Nhớ về đồng chí Nguyễn Phú Trọng!
TCCS - Trong những ngày tháng 7 này, nhiều bài báo, bài viết, thước phim, dòng chia sẻ kỷ niệm về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nổi bật trên các phương tiện truyền thông xã hội. Nhân dân bày tỏ tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ, tiếc thương khi biết Tổng Bí thư không còn nữa. Được công tác và làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Tạp chí Cộng sản, tôi xin chia sẻ đôi dòng cảm nghĩ về Đồng chí.
1. Năm 1990, tôi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Kishinev, Moldova về nước, với tâm thế đi làm theo đúng chuyên môn được học. Ngày đó, Bộ Giáo dục và Đại học vẫn còn chế độ gửi giấy giới thiệu sinh viên mới ra trường về các bộ, ngành. Tôi được giới thiệu về Vụ Pháp chế của Bộ Công nghiệp và Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, thời gian này, tôi sắp sinh cháu đầu nên đành gác công việc lại sang năm sau. Đầu năm 1992, một người bạn thân thiết học cùng bên Liên Xô đến nhà tôi chơi và giới thiệu: “Tạp chí Cộng sản đang tuyển cán bộ biên tập đấy, các em có đứa nào muốn thi vào không?”. Chồng tôi lúc đó đang làm việc ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, nên bảo, thôi để cho vợ em thi. Thế là tôi làm hồ sơ thi trong khi những hiểu biết về Tạp chí Cộng sản, về công việc của biên tập viên của tôi là con số không tròn trĩnh. Tôi gấp rút mượn sách, tài liệu và rất nhiều Tạp chí Cộng sản về đọc, nghiên cứu.
Kỳ thi năm đó, Tạp chí có gần 30 thí sinh, thi viết và phỏng vấn; còn ngoại ngữ và tin học là điều kiện cần, có chứng chỉ. Tôi nhớ bài thi viết năm đó gồm 3 câu: Câu 1: Anh (chị) hãy bình luận Vì sao Liên Xô sụp đổ (tôi nhớ không chính xác từng chữ); Câu 2: Biên tập 1 đoạn văn chính luận; Câu 3: Vì sao anh (chị) lại mong muốn vào làm việc ở Tạp chí Cộng sản? Bài thi được rọc phách rồi chuyển tới lãnh đạo và các trưởng ban của Tạp chí Cộng sản chấm. Sau khi chấm xong, bài thi được ráp phách lại và sẽ xét tuyển những người có số điểm từ điểm cao xuống thấp. Tôi may mắn đạt điểm cao nhất. Năm đó, nhóm chúng tôi đỗ được 6 người, ai học chuyên môn gì thì về làm việc tại ban chuyên môn đó (học kinh tế thì về Ban Kinh tế; học văn học thì về Ban Văn hóa - Xã hội; học triết học, chính trị học, luật về Ban Chính trị - Triết học…). Vì là học luật nên tôi được về Ban Chính trị - Triết học do chú Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng ban, sau này chú Nhân được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập.
Từ tháng 8-1992, tôi chính thức được làm cán bộ biên tập của Tạp chí Cộng sản, thời điểm này đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Biên tập. Như vậy, ngay từ năm 1992, Tạp chí Cộng sản đã có phương thức tuyển chọn cán bộ bằng hình thức thi tuyển rất bài bản, công khai, minh bạch, mà thời gian sau này các cơ quan nhà nước mới tổ chức thi tuyển. Đây chính là mục tiêu đào tạo thế hệ cán bộ biên tập trẻ một cách căn bản, lâu dài và ổn định do Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản đề ra.
Hai năm đầu khi mới được nhận vào Tạp chí, chúng tôi chưa phải bắt tay vào viết hay biên tập bài mà được đào tạo từ những việc cụ thể, như: Đọc, ghi chép nội dung chủ yếu một số tác phẩm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin và trình bày thu hoạch sau mỗi tuần làm việc; kiểm tra trích dẫn, đọc mo-rát..; tham dự các khóa học ngắn hạn về các loại hình báo chí thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc tế…); cách tổ chức tìm đề tài, tư liệu cho một bài viết thuộc lĩnh vực nghiên cứu hoặc thực tiễn; các "kỹ năng mềm" của nhà báo; đi thực tế và tập tiếp xúc với cộng tác viên. Các giảng viên giảng dạy, hướng dẫn chúng tôi lúc đó là những nhà báo, nhà lý luận có tiếng, như nhà báo: Hà Đăng, Hữu Thọ, Hà Xuân Trường, Đặng Xuân Kỳ, Đào Duy Quát, Đỗ Quý Doãn…, cùng các đồng chí trong Ban Biên tập của Tạp chí Cộng sản.
Giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Biên tập cũng là giai đoạn khó khăn của đất nước nói chung và của công tác tư tưởng, lý luận nói riêng, khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội thoái trào, không ít cán bộ, đảng viên lung lay, dao động; hơn bao giờ hết, Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng - đã có những bài viết sâu sắc, thuyết phục, góp phần xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng, lý luận của Đảng. Qua đó càng thấy bản lĩnh và việc phải chịu trách nhiệm rất lớn của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng phải vào thời điểm đó.
2. Là cán bộ biên tập trẻ, ít được tiếp xúc trực tiếp với Đồng chí, nhưng không có cảm giác xa cách mà rất gần gũi, thân thiện, nhưng nghiêm túc, luôn chu đáo, ân cần trong từng lời nói, việc làm, qua cách cư xử, qua các hoạt động chuyên môn, qua từng bài biên tập, bài viết. Cán bộ Tạp chí Cộng sản hồi đó rất ít, chỉ có khoảng trên 60 người, nên cách sống và ứng xử với nhau thân tình như trong gia đình, nhưng rất nghiêm túc. Đồng chí luôn điềm đạm, hầu như không to tiếng, nặng lời ai bao giờ, nhưng mọi việc đều đâu vào đấy, nền nếp. Từ Đồng chí toát ra cái uy của người lãnh đạo, gương mẫu, thấu hiểu, công bằng, nhưng rất nghiêm khắc và nhất quán. Đồng chí xử lý mọi việc nhẹ nhàng, mềm dẻo, có nguyên tắc, nên mọi người đều nể phục. Với tư duy lô-gíc, khúc triết, rõ ràng và giọng nói hay, trầm bổng, khi Đồng chí phát biểu ai cũng bị lôi cuốn bởi cách trình bày rất khoa học, dễ hiểu, rõ ràng, thể hiện cái uy của người lãnh đạo.
3. Nhà riêng đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở số 16 Nguyễn Thượng Hiền, gần cơ quan Tạp chí Cộng sản, hằng ngày, Đồng chí về nhà ăn trưa. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng sang nhà Đồng chí. Mặc dù chỉ 4 năm được làm cán bộ dưới thời của Đồng chí (từ năm 1992 đến năm 1996), nhưng trí tuệ, phong cách, bản lĩnh, tình cảm của Đồng chí, những gì tôi cảm nhận được vẫn còn lưu giữ cho đến tận ngày hôm nay. Và tôi tin rằng, ai đã từng làm cán bộ dưới thời của Đồng chí cũng đều cảm nhận như vậy. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng sắc sảo về chuyên môn, bản lĩnh trong cách xử thế, lối sống nhân hậu, giản dị.
Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 9-6-2012, đồng chí Nguyễn Phú Trọng về thăm và có bài phát biểu rất sâu sắc về con đường phát triển của Tạp chí Cộng sản, nhắc nhở đội ngũ cán bộ phải làm đúng tôn chỉ, mục đích của Tạp chí và “đúng vai, thuộc bài”. Làm việc xong, Đồng chí đến bắt tay, ân cần hỏi thăm từng người, thậm chí còn nhớ tên từng thành viên trong gia đình của cán bộ. Thật là cảm động!
Khi nghe tin Đồng chí ốm nặng, trong tôi vẫn le lói hy vọng Đồng chí sẽ qua được. Nhưng khi tin buồn chính thức được phát ra thì tự nhiên nước mắt tôi cứ rơi không ngớt; cảm giác mất mát như mất một người thân yêu ruột thịt. Và tôi tin rất nhiều người dân đất Việt đều cảm thấy đau thương, mất mát như vậy./.
Nhân dân cả nước tiếc thương, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng  (27/07/2024)
Nhân dân cả nước tiếc thương, tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng  (27/07/2024)
Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xúc động những dòng sổ tang của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân  (25/07/2024)
Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể  (25/07/2024)
Lào tuyên bố quốc tang tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (22/07/2024)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay