Hướng đi bảo đảm an ninh lương thực quốc gia ở đồng bằng sông Cửu Long
"Gạo" đang là vấn đề "nóng" không chỉ gần như của toàn cầu mà ngay cả Việt Nam trong thời điểm hiện nay do nhiều nguyên nhân. Trước thực trạng trên đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam, bên cạnh những thế mạnh đã bộc lộ nhiều bất cập. Việc tìm ra những giải pháp để đồng bằng sông Cửu Long vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa tiếp tục xuất khẩu gạo thu ngoại tệ về cho đất nước cũng là vấn đề không kém "nóng" đối với Chính phủ và các nhà khoa học.
Với diện tích gần 4 triệu ha đất tự nhiên, trong đó trên 65% diện tích được trồng lúa, người dân đồng bằng sông Cửu Long có tập quán lâu đời tổ tiên truyền lại là "tự túc, tự cấp". Tính tự túc lương thực đã được thể hiện trong chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta, được tô đậm nhất sau khi đất nước thống nhất. Trong quá trình thực hiện chính sách lương thực sau thời gian dài chiến tranh khốc liệt, tàn phá ruộng đồng, Đảng và nhân dân lao động đã rút ra nhiều bài học để hoàn chỉnh chính sách an ninh lương thực. Chính sách ấy đã khuyến khích nông dân sản xuất mạnh hơn, góp phần đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng thiếu ăn, rồi chiếm lĩnh vị trí quốc gia xuất khẩu gạo hàng thứ hai thế giới. Gạo Việt Nam đã trở lại thị trường quốc tế từ năm 1989 sau 24 năm vắng bóng(1). Mỗi năm chúng ta xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo và trong tương lai, với tốc độ tăng dân số 1,3%/năm, khoa học công nghệ ngày càng cao, chúng ta vẫn có khả năng xuất khẩu gạo 4 - 5 triệu tấn/năm. Hầu hết lượng gạo dành cho xuất khẩu là từ vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long. Qua cơn "sốt" gạo cuối tháng 4-2008, giữa lúc tình hình lương thực thế giới rất căng thẳng do mùa màng thất thu, nóng ấm toàn cầu, nhu cầu sử dụng tăng cao, lấy đất nông nghiệp để trồng các loại cây sản xuất nhiên liệu sinh học và nhất là chính sách năng lượng mới của Hoa Kỳ sử dụng lương thực để sản xuất cồn ê-ta-non pha vào xăng chạy ô-tô... thì ngoài thế mạnh để phát triển cây lúa, chính sách lương thực của chúng ta đã bộc lộ những yếu kém cần được xem xét.
1 - Những điểm mạnh, cơ hội để phát triển cây lúa của đồng bằng sông Cửu Long
Với cây lúa, Việt Nam đã vượt ngưỡng đói và trở thành quốc gia hùng mạnh về lương thực, trong đó có sự đóng góp lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long do mấy yếu tố sau:
Thứ nhất, nông dân là tài nguyên quý giá nhất. Nông dân Việt Nam rất cần cù, nhạy bén tiếp thu cái mới, không chịu lùi bước trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, với ý chí "tự túc, tự cấp", luôn cố gắng chịu khó sản xuất nông nghiệp trước tiên để đủ ăn. Đây là điểm khác biệt so với nông dân nhiều nước khắp năm châu. Trong điều kiện tương tự về đất đai và thời tiết, nông dân đồng bằng sông Cửu Long sản xuất 5 - 6 tấn lúa/ha/vụ trong khi nông dân ở khu vực Tây châu Phi chỉ sản xuất không quá 2 tấn/ha. Khi sang canh tác trên đất có năng suất 2 tấn/ha của bạn, chúng ta đạt gần 5 tấn/ha(2).
Thứ hai, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật. Các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam có chuyên môn sâu, luôn đi sát thực tế để nắm bắt những yêu cầu của nông nghiệp tại từng vùng sinh thái để rồi tìm tòi, nghiên cứu ra những tiến bộ kỹ thuật mà nông dân cần; biết tham khảo, chọn lọc những tiến bộ khoa học của thế giới để ứng dụng vào các điều kiện địa phương với sự tham dự của người nông dân. Vì thế, cùng giống lúa của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đưa sang, đã thanh lọc lại, chọn ra giống ngắn ngày, kháng rầy nâu cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long sử dụng. Các nước khác hầu như không ai sử dụng giống lúa ngắn ngày như Việt Nam. Điều kiện thiên nhiên đã bắt buộc nhà khoa học và người nông dân cùng tính toán sao cho tránh được lũ lớn hằng năm tràn ngập đồng ruộng, hai vụ lúa hè thu (trước khi lũ lên) và đông xuân (sau khi lũ rút) sử dụng giống lúa 90 - 100 ngày là một kỹ thuật độc đáo.
