mối liên quan mật thiết với vấn đề bình đẳng xã hội và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tác động tương hỗ trở thành ba trào lưu xã hội toàn cầu nổi trội hiện nay(10).
Nguyên nhân trực tiếp, cơ bản nhất dẫn tới sự nổi lên của các trào lưu kể trên chính là những sự mất cân đối đang diễn ra rõ nét giữa tốc độ phát triển và tốc độ thích ứng của xã hội, cũng như của năng lực và mô hình quản trị quốc gia và quốc tế, giữa tốc độ phát triển của xã hội loài người và khả năng, ngưỡng chịu đựng của môi trường sinh thái. Cộng hưởng của những sự mất cân đối này làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn xã hội cố hữu trong các cộng đồng dân cư. Nguyên nhân sâu xa, cụ thể hơn bao gồm toàn cầu hóa với sự gia tăng các mặt trái, phản ứng chậm của các thể chế chính trị, kinh tế, xã hội ở cấp quốc gia, khu vực, toàn cầu và sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cùng những khủng hoảng kinh tế - xã hội kèm theo. Toàn cầu hóa đã tạo ra sự chênh lệch, bất bình đẳng trên nhiều khía cạnh trong mỗi cộng đồng và giữa các cộng đồng xã hội. Xu hướng phân biệt giàu - nghèo, chủng tộc, nguồn gốc, bất bình đẳng liên quan đến thu nhập và cơ hội tiếp cận về kinh tế, chính trị, xã hội gia tăng. Xu hướng dân tộc chủ nghĩa được kích hoạt ở nhiều quốc gia, nhất là các nước lớn, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các trào lưu và nhân vật dân túy có xu hướng chống lại chính trị dòng chính và khơi sâu những mâu thuẫn, bất bình đẳng trong xã hội. Cùng với đó, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh sự suy thoái kinh tế, đồng thời làm sâu sắc hơn các mâu thuẫn kinh tế, chính trị - xã hội, bộc lộ rõ nét hơn tầm quan trọng của cách tiếp cận bao trùm và bền vững.
Từ thực tiễn các trào lưu hiện nay, so sánh với giai đoạn trước, có thể thấy một số nét nổi bật sau: Thứ nhất, về địa bàn hoạt động, các trào lưu xã hội hiện nay phát triển mạnh mẽ không chỉ giới hạn ở một quốc gia đơn lẻ, mà còn lan tỏa trong phạm vi khu vực, thậm chí được đẩy mạnh, nhân rộng ở nhiều nước, mang tính toàn cầu. Thứ hai, về lực lượng tham gia, không chỉ có giai cấp công nhân như trước đây, mà còn có sự tham gia của đông đảo thanh niên và tầng lớp trung lưu xã hội. Thứ ba, về mục tiêu hoạt động và đấu tranh, các phong trào xã hội trước đây thường là của những người dân yêu chuộng hòa bình, chống đế quốc, chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình. Ngày nay, các trào lưu xã hội tập trung vào những khía cạnh cụ thể của đời sống xã hội, như đòi quyền bình đẳng, nữ quyền, tăng lương, cải thiện đời sống, đấu tranh chống mặt trái của toàn cầu hóa, đòi dân sinh, dân chủ, phát triển, công bằng xã hội, không phân biệt đối xử, bảo vệ môi trường. Thứ tư, về phương thức đấu tranh, nếu trước đây xuống đường biểu tình, đấu tranh bạo lực, phi bạo lực trong phạm vi từng quốc gia là hình thức chủ yếu, thì trong hai thập niên gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin liên lạc và khoa học - công nghệ đã tạo điều kiện cho quá trình tập hợp lực lượng diễn ra nhanh chóng trên quy mô rộng, xuyên biên giới. Các thay đổi xã hội tại mỗi nước cũng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ hơn khi mạng xã hội kết nối giúp các cá nhân, chủ thể có cùng quan điểm có thể giao tiếp với nhau một cách dễ dàng, từ đó khiến các phong trào xã hội kết nối với nhau, chuyển đổi từ phong trào trong nước thành trào lưu liên quốc gia, liên châu lục. Thứ năm, các trào lưu xã hội là biểu hiện của đời sống quốc tế ngày càng dân chủ hóa từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đặc biệt với sự phát triển của internet và hệ thống mạng xã hội. Tiếng nói của những nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội đã có điều kiện tiếp cận và nhận được nhiều phản hồi từ các lực lượng, chủ thể, như các tổ chức xã hội, các nhóm hoạt động đấu tranh cho bình quyền, nữ quyền, quyền LGBT, bảo vệ môi trường... Mục tiêu hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, trong đó quyền con người được bảo đảm trên quy mô rộng lớn đã tạo nên những trào lưu có sức ảnh hưởng lan tỏa mạnh, tác động hay thậm chí can dự vào những vấn đề vốn thuộc về độc quyền nhà nước. Thông qua các phương thức hành động khác nhau, các trào lưu có khả năng tác động vào quá trình hoạch định chính sách ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu và tác động tới quan hệ quốc tế nói chung.
