Ngày 12-6-2008, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về: Xã hội hóa vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng và hội nhập kinh tế quốc tế. Phối hợp thực hiện Hội thảo còn có các cơ quan: Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Hội Khoa học và Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, Hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam, Hội Các phòng thử nghiệm Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Hơn 100 nhà khoa học, quản lý thuộc các bộ, ngành, các cơ quan trung ương và địa phương đã đến dự.

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, các nhà khoa học đều cho rằng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Do đó, nó phải được thể hiện trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội của các ngành, các cấp, các địa phương nhằm đáp ứng quyền lợi bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng thực phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi ngành, mọi gia đình, mọi người, là biểu hiện của nếp sống văn hóa, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của xã hội văn minh, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Bàn thảo đến các giải pháp cho việc tiến hành xã hội hóa lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phát triển hiệu quả và bền vững, các nhà khoa học nhấn mạnh:

Thứ nhất, xây dựng, thực thi và hoàn chỉnh thể chế xã hội hóa lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có cơ chế chính sách về tài chính, các biện pháp khuyến khích tham gia đầu tư vào lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ hai, xây dựng năng lực thực thi thể chế để chủ trương xã hội hóa lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là phong trào quần chúng nhất thời mà là một công việc thường xuyên và lâu dài, trở thành tập quán trong đời sống hằng ngày của nhân dân.

Thứ ba, huy động các nguồn lực tài chính khác nhau (Nhà nước, tư nhân, viện trợ nước ngoài, viện trợ của các tổ chức NGO..) phục vụ cho công tác xã hội hóa lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành lập các tổ chức của những người tình nguyện tham gia giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ lương thực, thực phẩm.

Thứ tư, xây dựng các mô hình sản xuất các loại nông sản, lương thực, thực phẩm an toàn để rút kinh nghiệm nhằm áp dụng sản xuất đại trà. Khuyến khích việc thành lập các phòng thí nghiệm tư nhân để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm này nhằm hiện đại hóa, đáp ứng kịp thời các đòi hỏi của công tác kiểm nghiệm.

Thứ năm, kịp thời đào tạo, bồi dưỡng các lớp ngắn hạn và dài hạn về kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và lựa chọn phòng thử nghiệm được công nhận hoặc được chỉ định để phân tích các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ sáu, khen thưởng kịp thời các cơ sở, doanh nghiệp, các cá nhân nhằm thực hiện tốt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời xử phạt nghiêm minh và mang tính răn đe đối với các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm quy định và luật pháp của Nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm./.