Thứ ba, tài nguyên đất và nước. Tài nguyên đất của đồng bằng sông Cửu Long được bồi đắp hằng năm bằng phù sa sông Mê Kông liên tục lấp trên những bãi biển đầy rừng sát cách đây khoảng 10.000 năm. Các nhà khoa học đã cùng nông dân từng địa phương nghiên cứu xác định những kỹ thuật sử dụng đất phù sa, đất phèn, và đất nhiễm mặn để đạt năng suất cao với từng loại cây trồng thích hợp, nhất là cây lúa. Bên cạnh đó là nguồn nước thiên nhiên từ dòng sông Tiền và sông Hậu đã được ngành thủy lợi khai thác đưa nước ngọt vào các vùng lúa bảo đảm đủ nước cho những cánh đồng lúa bội thu.
Thứ tư, chính sách nông nghiệp. Đảng và Nhà nước kịp thời đổi mới chính sách nông nghiệp từ khoán 100 (năm 1981) đến khoán 10 (năm 1988) đã tạo điều kiện cho nông dân phấn khởi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nền kinh tế thị trường sản xuất nông nghiệp. Mỗi nông dân làm nông nghiệp đều được giao đất canh tác với quyền sử dụng dài hạn. Đây là điều mà phần lớn nông dân ở các nước đang phát triển chưa hưởng được, họ còn canh tác theo dạng tá điền (các nước châu Phi, Thái Lan, Phi-líp-pin). Suốt thời gian dài, Nhà nước đầu tư cho thủy lợi phục vụ trồng lúa, kèm theo những chiến dịch huy động sức dân để làm thủy lợi nội đồng. Thủy lợi là điều kiện tiên quyết cho tăng 2 - 3 vụ lúa/năm ở đồng bằng sông Cửu Long. Một số nông dân còn có thể trồng 7 vụ lúa/2 năm. Tại vùng không bị lũ ở Tiền Giang, có nông dân trồng 4 vụ lúa/năm.
2 - Những bất cập của hệ thống sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long
Một là, sản xuất manh mún. Đại bộ phận nông dân trồng lúa sản xuất theo nông hộ. Có nơi hợp tác xã nông nghiệp chỉ chủ yếu cung cấp một số dịch vụ như tưới nước, làm đất. Mỗi nông dân sản xuất một cách tự phát: tự chọn giống lúa, tự quyết định khâu kỹ thuật, tự tìm đầu ra... mặc dù có hệ thống khuyến nông. Trên một vùng đất có thể gieo trồng từ 10 đến 20 giống lúa khác nhau. Sản xuất riêng lẻ khiến chi phí rất cao, thành phẩm hạt gạo khó đạt chất lượng cao vì thương lái phải trộn nhiều loại lúa với nhau. Rất nhiều nông dân sản xuất nhỏ phải chịu nhiều thiệt hại vì mùa màng bị sâu bệnh, thiếu phân, thiếu nước...
Hai là, khả năng tiếp cận thị trường của nông dân trồng lúa rất giới hạn, dẫn đến lợi tức họ được hưởng rất thấp. Đặc điểm của nông dân đồng bằng sông Cửu Long là bán sản phẩm trực tiếp cho thương lái ngay tại đồng ruộng. Do không có phương tiện để chở khối lượng lớn sản phẩm đến nơi xa; đường sá nông thôn còn rất thô sơ, sông rạch nhiều chằng chịt, với hàng ngàn cầu khỉ vẫn còn khắp nơi, khiến cho nông dân vùng sâu, vùng xa của đồng bằng sông Cửu Long rất ngại đi đến trung tâm thương mại huyện. Khi sản phẩm của mình đã trao tay cho thương lái, người nông dân không còn cơ hội để hưởng giá trị gia tăng của sản phẩm mình làm ra. Khi giá sản phẩm tăng vọt bất ngờ, nông dân không được hưởng lợi mà chỉ có thương lái và các công ty lương thực mua lại sản phẩm từ thương lái hưởng.
Thực tế cho thấy hầu hết các công ty lương thực đều không có vùng lúa nguyên liệu, không trực tiếp mua nguyên liệu từ nông dân, mặc dù có nơi hai bên đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Sự lưu thông lương thực tiêu dùng trong nước hầu như do thương lái nắm giữ từ bạn hàng xáo ở chợ địa phương đến các chợ huyện hay tỉnh. Các công ty lương thực dường như chỉ tập trung thu mua gạo nguyên liệu từ các thương lái để phục vụ xuất khẩu.
Chính sự bất cập trong khâu tiếp cận thị trường này mà trong thời gian qua, lợi tức của nông dân trồng lúa không tăng cao được.
Ba là, diện tích đất trồng lúa bị mất dần. Tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa vừa qua đã làm cho diện tích đất trồng lúa tốt giảm khoảng 300.000 ha, và xu thế này vẫn đang tiếp diễn do chính sách phát triển khu công nghiệp nhằm thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng. Nếu tiếp tục phát triển như thế, không lâu nữa đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn đất để sản xuất lương thực hàng hóa như hiện nay.
3 - Phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu để nâng cao sản lượng lương thực bền vững
- Trong giai đoạn lương thực thế giới đang khan hiếm, nên tập trung sản xuất giống lúa ngắn ngày, kháng rầy nâu và năng suất cao.