Tác động của các trào lưu xã hội đối với quan hệ quốc tế
Các trào lưu bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tác động tới quan hệ quốc tế theo cả ba cấp độ - cá nhân/nhóm, quốc gia và quốc tế.
Ở cấp độ cá nhân/nhóm, qua hoạt động và ảnh hưởng của các trào lưu, nhận thức của người dân về thực trạng các vấn đề phát triển, môi trường, khí hậu và bình quyền xã hội tăng lên, làm cho mỗi người hiểu rõ hơn về mức độ ảnh hưởng của những thách thức này và sự cần thiết phải hành động vì bản thân, cộng đồng và xã hội. Với nhận thức chung ngày càng nâng cao và được chia sẻ về các vấn đề toàn cầu, các cá nhân tập hợp lại thành các phong trào, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ để cùng truyền tải thông điệp về tính cấp thiết của các vấn đề xã hội, cũng như nguyện vọng của người dân tới lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế. Đây là những luồng ý kiến góp phần định hình chính sách đối ngoại và chương trình nghị sự hợp tác quốc tế của các nước. Vì vậy, có thể nói, các trào lưu xã hội là nhân tố chủ yếu làm gia tăng sự tham gia và vai trò của các chủ thể phi nhà nước vào đời sống quốc tế cũng như các chương trình nghị sự quốc tế. Trong đó, giao lưu nhân dân trở thành một kênh truyền phát nhận thức về các vấn đề xã hội chung của thế giới.
Ở cấp độ quốc gia, các trào lưu xã hội tác động tới tư duy của các lãnh đạo chính phủ về những vấn đề xã hội nền tảng và nổi cộm, gợi mở định hướng phát triển đất nước nhằm giải quyết những vấn đề này, đáp ứng nguyện vọng của người dân, qua đó tác động tới tính chính danh và uy tín của chính phủ. Thông qua tác động vào tư duy hoạch định chính sách, trong đó có chính sách đối ngoại của các chính trị gia, các trào lưu xã hội trở thành một phần không thể thiếu được phản ánh trong nội dung và quá trình triển khai chính sách đối ngoại của nhiều nước. Ví dụ, trào lưu phát triển bền vững đã thúc đẩy vai trò can dự chủ động, tích cực của các nhóm chủ thể ngoài nhà nước vào các quyết sách và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của chính phủ, trong đó nổi bật có vai trò của các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan hợp tác phát triển, các nhà hoạt động vì phát triển bền vững, các cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách và các tổ chức xã hội. Tại nhiều quốc gia, các nhóm xã hội và tổ chức phi chính phủ có thể góp phần nâng cao chất lượng của các quyết sách thông qua vận động các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách. Các tổ chức phi chính phủ cũng là nguồn huy động lực lượng hậu thuẫn cho các cá nhân, tổ chức chính trị ủng hộ hoặc có chính sách phù hợp với quan tâm ưu tiên của họ. Ngược lại, các cá nhân, tổ chức chính trị thường theo dõi các trào lưu xã hội nổi lên và có ảnh hưởng lớn tới người dân, từ đó định hình những quan điểm, chính sách phù hợp với ưu tiên của người dân hơn để tranh thủ sự ủng hộ. Trào lưu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu khiến các chính trị gia và chính phủ nhận thức rõ hơn và quan tâm nhiều hơn đến nguy cơ khủng hoảng khí hậu, từ đó chú trọng lồng ghép các giải pháp chính sách để hỗ trợ các vùng, miền chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong chiến lược tranh cử và chính sách phát triển quốc gia. Nội hàm khí hậu cũng được đưa vào chính sách đối ngoại, theo đó các quốc gia đẩy mạnh ngoại giao khí hậu và cam kết mạnh mẽ hơn với những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu cả trong nước và thông qua hợp tác quốc tế.
Ở cấp độ quốc tế, tác động của các trào lưu xã hội biểu hiện đa dạng trên nhiều phương diện khác nhau. Các trào lưu tác động tới nhận thức về các vấn đề toàn cầu và chương trình nghị sự của các thể chế đa phương ở cả cấp độ tiểu vùng, khu vực và toàn cầu. Tầm quan trọng và mức độ nghiêm trọng của vấn đề bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển của hợp tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác đa phương nhằm giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách chung. Tiêu biểu là hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển (UNCED), Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững, Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030, Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đều có sự tham gia của đông đảo nguyên thủ quốc gia, quan chức chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, học giả và cả doanh nghiệp. Các trào lưu nổi lên cũng đưa những vấn đề này trở thành nội dung của hợp tác và cạnh tranh giữa các nước lớn trong tập hợp lực lượng, tranh giành ảnh hưởng giữa họ tại các diễn đàn đa phương.
Trong thời gian tới, các vấn đề toàn cầu tiếp tục gia tăng, gây tác động lâu dài và nhiều mặt đối với hầu hết các nước, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, tâm lý, tư duy của cá nhân và xã hội. Trong khi thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ hơn và phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, sự khác biệt trong mỗi xã hội và giữa các quốc gia cũng ngày càng lớn. Trước bối cảnh đó, tính cạnh tranh trong mỗi cộng đồng, quốc gia và trên thế giới có xu hướng gia tăng và khả năng thích ứng được xem là nhân tố quyết định năng lực và ưu thế trong cuộc cạnh tranh này. Nhiều nhận định cho rằng, những quốc gia có năng lực nắm bắt công nghệ mới, xây dựng đồng thuận xã hội, tạo dựng lòng tin và quản lý mối quan hệ với các chủ thể phi nhà nước sẽ có cơ hội thành công cao hơn(11). Theo đó, các trào lưu xã hội có xu hướng ngày càng phát triển với quy mô lan tỏa và ảnh hưởng lớn hơn. Các yếu tố xã hội ngày càng trở thành nhân tố quan trọng được các quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế tính đến trong quá trình hoạch định chính sách và chương trình nghị sự, hướng tới sự phát triển và giải phóng con người trong bước phát triển tiến bộ hơn của đời sống quốc tế và xã hội loài người.
Tại Việt Nam, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và vận dụng vào thực tiễn cách mạng của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những tư tưởng có giá trị về tiến bộ xã hội và các trào lưu xã hội trong quan hệ quốc tế, nhất là tầm quan trọng của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại hiểu theo nghĩa toàn diện, trong đó có khía cạnh tận dụng các trào lưu tiến bộ xã hội trên thế giới. Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đặt con người vào vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển. Đảng luôn xác định một trong những mối quan hệ lớn cần xử lý tốt trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước là quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội(12).
Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) đã đề ra định hướng phát triển đất nước, trong đó có “quản lý xã hội phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội” và “quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”(13). Có thể thấy, Đảng và Nhà nước đã có những nhận thức, quan điểm và tầm nhìn phù hợp với xu thế và trào lưu chung trên thế giới, trên cơ sở đó đề ra những chính sách nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại (thể hiện qua những trào lưu tiến bộ xã hội) phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Trong những năm qua, trên cơ sở nhận thức và đổi mới tư duy về những xu hướng, trào lưu lớn trên thế giới, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam đã có những nội hàm mới phù hợp với sự phát triển của quốc gia và thời đại. Việc hoạch định và triển khai chính sách theo phương châm thúc đẩy các khía cạnh tiến bộ, phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc và khắc phục những mặt trái của các trào lưu đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong thời gian tới, việc nắm bắt sự vận động của các xu thế và trào lưu trên thế giới, trong đó có các trào lưu xã hội toàn cầu, vận dụng bài học kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong bối cảnh mới có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
---------------------
(1) Ralph H. Turner - Lewis M. Killian: Collective Behavior (Tạm dịch: Hành vi tập thể), Subsequent edition, Englewood Cliffs, N. J: Pearson College Div, 1987, tr. 223
(2) John D. McCarthy - Mayer N. Zald: The Trend of Social Movements in America: Professionalization and Resource Mobilization (Tạm dịch: Xu hướng của các phong trào xã hội ở Mỹ: Chuyên nghiệp hóa và huy động nguồn lực), Morristown, N. J: General Learning Press, 1973, tr. 1217 – 1218
(3) Charles Tilly: Social Movements, Old and New (Tạm dịch: Các phong trào xã hội, cũ và mới), Center for Studies of Social Change, New School for Social Research, 1985, tr. 306
(4) Alain Touraine: The Voice and the Eye: An Analysis of Social Movements (Tạm dịch: Tiếng nói và con mắt: Phân tích các phong trào xã hội), Cambridge University Press, 1981, tr. 77, 81
(5) Joseph R. Gusfield: “Social Movements and Social Change: Perspectives of Linearity and Fluidity” (Tạm dịch: Các phong trào xã hội và thay đổi xã hội: Quan điểm về tính tuyến tính và tính lưu động) trong Performing Action: Artistry in Human Behavior and Social Research (Tạm dịch: Diễn biến hành động: Nghệ thuật trong hành vi con người và nghiên cứu xã hội), Routledge, 2000, tr. 26; Mayer N. Zald and Roberta Ash: “Social Movement Organizations: Growth, Decay and Change” (Tạm dịch: Tổ chức phong trào xã hội: Tăng trưởng, suy tàn và thay đổi), Social Forces, 44 (3), 1966, tr. 327 – 341
(6) Những biểu hiện nổi bật của trào lưu này bao gồm phong trào #MeToo, phong trào Time’s Up và số lượng kỷ lục phụ nữ đấu tranh đòi xóa bỏ rào cản vô hình ngăn trở thăng tiến sự nghiệp vì phân biệt giới tính. Chẳng hạn như, tại Ấn Độ, phong trào biểu tình “Bức tường của phụ nữ” (Women’s Wall) hay “Vanitha Mathil” đã thu hút sự tham gia của khoảng 5 triệu phụ nữ Ấn Độ ở mọi lứa tuổi và nghề nghiệp nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ về bình đẳng giới
(7) Jacobus A. Du Pisani: “Sustainable development - historical roots of the concept” (Tạm dịch: Phát triển bền vững - nguồn gốc lịch sử của khái niệm), Taylor & Francis Group, 2006, https://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.1080/15693430600688831?needAccess=true; Võ Minh Tập: “Phát triển bền vững - Một số vấn đề lý luận và thực thi chiến lược trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI”, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, https://css.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=68a55120-f7cd-467f-877b-86744555464e
(8) Hồ Thanh Thủy: “Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”, Tạp chí Tài chính điện tử, ngày 10-9-2018, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/tang-truong-bao-trum-o-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-143653.html
(9) Vũ Văn Phúc: “Phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm ở Việt Nam” (Phần 1), Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 25-11-2019, https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/phat-trien-ben-vung-sang-tao-bao-trum-o-viet-nam-phan-1-125493; Nguyễn Văn Công: “Mô hình tăng trưởng bao trùm và những vấn đề đặt ra với thể chế phát triển của Việt Nam”, Trang thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 7-2-2019, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/mo-hinh-tang-truong-bao-trum-va-nhung-van-de-dat-ra-voi-the-che-phat-trien-cua-viet-nam.html
(10) Những tổ chức phi chính phủ tiêu biểu có đóng góp lớn đối với việc thúc đẩy và thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó liên quan nhiều đến vấn đề bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường và tăng trưởng bao trùm, bao gồm Oxfam International, CARE International, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (World Wide Fund for Nature), Liên đoàn Phụ nữ quốc tế vì hòa bình và tự do (Women’s International League for Peace and Freedom)...
(11) Xem: Global Trends 2040: Navigating A More Contested World (Tạm dịch: Xu hướng toàn cầu 2040: Hướng tới một thế giới có nhiều tranh chấp hơn), United States Institute of Peace, tháng 9-2021, https://www.usip.org/events/global-trends-2040-navigating-more-contested-world
(12) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 80, 104
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 147, 152
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá ở tỉnh Bạc Liêu - Bài học quản lý và phát triển địa phương  (24/04/2023)
Tiếp cận lý thuyết về vấn đề năng lượng trong quan hệ quốc tế  (25/03/2023)
Gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để đưa An Giang phát triển nhanh và bền vững  (01/03/2023)
Thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững  (19/02/2023)
Phát triển thị trường bất động sản bền vững tại Việt Nam  (16/02/2023)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm