“Mệnh lệnh không lời” của người đứng đầu

TS. HÀ ĐỨC LONG
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
11:52, ngày 31-07-2021

TCCS - Sự gương mẫu trong lời nói và hành động của người đứng đầu là “mệnh lệnh không lời” để cấp dưới noi theo. Với tinh thần đó, việc phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu hiện nay có tính cấp thiết hơn bao giờ hết.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1) và “Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ”(2). Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên luôn được Đảng ta chú trọng. Đảng đã ban hành các quy định về trách nhiệm nêu gương, như Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Khi đề cập nội dung “xây dựng Đảng về đạo đức”, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”(3).  

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm doanh nghiệp may mặc  của thương binh làm kinh tế giỏi_ Ảnh: Tư liệu

Theo tinh thần trên, tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Người đứng đầu các cấp phải là người thực hành nêu gương đầu tiên, thể hiện toàn diện trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trách nhiệm trong công tác; tự phê bình và phê bình; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Nêu gương không chỉ là khẩu hiệu, không chỉ là lời nói, mà nói phải đi đôi với làm.

Quán triệt tư tưởng nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, việc phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, gắn với trách nhiệm nêu gương có chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhất là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã thực hiện nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể, với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học tập đi đôi với làm theo”(4). Đại đa số cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp hiện nay đã thể hiện rõ lập trường, tư tưởng, luôn luôn kiên định, vững vàng, “trung với Đảng, hiếu với dân, quyết tâm phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì chủ nghĩa xã hội; năng động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có khả năng nhận diện đúng các quan điểm sai trái, thù địch, kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong cuộc sống và thực tiễn công tác, họ có ý thức nêu gương “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “nhân, lễ, trí, dũng, liêm, trung”, đề cao tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, đặt lợi ích của Đảng, của tập thể lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, sâu sát với quần chúng, thể hiện tinh thần đấu tranh chống bệnh nói suông, thói phô trương, hình thức, lối làm việc quan liêu, tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền…

Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, trong những năm qua, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao. Do mang nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, một bộ phận tham ô, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền; một bộ phận lại “an phận, thủ thường”, “dĩ hòa vi quý”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, chỉ lo giữ mình, giữ việc,… gây bức xúc trong nhân dân. Tính tự giác đi đầu, vai trò nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền chưa thật rõ nét, còn hiện tượng trông chờ, ỷ lại, nói không đi đôi với làm. Không ít cán bộ, đảng viên chỉ dừng lại ở việc hô hào, hình thức, thậm chí “nói một đàng, làm một nẻo”, “diễn gương” chứ không phải “nêu gương”… “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong…, đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”(5). Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiệu quả chưa cao”(6).

Để khắc phục tình trạng trên, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về hiệu quả thực hiện vai trò tiền phong, gương mẫu.

Con người có nhận thức đúng mới có hành động đúng, nhận thức không đúng sẽ vấp phải những sai lầm, khuyết điểm, thất bại. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp là cần thiết. Trên cơ sở các quy định và quan điểm chỉ đạo của Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và từng cán bộ, đảng viên quán triệt, cụ thể hóa, xây dựng thành các quy định cụ thể về nêu gương sao cho sát với chức năng, chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức, lực lượng và mỗi cán bộ, đảng viên trên từng cương vị công tác. Gắn chặt các quan điểm, đường lối của Đảng với việc liên hệ kiểm điểm trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, chỉ rõ căn nguyên của những khuyết điểm, đồng thời chỉ ra phương hướng, biện pháp cụ thể để khắc phục. Đẩy mạnh, đưa công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình đi vào thực chất. Tiến hành tự phê bình và phê bình phải thực hiện đúng phương châm: nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, công tâm, không nể nang, né tránh, phê bình việc làm chứ không phê bình con người. Phát huy những mặt tốt và những nhân tố tích cực để đấu tranh với những biểu hiện sai trái, nhận thức lệch lạc của cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và sự giám sát của các đoàn thể, quần chúng nhân dân.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quan tâm giúp đỡ cán bộ, đảng viên biết cách vận dụng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; xử lý tốt các tình huống nảy sinh trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giáo dục cán bộ, đảng viên về văn hóa công vụ, có ứng xử phù hợp với đồng nghiệp và với nhân dân; thực hiện tốt chế độ học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của người cán bộ, đảng viên… Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên, định kỳ kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Phát huy tốt vai trò giám sát của các đoàn thể, quần chúng đối với việc thực hiện nêu gương. Những ý kiến đóng góp của các đoàn thể, quần chúng cần được coi là một trong những căn cứ quan trọng trong đánh giá cán bộ, đảng viên. Định kỳ tổ chức các hội nghị tập huấn, kịp thời bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật thông tin cho cán bộ, đảng viên theo từng cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về hiệu quả thực hiện vai trò tiền phong, gương mẫu (Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 58 trao chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly cho công dân đủ điều kiện)_Ảnh: TTXVN

Thứ ba, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, tạo động lực tinh thần và trách nhiệm nêu gương cho cán bộ, đảng viên.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải đánh giá khách quan, công tâm những ưu điểm và chỉ rõ, kịp thời uốn nắn những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, phân tích kỹ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục hiệu quả. Thường xuyên, kịp thời cổ vũ, động viên, khích lệ thành tích của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp. Tránh tình trạng thờ ơ, vô trách nhiệm hoặc tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử, không công bằng.

Thứ tư, nêu cao ý thức, trách nhiệm, tích cực, chủ động, tự giác nêu gương ở những việc làm, hành động cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên.

Từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp phải tự mình nêu cao ý thức, trách nhiệm, tích cực, chủ động, tự giác nêu gương ở việc làm, hành động cụ thể thiết thực trong thực hiện cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao. Cần biết phân tích và xử lý tình huống một cách đúng đắn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Mỗi cán bộ, đảng viên cần rèn luyện bản lĩnh chính trị; khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp đỡ đồng nghiệp và nhân dân ở địa bàn cư trú nhận thức đúng, hiểu rõ bản chất và kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay./.

 -----------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 284
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 454
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 183 - 184
(4), (6) Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức học tập, nỗ lực phấn đấu và rèn luyện, không ngừng làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 12-6-2021
(5) Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 2-10-2018, in trong sách Văn kiện Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr. 16