Từ năm 2005, phong trào sản xuất gạo chất lượng cao để cạnh tranh với Thái Lan ngày càng được các công ty xuất khẩu khuyến khích. Nhưng, nông dân đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại bởi phần lớn các giống lúa này không kháng rầy nâu và năng suất chỉ đạt trung bình. Trong giai đoạn lương thực thế giới đang khan hiếm, tập trung phát huy lợi thế lúa Việt Nam, gia tăng sản lượng lương thực bằng giống lúa ngắn ngày (dưới 100 ngày) kháng rầy và năng suất cao nhằm vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia vừa có gạo để xuất khẩu.
- Nâng cao sản lượng lương thực và gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm của nông dân trồng lúa.
Nhà nước cần đẩy mạnh công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất nhỏ liên kết lại trong những tập đoàn sản xuất, cụm nông nghiệp, hoặc hợp tác xã nông nghiệp để được đầu tư đồng bộ về kỹ thuật sản xuất lúa hiện đại nhất, với giống lúa kháng rầy nâu, ngắn ngày. Những tập thể hợp tác này phải được gắn liền với doanh nghiệp chế biến và phân phối lương thực, giảm bớt những khâu trung gian của thương lái, lợi tức sẽ được tích lũy lại nhiều hơn cho nông dân. Ngay cả trong trường hợp giá cả thay đổi, nông dân vẫn được hưởng lợi.
- Xác định lại vai trò của Tổng công ty lương thực, Hiệp hội lương thực và các công ty lương thực của các tỉnh.
Công ty lương thực của mỗi tỉnh cần trực tiếp gắn liền với vùng nguyên liệu gạo của tỉnh mình, đồng thời các hợp tác xã/tập đoàn sản xuất hoặc cụm sản xuất lúa sẽ hình thành, không phó thác cho thương lái.
Tổng công ty lương thực không nên trực tiếp xuất gạo (trừ trường hợp Tổng công ty có đầu tư cho vùng nguyên liệu nào đấy) mà nên làm môi giới cho các công ty lương thực của tỉnh vì chính các công ty này mới có nông dân và có lúa.
Công ty lương thực tỉnh phải nắm được lượng gạo dự trữ cho tỉnh mình, lượng gạo thường xuyên cho các điểm bán gạo trong tỉnh, và lượng gạo xuất khẩu.
- Thiết lập hệ thống thông tin lương thực quốc gia.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải là cơ quan tham mưu tin cậy của Thủ tướng về những số liệu chính xác tình hình sản xuất lúa ở từng thời điểm của từng địa phương trong nước. Trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông ngày nay, số liệu về diện tích vừa gặt với giống lúa gì, sản lượng ước tính của một địa phương trong nước sẽ được ngành nông nghiệp địa phương thu thập và truyền số liệu về tỉnh, tỉnh truyền lên trung tâm hệ thống thông tin lương thực quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với hệ thống này, Bộ có thể báo cáo với Thủ tướng chính xác về số lượng lương thực đang dự trữ, số lượng có thể cho xuất khẩu. Như vậy, Thủ tướng và Bộ Công Thương sẽ có cơ sở quyết định thời điểm và số lượng lương thực xuất khẩu. Chủ động được số lượng, các công ty lương thực sẽ dễ dàng thương thuyết với bạn hàng nước ngoài để đạt giá tốt nhất.
- Xây dựng giá lúa hợp lý.
Cần giữ giá lúa ở mức bằng nửa giá phân u-rê (1 urê = 2 lúa) để nông dân có được lợi hơn. Không nên định mức giá lúa quá thấp gây ảnh hưởng bất lợi cho nông nghiệp. Dĩ nhiên với giá lúa cao hơn, một bộ phận nhỏ (khoảng 20% dân số) phải chịu mua gạo với giá cao hơn, Nhà nước cần có chính sách trợ cấp cho nhóm dân nghèo thành thị.
- Đầu tư hạ tầng thiết yếu.
Nhà nước phải đầu tư các kết cấu hạ tầng thiết yếu, nhất là sớm xóa các cầu khỉ ở nông thôn, xây đường sá, cầu cống khang trang ở cả các vùng sâu vùng xa. Sửa chữa các kênh mương thủy lợi bị bồi lắng, hư hỏng; xây mới công trình thủy lợi phục vụ các mô hình lúa - tôm, lúa - cá. Tôn tạo các tuyến đê bao quanh các vùng lúa vụ 3. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các cụm, tuyến dân cư.
Được như thế nông thôn của đồng bằng sông Cửu Long mới có bộ mặt khang trang, người nông dân nhờ đó có điều kiện sinh hoạt, sản xuất và tiếp cận thị trường có lợi nhất.
Để nông thôn Việt Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trở nên khang trang hiện đại, nông dân có đủ điều kiện nâng cao sản lượng nông nghiệp bền vững, cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc hơn, Nhà nước cần đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn./.
Xã hội hóa vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng và hội nhập kinh tế quốc quốc tế  (12/06/2008)
Xã hội hóa vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng và hội nhập kinh tế quốc quốc tế  (12/06/2008)
Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Quảng Trị  (12/06/2008)
Dấu hiệu vượt qua đà suy thoái của nền kinh tế Mỹ?  (12/06/2008)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên