Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong thực thi công vụ, giao tiếp ứng xử với nhân dân
TCCS - Trong thời gian qua, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong thực thi công vụ, giao tiếp ứng xử với nhân dân đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên Công an nhân dân cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong thực hiện trách nhiệm nêu gương khi thực thi công vụ, giao tiếp ứng xử với nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao và phát huy tốt vai trò nêu gương trước quần chúng, trước hết là nêu gương về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Bởi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(1) và “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”(2). Nhận thức rõ tầm quan trọng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, từ Đại hội XI tới nay, Đảng ta đã ban hành 3 quy định về nêu gương, đó là Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công an Việt Nam là Công an nhân dân, là dựa vào nhân dân để công tác, chiến đấu và vì nhân dân phục vụ; coi đây là yếu tố quyết định, là cội nguồn sức mạnh của Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ, giữ gìn an ninh, trật tự. Khi đến thăm và nói chuyện tại Trường Công an trung cấp khóa II năm 1951, Người căn dặn: “Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân... Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”(3).
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua những văn bản quy định của Đảng, để việc nêu gương thực sự tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn lực lượng Công an nhân dân, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Quy định số 136-QĐ/ĐUCA, ngày 6-8-2012, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Quy định số 01-QĐi/ĐUCA-X03, ngày 28-01-2019, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, ủy viên ban thường vụ và người đứng đầu công an các đơn vị, địa phương”. Cùng với đó, Bộ Công an ban hành một số chỉ thị, thông tư về văn hóa ứng xử của Công an nhân dân như, Chỉ thị số 07/CT-BCA, ngày 26-10-2016, về “Tăng cường sự lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới” và Thông tư số 27/2017/TT-BCA, ngày 22-8-2017, “Quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân”. Đồng thời, Đảng ủy Công an Trung ương đã quán triệt đảng ủy công an các cấp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện; hướng dẫn cán bộ, đảng viên trong lực lượng Công an nhân dân phát huy tinh thần, trách nhiệm nêu gương trong thực thi công vụ, giao tiếp ứng xử với nhân dân.
Trước sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của các cấp từ Trung ương đến địa phương, việc thực hiện, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong thực thi công vụ, giao tiếp ứng xử với nhân dân đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Thứ nhất, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong thực thi công vụ có nhiều điểm sáng. Trong thời gian qua, người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy công an các tỉnh, thành phố luôn nêu cao tinh thần gương mẫu trong lời nói, hành động; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc; phát huy đoàn kết nội bộ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cán bộ, đảng viên Công an nhân dân tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy tính tự giác của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thực hiện theo phương châm “cấp trên đi trước, cấp dưới theo sau”, “phát động đi đôi với hành động”, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp đã thể hiện tinh thần quyết liệt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, là chỗ dựa tin cậy cho cán bộ, chiến sĩ trong các mặt công tác, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giải quyết các điểm nóng, những vụ, việc phức tạp, khám phá các vụ án nghiêm trọng, cũng như trong việc giải quyết những khúc mắc, bức xúc qua đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân về những vụ, việc có dấu hiệu của tội phạm và vi phạm pháp luật. Nhiều đơn vị, địa phương không những thực hiện tốt việc này mà còn nêu cao khẩu hiệu hành động: “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân” hay “Đi báo việc, về báo công”.
Thứ hai, việc nêu gương trong giao tiếp ứng xử với người dân, đảng ủy công an các cấp luôn đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy phải biết tôn trọng nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân. Việc làm này được một số địa phương cụ thể hóa thông qua thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng cầu, đường, tặng nhà ở tình nghĩa cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ nguồn xã hội hóa, hỗ trợ người dân ở những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19 vừa qua gây ra,... Điển hình, Bộ Công an đã tổ chức xây mới, sửa chữa 55 căn nhà cho bà con ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - một trong những huyện nghèo nhất của cả nước(4); Công an tỉnh Quảng Bình xây dựng nhà ở tình nghĩa giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh(5)… Trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh, các trường hợp nghi nhiễm; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về giãn cách xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu cách ly tập trung; tăng cường đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng phòng, chống dịch bệnh để phạm tội; phối hợp làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài;... Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và tình nguyện tham gia hiến máu, lực lượng Công an nhân dân đã gương mẫu đi đầu, sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy, thử thách trên tuyến đầu chống dịch bệnh COVID-19 và hiến gần 40.000 đơn vị máu, đóng góp quan trọng để thực hiện mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân(6).
Bên cạnh đó, hằng năm, một số đơn vị thường xuyên tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” để lắng nghe những ý kiến đóng góp về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ, từ đó khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong thực thi công vụ, giao tiếp ứng xử với nhân dân. Đơn cử, Công an thành phố Cần Thơ hằng năm tổ chức hơn 40 diễn đàn trên địa bàn thành phố và nhận được sự khen ngợi, đánh giá cao của người dân về trách nhiệm của lực lượng công an trong thực thi công vụ, giao tiếp ứng xử với nhân dân.
Thứ ba, lực lượng Công an nhân dân gương mẫu đi đầu, thể hiện rõ quyết tâm chính trị, nỗ lực tham mưu, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường cho cơ sở, các đơn vị trực tiếp chiến đấu; triển khai mô hình công an xã chính quy. Thực hiện nghiêm các quy định về phân cấp, phân quyền, kiểm soát quyền lực; tăng cường thanh tra, kiểm tra, coi trọng các hoạt động kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, từng bước khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và việc thực hiện trách nhiệm nêu gương ở từng cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ, giao tiếp ứng xử với nhân dân.
Thứ tư, trên cơ sở thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong thực thi công vụ, giao tiếp ứng xử với nhân dân đã góp phần thực hiện hiệu quả chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước những vấn đề chiến lược về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, mở rộng đối ngoại, hợp tác quốc tế. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; cuộc sống bình yên của nhân dân được bảo vệ. Trong thời gian qua, xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ tận tụy, dũng cảm hy sinh, chịu thương, chịu khó tích cực trong thực thi công vụ, trong công tác, chiến đấu; nhiều sáng kiến, cách làm mới trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học đã thể hiện tinh thần trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, đảng viên Công an nhân dân và truyền thống quý báu “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên Công an nhân dân chưa thực sự gương mẫu; vi phạm tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử, điều lệnh, làm ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an. Một số cán bộ, đảng viên trẻ chưa chịu khó tu dưỡng, rèn luyện, học tập nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, chưa có ý thức tự giác, trách nhiệm đối với công việc, vẫn có tư tưởng bình quân chủ nghĩa. Công tác tự phê bình và phê bình của nhiều cán bộ, đảng viên Công an nhân dân chưa cao, chưa thẳng thắn, thấy sai không dám đấu tranh, thấy đúng không dám bảo vệ; nhiều cán bộ, đảng viên không dám nhận khuyết điểm, sai phạm của mình. Cùng với đó, công tác tự phê bình và phê bình ở một số đơn vị vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm nêu gương. Tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ diễn ra ở một số cơ quan, đơn vị chưa được giải quyết kịp thời; vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo ngại khó khăn, gian khổ, đùn đẩy, né tránh, không sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi tổ chức phân công. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nêu gương của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thường xuyên, nghiêm túc. Việc phát hiện, xử lý những hành vi sai phạm của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân có nơi, có lúc chưa được tiến hành một cách triệt để, cương quyết. Việc phát hiện, xây dựng gương “người tốt, việc tốt” để nhân rộng điển hình tiên tiến và có chính sách biểu dương, khen thưởng ở một số nơi thiếu kịp thời.
Những hạn chế, yếu kém đó xuất phát từ một số nguyên nhân, như công tác tuyên truyền trong việc thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong thực thi công vụ, giao tiếp ứng xử với nhân dân chưa được sâu sát; nhận thức của đội ngũ này về trách nhiệm nêu gương còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên Công an nhân dân chưa nêu cao ý thức trách nhiệm về việc nêu gương trong thực thi công vụ và giao tiếp ứng xử với nhân dân. Việc cụ thể hóa các quy định về nêu gương của một số cấp ủy, tổ chức đảng trong thực thi công vụ và giao tiếp ứng xử với nhân dân vẫn chưa thực sự chủ động, ỷ lại, trông chờ vào ý kiến chỉ đạo của cấp trên; trong giải quyết công việc, một bộ phận cán bộ, đảng viên Công an nhân dân chưa thực sự lắng nghe ý kiến của nhân dân, vẫn dựa vào quan điểm chủ quan, duy ý chí mang tính áp đặt…
Để phát huy hơn nữa trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong thực thi công vụ, giao tiếp ứng xử với nhân dân, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, mỗi cán bộ, đảng viên Công an nhân dân cần tiếp tục học tập "Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân" và thực hiện nghiêm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu gương một cách tự giác, để từ đó hình thành ý thức, thái độ, hành động, trách nhiệm nêu gương của mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị thông qua những việc làm cụ thể. Việc thực hiện nêu gương phải bằng hành động, thống nhất giữa nói và làm, bởi để “vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ” thật trung thành của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương bằng hành động cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, không nói một đằng làm một nẻo, nói mà không làm.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên về nội dung, vai trò và nguyên tắc, phương pháp và phong cách nêu gương. Cụ thể, các cấp ủy, tổ chức đảng trong lực lượng Công an nhân dân cần quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW, Quy định số 55-QĐ/TW, Quy định số 08-QĐi/TW. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân theo Quy định số 136-QĐ/ĐUCA, Quy định số 01-QĐi/ĐUCA-X03 và một số văn bản chỉ đạo của Bộ Công an về văn hóa giao tiếp ứng xử như Chỉ thị số 07/CT-BCA, Thông tư số 27/2017/TT-BCA. Trên cơ sở các quy định này, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng trong lực lượng Công an nhân dân cần cụ thể hóa, xây dựng thành các quy định cụ thể về nêu gương sao cho phù hợp với chức năng, chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức, lực lượng và mỗi cán bộ, đảng viên trên từng cương vị công tác. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ công an với nhân dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ bằng những hành động, hình ảnh đẹp về người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng nhân dân thông qua các phong trào và thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở mỗi địa phương, đơn vị.
Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên Công an nhân dân phải thường xuyên rèn luyện “đạo đức cách mạng”, bởi không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần không ngừng học hỏi, nỗ lực trau dồi tri thức chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ và đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; phải luôn giúp đỡ đồng chí, đồng bào; luôn gương mẫu đi đầu, tận tâm, tận lực trong công việc.
Bốn là, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên Công an nhân dân, đặc biệt là thấm nhuần sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức phải gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”... Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng.
Năm là, các cấp ủy, tổ chức đảng trong lực lượng Công an nhân dân cần chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân của mỗi cán bộ, chiến sĩ; xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; tổ chức rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức, điều động, luân chuyển cán bộ, chiến sĩ phù hợp với trình độ nghiệp vụ, chuyên môn được đào tạo. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm đảng viên, cán bộ, chiến sĩ vi phạm. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và khẩu hiệu hành động của lực lượng Công an nhân dân “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”.
Sáu là, các cấp ủy, tổ chức đảng trong lực lượng Công an nhân dân cần thường xuyên tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; phát phiếu khảo sát lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư điện tử… để tiếp nhận ý kiến của nhân dân. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của nhân dân, các cấp ủy, tổ chức đảng cần có chính sách khen thưởng, biểu dương, nhân rộng tấm gương điển hình tiên tiến, đồng thời kịp thời có các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực thi công vụ, cũng như trong giao tiếp ứng xử với nhân dân của mỗi cán bộ, chiến sĩ./.
-------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 284
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 269
(4) Anh Hiếu - Minh Tiến: “Đượm nghĩa tình chương trình của Bộ Công an hỗ trợ nhà ở cho đồng bào Mường Nhé”, ngày 2-5-2020
(5) Thùy Trang: “Công an Quảng Bình khởi công và bàn giao nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn”, ngày 17-7-2020
(6) Tô Lâm: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân”, ngày 18-5-2
Bộ Công an tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  (14/05/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, giao nhiệm vụ và phát lệnh ra quân bảo đảm an ninh, trật tự ngày bầu cử  (13/05/2021)
Thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và chế độ tập trung dân chủ của ban lãnh đạo  (09/05/2021)
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp  (12/04/2021)
“Nêu cao nhưng bóng chẳng ngay”!  (13/02/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên