Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với các ủy ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
TCCS - Ngày 31-7-2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Xã hội và Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đánh giá kết quả hoạt động của các cơ quan từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Quốc hội khóa XV đã đi được hơn nửa nhiệm kỳ; hoàn thành khối lượng công việc khá lớn trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia và đối ngoại. Đến nay, các cơ quan đã hoàn thành 89/109 nội dung, nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội (đạt 81,7%). Trong đó, Ủy ban Xã hội đã hoàn thành 10/17 nhiệm vụ; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục hoàn thành 6/6 nhiệm vụ; Ban Công tác đại biểu hoàn thành 10/13 nhiệm vụ. Trong 156 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành 131 nhiệm vụ (đạt 83,97%), trong đó, Ủy ban Xã hội đã hoàn thành 25/27 nhiệm vụ; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã hoàn thành 14/15 nhiệm vụ; Ban Công tác đại biểu đã hoàn thành 4/5 nhiệm vụ.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò, sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Ủy ban Xã hội; Ban Công tác đại biểu trong kết quả chung của Quốc hội; ghi nhận, biểu dương lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức 3 đơn vị; đồng thời chỉ rõ một số hạn chế, như: công tác phối hợp chưa đồng bộ; việc xây dựng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ chưa sát thực tiễn.
Trong thời gian tới, các đơn vị tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; quan tâm đời sống cán bộ công chức, viên chức; tập trung chấn chỉnh lề lối làm việc, sắp xếp công việc khoa học, trọng tâm, trọng điểm. Phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị nội dung, xây dựng dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8; phối hợp tham mưu tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6; đẩy nhanh tiến độ các nội dung, đề án còn lại thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội; tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch để ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nội dung được giao trong các luật, nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở quy chế, quy định về chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan thực hiện "đúng vai, thuộc bài". Tiếp tục nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 để trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8; triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án tổ chức Kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và hội đồng nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý chỉ đạo rà soát, đổi mới, hoàn thiện các quy trình, thủ tục theo hướng ngày càng khoa học, thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả; rà soát, xem xét các chế độ, chính sách, bảo đảm "đúng, trúng" tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, triển khai tốt chính sách tiền lương mới từ tháng 7-2024. Đặc biệt, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, về kỷ luật phát ngôn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội, tinh thần trách nhiệm của Thường trực Ủy ban, tập thể lãnh đạo và từng thành viên Ủy ban, toàn bộ công việc, hoạt động theo chương trình công tác đề ra đã được hoàn thành, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ. Ủy ban Xã hội đã chủ trì thẩm tra 6 dự án luật, 5 nghị quyết của Quốc hội, 5 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham gia thẩm tra 35 dự án luật, pháp lệnh, 8 dự thảo nghị quyết... Về giám sát, Thường trực Ủy ban tham gia tích cực vào các hoạt động của các đoàn giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoàn thành việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật, các đoàn giám sát chuyên đề, khảo sát theo đúng kế hoạch.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban đã chủ trì thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, thông qua 1 luật; thẩm tra, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu 1 dự án luật; thẩm tra đưa vào chương trình lập pháp năm 2024 của Quốc hội 2 dự án luật. Ủy ban chủ động phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan rà soát việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật trong lĩnh vực phụ trách; kiến nghị rà soát 3 luật, nghiên cứu, đề xuất xây dựng 6 văn bản quy phạm pháp luật mới, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số luật chuyên ngành và rà soát, kiến nghị xây dựng 9 nghị định của Chính phủ.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, Ban Công tác đại biểu được Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ mới, lần đầu triển khai xây dựng. Ban đã thực hiện khối lượng công việc lớn, chủ trì tham mưu 1 nghị quyết của Quốc hội, 11 nghị quyết quy phạm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 1 chuyên đề, 5 đề án; tổ chức 22 hội nghị bồi dưỡng đại biểu Quốc hội với hơn 2.000 lượt đại biểu tham gia.../.
Hà Phương (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Công đoàn Việt Nam đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, khẳng định vai trò nòng cốt trong xây dựng giai cấp công nhân  (29/07/2024)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước  (12/07/2024)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước; dự Kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước  (04/07/2024)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên