Bất chấp sóng gió của nền kinh tế do những tác động của lạm phát, kết quả ngoạn mục của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2008.
Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2008, cả nước đã thu hút được 31,6 tỉ USD vốnFDI, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2007. Trong 6 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã góp vốn đầu tư thực hiện khoảng 5 tỉ USD, tăng 37,6% so với vốn thực hiện của cùng kỳ năm trước. Quy mô vốn đầu tư bình quân đạt 64,7 triệu USD/dự án, mức cao nhất từ trước đến nay.
Những kỷ lục về hút vốn đầu tư nước ngoài này là minh chứng các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào triển vọng sáng sủa của nền kinh tế Việt Nam. Mới đây, ông Ben Bingham, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói IMF vẫn giữ nguyên quan điểm là câu chuyện về cải cách kinh tế dài hạn của Việt Nam đã làm cho đất nước trở thành một điểm đầu tư trực tiếp nước ngoài rất hấp dẫn trong những năm gần đây.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 6 vừa qua, đại diện các nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản đều phát biểu mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhưng các nhà đầu tư đều nhìn nhận Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy mạnh mẽ vào Việt Nam dù môi trường trong nước và quốc tế có khó khăn là một minh chứng cho các cuộc cải cách mà Chính phủ đã tiến hành trong thập kỷ qua.
Theo Điều tra hàng năm của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tiến hành trên 1.745 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại châu Á, Việt Nam được đánh giá rất cao về triển vọng đầu tư cả trung và dài hạn. Về trung hạn, có 92,6% doanh nghiệp sản xuất và 88% doanh nghiệp dịch vụ dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới. Về dài hạn, trong vòng 5-10 năm tới, Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á.
Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2007 của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng rất khả quan, với 77,8% doanh nghiệp sản xuất có lãi, so vớimức bình quân chung của các doanh nghiệp sản xuất trong diện điều tra là 70,8%.
Theo “Các cơ hội mới cho các nhà bán lẻ” - Báo cáo thường niên năm 2008 của AT Kearney, một công ty chuyên về tư vấn quản lý của Hoa Kỳ về mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ tại 30 nền kinh tế mới nổi, Việt Nam đã thăng hạng 3 bậc so với năm 2007 và vượt qua Ấn Độ, Nga và Trung Quốc trở thành địa điểm hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ.
Có được những kết quả này, theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), là nhờ những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ cũng như thúc đẩy giải ngân vốn FDI bằng việc rà soát, so sánh với tiến độ cam kết, đề xuất giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ từ Trung ương. Nhiều dự án quy mô lớn khai trương, động thổ ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư như dự án Hồ Tràm (mới cấp phép tháng 4-2008) xây dựng khu du lịch, khách sạn cao cấp với tổng vốn cam kết 4,2 tỉ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án sản xuất xe máycủa Tập đoàn Piagio đã hoàn thành nhà xưởng vào tháng 5-2008.
Tuy thế, cũng phải thấy rằng nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với các khó khăn trong thời gian gần đây như lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, thâm hụt ngân sách gia tăng và nguy cơ về mất ổn định tiền tệ. Tình hình trên khiến Standard & Poor's - một trong 3 công ty chuyên đánh giá hệ số tín nhiệm lớn nhất trên thế giới - trong một công bố đầu tháng 5-2008 đã thay đổi đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ “ổn định” sang “tiêu cực” trong trung hạn, dấu hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế đã bắt đầu lo lắng về khả năng “hạ nhiệt” nền kinh tế tăng trưởng quá nóng thời gian qua.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 18-6 vừa qua, lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng các quốc gia và vùng lãnh thổ có môi trường thuận lợi với thương mại quốc tế năm 2008, Việt Nam ở hạng 91 do chỉ số “tiếp cận thị trường” chỉ đạt 112/118, còn chỉ số về hàng rào thuế quan đứng ở vị trí 114/118 (thấp nhất trong các nước ASEAN). Chi phí đầu tư cao cũng là một thách thức lớn cho thu hút và giải ngân FDI trong thời gian tới.
Để tiếp tục mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, ông Phan Hữu Thắng cho rằng cần phải tiếp tục cải thiện môi trường pháp lý, thủ tục hành chính, quản lý nhà nước và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài./.
|